Cộng với những hiểu biết
vốn có từ trước năm ngày du lịch bụi ngắn ngủi, đủ để tôi cảm thấy xã hội Nhật,
người Nhật là cả một hình ảnh đảo ngược của xã hội Việt, người Việt.
8 - 6 -2013
Xuất phát từ Hà Nội, sau một chuyến bay đêm hơn
bốn tiếng đồng hồ, chúng tôi bắt đầu một ngày mới trên chiếc xe từ sân bay
Narita về Tokyo .
Không khí dịu mát như một ngày cuối thu đầu đông ở đồng bằng sông Hồng, song
cái lạnh ở đây lại có khí vị vùng biển bắc, cái cảm giác mà tôi cảm nhận khi
đến Leningrad
vào năm 1988.
Nhìn chung quanh, thấy khung cảnh thoáng rộng
sạch sẽ, cây cối đạm bạc. Ghé lại một trạm bên đường để xe mua xăng, bắt gặp
không khí của nước Nhật bình thường, người nào người nấy chăm chú vào công việc.
Có cái lạ là, khi đến Tokyo , tôi cũng lại gặp một khung cảnh vắng
lặng như vậy. Không những trên đường người đi bộ thưa thớt mà cả ô tô đi lại
cũng ít. Trong khi đó, lại biết rằng Tokyo
có đến 20 triệu dân và hàng ngày có đến 40 triệu người lai vãng. Nơi tôi tới
chỉ là ngoại ô chăng? Thành phố chính ở đâu? Như đã đoán được thắc mắc của tôi,
người hướng dẫn du lịch sớm giải thích, đây chỉ là phần trên mặt đất, còn trong
lòng đất có đến bốn thành phố nữa. Ở đó cũng có giao thông, xe điện ngầm, những
phố buôn bán; ở đó mặc dù rất đông, nhưng rất trật tự.
Ngày đầu xa lạ
Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến tham quan là phía
ngoài hoàng cung Nhật. Cũng như mọi người dân nội địa, chúng tôi không được vào
tham cung điện chính của hoàng gia, chỉ được đứng và quan sát từ xa và nghe
người giới thiệu kể chuyện lại về một cuộc sống rất khổ hạnh của những người
sống trong cung điện đó.
Người Nhật quen chấp nhận tình trạng cách ly này
bởi họ hiểu những người sống trong hoàng cung phải nhận vai hình mẫu của nước
Nhật, có nghĩa phải chịu rất nhiều áp lực. Có những người con gái trong đó cảm
thấy thật nhẹ nhõm nếu lấy được người chồng dân thường, ra khỏi hoàng cung, để
được sống như mọi người bình thường.
Buổi chiều chúng tôi đến thăm ngôi nhà của Tòa thị
chính, ở đây có tháp truyền hình cũ, từ đó có thể nhìn ra cả Tokyo .
Có điều mất vui là ngay trong buổi chiều đầu tiên
này, đoàn du lịch chúng tôi đã có một người bỏ trốn. Khi cả đoàn lên tháp rồi
lần lượt xuống dần thì anh ta lẩn mất. Sau mới biết, từ Hà Nội anh ta đã chuẩn
bị để làm việc này. Cái ba lô còn lại trên xe ô tô của anh nhẹ tênh. Theo sự
giải thích của người hướng dẫn, có lẽ đây là một người Việt được bố trí sang
Nhật để trộm cắp thuê. Dân Việt có hộ chiếu bên đó, khi phát hiện ăn cắp thì sẽ
bị trục xuất khỏi nước Nhật. Nên họ phải thuê những người trong nước sang làm
chân rết. Người này có bị tống về thì cũng không mất đầu mối.
Trong lúc vẩn vơ chờ làm các thủ tục, khoảng hơn
một tiếng đồng hồ, tôi nhìn quanh khu Tòa thị chính, thấy một không khí vắng
vẻ. Nhớ nhất là hình ảnh một cô gái dắt hai con chó đi đường. Cô chăm sóc chúng
hết sức cẩn thận. Khi chúng đói lấy thức ăn và theo dõi chúng ăn, bình thản chờ
đợi như bà mẹ đang đi chơi với những đứa con thân yêu của mình.
Tâm thế mới của phụ nữ
Nhật
Để giải tỏa nỗi chán chường của bọn tôi, người
hướng dẫn giới thiệu một tình thế của người dân Nhật mà trước kia chúng tôi
không thể tưởng tượng nổi.
Anh cho biết , hiện nay ở nước Nhật có đến 62%
người sống độc thân. Nếu nhìn trên đường, chúng ta luôn thấy những người đàn
ông chăm chú nhìn về phía trước. Họ buồn, như là một thứ nhân vật phụ của cuộc
đời. Còn chính phụ nữ mới là những người đầy sức sống và thách thức.
Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật --từ nhỏ, đã
được nghe câu nói ghi nhận sự tận tụy của người phụ nữ Nhật với gia đình.
Sau chiến tranh, khi nước Nhật bắt tay khôi phục
kinh tế, người đàn ông tập trung vào công việc của mình và ít khi về nhà trước
7h tối. Mọi việc liên quan tới gia đình và con cái đặt cả lên vai vào người đàn
bà. Họ tự nguyện làm như thế cả đời.
Hôm nay đây tôi còn chứng kiến cảnh một đôi
ông bà già trên đường; khi tới chỗ nghỉ, người phụ nữ rút chiếc khăn mù xoa
trong túi ra mời chồng mình ngồi.
Nay mẫu phụ nữ loại đó chỉ còn thưa thớt.
Bề ngoài người phụ nữ Nhật không tự biểu hiện lộ
liễu như người Việt. Màu sắc phần lớn trang phục là màu trắng, màu xám và màu
đen. Như đang tự giấu mình đi. Không ai tô son, trát phấn… Nhưng cuộc sống bên
trong thì, theo anh hướng dẫn viên, thực sự nồng nhiệt. Khoảng mươi, mười lăm
năm gần đây, phụ nữ Nhật nổi loạn, nhiều người không lấy chồng vì không thích
phụ thuộc vào gia đình chồng và rất tự lập trong đời sống riêng tư.
Ở Nhật, đời sống tình dục được coi bình thường
như cơm ăn nước uống và phụ nữ có phố đèn đỏ của mình. Ở đó, đối tác của họ là
những thanh niên mới lớn và lấy việc thỏa mãn nhu cầu phụ nữ làm nghề phụ.
Người ta có cách giữ bí mật cho cả hai bên.
Trong túi đàn bà, từ em thanh nữ mới lớn đến đám
sồn sồn tuổi trung niên luôn có ca-pốt. Và họ chủ động tìm tới những đối tượng
để có thể thỏa mãn những khát khao bất chợt nhưng chính đáng.
Trong các món quà trao nhau nhân ngày lễ tết,
chính phụ nữ là màu nóng, còn nam giới được tượng trưng bởi màu lạnh.
9- 6-2013
Niềm vui với những công
việc bình thường
và tính tự lập được rèn
từ nhỏ
Buổi sáng chủ nhật, bọn tôi đến khi vui chơi Disney Land
nổi tiếng. Ấn tượng lớn nhất, vẫn là những người phụ nữ làm công việc như hướng
dẫn người đi tham quan và bảo vệ trật tự chung quanh đó. Những công việc có vẻ
tẻ nhạt như thế được người Nhật làm với tất cả niềm vui và sự háo hức khiến
người Việt chúng ta gần như không thể hiểu nổi. Đứng bên cạnh những đoàn xe lửa
làm theo lối cổ, các nhân viên phục vụ không những ân cần giúp đỡ cho người lên
xe, mà còn tình cảm vẫy chào khách lên đường, rồi lại hào hứng đón khách xuống
khi hết vòng quay.
Người hướng dẫn du lịch giải thích thêm với chúng
tôi, người Nhật rất nghiêm túc trong việc công. Tất cả công chức đi làm đều mặc
Âu phục. Với họ, làm công chức không phải chỉ để kiếm tiền mà để phục vụ xã
hội, việc làm hợp đạo nghĩa làm người.
Một ấn tượng khác, là trẻ con trên nước Nhật rất
ngoan và quen tự lập. Trên đường mỗi trẻ có túi thức ăn riêng, tự lấy thức ăn
khi muốn. Thông thường các em đi theo người lớn rất đàng hoàng. Một ngày ở công
viên không nghe tiếng khóc nào của bọn trẻ.
Người Nhật có tinh thần tự trọng cao độ. Trong
hoàn cảnh nghèo khó, ít khi chấp nhận sự giúp đỡ của người khác mà làm được cái
gì thì hưởng cái đó. Điều đó được rèn từ nhỏ. Ở trường nuôi dạy trẻ, từ lúc
biết bò, đứa trẻ đã phải tự bò đến bàn thức ăn để lấy thức ăn. Ở lớp lớn hơn,
đứa trẻ tự gấp lấy quần áo và lo giữ vệ sinh.
Từ chuyện giao thông tới
chuyện pháp luật
Đã hơn chục lần đi theo các đoàn du lịch nước
ngoài, tôi thấy trên xe thường người Việt Nam chỉ hay pha trò đùa bỡn, trêu
chọc nhau, bàn chuyện ăn uống, nói tục. Đa số người mình đi du lịch để làm
dáng, để tiêu tiền, không mấy ai tính chuyện đi để hiểu biết về xứ sở mà mình
đặt chân tới. Những người hướng dẫn du lịch Trung quốc chẳng hạn, rất hiểu cái
sự tầm thường đó. Trên xe, thể theo yêu cầu của người mình, họ nói những chuyện
trong thâm cung bí sử, nhưng toàn thứ vụn vặt gây tò mò. Nói chung trình độ
những người hướng dẫn cho các đoàn VN ở các nước gần ta rất thấp. Người có chí
chắc đi học tiếng Anh, tiếng Đức chứ chả ai chịu học tiếng Việt làm việc với các
đoàn Việt.
May mắn lần này chúng tôi gặp người hướng dẫn
khác hẳn. Anh cũng là người Việt. Sang Nhật học, sau đó nhập quốc tịch Nhật và
đưa cả vợ con sang đó. Trong những lúc rỗi trên xe, anh Đức (tôi không biết họ,
chỉ nhớ tên) giới thiệu với chúng tôi rất nhiều về đặc sắc của nước Nhật, và
điều đó rất cần thiết với những người từ Việt Nam tới.
Ví dụ có lần anh nói về chuyện giao thông trên
đường.
Chúng ta biết rằng người Nhật đi lại rất từ tốn
và người ta nhường đường nhau khi có việc cần tranh chấp. Trong câu chuyện của
mình, anh Đức có lưu ý thêm một điều. Luật pháp được soạn thảo rất tỉ mỉ và nói
cho cùng là rất nhân bản. Một mặt nhà nước bố trí cảnh sát theo dõi tốc độ của
xe trên đường, nhưng mặt khác, họ cho phép các nhà sản xuất cung cấp cho lái xe
các thiết bị cần thiết có khả năng cho biết chỗ nào cảnh sát giao thông
đứng bắn tốc độ, để tự động điều chỉnh lại. Tức là người làm luật muốn bảo vệ
quyền được đi nhanh hơn của xe cộ trong hoàn cảnh cho phép.
Sự áp đặt luật pháp của những người cầm quyền ở
đây cũng là rất mềm dẻo.
Khi có người lái xe phạm lỗi, cảnh sát, từ lúc
yêu cầu giữ lại đến lúc lên xe để đặt vấn đề phạt, đều có thái độ lịch sự tôn
trọng đối tác, tìm cách thân thiện bàn bạc, chứ không phải một chiều hạch sách
rồi muốn bắt người ta thế nào cũng được. Khi không thống nhất được với
nhau, họ để dành quyền phán xét cho tòa án,-- cố nhiên đó không phải loại tòa
án bao giờ cũng nhăm nhăm bênh cảnh sát như người nước mình. Danh tính của
những người bị phạt không bao giờ bị làm lộ.
Tôi cho đó mới là sự tôn trọng, sự khuyến khích
người dân sống và làm theo luật pháp một cách hữu hiệu.
Pháp luật -
một bên nặng về răn đe trừng
trị và
một bên biết “cận nhân
tình”
Có lần đọc cuốn Đông Á – Đông Nam Á - Những vấn
đề lịch sử và hiện tại (nx b Thế giới, 2004), thấy ông Vũ Minh Giang (Đại học
Quốc gia Hà Nội) nói tới những điểm tương đồng trong tổ chức nhà nước của Việt
Nam và Nhật Bản có nhấn mạnh cả hai bên đều chú trọng pháp luật (sách trên tr.
62).
Hôm nay nhớ đến đoạn này bỗng thấy phì cười. Vì
sự thật trong khi ở nước người, chính quyền hết sức tôn trọng và đặt mình vào
trong pháp luật thì ở mình, pháp luật được soạn ra để áp dụng với dân, chứ nhân
viên công quyền đều hiểu ngầm rằng mình là người đứng ngoài. Mà người dân cũng
vậy, thấy pháp luật là chuyện phiền phức, song mặc nhiên chấp nhận, lại còn tìm
thấy niềm vui trong việc làm ngược pháp luật. Trừng phạt răn đe nặng nề đến độ
dã man được xem như một sự cần thiết.
Để hiểu tính mềm dẻo mà chặt chẽ của pháp luật ở
Nhật Bản, hãy trở lại câu chuyện về nhu cầu phụ nữ, phố đèn đỏ, mua dâm và bán
dâm. Một mặt theo phong tục tập quán cổ, luật nước Nhật cấm tất cả sự tiếp xúc
nam nữ ở dạng trần trụi. Thế nhưng đồng thời họ vẫn thấy con người Nhật Bản đã
thay đổi, nên các nghị sĩ khi làm luật đã nghĩ ra cách để bảo vệ sự tiếp xúc
này, không để dân bị ràng buộc vào luật một cách máy móc. Ví dụ như họ sẽ phạt
nếu một trong hai bên không có vật lạ trong người khi tiếp xúc. Mà vật lạ này
hiểu theo nghĩa rất rộng, nếu phụ nữ có một vòng đeo tay hoặc người đàn ông có
một cái răng giả thì tức là đã không phạm luật. Thế thì còn phạt được ai nữa?
Những điều này, theo tôi rất nhân đạo. Còn thuần túy truy bức như ở ta là bất
cận nhân tình và sẽ sinh ra gian dối.
Các cửa hàng đồ cũ và
thói quen cộng tác trong mọi việc
Nhân khi vào cửa hàng đồ cũ, anh Đức giới thiệu
cho chúng tôi biết ở Nhật, loại hàng này có cả một hệ thống phân phối. Những
năm 70 – 80 người dân bình thường có thói quen thải loại đồ cũ ra theo hình
thức rác và người Việt Nam
sang nhặt mang những đồ cũ đó đem về trong nước. Nay họ có ý thức thu gom và
phân phối lại. Nhân đây, anh Đức kể về việc tổ chức làm ăn ở xứ này. Là khi có
một công việc hợp lí thì nó cũng được phổ biến khắp nước Nhật. Những người cùng
ý tưởng tự tổ chức thành những công ty, không có người nào đứng ngoài công ty
đó mà có thể cạnh tranh với họ được. Người Việt mình dành được miếng mồi thì ăn
lẻ, không ai cộng tác được với nhau, mà chỉ dìm dập nhau, phá nhau. Ở Nhật, nếu
một người có sáng kiến chung thì sẽ đưa ra để phục vụ lợi ích chung.
10 - 6 -
2013
Chung quanh núi Phú Sĩ
Tối hôm qua, ngủ đêm tại khách sạn thuộc khu Hà
Khẩu Hồ (tôi đọc theo âm Hán Việt) thuộc khu vực núi Phú Sỹ, chúng tôi có cảm
tưởng như lạc vào gia đình người Nhật. Ăn một bữa cơm theo kiểu gia đình người
Nhật vẫn ăn. Xong, được bố trí đến khu vực tắm. Nam chung một bên, nữ một bên,
nhưng đã xuống tắm phải bỏ hết quần áo. Đêm, được bố trí ngủ lại căn phòng như
của người Nhật. Việc xâm nhập sâu vào phong tục ăn ở như thế trong những lần đi
các chuyến khác, bọn tôi không có dịp thực hiện.
Sáng dậy, đi quanh hồ, tôi chợt nhận ra rằng nhà
cửa ở đây cũng nhô ra thụt vào mà không có lớp lang trật tự như mạn Giang Nam
bên Trung Quốc. Vườn hoa ở các gia đình hay các công sở không nổi bật lên vẻ
rực rỡ mà trông hơi có vẻ khổ hạnh và chỉ gợi chú ý bởi lùm cây hoặc một tảng
đá nào đấy. Tất cả khu vườn quy tụ chung quanh vào vật trung tâm đó. Ngoài ra
cây cỏ trong vườn thì kém, cỏ mọc rườm rà, thiếu một sự xử lý công phu. Các
công viên chỉ lo tạo ra sự kì bí mà tảng đá có vai trò vật chủ và mối liên hệ
giữa đá và cây là nhân tố chính gợi nên một vẻ đẹp.
Ngồi xe lên núi. Các tài liệu du lịch đều nói
rằng Phú Sĩ là biểu tượng của đất nước mặt trời mọc. Trước khi lên đến trạm 5 ở
độ cao 2000m, chúng tôi phải vượt qua hàng chục cây số rừng. Nhưng khi đến nơi,
ngôi miếu trên trạm 5 đó khá đơn sơ. Nói chung, chùa chiền của Nhật không hào
nhoáng, lộng lẫy như đền chùa của Trung Quốc. Thu hút du khách nhất là việc đứng
ở đấy chiêm ngưỡng cả ngọn núi trong tuyết phủ.
Đối với người Nhật, núi Phú Sỹ là biểu tượng cao
nhất của sự thiêng liêng. Người ta theo dõi để không ai có thể lấy đi hòn đất
nào chung quanh núi. Đã có những khách nước ngoài đến, định lấy những hòn đất
đi và đều bị phát hiện.
Chung quanh núi là khu vực huyền bí, người ta nói
có những người Nhật đã đến đây để sống những ngày cuối đời, tức là tự tử ngay
trong khu rừng trùng điệp mà mãi về sau người ta mới phát hiện ra. Số người này
đang tăng hàng năm.
Ấn tượng sau nửa ngày
ròng ngồi ô tô
Từ giã Phú Sỹ, bọn tôi tới Owakudani, nơi có vết
tích của miệng núi lửa phun trào cách cây 3000 năm. Sau đó, là chặng đường dài
tới Nakoné và Nagoda.
Trước lúc qua Nhật, một người quen cũ đã nói
rằng, do du lịch bụi, chắc là bọn tôi không có điều kiện để sử dụng những
phương tiện hiện đại nhất như tàu cao tốc và phải di chuyển từ địa điểm nọ đến
địa điểm kia bằng ô tô. Ông nói điều đó với sự ái ngại vì ở Nhật số người di
chuyển bằng ô tô rất ít. Nhưng đối với tôi, cảm tưởng là được ngồi ô tô đi trên
những con đường nhựa nhẵn bóng và hiện đại của nước Nhật cũng đã sung sướng lắm.
Nữa là, sau một buổi chiều như thế, lại có may mắn gần như được nhìn gần vào
một nước Nhật và hiểu thêm điều người ta hay nói “Xứ này nghèo về tài nguyên và
chỉ có một thiên nhiên khắc khổ, nhưng đã chinh phục được thiên nhiên khắc khổ
đó để trở thành một xứ giàu có.”
Nhìn một hai ngôi nhà lắt lẻo giữa một triền núi
xa, tôi hỏi Đức họ sống ra sao thì được trả lời:
-- Một gia đình Nhật định cư ở đâu thì chính phủ
Nhật có trách nhiệm làm đường tới đó, bảo đảm hàng hóa lưu thông tới đó để họ
có thể sống bình đẳng với mọi người.
Có một chuyện mà ở nhà tôi đã biết nhưng chưa
thấy hết ý nghĩa của nó, đó là việc người Nhật không khai thác tất cả những
rừng cây và vùng mỏ cũng khá giàu có của mình. Tất cả những đồ gỗ ở đây đều
nhập từ nguồn lâm sản nước ngoài, cũng như các khoáng sản cần thiết cho công
nghiệp của họ. Đối chiếu với cách nghĩ Việt Nam , kể ra đây cũng là một sự lạ.
Và lạ hơn hết là người Việt chúng ta còn cho chuyện tàn phá tài sản thiên nhiên
là chuyện thường, không bán hết đi thì lấy gì mà ăn.
Nông thôn đô thị chung
một mặt bằng
Lúc này trước mắt du khách không còn là một nước
Nhật của các cao ốc và các khu đô thị thoáng đãng. Vùng đất nằm rải rác giữa
núi non và bãi biển không có gì là hấp dẫn và mĩ lệ như các vùng biển của Việt Nam
mình. Nhưng ở bất cứ nơi nào có điều kiện thì người nông dân Nhật vẫn cần cù
sản xuất. Cảm giác còn lại trong tôi là một nước Nhật giống như một mặt bằng,
giữa nông thôn và thành thị gần như không có sự chênh lệch. Nay, là thời, theo
Đức kể, người nông dân Nhật làm ruộng bằng cách đi thuê các xí nghiệp nông
nghiệp làm cho họ. Và đã có các hãng lớn chuyên làm nông nghiệp phụ trách giúp
họ từ việc chọn giống, cày bừa đến bón phân và thu hoạch. Người nông dân chỉ
việc ở nhà dùng tiền của mình đầu tư chứng khoán.
Người Nhật đặc biệt lo bảo vệ nguồn lương thực
của mình, tạo cho xứ sở một thứ thức ăn không những ngon lành mà còn bảo đảm
chuẩn khoa học không gạo nước nào có thể có được. Đã có những thời gian mà
chính phủ Nhật do áp lực quốc tế phải nhập một số gạo của các nước khác, khi
mang về phân phối cho dân thì không đâu người ta lấy, đến cả cho không cũng
không ai nhận. Cuối cùng, số gạo đã mua buộc phải đem đi dùng làm hàng viện trợ
cho các nước khác.
Đặt người
Việt bên cạnh người Nhật
Cũng nhân thời gian rỗi trên đường xa, Đức kể với
tôi về chuyện những người Việt Nam ở Nhật. Đức cho biết thật ra sau 4-1975, số
người Việt sang Nhật không phải là ít, nhưng số có thể trụ lại được ở Nhật thì
không nhiều và phần lớn là họ phải bỏ qua bên Úc hoặc bên Mĩ làm ăn. Việc du
nhập vào cộng đồng Nhật, đòi hỏi sự nỗ lực đặc biệt mà người Việt không quen,
chưa kể tiếng Nhật với nhiều người là khó học.
Chưa quen là như thế nào? Dù là mới tiếp xúc với
người Nhật và văn hóa Nhật một cách đơn sơ, tôi vẫn có cảm tưởng người Nhật với
người Việt Nam như hai đối cực, người nọ là thế giới đảo ngược của người kia.
Người Nhật có tinh thần gắn bó với xã hội, cấu
kết với cộng đồng còn người Việt khôn lỏi, chạy vặt.
Người Việt thích phô trương còn người Nhật giấu
mình sau vẻ ngoài bình lặng.
Người Việt ồn ào, lắm chuyện coi nơi công cộng là
chỗ tự do buông thả còn người Nhật sợ nhất làm phiền người khác cũng như là bị
làm phiền.
Bữa qua Miến Điện, tôi nhận ra một điều là không
hiểu sao người bên đó có vẻ ít nói, trên đường không có cảnh vừa đi vừa cầm
điện thoại tán chuyện. Có thể người Miến Điện không có tiền mua các loại máy
mới? Nhưng Nhật là một nước giàu có. Sao dân họ vẫn không có thói nói lắm nói
nhiều và xả ra cả khối lượng rác âm thanh ngập ngụa trên mọi ngả đường? Chợt
nghĩ chính sự nói lắm nói nhiều nói một cách ba vạ đã giết chết sự suy nghĩ của
người mình. Nó làm cho chúng ta thành một xã hội câm nín trước các vấn đề rất
lớn đang phải đối mặt.
Xuất khẩu lưu manh
Hôm nay có đến hơn một giờ đồng hồ liền,
Đức toàn kể chuyện người Việt sau 4-1975 tràn sang Nhật làm những việc gian dối
như cờ bạc trộm cắp ra sao, cảnh sát Nhật đã từng bước đấu trí với người Việt
để vô hiệu hóa các đồng bào lưu manh của chúng ta thế nào.
Chuyện đấu trí ấy tôi định ghi mà không sao theo
dõi kịp nên đành bỏ. Chỉ nhớ nhất một chi tiết. Có nhiều người Việt sau khi
kiếm bẫm bằng con đường bất chính, liền lấy cái vốn thu được từ nước ngoài
về làm vốn kinh doanh và trở thành đại gia.
Từ việc này nẩy ra hai ý nghĩ bổ sung:
1/ Ở các xã hội lành mạnh, đám nhà giàu là những
người con ưu tú của dân tộc, họ như đầu tầu kéo cả cộng đồng đi theo. Ở một xã
hội dở dang rồi biến chất như ở ta, một thời gian dài không công nhận tài sản
cá nhân, thì ngược lại, đám nhà giàu phần lớn là đám lưu manh, khoác áo quan
chức làm việc lưu manh. Họ phất lên trong chiến tranh bằng cách buôn lậu những
hàng quốc cấm xuyên quốc gia. Với những đồng tiền kiếm được bằng các thủ đoạn
xấu xa, khi trở về nước làm kinh tế, họ có góp phần thúc đẩy sự làm ăn và vì
thế cả người dân lẫn chính quyền hoan nghênh họ. Nhưng lùi xa mà nhìn, thì thấy
đóng góp của những người này không thấm là bao so với sự phá hoại những nguyên
tắc đạo đức, tức những tác hại lâu dài, mà họ mang lại.
2/ Ngoài số đại gia trên, hiện còn không ít người
Việt, đang sống vất vưởng theo kiểu ăn cắp vặt, buôn lậu, làm thuê làm
mướn ở xứ người.
Nhớ hồi chống Mỹ trong đầu mọi người dân luôn
được nung nấu cái ý nghĩ Ta chiến đấu thế này không phải chỉ vì ta. Ta đang
chiến đấu cho cả thế giới. Ta đang trở thành lương tâm nhân loại… .
Kỳ cục thế mà ai cũng tưởng thật và ai cũng thích.
Được những tư tưởng kiểu đó quấn chặt vào đầu,
nhiều người Việt sau 4-75 ra nước ngoài, tự cho phép mình làm tất cả những việc
xấu xa nhất, bất chấp luật pháp nước sở tại và những nguyên tắc đạo đức thông
thường. Một cuộc xuất khẩu thói lưu manh đã kéo dài chưa biết bao giờ chấm dứt.
11- 6 - 2013
Thăm các di tích lịch sử
Tham quan chùa Thanh Thủy. Ấn tượng nhất không
phải là ngôi chùa, mà là cách dựng công trình tôn giáo này. Cách nó bám vào
chân hòn núi đá. Cũng lại là một biểu tượng của tinh thần bám trụ của con người
vào một thiên nhiên khắc nghiệt.
Buổi chiều tới ngôi Chùa Vàng. Đọc chữ Hán, thấy
chính ra chùa này phải gọi là Kim Các tự mới đúng. Tôi thích cả không gian
chung quanh chùa và cả cái cách người ta tạo ra ấn tượng đối với người
tới tham quan.
Có một điều tôi thấy tin, là những chi tiết
người ta trình bày về ngôi chùa, cái giá trị cổ kính của nó. Các di tích ở Việt
Nam
thường có những bảng giới thiệu rất luộm thuộm, nhiều lúc có cảm tưởng do những
người không hiểu biết viết ra.
(Còn nhớ là lần vào Văn miếu năm 2010, khi đọc
tiểu sử Khổng Tử, thấy viết là Đức Thánh Khổng "có đến bốn tác
phẩm gọi là Tứ Thư". Điều này sai vì bốn tác phẩm đó có tên là Luận ngữ,
Đại học, Trung dung, Mạnh Tử. Sao lại nói cuốn Mạnh Tử do Khổng Tử viết được?)
Một niềm tin khác, khi đến thăm các công trình
kiến trúc cổ, là cảm thấy chắc chắn nó giống như là ban đầu nó đã được hình
thành. Trong một cuốn sách về văn hóa Nhật, tôi đọc thấy người ta nêu lên một
nguyên tắc khi trùng tu các công trình lịch sử. Là bất cứ thời nào, muốn làm
lại các công trình cũ thì cũng phải làm đúng như cái ban đầu, kể từ hình dáng,
các chi tiết trình bày cho đến chất liệu kiến trúc.
Một cách tự nhiên, tôi có cảm tưởng, chúng ta có
thể tin được nền sử học Nhật Bản, một niềm tin không thể có đối với nền sử học
Việt Nam
hiện nay.
Trong số các đoàn nội địa tới tham quan tại các
công trình kiến trúc lịch sử, ở đâu tôi cũng gặp những đoàn học sinh do các
giáo viên già dẫn đường và giới thiệu. Sau được nghe lại, thấy nói là trong
chương trình học phổ thông, tất cả các học sinh có quyền được đi tham quan các
di tích có ghi trong sử sách. Chi phí các chuyến đi ấy do nhà nước đài thọ và
chỉ những người kinh nghiệm lâu năm trong nghề mới được giao việc hướng dẫn các
em.
Tình hình này khiến người ngoại quốc hiểu thêm
một điều là tại sao không bao giờ các di tích, các thắng cảnh ở Nhật lại có
tình trạng tràn ngập khách tham quan như bên Trung Quốc. Hình như những người
lớn tuổi của nước Nhật đã tham quan di tích này từ lúc nhỏ rồi, nếu có tham
quan chỉ đi lại thôi. Còn ở Trung Quốc, các di tích thường bị lấp đầy bởi người
nông dân của các tỉnh xa xôi mà họ muốn đến với các thắng cảnh. Giống như cánh
du lịch bụi Việt Nam
chúng ta, lấy đi làm cái mốt, đi chỉ để chứng tỏ rằng mình chẳng kém gì người.
Trở lại với quá khứ của Nhật Bản, tôi luôn luôn
bị ám ảnh bởi mối quan hệ của nước này với Trung Quốc. Một mặt thì cái ảnh
hưởng ấy quá rõ và người Nhật không giấu điều này. Ai đó đã nói: “Người Nhật
tìm ở Trung Hoa đức trầm tĩnh, vẻ hào hiệp và tính muôn màu muôn vẻ mà họ không
thể có”. Mặt khác, suốt trong quá trình lịch sử, người ta cũng bắt gặp nỗ lực
của người Nhật hướng theo cái tinh thần "trên cơ sở hoàn thiện mình,
dám là mình, vui với mình và không ghen tức với người nước ngoài". Đó lại
là điều không thấy ở người Việt, văn hóa Việt.
Người Nhật làm du lịch
Những người tổ chức du lịch đã cố gắng cho chúng
tôi biết được nước Nhật ở nhiều cung bậc khác nhau. Ví dụ về giao thông họ có
bố trí cho chúng tôi ngoài chuyện thường xuyên ngồi trên ô tô, có lúc đi tàu
thủy, có lúc đi tàu cao tốc.
Về ăn uống, ngoài những lối ăn nhanh theo kiểu
buffet thì họ thường xuyên cũng cho chúng tôi vào những quán ăn tổ chức theo
kiểu truyền thống. Ở đó, bọn tôi ngồi bệt xuống đất, chân đặt lên cái hố được
khoét rộng chung cho cả bàn, trên bàn đặt nồi lẩu. Cái thú vị nhất đối với bọn
tôi nói ra kể cũng phàm tục song cũng xin kể ra kể đây. Thú vị vì, nhìn vào cái
nồi lẩu, thịt không bao giờ thiếu. Khi ăn hết, nếu cần chúng tôi có thể gọi
thêm mà không phải trả thêm tiền.
Lúc đầu bọn tôi cũng lo lắng có những món ăn của
Nhật không hợp khẩu vị, sau thì thấy cũng thích nghi dễ dàng.
Trong các chương trình như là thêm vào buổi chiều
hôm nay, có việc chúng tôi đến thăm cửa hàng kimono. Ở đó, khách du lịch vừa có
dịp tham quan cả cơ sở người ta đang dệt vải để làm ra kimono, và cũng có một
buổi biểu diễn thời trang, trong đó những người Nhật trình bày cách sử dụng
trang phục này.
Điều “rất Nhật” ở đây lại chính là cái bề ngoài
"không chuyên nghiệp", nó ngay lập tức gợi nên một thoáng thất vọng ở
những người Việt thạo đời. Ra vào đi lại trên sân khấu lúc này không phải là
những cô gái chuyên môn trình diễn thời trang, mà chỉ những người phụ nữ bình
thường, tưởng như họ đang đi ngoài phố, vừa được mời vào.
Phụ nữ Nhật nói chung không đẹp, rất ít khi chúng
tôi phải sững sờ cả người như khi sang Trung quốc, bắt gặp các cô gái còn chất
quý phái hôm qua. Những cô gái Nhật biểu diễn thời trang ở xưởng làm và bán
kimono cũng không thể gọi là đẹp. Họ trình diện trước du khách như những người
thông minh, nghiêm túc, tự trọng, có sự cởi mở với người bên ngoài, mà vẫn giữ
cho riêng mình đời sống nội tâm. Những bộ trang phục họ mang ra trình diễn hôm
đó không phải là những hàng đắt tiền mà đám dân du lịch Việt Nam – những người đang thèm tiêu
tiền -- háo hức. Nhưng họ đâu có tính chuyện câu khách. Họ chỉ muốn giới thiệu
một nét văn hóa Nhật.
Những dư âm của cuộc động
đất
Tiếp tục câu chuyện về người Nhật trong sự so
sánh với người Việt Nam .
Sự kiện động đất xảy ra cách đây mấy năm vẫn còn trong kí ức người Nhật như
chuyện mới xảy ra năm ngoái tháng trước hôm qua. Nhưng, chính lúc đó thì phẩm
chất dân tộc của họ được bộc lộ.
Đức nói rằng ở đây đã lâu, song chính anh
cũng rất ngạc nhiên vì cách phản ứng của người Nhật với động đất.
Ví dụ như, khi Tokyo mất điện, người ta đi bộ về nhà có khi
đến hàng vài chục cây số, cái cửa hàng bên đường tung hàng ra để phục vụ người
đi lại, mặc dù họ không có tiền. Khách sạn cho người đi đường vào ở nhà và
không tính tiền.
Sau đó, tinh thần và nghị lực của người Nhật cũng
bộc lộ ở việc sự nhất trí của xã hội trong việc khắc phục hậu quả tai họa. Sau
động đất, nhà nước cắt điện một số vùng thì các vùng khác cũng tự động cắt theo
giúp nhà nước có được lượng điện dự trữ. Khi đi làm việc, có lệnh chính
phủ, công chức không dùng caravat để tránh giặt giũ nhiều, thì người thường
cũng tuân theo .
Cả nước bao giờ cũng làm quá hơn so với mức chính
phủ yêu cầu. Chỉ có câu khẩu hiệu nêu ra và viết trong các taxi: Nhật Bản hãy
cố gắng. Mấy chữ ngắn ngủi thế thôi, mà người Nhật đã hiểu rất nhiều.
Trở lại với ý nghĩ mới hình thành trong tôi mấy
ngày nay, hình như với người Việt Nam thì người Nhật ở dạng đảo
ngược. Người mình sống trong sự cạnh tranh, phải lấy dối trá làm đầu khi quan
hệ với nhau. Trong quan hệ với nhà nước và cộng đồng, càng trục lợi kiếm chác
cho cá nhân càng tốt. Ở Nhật, giữa cá nhân và cộng đồng có niềm tin chắc chắn.
Luôn luôn người ta tin rằng, những nỗ lực cá nhân của người ta sẽ được xã hội
hiểu, những người tự trọng không thể làm khác.
12 - 6 - 2013
Chuyện quanh những ngôi
chùa
Ngày cuối cùng ở Nhật
Mấy hôm trước, chúng tôi đã đi qua những thành
phố nổi tiếng của xứ sở này như Kyoto ,
nhưng dù thế cũng chỉ là lướt qua. Hôm nay cũng vậy, mang tiếng là được đến
kinh đô cổ kính của nước Nhật là Nara, nhưng chúng tôi cũng chỉ được đi qua phố
xá một quãng, sau đó được dẫn đến thăm ngôi chùa cổ đọc theo chữ Hán là
Đông Đại Tự.
Trên đường phố Nara , bắt gặp những ngôi nhà cổ, loại nhà một
tầng mà chắc chắn đã có từ rất lâu đời. Trong việc xử lí những di sản này, chỗ
khác của người Nhật vẫn rất rõ. Họ có sự bố trí thế nào để những ngôi nhà cổ
rộng rãi hòa hợp tự nhiên với những cao ốc hàng chục tầng bên cạnh,-- việc này
gợi cảm giác những người sống trong ngôi nhà cổ là những cư dân lâu đời ở đất
này, có thể là họ còn giàu có nữa kia, thì mới được ở trong những ngôi nhà đó.
Còn ở Việt Nam bên cạnh những cao ốc thường
khi cũng có những ngôi nhà rách nát, làm hỏng hết cảnh quan chung. Những cuộc
đền bù bất minh, hoặc tâm lý thấy ai giàu có là ghen lồng ghen lộn, ì ra ăn
vạ…đã là nguyên nhân làm cho cái cũ cái mới không thể chung sống hòa hợp.
Hai bên đường tới Nara , du khách cũng bắt gặp rất nhiều ngôi
chùa. Đây là một địa điểm được mệnh danh kinh đô của Phật giáo, đã từng là địa
điểm tổ chức Đại hội Phật giáo thế giới.
Nhưng một chuyện buồn lại bắt đầu len vào, khó mà
quên được. Đức hướng dẫn viên chỉ hai bên đường và nói rằng ở đây có rất nhiều
cửa hàng bán đồ dùng dành cho các nhà sư. Anh kể tiếp, nhiều nhà sư Việt Nam đã đến Nara này, và điều mà người Nhật bản xứ đã sửng sốt là những nhà sư đó đã
mua những trang phục đắt tiền nhất toàn loại những nhà sư các nước khác không
dám mua.
Đức có người bạn đã đi theo đoàn Phật giáo ấy,
chứng kiến cảnh mua bán của các vị sư. Với thói quen của người Sài Gòn, người
bạn ấy có hai phản ứng. Một là lập tức tính sẽ tổ chức những của hàng tương tự
ở Việt Nam
để bán cho giới tu hành hám chuyện làm dáng. Hai là nhiều lúc nghĩ không muốn
thành Phật tử nữa bời vì không hiểu vì sao sư mô Việt Nam lại trần
tục đến như vậy.
Một chút so sánh và cảm giác về một nước Nhật quá
xa xôi
Khi đi trên đất Nhật tôi hay nhớ lại những lần
đến các xứ khác.
Du lịch Trung Quốc, đối với tôi như là một chuyến
trở về nguồn. Ở đó tôi nhớ không chỉ là những lâu đài tráng lệ hay những viên
lâm cổ kính sang trọng – không khí như trong phim Hồng lâu mộng -- mà tôi còn
thấy ở đây có những mặt trái, tức cả đời sống cùng cực của người lao động bình
thường.
Ở Bắc Kinh, tôi đã vào những ngõ nhỏ mà ở
đó người ta, từng cụm dân trong hồ đồng, phải dùng hố xí tập thể, và con
đường quanh co là những mái nhà lợp tôn, lợp ngói cổ cái thấp cái cao như những
hẻm nhỏ Hà Nội. Tôi cũng thấy người ta buôn gian, bán lận, nói thách, làm hàng
giả theo lối làm tiền chém du khách không tiếc tay.
Bởi Việt Nam luôn là Trung quốc bị hạ thấp hẳn
xuống thu nhỏ hẳn lại cái tốt bớt dần cái xấu tăng thêm, nên tôi càng hiểu
những tệ hại của xứ mình không biết bao giờ mới khắc phục được.
Ngay cả với nước Nga nửa Âu nửa Á, tôi cũng thấy
điều gì đó tầm thường dung tục. Hồi còn Liên xô, đó là những đống đất xây dựng
ngổn ngang ngay ngoài cửa cách hàng rào sân bay không xa; những phiên chợ nông
trường lèo tèo; đám đầu trọc nghênh ngang ngoài đường. Và bây giờ ở nước Nga
của Putin, cái tôi còn nhớ khi đọc các bản tin, là những làng xóm vắng vẻ,
người đàn ông say rượu, những người đàn bà chỉ lo trau chuốt để bán mình cho
các nhà tư sản mới nổi.
Tóm lại thì ở đâu cũng có cái gì đó gần gũi với
mình.
Ngược lại, đến với nước Nhật, từ lâu tôi cũng
biết là đồng văn đồng chủng, da vàng mũi tẹt, nhưng ấn tượng còn lại thì lại là
một cái gì khác hẳn so với những ấn tượng đi Nga đi Trung Quốc.
Tôi thấy xã hội Nhật là một cái gì quá đồng
đều và quá hoàn chỉnh, do đó là quá xa xôi, người mình không biết bao giờ mới
có thể có một xã hội hợp lý như của họ.
Tình thế đó của nước Nhật toát ra không phải từ
không khí sinh hoạt của đường phố mà nó thấm vào trong cách sống cách nghĩ của
từng con người, cũng như lối sống rời rã, cái năng động hỗn loạn, và tâm lý bèo
dạt mây trôi đã thấm vào trong cách tổ chức xã hội của người Việt.
Nhớ lại khoảng thời gian mấy năm 75-76. Quá say
sưa vì chiến thắng, người mình có cảm tưởng rằng đã đánh Mĩ được thì làm gì
cũng được. Tôi nhớ không phải ở người dân thường mà ở những cấp lãnh đạo cao
nhất hồi ấy đã có ngưỡng vọng có ngày Việt Nam sẽ đuổi kịp Nhật. Công thức mà
tôi còn nhớ như in là lời truyền miệng như thế này: “Thôi, nói 20 năm thì hơi
lạc quan quá, độ 30 năm nữa thì chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật”.
Nhắc lại ảo tưởng đó để hiểu rằng, chiến tranh để
đẩy chúng ta chui vào sừng trâu, và ra khỏi chiến tranh chúng ta đã xa lạ với
thế giới như thế nào. Ta chẳng hiểu gì về người, mà cũng chẳng hiểu gì về chính
mình.
Từ đó, trong cái thế giới hiện đại đang
thay đổi từng ngày, ta vẫn nhắm mắt mở, bước đi loạng choạng xiêu vẹo.
Trong sự vội vã điên cuồng lo làm ăn sinh sống,
xã hội Việt sau chiến tranh đã trở thành một xã hội mất hết tự tin. Không ai
bảo ai, không dám thú nhận, song trong thâm tâm, nhiều người chỉ còn tin rằng
sẽ chẳng bao giờ chúng ta theo kịp thiên hạ. Cách sống thời thượng nhất lúc
này là có cái gì bòn mót mang bán lấy tiền. Ăn cắp của nhà nước cũng được, lột
da nhau cũng được, miễn có tiền. Rồi đi nước ngoài mua sắm những thứ xịn nhất,
mới nhất, hiện đại nhất. Rồi lấy đó làm niềm tự hào rằng người mình cũng đang
có sự tiến bộ vượt bậc theo kịp các nước trên thế giới.
Mấy năm gần đây, nhờ sự trợ giúp của phía đối tác
nước ngoài, các trường đại học ở ta thường mở ra các cuộc hội thảo văn học so
sánh, trong đó nhiều báo cáo của giảng viên Việt trình bày như là có một bước
tiến song song giữa văn học Nhật Bản hiện đại và văn học VN thế kỷ XX, rồi bước
tương đồng giữa văn học Nhật đương đại và văn học Việt Nam hôm nay. Trên một số
phương diện khác của đời sống cũng vậy. Một cái gì giống như ảo tưởng đang chi
phối cái nhìn người Việt khi chúng ta làm cái việc đối sánh giữa mình với
người, và các đồng nghiệp Nhật vì lịch sự cũng không tiện bác bỏ. Thường
những lúc nghe vậy, trong tôi có cái cảm giác xót xa như khi thấy người ta xoa
đầu mình coi mình là một lũ trẻ con. Trong những ngày du lịch bụi ngắn ngủi
này, cái cảm giác xót xa ấy lại trỗi dậy để mà càng cảm thấy nó một cách thấm
thía hơn.
VƯƠNG TRÍ NHÀN (TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ
AN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét