26 tháng 4, 2015

Chiến công hiển hách của hoàng tử Đại Việt trên đất Triều Tiên

Gần 800 năm trước có một vị hoàng thúc nhà Lý là Hoàng tử Lý Long Tường đã vượt biển ra ở nước ngoài. Chiến thuyền của ông đã dạt đến vùng núi Hoa Sơn thuộc bán đảo Triều Tiên ngày nay rồi định cư ở lại đó. Hoàng tử Lý Long Tường đã dựng lên nghiệp lớn và trở nên lừng danh với chiến công đại phá giặc Nguyên - Mông… Ông trở thành thủy tổ của một nhánh họ Lý ở nước ngoài, hậu duệ của ông ngày một cường thịnh.


 Bản đồ hành trình trên biển của Lý Long Tường đến Cao Ly năm 1226


Năm 1009, Lý Công Uẩn đăng quang mở đầu cho triều đình nhà Lý ở Đại Việt, với Chiếu dời đô, nhà vua đã cho chuyển kinh đô từ Hoa Lư về Đại La và lấy tên là Thăng Long, mở ra một triều đại 216 năm hưng thịnh và vẻ vang nhất trong các triều đại phong kiến ở Việt Nam với nhiều công lao bảo vệ, xây dựng đất nước.
Trải qua tám đời vua và hơn hai trăm năm lịch sử, đến đầu thế kỷ 13, do nhiều nguyên nhân khác nhau, triều Lý bắt đầu suy vong. Năm 1225, Lý Chiêu Hoàng, sau vở kịch dàn dựng kết hôn của Điện tiền Trần Thủ Độ, đã nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Với sự kiện lịh sử này, vương triều Lý đã để rơi ngôi báu vào tay nhà Trần.
Để tránh sự tiêu diệt của nhà Trần và bảo toàn tính mạng, các hoàng thân nhà Lý đã phải rời bỏ kinh đô về các vùng xa xôi, hẻo lánh để ẩn cư. Năm 1226, Đô đốc Lý Long Tường (hoàng tử thứ bảy của vua Lý Anh Tông) đã cùng Bình hải công Lý Quang Bật đóng hải thuyền mang theo đồ tế lễ nhà Lý cùng một số người khác rời cảng Vân Đồn ra biển đi trốn để bảo toàn dòng giống.
Vì các mối hiềm khích giữa nhà Lý với Cham Pa (Campu chia) và nhà Tống (Trung Quốc) nên Lý Long Tường đã chọn hướng Đông Bắc để lánh nạn. Đầu tiên, đoàn di cư đến đảo Ôkinawa (Nhật Bản). Sau đó, không biết vì lý do gì Lý Long Tường lại chọn Triều Tiên làm nơi dừng chân cuối cùng. Đoàn hải thuyền của ông cập bến vào quận Khang Linh, lãnh thổ của Hàn Quốc ngày nay, rồi lập nghiệp, sinh sống tại đó.
Năm 1231, quân Nguyên- Mông bắt đầu xâm lược Triều Tiên nhiều lần. Năm 1253, tức là 27 năm sau ngày Lý Long Tường đến đất nước Cao Ly, quân Nguyên Mông chiếm được thành phố Kaesong, khiến vua Cao Tông của Triều Tiên phải chạy ra đảo Kanghwa. Trước tình hình ngày càng nguy kịch, nhà vua đã yêu cầu Lý Long Tường ra giúp sức. Nhờ có những kinh nghiệm chiến đấu khi còn ở quê nhà, ông cho đắp thành lũy kiên cố, luyện tập binh sĩ thuần thục. Sau 5 tháng vây thành không có kết quả, quân Nguyên- Mông bị bệnh chết đến 1/3, chúng bèn áp dụng kế trá hàng. Họ cho gửi sang phía Cao Ly 5 “rương vàng” để tỏ ý cầu hòa nhưng trên thực tế trong đó là những thích khách có vũ trang để ám sát các quan chức của Cao Ly.
Biết trước ý đồ của địch, Lý Long Tường dâng lên kế sách đổ nước sôi vào kẽ rương rồi sai người mang trả lại “rương vàng” nhà Nguyên -Mông. Khi mở rương, quân tướng nhà Nguyên -Mông vô cùng kinh hoàng khi thấy các thích khách của mình bị chết. Và đành chịu thất bại rút quân trở về nước, trên đường về bị quân Cao Ly phục kích đánh tan tác.
Vua Cao Tông của Triều Tiên hết lòng tán dương chiến công của Hoàng thúc Lý Long Tường, cấp cho ông thái ấp để con cháu đời sau có nơi sinh cơ lập nghiệp. Vua cho đổi tên Châu Sơn thành Hoa Sơn và phong tước cho Lý công làm Hoa Sơn quân, đó là vì ở Việt Nam có núi Hoa Sơn. Dân trong vùng còn tôn thờ ông làm tổ và dựng lên một chiếc cổng lớn gọi là Thụ hàng môn.
Họ khắc ghi công tích và ca ngợi công lao vĩ đại của ông khi đánh đuổi quân Nguyên-Mông. “Hỡi ôi! Thụ hàng môn được dựng lên đã trải hơn 600 trăm năm, thế mà vẫn được muôn dân ngưỡng mộ, khách thập phương vẫn cung kính viếng thăm!” (Thụ hàng môn ký tích bi).
Ngày nay, trên một ngọn núi tên Lul-bong, không xa núi Hoa Sơn, người ta tìm thấy mộ của Lý Long Tường và của con cháu hai đời sau. Riêng ở núi Hoa Sơn có một nền đá trên đỉnh núi có tên gọi “Vọng cố hương”, truyền rằng, Lý Long Tường thường hay đứng đó mỗi ngày hai buổi trông về hướng Nam, ôm mặt khóc nhớ quê nhà…
Nhưng có lẽ di tích tiêu biểu nhất vẫn là Thụ hàng môn được dựng lên ở Khang Linh, để ghi dấu nơi ông chấp nhận sự đầu hàng của quân Nguyên -Mông. Cửa này được trùng tu vào năm 1990 nhưng vì kiến trúc nặng, nhiều gỗ bị hủy hoại nhanh nên con cháu ông đã thiết lập vào năm 1903 một đài kỷ niệm được xây bằng đá với một tấm bia đá ghi rõ nguồn gốc dòng họ Lý ở Đại Việt, kể từ đười Lý Thái Tổ cùng những biến động xảy ra trong lịch sử Đại Việt trước khi Lý Long Tường chạy sang Cao Ly.
Con cháu Hoàng thúc Lý Long Tường kế tục nhau sống trên đất Triều Tiên gần 30 đời, phần lớn đều giữ những chức vị cao trong triều: Lý Cán, đời thứ hai giữ chức Kim Tử Quang Lộc Đại phu; Lý Huyền Lương, đời thứ ba giữ chức Chính Nghị Đại phu; Lý Ứng Nhật là tiến sĩ tu học ở Thạch Đàn; Lý Đình Giám làm tiến sĩ ở Thành quân quán; các ông Lý Hiến Quốc, Lý Hiến Chi, Lý Cảnh Hành, Lý Ngôn Vũ, Lý Vạn Vịnh đều là những tiến sĩ văn chương nổi tiếng thế gian…(Theo Thụ hàng môn ký tích).
Như vậy, nhờ những câu chuyện được truyền tụng trong dân gian địa phương, gia phả dòng họ Lý, đặc biệt căn cứ vào những di tích còn được bảo tồn tại Hàn Quốc, chúng ta mới có dịp biết rằng cách đây gần 800 năm, cha ông ta đã từng sống và lập chiến công hiển hách nơi xứ người.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét