6 tháng 8, 2020

CHUYỆN CƯỜI DÂN GIAN


Xưa có một ông nhà giàu sinh được hai người con gái, cô chị gả cho người làm ruộng, cô em gả cho một người học trò.

Một hôm thong thả, bố vợ cùng hai con rể đi chơi. Ông bố vợ nghe ngỗng kêu mới hỏi:

- Làm sao tiếng nó to thế?

Người học trò nói chữ:

- Trường cổ tắc đại thanh (Cổ dài tất to tiếng).

Người làm ruộng nói:

- Trời sinh ra thế!

Đi được một quãng, thấy mấy con vịt đang bơi dưới ao, ông bố lại hỏi:

- Tại sao nó nổi?

Anh học trò lại nói chữ:

- Đa mao thiểu nhục tắc phù (nhiều lông ít thịt tất nổi).

Người làm ruộng trả lời:

- Trời sinh ra thế!

Đi được khoảng nữa, thấy hòn đá nứt đôi, ông bố lại hỏi:

- Sao đá bị nứt thế?

Người học trò lại nói:

- Phi nhân đả tắc thiên đả (Chẳng người đập cũng trời đánh).

Người làm ruộng vẫn nói:

- Trời sinh ra thế!

 

Đến lúc về nhà ba bố con ngồi uống rượu. Ông bố khen anh rể học trò hay chữ và chê con rể làm ruộng dốt. Người con rể làm ruộng mới tức mình hỏi người học trò:

- Tôi thì dốt thật, nhờ chú cắt nghĩa "trường cổ tắc đại thanh" lại nghe coi.

Người học trò đáp:

- Cổ dài thì to tiếng.

Người làm ruộng bẻ lại:

- Thế con ếch, con ễnh ương cổ đâu dài mà tiếng cũng to?

Người nông dân nói tiếp:

-Chú nói "đa mao thiểu nhục tất phù" (nhiều lông ít thịt thì nổi). Thế con thuyền lông đâu thịt đâu mà cũng nổi?

Người học trò lại cứng họng lần nữa. Người làm ruộng đắc thắng, tiếp tục hỏi:

- Còn tảng đá, chú nói “Phi nhân đả tất thiên đả” là gì?

Người học trò ngập ngừng giải thích:

- Nghĩa là nếu không do người đánh nứt thì cũng do sét đánh.

Người làm ruộng bẻ lại:

- Thế chứ cái… ấy của các cô, các bà, của mẹ cậu, có ai “đả” không mà nó cũng nứt?

 

Lúc đó ông bố vợ mới gật gù nói:

- Ừ, dốt đặc còn hơn là chữ lỏng!