16 tháng 4, 2015

Nhớ về kiệt tác “Người thứ 41″

Vũ Thanh Hoa – Tháng Tư có ngày sinh của Lê-nin, cũng là lúc nhớ về Văn Học Xô-Viết một thời và những “truân chuyên” của các tác giả Xô Viết. Mình đọc rất nhiều Văn học Nga, một trong số ấy được mình thổn thức mãi đó là tác phẩm “Người thứ 41″ (tiếng Nga: Сорок первый) của nhà văn Boris Lavrenyov, ra đời năm 1923. Truyện có cách viết tài hoa khiến mình không ngừng rơi lệ về mối tình của viên sĩ quan Bạch vệ “Mắt xanh” cùng với cô chiến sĩ Hồng quân xuất thân là cô bé bán cá.

Bộ phim “Người thứ 41″ cũng có sức hấp dẫn đặc biệt với cảnh nude đã từng bị Hội đồng xét duyệt Liên xô ngày ấy bàn tán không ngừng. Mời bạn xem lại một số cảnh phim để nhớ một thời sóng gió của nền văn học Xô Viết vĩ đại…



Tóm tắt nội dung:
Nữ chiến sĩ Hồng quân Maryutka nhận lệnh áp giải một sĩ quan Bạch vệ bị bắt trong cuộc đụng độ giữa sa mạc về Bộ tham mưu mặt trận qua đường biển. Trên đường đi họ gặp bão. Một số người bị chết đuối, chỉ còn lại Maryutka và anh chàng tù binh nọ. Họ bị giạt vào một hòn đảo hoang vu. Trải qua nhiều hiểm nguy, hai con người ấy đã nương tựa vào nhau mà sống, và một tình yêu đẹp giữa họ đã nảy nở.
Tuy thế, mâu thuẫn giai cấp đối kháng giữa họ không thể hòa giải được, và nhiều khi, những tranh luận gay gắt này đã khiến hai người giận nhau. Nhưng nhờ tinh yêu, họ vẫn sống bên nhau, chấp nhận những dấu hiệu đầu tiên của một nguy cơ đổ vỡ.

Giữa lúc hai con người đang ốm yếu, kiệt quệ vì đói khát, bệnh tật và mong chờ đến một lúc nào đó được giải thoát khỏi nghịch cảnh này thì một chiếc thuyền xuất hiện. Chàng trai lao ra mừng rỡ. Khi nhận ra đó là thuyền Bạch vệ, cô gái Hồng quân đã cuống quýt gọi người yêu quay lại. Song chàng sĩ quan vẫn mụ mị reo hò. Cô gái buộc phải nâng súng…và “Mắt xanh của em” không bao giờ dậy nữa.
Tại Việt Nam, có một thời kỳ tác phẩm này bị cấm vì tính chất nhạy cảm và vấn đề góc cạnh mà nó đề cập.


Cháy lên để rồi lụi tắt


Tham dự LHP Cannes năm 1957 bộ phim “Người thứ 41” được trao giải thưởng Đặc biệt. Phải nói ngay, đã lâu lắm rồi, sau những “Chiến hạm Pachômkin” của Aydanhxtanh, “Đất” của Đốpgienco, “Ivan bạo chúa” của Pudốpkin, đến tận năm ấy một bộ phim Xôviết mới giành được một giải thưởng tại liên hoan phim phương Tây. Và thế là cùng với phim, Izolda Izviskaia nổi tiếng khắp thế giới như một gương mặt đại diện cho điện ảnh Xôviết.

Izolda Izviskaia sinh năm 1932. Tốt nghiệp Khoa Diễn viên Trường đại học Quốc gia Điện ảnh Liên Xô (gọi tắt là VGIK) năm 1955. Sau vinh quang chói sáng trong bộ phim “Người thứ 41”, hầu như ngay từ đầu những năm 1960 con đường công danh của chị đã bắt đầu bị lụi tàn. Với điện ảnh, chị tham gia một loạt vai khác, nhưng cả phim lẫn vai đều không lưu dấu ấn trong lòng người xem. Chị bước lên sân khấu kịch nói cũng gặp sự thờ ơ, giá lạnh như vậy.


Strizhenov Oleg trong vai chàng Bạch vệ



Izolda Izvitskaya vai Mariutka trong Người thứ 41

Đạo diễn của phim “Người thứ 41” Grigori Chukhơrai giao cho chị vai vợ của một người lính đang chiến đấu ở ngoài mặt trận trong bộ phim thứ hai rất nổi tiếng của ông: “Bài ca người lính” – vai diễn cũng không giúp người xem nhận ra Izolda Izviskaia ngày nào.
Giải thích sự “thả dốc” của nữ diễn viên này Grigori Chukhơrai đã nhận xét: “Sự không thành đạt của chị ở cả vai phụ lẫn vai thứ yếu nằm ở một khuynh hướng mới xuất hiện của điện ảnh chúng ta vào những năm đó. Các đạo diễn tên tuổi, ngay cả các đạo diễn trẻ đều muốn săn lùng những gương mặt lạ để dễ dàng tạo dấu ấn riêng của mình. Và nói chung ra, người ta tránh những khuôn dung đã quen, những tài năng đã được khẳng định”. Có đúng như ông đạo diễn này giải thích không? Vì một nghiệp diễn chỉ có thể khẳng định và lưu danh tên tuổi ở một vai – đâu có là chuyện hiếm trên cõi thế gian này?



Buồn chán, thất vọng, Izolda Izviskaia tìm đến với rượu mạnh để khuây khỏa. Và rượu đã tàn phá rất nhanh dung nhan và sức khỏe người nữ diễn viên này. Đường tình duyên cũng không may mắn gì. Lấy chồng rồi bỏ chồng. Gia tài gom tích được dần dà cũng tiêu tán. Izolda Izviskaia đã vĩnh biệt cõi đời khi mới 38 tuổi! Để lại cho đời một kiệt tác điện ảnh
Truyện vừa “Người thứ 41” của nhà văn B. Lavorennhep dưới thời Xôviết đã được nhiều lần chuyển thể lên sân khấu và màn ảnh. Nhưng vì sao bộ phim “Người thứ 41” của đạo diễn Grigori Chukhơrai lại được xem như một bước ngoặt trong sinh hoạt văn học nghệ thuật Xôviết nói chung, trong nghệ thuật điện ảnh nói riêng? Câu trả lời nằm ở cách nhìn, cách thể hiện mối quan hệ giữa hai nhân vật chính: chàng “Mắt xanh” và nàng Marutxia, hay nói khác đi là cách nhìn, cách biểu hiện chất đối kháng địch ta và chất người trong mối quan hệ giữa đôi trai gái này.
Trong phim “Người thứ 41” của Grigori Chukhorai, viên sĩ quan Bạch vệ không bị làm cho lem luốc, hung ác như khi thể hiện kẻ thù trong nhiều bộ phim Xôviết trước đây, mà ngược lại “Mắt xanh” còn có vẻ phong lưu mã thượng, phần nào mơ mộng qua diễn xuất của nam diễn viên Nga nổi tiếng lúc bấy giờ Olek Strigiênốp. Tình yêu giữa đôi trai gái trên hoang đảo cũng được thể hiện như một lẽ tự nhiên, khá thơ mộng, hợp lý. Và khúc kết: khi “Mắt xanh” chạy về phía chiếc tàu Bạch vệ đang tiến lại gần, Marutxia gọi hắn dừng lại, rồi giương súng lên dọa bắn và khi viên đạn đã giết chết “Mắt xanh”… cái kết cục có thể khác nhau, nhưng Grigori Chukhơrai muốn chất người, tình người cất lên khúc khải hoàn ca trong tác phẩm của mình, ông đã để cô nữ chiến sĩ Hồng quân chạy tới xốc xác chết của “Mắt xanh”, ôm chặt trong lòng và nức nở…



Sự cởi mở, tính dân chủ trong xem xét và thể hiện một đề tài gai góc như vậy chỉ có được vào năm 1956, 1957 khi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Xôviết có những biến chuyển khá căn bản để mở đường cho việc xóa đi bức rào cản giao lưu văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Chính vì thế “Người thứ 41” sau này được xem như phát súng mở đầu cho một làm gió mới tràn vào công việc làm phim của Liên Xô, để những năm sau đó Điện ảnh Xôviết đã vượt qua căn bệnh ấu trĩ, giản lược cho ra đời một loạt kiệt tác mang đậm tính nhân văn, tính người, vươn đến tầm cao của những khái quát nghệ thuật, đạt được nhiều giải thưởng lớn trong các Liên hoan phim quốc tế như “Đàn sếu bay qua”, “Bài ca người lính”, “Tuổi thơ Ivan”, “Andrei Rubliov”, “Stanker”, “Tấm gương”…
Và giống như nữ diễn viên Tachiana Samoilova, người sắm vai nữ chính trong phim “Đàn sếu bay qua” và cũng nổi tiếng cũng với chỉ vai đó, nữ diễn viên Izolda Izviskaia đã chói sáng lên với vai nữ chiến sĩ Hồng quân Marutxia trong “Người thứ 41” – một bộ phim đã đánh cột mốc mở đầu cho những năm vàng son của Điện ảnh Xôviết sau này.

 Theo vi.wikipedia.org và NUOCNGA.NET

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét