Nguyên Ngọc
Hình
như về âm vọng chữ “tử tế” còn thường để chỉ thái độ cẩn trọng, kỹ lưỡng đối
với những gì tưởng là nhỏ, nhỏ nhoi, gần như không đáng kể hoặc không ai biết,
không ai chú ý, chỉ có tự mình biết với lòng mình thôi...
Tôi có một người bạn rất tử tế.
Tôi
có cẩn thận hỏi một nhà Hán học theo từ nguyên thì hai từ “tử tế” nghĩa là sao,
được giảng cho rằng “tử” có nghĩa là gánh vác, còn “tế” là nói về sự kỹ lưỡng,
cẩn trọng, tinh tường. Tôi nghĩ thêm đấy là truy theo gốc chữ Hán, còn khi đã
thành từ Hán Việt tức của người Việt dùng, thì hình như về âm vọng chữ “tử tế”
còn thường để chỉ thái độ cẩn trọng, kỹ lưỡng đối với những gì tưởng là nhỏ,
nhỏ nhoi, gần như không đáng kể hoặc không ai biết, không ai chú ý, chỉ có tự mình
biết với lòng mình thôi, vậy mà mình vẫn một mực thấy trách nhiệm gánh vác,
không thì lòng dạ không thể yên.
Anh
bạn tôi là người miền Bắc, vào miền Nam
đâu khoảng trước Hiệp định Paris
ít lâu, tức đầu năm 1973, thuộc một đơn vị chi viện cho chiến trường chúng tôi.
Những đơn vị như vậy do trung ương phái vào khi một địa phương nào đó cần
thiết, phối hợp đánh năm ba trận, rồi trở ra hoặc chuyển sang chiến trường
khác. Đơn vị anh ấy đến hoạt động ở một vùng giáp ranh. Từ “giáp ranh” hồi đó
thường có hai nghĩa: đấy là vùng nửa núi nửa đồng bằng, nói chữ thì gọi là “bán
sơn địa”, toàn gò đồi, cho đến thời 1972-1973 thì đã bị chiến tranh quét sạch
chẳng còn chút màu xanh nào trên mặt đất, rất thuận lợi cho quân Mỹ và lực
lượng Sài Gòn triển khai sử dụng binh khí kỹ thuật hiện đại. Giáp ranh cũng là
vùng giành đi giật lại giữa hai bên, đến nát ra. Nên rất ác liệt, và rất thưa
dân. Sót lại chỉ còn là những túp lều tạm bợ, bị bắn nát hay bị đốt đi đốt lại
không biết bao nhiêu lần, mỗi gia đình thường chỉ còn cố gắng trụ lại trong túp
lều rách nát ấy một người để mà giữ ruộng hay rẫy, những người khác đều đã tìm
cách chạy lên núi hoặc lánh vào thành phố qua ngày... Tất cả cứ như đã được sắp
sẵn, cảnh và người, và cả cái không khí đặc biệt vừa gay gắt và chập chờn sống
nay chết mai chẳng có gì chắc chắn cả, vừa lãng mạn và dễ có chút liều lĩnh một
cách kỳ lạ... để cho anh bạn tôi, sĩ quan trẻ, học sinh mới ra trường, đánh
nhau loại khá, lại cũng có bắt đầu viết lách đôi chút…, anh bạn trẻ của tôi gặp
tấn kịch nhỏ của đời mình. Anh được bố trí ở trong một túp lều như vậy, và ở
đấy có một người trụ lại một mình, một thiếu phụ lỡ làng vì chiến tranh, hết
sức quê mùa, chất phác, hoàn toàn mù chữ. Và rồi chuyện khó tránh đã xảy đến.
Chỉ có anh biết. Chỉ có chị biết... Và rồi đơn vị anh ra đi, anh ra đi, cả hai
đều hiểu hẳn sẽ không bao giờ còn trở lại.
...
Hiệp định Paris
rồi, nhưng chiến tranh đâu có kết thúc ngay, càng khó khăn và ác liệt một cách
khác, mấy năm sau mới chịu chấm dứt. Anh rời quân ngũ, trở về quê, một thành
phố biển yên bình và đẹp. Có vợ có con, chị ấy trẻ đẹp, cũng có thể gọi là một
nữ trí thức. Một gia đình nhỏ hạnh phúc...
Nhưng
rồi anh bạn tôi là một người như thế đấy, khổ nỗi, anh là một người tử tế. Nên
anh không yên, không thể yên. Bởi anh còn có một người khác, một số phận khác
mà dẫu sao anh cũng đã gặp trong đời, dù chỉ thoáng qua, ở cái vùng gò đồi giáp
ranh xơ xác và bom đạn ấy, một thiếu phụ cô đơn đã đến với anh, một người phụ
nữ rất quê mùa, mù chữ, một con người. Một số phận. Con người ấy đã cho anh một
phút hạnh phúc trong chiến tranh. Nay không biết mất hay còn. Và số phận? Anh
muốn đi tìm chị. Từ khi anh ra đi, chiến tranh vẫn còn tiếp tục đến những ba
năm nữa. Chị còn không, cuộc đời chị ra sao... Và biết đâu, anh có thể còn để
lại đấy một giọt máu của mình. Nghĩa là có thể không chỉ còn có một, mà đến hai
cuộc đời... Anh đang viết một cuốn sách, về những người đàn bà trong chiến
tranh còn sống sót sau chiến tranh khi tuổi xuân của họ đã đi qua, đã mất...
Anh gác cuốn sách dở dang lại, và anh ra đi, trở về nơi chiến trường xưa. Anh
có cảm giác đang đi vào chính cuốn sách dở dang của mình...
Họ
đã gặp lại nhau. Mừng tủi. Hóa ra đúng là anh đã để lại nơi đây một giọt máu.
Cậu bé đã mười tuổi, nó gọi ngay anh bằng “Cha!”. Anh ôm nó vào lòng. Còn chị.
Chị khóc kể với anh rằng sau khi anh đi, chiến tranh, chiến tranh, biết anh đi
về đâu, biết còn biết mất. Chị đã đi bước nữa, với một người lính Sài Gòn, anh
ấy đã cưu mang chị khi chị bụng mang dạ chửa giữa cái vùng giáp ranh dành đi
giật lại đến tan nát giữa hai kẻ thù sống mái còn chị thì đứng ở giữa, mắc kẹt
giữa chiến tranh và trong số phận. Nó, chiến tranh và số phận, nó vẫn chưa tha
chị. Anh lính cộng hòa của chị cũng lại chết trận...
Anh
bạn tôi là người tử tế. Anh về, thú thật tất cả với vợ con. Chị ấy đau khổ, chị
ấy giận hờn. Nhưng mẹ anh thì hiểu, bà thương con dâu và bà thương cả người đàn
bà ở trong kia, bà quý và mong đứa cháu nội không ngờ. Bà rỉ rả an ủi, khuyên
nhủ, thuyết phục con dâu. Chúng tôi, bạn bè của anh chị, phần đông cũng từng
qua chiến tranh cả rồi, chúng tôi cũng tìm cách nhẹ nhàng góp vào... Và ở đời
vẫn còn có chỗ để cho ta tin ở sự tốt đẹp của con người. Và của thế gian. Vợ
chồng bạn tôi đã đưa được cậu con trai giọt máu rơi của anh trên đất chiến
trường xưa về cùng sống với gia đình, lo cho cậu ăn học, nay đã trưởng thành,
có nghề nghiệp đàng hoàng...
Gần
đây anh bạn tôi có về thăm lại xứ Quảng chiến trường xưa, có ghé lại chỗ tôi
chơi. Hôm ấy trời mưa rất to. Tôi hỏi hơi trêu anh: “Thế nào, lại về thăm Giáp
ranh chứ?” Anh bảo nhất định rồi.
-
Nhưng mưa to quá thế này, đi làm sao?
-
Không lo, chốc nữa sẽ có xe đón...
Lát
sau có người đưa xe đến đón thật. Một cô gái bước vào chào chúng tôi và xin
phép đón cha đi. Tôi thật u mê, tôi nghĩ chắc đấy là con gái anh ở quê ngoài Bắc
bây giờ vào làm việc trong này. Tôi hỏi: “Cháu vào trong này lâu chưa?” Cô gái
ngạc nhiên: “Dạ không, cháu ở trong này chớ, có ở đâu mà vào!...”. Đặc giọng
Quảng.
Trong
mưa tầm tả hai cha con ríu rít ra đi. Tôi ngồi sững một lúc, mới chợt hiểu: cô
gái đến đón cha cùng về thăm mẹ ấy là con của người đàn bà vùng giáp ranh với
người lính Sài Gòn, anh ấy đã tử trận khi chị còn chưa kịp sinh ra cô. Anh bạn
tôi đã nhận cả cô như là con gái ruột thịt của mình, chăm lo cho cô ăn học,
trưởng thành, đã có chồng con và công ăn việc làm đàng hoàng.
Nhà
Hán học tôi nhờ đã giảng cho tôi, theo từ nguyên, người tử tế là người biết
“gánh vác kỹ lưỡng, cẩn trọng, chu đáo...” và tôi xin phép thêm “... cho đến
việc nhỏ nhất, tinh tế nhất ở đời...” Những điều, những việc thường cứ như có
thể coi là nhỏ nhặt, bỏ qua, nhất là khi chỉ có mình biết, sống để dạ chết mang
đi cũng nào có ai hay... Nhưng mà, vậy đó, anh bạn tôi không bỏ qua, cứ một mực
tự mình ngoan cố gánh vác. Không ai biết, nhưng lòng mình thì biết. Ở cái chỗ
mà người ta gọi rất trừu tượng và vô hình là lương tâm...
Người
tử tế là người biết rằng việc nhỏ lại có thể rất lớn, vì nó là việc về con
người…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét