28 tháng 1, 2020

VÀO XUÂN


VÀO XUÂN


Sương giăng trên đỉnh núi
Mưa lất phất đầu thôn
Những ánh màu sắc lạ
Che kín cả trời xuân

21.01.2020

23 tháng 1, 2020

Dâm dương hoắc - thuốc bổ cho “bản lĩnh” đàn ông


Dâm dương hoắc - thuốc bổ cho “bản lĩnh” đàn ông
BS. NGUYỄN PHÚ LÂM


Dâm dương hoắc lá hình tim

Tương truyền, lá cây được gọi là dâm dương hoắc vì ngày xưa các mục tử thường lấy lá này cho dê ăn để làm tăng khả năng giao phối của chúng.
Dâm dương hoắc (tên khoa học là epimedium, thuộc họ hoàng liên gai - Berberidaceae) là một trong những vị thuốc bổ dương của y học cổ truyền. Đây là lá phơi hay sấy khô của nhiều loại cây thuộc chi Epimedium như dâm dương hoắc lá to, dâm dương hoắc lá mác, dâm dương hoắc lá hình tim, dâm dương hoắc có lông mềm...

Công dụng: ôn thận, tráng dương
Theo y học cổ truyền, dâm dương hoắc vị cay ngọt, tính ấm; có công dụng ôn thận, tráng dương (làm ấm tạng thận và khỏe dương khí), cường cân tráng cốt (làm mạnh gân xương) và khứ phong, trừ thấp.
Nó thường được dùng để chữa các chứng bệnh liệt dương, di tinh, tinh lạnh, muộn con, lưng đau gối mỏi, gân cốt co rút, bán thân bất toại, tay chân yếu lạnh, phong thấp... Dâm dương hoắc có ở Trung Quốc và một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.
Y học hiện đại ghi nhận, trong dâm dương hoắc có chứa hàm lượng L-Arginine rất cao (L-Arginine là chất kích thích sản xuất hoóc-môn tăng trưởng, tăng cường sinh dục, thiếu chất này sẽ làm ảnh hưởng đến sự ham muốn).
Chiết xuất được trong lá dâm dương hoắc những nhóm chất có tác dụng làm tăng lưu lượng máu và cải thiện chức năng tình dục bao gồm: alcaloid, flavonoid và saponosid, phytosterol, tinh dầu, axít béo, vitamin E.

Rượu dâm dương hoắc
Dâm dương hoắc thường được dùng là thuốc ngâm rượu, có thể dùng độc vị, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Để đảm bảo dược tính cho dâm dương hoắc cần chọn dược liệu tốt, không ẩm mốc và sao tẩm đúng. Có mấy cách sao dâm dương hoắc:
Sao với mỡ dê: 1 lạng dâm dương hoắc sao với 20g mỡ dê, sao sao nhỏ lửa cho đến khi thấm hết mỡ là được. Sao với muối: dùng nước muối 2% với lượng vừa đủ, sao dâm dương hoắc cho đến khi khô hết nước, dược liệu chuyển màu hơi đen là được.
Sao với rượu: mỗi lạng dâm dương hoắc cần dùng 20 - 25 ml rượu, phun đều rồi sao nhỏ lửa cho đến khi dược liệu khô.
Sao với bơ: mỗi lạng dâm dương hoắc cần dùng 25g bơ, đem bơ đun nóng chảy rồi cho dược liệu vào sao cho đến khi khô. Sao thường: cho dâm dương hoắc vào chảo, sao lửa nhỏ cho đến khi chuyển màu hơi đen.
Chúng tôi thường dùng cách sao dâm dương hoắc với mỡ dê để vừa tăng dược tính vừa tạo mùi thơm.
Rượu dâm dương hoắc ngâm độc vị có màu xanh đẹp. Thường ngâm 500g dâm dương hoắc với 5 lít rượu gạo ngon. Mỗi ngày uống hai lần, mỗi lần 15 - 20ml.
Để nâng cao hiệu quả của rượu dâm dương hoắc, người ta thường phối hợp nó với một số vị thuốc như: tiên mao, ba kích và nhục thung dung, uy linh tiên…
Qua kinh nghiệm điều trị cho đàn ông bị vô sinh - hiếm muộn (thường kèm theo triệu chứng dương nuy; xét nghiệm thấy tinh trùng thiếu, yếu…), tôi lập bài thuốc ngâm rượu có vị dâm dương hoắc phối hợp với: thục địa, huỳnh tinh, kỷ tử , sinh địa, hắc táo nhân, quy đầu, cam cúc hoa, cốt toái bổ, xuyên ngưu tất, xuyên tục đoạn, nhân sâm, bắc huỳnh kỳ, phòng đảng sâm, đỗ trọng, đảng sâm, trần bì, đại táo, lộc giác giao.
Trong đó: dâm dương hoắc cùng thục địa, nhục thung dung, huỳnh tinh, kỷ tử: bổ thận sinh tinh; lộc nhung, lộc giác giao: bổ mạnh tinh huyết; nhân sâm, đảng sâm, bắc kỳ, đan sâm: bổ khí; đương quy, xuyên khung: dưỡng huyết; sinh địa, táo nhân: dưỡng huyết, an thần…
Với bài thuốc ngâm rượu có dâm dương hoắc này, nhiều người đã có sức khỏe tình dục tốt hẳn lên, đặc biệt là đã có con sau nhiều năm hiếm muộn.
Cần lưu ý: dùng dâm dương hoắc phải có sự hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm; phụ nữ có thai không nên dùng.


22 tháng 1, 2020

Ikigai – bí quyết sống lâu của người Nhật BảnIkigai – bí quyết sống lâu của người Nhật Bản


Ikigai – bí quyết sống lâu của người Nhật Bản
      
Hạ Chi



Người Nhật bấy lâu nay vẫn có tiếng là sống lâu sống khoẻ trên thế giới. Và bí quyết trường thọ của họ
 có thể gói gọn trong một từ: Ikigai.
Trong tiếng Nhật, iki có nghĩa là “sống” và gai có nghĩa là “lý do” – ikigai hợp lại có nghĩa là “lý do bạn sống. Trường phái tư tưởng này bắt nguồn từ triều đại Heian (từ năm 794 đến 1185 sau Công nguyên), nhưng chỉ tới thập kỷ gần đây nó mới thu hút được sự chú ý của hàng triệu người trên thế giới.
Phong cách sống ikigai đặc biệt nổi tiếng ở Okinawa, một cụm đảo nhỏ ở phía nam Nhật Bản. Nơi đây còn có biệt danh là “Vùng đất của những người bất tử” vì người dân vùng này có tuổi thọ trung bình cao nhất, cùng với tỷ lệ các cụ trăm tuổi cao nhất thế giới.

Lý do chúng ta thức dậy mỗi sáng
Trong một bài diễn thuyết trên diễn đàn TED năm 2009, diễn giả kiêm nhà báo Dan Buettner đã trình bày những điểm chung của 5 vùng đất có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. Trong những “vùng xanh dương” này, như cách Buettner định nghĩa, Okinawa xếp đầu bảng về tuổi thọ trung bình.
“Ở nước Mỹ, chúng tôi chia quãng thời gian sống của người trưởng thành ra làm hai: thời gian làm việc và thời gian nghỉ hưu,” ông nói. “Ở Okinawa, thậm chí còn không có từ nào để nói về nghỉ hưu. Thay vào đó người ta dùng từ ikigai, có nghĩa là ‘lý do bạn thức dậy mỗi sáng.'”

Để minh hoạ cho bài diễn thuyết của mình, Buettner kể lại câu chuyện của một vài bách niên nhân người Okinawa. Với một ngư ông 101 tuổi, ikigai là bắt cá cho gia đình 3 lần một tuần; còn với một cụ bà 102 tuổi, đó là chăm nom cho đứa chít bé nhỏ của mình, công việc mà cụ ví von là “giống như nhảy vào thiên đường vậy“; còn với một võ sư karate 102 tuổi thì ikigai là dạy võ cho môn đệ của mình.

Tựu chung lại, những giá trị sống giản đơn mộc mạc này cho chúng ta hiểu được bản chất của ikigai: đó là cảm giác có mục đích, có ý nghĩa và có động lực trong cuộc sống.

Những lợi ích sức khoẻ của ikigai
Nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm ra bí quyết của một cuộc sống khoẻ mạnh và trường thọ. Theo khoa học hiện đại, câu trả lời là tổng hoà của các yếu tố như nguồn gen tốt, ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Còn một yếu tố không thể thiếu nữa mà các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra: chính là tìm được ý nghĩa cuộc sống.
Trong một nghiên cứu công bố năm 2008 từ trường Đại học Tohoku, người ta đã phân tích dữ liệu từ hơn 50.000 người với độ tuổi từ 40 đến 79, từ đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những ai có ikigai đều có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và tỷ lệ tử vong thấp hơn. 95% người có ikigai vẫn sống sau 7 năm so với chỉ 83% người không có.
Các thông tin trên cũng có nghĩa rằng ikigai đảm bảo cho chúng ta có cuộc sống lâu dài hơn. Nhưng theo kết quả của nghiên cứu này, việc tìm thấy ý vị trong cuộc sống có thể tạo động lực cho con người sống hạnh phúc và năng động hơn.

Đi tìm ikigai trong con người bạn
Không có cách đơn nhất nào để tìm kiếm ikigai của bạn, nhưng bạn có thể bắt đầu bằng việc đặt ra một vài câu hỏi:

-Điều gì khiến bạn hạnh phúc?
-Bạn giỏi làm gì?
-Điều gì hoặc ai đó mà bạn cảm thấy trân trọng?
-Động lực để bạn thức dậy mỗi sáng là gì?
Đi tìm ikigai trong bạn sẽ mất không ít thời gian. Tác giả Ken Mogi của cuốn sách “Đánh thức Ikigai trong bạn” đã tóm lược bí kíp của ông trong 5 cột trụ sau đây.

1. Bắt đầu bằng những việc nhỏ
Bắt đầu bằng những việc nhỏ và thực hiện cẩn thận từng bước là căn bản nhất của cột trụ này – và điều này áp dụng với tất cả mọi thứ trong cuộc đời của bạn.
Ví dụ, những người thợ thủ công dành hết thời gian và công sức để tạo ra những sản phẩm đẹp mắt và tinh xảo nhất. Họ cẩn thận tạo ra từng chi tiết nhỏ một, cho đến khi hoàn thành tác phẩm. Việc bắt đầu từ những thứ nhỏ như vậy đưa họ đi được quãng đường rất dài.

2. Giải phóng bản thân
Khi bạn giải phóng bản thân, bạn có thể quẳng đi những nỗi ám ảnh và nhìn mọi thứ quan trọng bằng góc nhìn rõ ràng và tích cực hơn.
Học cách tự chấp nhận bản thân là cốt lõi của cột trụ này, nó cũng là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trong đời. Nhưng nếu bạn có thể vượt qua được trở lực này và sống hạnh phúc với con người bạn, phần thưởng có thể sẽ rất phi thường.

3. Hài hoà và bền vững
Bạn không thể đạt được những mục tiêu của mình nếu cứ liên tục tranh đấu với những người xung quanh. Hãy tu dưỡng tâm tính và giữ một tâm thái bình hoà với mọi người, bạn sẽ xây dựng và duy trì được một hệ thống những người ủng hộ và giúp đỡ trong những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời.

4. Niềm vui với những điều nhỏ bé
Hãy cảm thấy hạnh phúc với những điều nhỏ bé – không khí trong lành buổi sớm, một tách cà phê hay tia nắng mặt trời ấm áp – những điều này có thể là một động lực giúp bạn thức dậy mỗi sáng.

5. Sống với thực tại
Đây có lẽ là điều thâm thúy nhất. Hãy sống với thực tại, điều quan trọng là tập trung vào hiện tại và duy trì chính niệm hàng ngày.
Rất nhiều đô vật sumo nói rằng sống với thực tại là điều nhất thiết phải chuẩn bị trước mỗi trận đánh. Họ nói rằng sống với thực tại giúp duy trì sự tập trung cho những màn trình diễn tốt nhất.

Theo CNBC
Hạ Chi tổng hợp.


20 tháng 1, 2020

Kinh lạc: Vì sao người xưa biết trong khi giải phẫu tìm không thấy?


Kinh lạc: Vì sao người xưa biết trong khi giải phẫu tìm không thấy?
      
Lê Minh


Sơ đồ kinh lạc trên thân thể người

Trên thế giới, thứ thần bí nhất chính là thân thể người. Dẫu có thể giải phẫu nó, phân tích cấu tạo nội tạng của nó, nhưng nhận thức của chúng ta về sự vận động trong cơ thể lại mịt mù như một con thuyền nhỏ giữa biển khơi. Điều thần bí nhất trong cơ thể người chính là kinh lạc, có thể cảm nhận được, nhưng lại không thể giải phẫu thành vật chất có thể nhìn thấy được.
Kinh lạc là sự tồn tại thần bí của những vật chất vô hình, giải phẫu lâm sàng về căn bản không tìm thấy tung tích của nó. Dẫu là máy móc khoa học hiện đại tiên tiến nhất cũng khó có thể thăm dò chính xác sự tồn tại và hình thái của nó. Điều khiến người ta khó hiểu nhất là vì sao một thứ nhìn không thấy, sờ không được như vậy, lại được mô tả một cách chuẩn xác trong “Hoàng đế nội kinh”? Vì sao trong cuốn “Tử ngọ lưu chú” lại mô tả chuẩn xác như vậy về thời gian đóng mở của từng huyệt đạo?

Lâu dần, châm cứu, vốn bị y học phương Tây bài xích là vô căn cứ, lại nở rộ khắp các nơi trên thế giới, vô cùng thịnh hành. Không phải kinh mạch không tồn tại, mà là y học, khoa học hiện đại chưa phát triển tới mức có thể chứng minh sự tồn tại của kinh mạch. Gần 100 năm qua, rất nhiều nhà khoa học tiến hành chứng thực, nghiên cứu kinh lạc. Khi sử dụng điện trở để tìm hiểu, thì phát hiện ra khu vực mà kinh lạc đi qua, điện trở sẽ hạ thấp rõ ràng. Hay các nhà khoa học lợi dụng sự phát sáng của da để truy tìm nguồn gốc, thì phát hiện thấy tuyến đường có kinh mạch vận hành khá sáng. Còn rất nhiều nghiên cứu nữa cũng đang không ngừng được khám phá.

Dẫu các nhà khoa học bình luận sôi nổi thế nào, thì cảm giác châm cứu tới bệnh nhân là vô cùng chân thực. Cùng một huyệt vị nhưng cách châm cứu khác nhau, sẽ khiến bệnh nhân cảm giác thấy lúc lên lúc xuống, lúc sang trái, lúc sang phải khác nhau. Đau đầu có thể châm cứu huyệt Thái xung ở chân, mất ngủ có thể châm cứu huyệt Dũng tuyền dưới lòng bàn chân.


Nhiều phương pháp chữa bệnh truyền thống như châm cứu dựa trên nguyên tắc của kinh lạc (ảnh: Shutterstock)

Lối tư duy và biện pháp trị bệnh của kinh lạc hoàn toàn khác so với Tây y. Ví như thoát vị đĩa đệm hoặc hẹp, dính hay gai đĩa đệm, sẽ gây tê bì từ chân đến các đầu ngón chân, thậm chí đi lại khó khăn. Có người vì vậy mà phải phẫu thuật, sau khi phẫu thuật bệnh tình cũng không thuyên giảm. Nhưng khi trị liệu bằng châm cứu, bệnh lại được chữa khỏi hoàn toàn. Tình trạng thoát vị đĩa đệm vẫn tồn tại, kỳ thực chỉ là kinh lạc và gân bị tổn thương mà thôi.

Đối với sự tồn tại và tác dụng thực tế của kinh lạc, dẫu giới y học bàn luận sôi nổi, nhưng lại không có lấy một đáp án thuyết phục.
Kỳ thực đáp án là có, chỉ là giới y học hiện đại sợ bị chụp mũ “mê tín”, nên không muốn và cũng không dám nhìn thẳng vào hiện thực này: Tức là sự phát hiện về kinh mạch nên quy công cho những vị thánh nhân tiên hiền có công năng “Nội thị” (nhìn thấu thân thể). Về điều này, Lý Thời Trân, vị thánh y thời nhà Minh, sớm đã chỉ ra rằng: “Con đường vận hành của kinh mạch trong cơ thể chỉ những người có khả năng nhìn ngược vào trong, mới thấy được rõ ràng.”

Nhìn lại tổng quan sự phát triển của Trung y, những vị thánh y có cống hiến trọng đại với Trung y, về cơ bản đều có công năng “nội thị” (nhìn thấu thân thể). Do vậy, họ mới có thể sử dụng “con mắt thứ 3” nhìn rõ sự tồn tại của kinh mạch, nhìn được tình trạng bệnh của cơ thể người, mới có thể tùy bệnh mà bốc thuốc, từ đó đạt được hiệu quả trị liệu tốt nhất. Ngay như bản thân vị Hoàng đế sáng lập ra thể hệ lý luận trung y, ông cũng là một vị thánh có năng lực nhìn thấu cơ thể. Do vậy, Hoàng đế mới có thể dùng kinh lạc làm cơ sở, xây dựng nên thể hệ Trung y vĩ đại, không hề suy bại theo thử thách của thời gian.

“Linh xu thiên” trong “Hoàng đế nội kinh” còn được gọi là “Châm kinh”, là ông tổ của châm cứu ngày nay. “Nhất châm, nhị cứu, tam dụng dược” là nguyên tắc trị bệnh từ kinh nghiệm trị liệu được người xưa đúc kết. (Cứu là lấy ngải cứu châm lửa đốt vào các huyệt để chữa bệnh.) Kinh lạc không những có thể điều tiết, khơi thông khí huyết, cân bằng âm dương, mà còn có thể trị bệnh, chẩn đoán bệnh. Thường ngày ấn huyệt, vỗ huyệt, đốt ngải vào các huyệt cũng là biện pháp dưỡng sinh rất tốt. Luyện khí công hay ngồi tĩnh tọa đều là đang luyện khí của kinh lạc.

Đạo gia giảng mỗi huyệt vị đều là một khiếu (một hốc), khiếu này là cửa mà khí kinh lạc vào ra, cũng là cổng tiếp nạp. Khiếu môn này có thể đóng, có thể mở, có thể đổi chốt, nó tiếp nạp Thiên khí, nhân khí và địa khí. Hệ thống ẩn giấu trong cơ thể người được tạo thành bởi kinh lạc chạy ngang dọc, ra vào khắp các huyệt vị, liên lạc bên trong và bên ngoài tạng phủ. Cho nên, trong nội tạng không có chỗ cho huyết quản thần kinh, nhưng kinh lạc lại có thể xuyên suốt, hình thành nên “nội kinh” hay còn gọi là chỉnh thể “kinh lạc kết nối, tuần hoàn không đầu không cuối.” Đây chính là nguyên do trị liệu bằng châm cứu có công hiệu thần kỳ.

Hiệu quả trị liệu của châm cứu, về lâm sàng có thể quan sát thấy rằng, người bệnh càng đơn thuần, chất phát, càng thích gần gũi với tự nhiên, có lòng tin về châm cứu, thì càng dễ đạt được trạng thái Thiên nhân hợp nhất, hiệu quả chữa trị rất tốt. Hơn nữa thầy thuốc càng có tu dưỡng, tâm tồn thiện lương, thì y thuật lại càng cao siêu, càng có thể đón nhận, chuyển trời khí Thiên địa nhân, hiệu quả châm cứu sẽ ngày càng tốt hơn.



18 tháng 1, 2020

BÂY GIỜ ÔNG SỐNG CHO ÔNG


 BÂY GIỜ ÔNG SỐNG CHO ÔNG



Ông Đạt ngồi nhâm nhi chén trà Thái. Ông nhớ từ lâu đã có câu “chè Thái, gái Tuyên”. Chè Thái Nguyên nổi tiếng ngon từ thời đất nước còn đang chiến tranh, pha ấm chè Thái, chiêu ra chén khói trà là là, hương trà thơm đặc trưng chỉ có ở trà Thái, uống nước hai mới ngon đậm ngọt nơi cổ họng. Gái Tuyên Quang có tiếng xinh đẹp, nết na. Tuyên Quang được xếp vào nơi “miền gái đẹp”. Gái Tuyên da trắng, mềm mại, dáng cao, bước đi uyển chuyển, tiếng như chim hót, răng trắng cười tươi. Trai thiên hạ cưới được cô vợ tỉnh Tuyên cảm thấy hãnh diện với bạn bè làng xóm lắm.

Ông chợt nhớ tới người vợ gốc thành Tuyên bỏ ông về cõi Tịnh đã ba năm. Ông bà có với nhau ba người con: hai trai, một gái. Trong cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước, đơn vị ông đóng quân ở Tuyên Quang, cơ duyên đã cho ông gặp bà. Kết thúc chiến tranh, ông đưa bà về làm dâu làng ông. Chị và em gái ông đã lập gia đình, ông bà ở cùng bố mẹ. Bà vườn tược ruộng đồng, ông đi làm thuê nơi xa. Đầu những năm 90 kinh tế đất nước dần chuyển đổi sang kinh tế thị trường, công việc nhiều, đồng tiền luân chuyển, đời sống người dân khá lên. Gia đình ông cũng chuyển từ làm nông sang kinh doanh nhỏ chợ huyện. Hai con trai ông lần lượt trưởng thành xây dựng gia đình. Để các con tự lập, ông bà vay mượn mua cho hai con hai mảnh đất rộng 10m, sâu 25m cạnh đường to, dựng căn nhà gỗ cho chúng ở. Đứa con gái út của ông bà mấy năm trước lấy chồng, ông bà cắt cho con 5m đất làm nhà.
 Cách nay 5 năm, vợ ông đổ bệnh, ông đưa bà đi hết viện này viện kia, tiền của ông bà dành dụm mấy chục năm ngoài tiền ông bà mua 2 mảnh đất cho hai con trai ông dồn hết chữa bệnh cho bà, mà bệnh bà không khỏi.

***

Một mình ông trong căn nhà trống vắng, buồn lắm…Khi buồn ông lại nhớ tới bà. Lúc ông bà còn song toàn bà nấu cho ông ăn, những khi ông thích món gì là bà kì cạch làm món đó cho ông. Từ ngày bà mất ông ít cười, ít nói; cơm canh ông tự nấu, tự ăn. Các con ở gần nhưng ông không nhờ vả chuyện cơm nước. Người già vậy đó. Ngày nào con cháu cũng đến thăm ông, không đứa này thì đứa kia. Ông cũng nguôi ngoai nỗi nhớ bà, bớt đi sự cô đơn.

Một hôm hai cặp vợ chồng con trai cùng lúc đến thăm ông, chúng biếu ông một cân chè Thái. Con trai lớn nói:
-        Chúng con bàn nhau đến thưa chuyện với bố, mẹ con không may mất sớm, còn mình bố rất mong bố giữ gìn sức khỏe, bên cạnh đã có chúng con. Có công việc gì bố cứ gọi chúng con…
Thấy con dừng lại ở đó, ông biết đây mới là màn mở đầu còn nội dung thì ông chưa hình dung ra. Ông gợi ý:
-        Còn gì nữa không?
-        Chúng con thống nhất thưa chuyện với bố thế này: Từ lâu chúng con đã định thưa chuyện với bố mẹ, chưa kịp nói thì mẹ con mất. Mẹ con mất đến nay đã 3 năm rồi. Hôm nay chúng con mới dám thưa chuyện với bố. Bố mẹ sinh ra ba anh em con, xây dựng gia đình cho chúng con.
        Em gái con xây dựng gia đình, bố mẹ cắt cho em con mấy mét đất mà ông bà khai mở, bố mẹ xây dựng lên. Phần đất còn lại chúng con có ý kiến với bố chia thành ba phần, bố một phần, cho chúng con mỗi gia đình một phần…Dạ chúng con có ý kiến thế thôi ạ.
Ông Đạt không tỏ gì trên khuôn mặt nhăm nheo, nhẹ nhàng nói:
-        Việc các con có ý kiến, bố trả lời các con sau.

***
Bốn tuần sau, ông tổ chức bữa cơm gia đình, ông “mời” gia đình các con ông bữa cơm đạm bạc, ông cho các con ông biết 30 năm trở về trước bữa cơm thường ngày của mọi gia đình người Việt chỉ có rau và rau, nước chấm là nước muối, cơm độn sắn độn bo bo. Đời sống người dân khốn khổ không phải do đế quốc, phong kiến mà do chính sách của nền kinh tế ấu trĩ.
 Ông nói với các con ông quá trình bố mẹ chúng từ người nông dân “tự chuyển hóa” thành dân thị thành ra sao, bước chân vào kinh doanh thế nào, quá trình vay và vốn, phát triển “tư bản” tiền đẻ ra tiền, thuận lợi và khó khăn; xây dựng gia đình, mua đất cho các con,…Cuối cùng ông nói về ‎mảnh đất ông đang sở hữu “quyền sử dụng đất”: mảnh đất của ông đang có ông giữ nguyên phần đất ngôi nhà ông đang ở, phần đất còn lại ông bán, tiền ông gửi nhân hàng lấy lãi hàng tháng chi dùng cho cuộc sống.
  Các con ông không vui nhưng không có ‎ kiến gì.
  Tháng trước ông bán hai mảnh đất được tỉ mốt, gửi vào ba ngân hàng một tỉ, một trăm triệu ông định mua một số nội thất cần thiết, sắm cái điện thoại gạt gạt, đi Hà Nội khám tổng quát, về thăm họ hàng nội ngoại, đi du lịch một số nơi.
Bây giờ ông sống cho ông.

 27.12.2019

9 tháng 1, 2020

Người sống lâu trăm tuổi đều duy trì thói quen này : Đừng để mình nhàn rỗi ngày nào!


Người sống lâu trăm tuổi đều duy trì thói quen này : Đừng để mình nhàn rỗi ngày nào!

Sống



Để sống lâu dài và khỏe mạnh, ngoài các yếu tố di truyền bẩm sinh, cách chúng ta sinh hoạt hàng ngày cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Cố họa sĩ Phương Thành - cái tên danh tiếng trong làng truyện tranh Trung Quốc - đã hưởng thọ 100 tuổi. Trong những năm cuối đời, ông vẫn không ngừng sáng tác, đưa ra những ý tưởng sắc bén. Thậm chí, ở tuổi 93, ông vẫn có thể dùng máy tính để viết hồi ký mỗi ngày.
Khi được hỏi về bí quyết giữ gìn sức khỏe, cố họa sĩ Phương Thành cho biết: Tất cả là nhờ bận rộn. "Tôi bận viết lách, tôi bận làm vườn, nuôi chim, câu cá… Chỉ cần tôi còn bận rộn, còn nghĩ ngợi, còn hoạt động tay chân thì vẫn còn khỏe mạnh", ông giải thích.
Kiến trúc sư người Mỹ gốc Hoa Bối Duật Minh - người đã thiết kế Kim tự tháp kính Louvre - cũng qua đời ở tuổi 102. Ở tuổi 90, ông làm việc không ngừng nghỉ để hoàn thành công trình Bảo tàng Tô Châu. Đối với vị kiến trúc sư tài hoa này, công việc chính là một loại niềm vui. Ông thậm chí còn ở lại bảo tàng hơn 8 tiếng chỉ để xem xét những chi tiết nhỏ.
Giáo sư Quý Tiễn Lâm - cây đại thụ văn hóa Trung Quốc  - hưởng thọ 98 tuổi. Sinh thời, ông luôn dậy từ 4h sáng để bắt tay vào nghiên cứu. Ở tuổi 90, nhà ngôn ngữ học này vẫn làm việc hơn 10 tiếng/ngày.
Chu Hữu Quang - cha đẻ của "Bính âm Hán ngữ" - hưởng thọ 112 tuổi. Ông từng nói trên tờ Nhật báo Nhân dân: "Tôi về hưu ở tuổi 85 nhưng vẫn đọc sách, đọc báo, viết bài tại nhà".
Ngay cả cố họa sĩ lừng danh Tề Bạch Thạch cũng đề cao sự bận rộn. Ông tin rằng mọi người không nên "để một ngày nào nhàn rỗi".
Ai cũng ghen tị với tuổi thọ của những nhân vật lừng lẫy này mà không biết rằng họ duy trì được sức khỏe là nhờ luôn làm mình bận rộn.
Một người cho biết, bố anh ta bị bệnh ở chân. Cơn đau khiến ông không thể đi lại được mà chỉ ngồi một chỗ ở nhà. Trước kia, ông là người hoạt bát, không chỉ hay đi đón cháu mà còn đi chợ mua đồ rồi nấu ăn. Ngược lại, mẹ anh ngoài việc dọn dẹp nhà cửa thì chỉ ngồi một chỗ xem TV.
Nhiều người nghĩ rằng cuộc sống như thế là thoải mái, nhưng mẹ anh lại cảm thấy không hạnh phúc. Dù không gặp vấn đề gì về sức khỏe, bà ấy dần dần ít cười, ít nói, mặt mũi bơ phờ, thậm chí còn cho rằng con cái không tôn trọng mình.
Tuy nhiên, sau khi chồng bị bệnh, mọi công việc nấu nướng, dọn dẹp đều đổ dồn lên vai người mẹ. Sợ con cái bận bịu, bà tự mình đi trả tiền nước, tiền điện, tiền ga. Nhà có gì hỏng hóc bà cũng tự gọi người tới sửa. Khi cháu trai đến chơi vào cuối tuần, bà sẽ tất bật chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn rồi cũng tự mình rửa bát.
Dù bận rộn như thế nhưng người mẹ chẳng những không mệt mỏi mà sắc mặt còn hồng hào hơn. Những nếp nhăn trên mặt bà cũng biến mất đáng kể, tâm trạng cũng trở nên vui hơn. Rõ ràng, bận rộn chính là liều thuốc quý để giải quyết mọi thứ.

Làm gì để trở nên bận rộn?

1. Dậy sớm, không ngủ nướng
Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy những người trường thọ thường sinh hoạt điều độ, ít khi ngủ nướng. Mọi hoạt động đều được sắp xếp một cách quy củ, khoa học. Bạn không nên lãng phí buổi sáng, mà dành thời gian đó để ăn sáng, đọc sách, thưởng trà, chơi cờ, trò chuyện cùng bạn bè… để cuộc sống bớt nhàm chán.

2. Ra ngoài thường xuyên thay vì ngồi lì ở nhà
Nếu chỉ ngồi mãi trong nhà, bạn sẽ sớm nảy sinh cảm giác buồn chán và phiền muộn trong lòng. Muốn tâm trạng vui vẻ, thoải mái, hãy ra ngoài đi dạo. Khi thời tiết tốt, bạn có thể chạy bộ đến vã mồ hôi, bơi lội, chơi bóng hoặc tập thể dục cho cơ thể dẻo dai.

3. Tham gia sinh hoạt cộng đồng
Những người trường thọ không bận rộn một cách mù quáng, đến mức thức thâu đêm suốt sáng. Họ làm vậy để đầu óc minh mẫn và cuộc sống thêm phong phú hơn.
Sau khi nghỉ hưu, bạn có thể tham gia sinh hoạt cộng đồng, chơi mạt chược, làm tình nguyện, đi tập thể dục tập thể, nghe chim hót trong công viên cùng bạn bè vào sáng sớm…

4. Chăm chút ngoại hình
Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln từng nói: "Trước tuổi 40, ngoại hình là do cha mẹ ban tặng. Sau tuổi 40, con người phải tự chịu trách nhiệm về ngoại hình của mình".
Chăm chút cho dáng vẻ bên ngoài sẽ giúp bạn thêm tự tin và tràn đầy năng lượng, thậm chí khiến bạn trẻ ra 10 năm so với tuổi thật.

5. Kiên trì đọc sách, học hỏi và đi du lịch
Dù là ai cũng nên kiên trì học hỏi từ khi còn trẻ cho đến lúc về già. Đọc sách giúp bạn nuôi dưỡng tâm hồn; du lịch giúp bạn mở rộng tầm mắt. Qua đó, bạn hiểu thêm về những vấn đề đang diễn ra quanh mình, dần dần sẽ thấy tinh thần phấn chấn, tràn đầy năng lượng hơn.

6. Duy trì thói quen tập thể dục
Sức khỏe tốt chính là nền tảng quan trọng để kéo dài tuổi thọ. Những người sống thọ thường không ngừng duy trì rèn luyện thể chất mỗi ngày, nhờ vậy mà họ lúc nào cũng dồi dào sức sống.

7. Tư duy tươi trẻ
Người trẻ luôn chủ động học hỏi và trải nghiệm những điều mới mẻ với một đôi mắt tò mò. Kể cả khi khuôn mặt xuất hiện những nếp nhăn, chỉ cần bạn luôn giữ vững vẻ rạng rỡ và tinh thần hứng khởi của mình là đủ để thu hút ánh nhìn từ mọi người.