CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ ĐÀO NƯƠNG
HỌ NGUYỄN XỨ SƠN NAM
Ngày xưa, có cô đào họ Nguyễn đã có công giúp tiền của để chàng thư sinh nghèo
Vũ Khâm Lân đỗ Tiến sĩ.
Vũ
Khâm Lân, quê xã Ngọc Lặc, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) là một anh học trò nghèo
thông minh chăm chỉ, vì dì ghẻ độc ác hà hiếp nên phải bỏ nhà lang thang xin ăn
độ nhật. Khi đến làng Dịch Vọng (Từ Liêm) xin ăn ở trường ông Hương cống thì được
thương và chu cấp cho ăn học. Trong khoảng hai năm việc học đã ngày chàng tiến
tới, trong trường không còn ai là đối thủ nữa.
Mùa
xuân năm ấy, làng Dịch Vọng vào đám rước thần. Mấy người bạn học rủ ông đi xem
hội. Trai gái cả làng đều ăn mặc đẹp, chen chúc nhau xem hát. Riêng ông thì mặc
áo bông cũ bẩn, dựa cột lén xem như chỉ sợ người khác thấy mình.
Giáo
phường đến hát có một cô đào hát tuổi chừng mười bảy, mười tám nhan sắc xinh đẹp,
đoan trang; mỗi lần nàng cất tiếng hát thì tiền và lụa thưởng cho nàng ném đầy
xuống mảnh chiếu hoa nàng ngồi hát. Lúc cô đang múa, ánh đuốc lớn ngoài sân chiếu
qua góc đình, khiến cô nhìn thấy ông, chăm chú một hồi lâu, bần thần như đánh mất
một vật gì, không sao hát được nữa. Người làng đang xem cho là cô bị trúng
phong đột ngột, ai nấy đều không vui. Người cầm chầu phải xin dừng đêm hát. Vũ
Khâm Lân cũng theo mọi người ra về. Hôm sau vào lúc xế trưa, thấy có người con
gái đến thẳng chỗ ông, an ủi và tặng ông 10 quan tiền cùng các thứ đồ ăn mặc, rồi
trân trọng từ biệt.
Từ
đó, cứ dăm ba tháng một lần cô lại đến chỗ ông ở, may vá, nấu nướng cho ông.
Lúc mới gặp cô gái, ông rất xúc động và kính trọng cô. Lâu ngày thành quen, biết
cô gái yêu mình, ông bỗng dưng nảy sinh lòng tà vạy, lẻn tới chỗ cô con gái xin
ngủ cùng. Cô gái nghiêm khắc cự tuyệt. Ông lấy làm hổ thẹn xin lỗi nàng, và từ đó
càng thêm niềm kính yêu, trân trọng.
Hai
năm sau, gặp kỳ thị Hội, ông sửa soạn về quê để đăng ký thi theo hộ tịch ở quê
nhà. Cô gái đến tiễn, đưa tặng rất hậu. Lúc sắp chia tay, ông cầm tay cô gái
xin được biết quê quán, họ tên để sau này biết chốn tìm nhau. Cô gái không cho
ông biết gì về thân thế, gia cảnh. Mùa thu, ông về thi ở huyện ở phủ đều đỗ đầu.
Thi Hương, thi tỉnh cũng nhất. Cha ông bàn việc chuyện hôn nhân, định hỏi con
nhà thế gia cho ông. Ông cố chối từ và thành thực kể lại chuyện riêng, xin được
lấy người con gái ấy. Cha ông nổi giận quyết không cho lấy cô đào kia và mắng
ông rất nhiều. Ông buộc phải nghe lời cha dạy.
Kỳ
thi Hội năm sau, cô gái đem lễ tặng rất hậu và tới đợi Vũ Khâm Lân ở chỗ trọ tại
kinh đô. Lân ngượng ngập, không biết nói gì. Cô gái nói với Lân: “Thiếp biết cả
rồi, chẳng cần chàng nói. Tiền trình của chàng còn xa muôn dặm, thiếp hèn hạ
không xứng hầu hạ khăn lược cho chàng. Đó là số phận của thiếp”. Từ đó ông
không gặp lại cô đào trẻ đó nữa. Vũ Khâm Lân đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Bảo Thái
thứ 8 (1727).
Sau
ông thi đỗ, vào làm việc trong viện Hàn lâm, đi sứ phương Bắc, làm quan trong kinh
ngoài trấn trải hơn mười mấy năm. Ông còn được triều đình cử đi dẹp giặc giã. Dẹp
xong giặc, ông được phong là Quận công, làm việc ở Ngự sử đài, rồi thăng Tể tướng,
vẻ vang hiển hách không ai bằng. Mỗi khi kể chuyện đã qua, ông lại than thở buồn
rầu tự trách mình. Ông đã sai người đi tìm chỗ ở của cô gái nhưng vẫn không tìm
được.
Trong
một tiệc hát ở nhà người bạn đồng liêu họ Đặng, thấy có người con gái đang gieo
phách giữa chiếu hoa trông giống với người con gái ngày xưa. Hỏi ra thì đúng là
nàng. Dẫu cho phong trần dầu dãi mà nét kiêu sa đằm thắm cùng tiếng phách tuyệt
kỹ vẫn còn như xưa. Ông hỏi thăm về những ngày tháng đã qua của cô, thì biết mười
năm trước cô lấy một viên quan võ ở trấn Thái Nguyên. Khi võ quan này chết, hai
người chưa có con cái gì, nàng không biết đi đâu, chỉ còn một ít tư trang, mới
lần về quê cũ. Gặp đứa em chẳng ra gì, phá tán sạch cơ nghiệp, cô đành dắt mẹ
già lưu lạc trong thành Tràng An, dựa vào các nhà quyền thế, đàn hát qua ngày
kiếm miếng ăn. Nghe câu chuyện của nàng, ông không sao nén nổi xót thương, bèn đón
cả hai mẹ con nàng về một nơi ở riêng, chu cấp đầy đủ. Hơn một năm sau, mẹ cô mất.
Ông lo chôn cất chu đáo. Tang ma cho mẹ xong, cô gái lại từ biệt ra đi, có lẽ lại
dấn thân vào chốn ca trường đầy bất trắc. Ông giữ lại không được, hậu tặng cô rất
nhiều tiền bạc, cô cũng không nhận. Ông cố ép thì cô nói: “Thiếp không có phúc được
làm vợ tướng công, thì những thứ tiền bạc này đâu có phúc để tiêu mà nhận. Rồi
nàng lén bỏ ra đi. Ông cho người nhà đuổi theo mà không kịp, không rõ đi đâu. Về
sau, biết nàng là người huyện Chương Đức xứ Sơn Nam (nay là huyện Chương Mỹ, Hà
Tây).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét