2 tháng 6, 2016

BÍ ẨN VỀ CUỘC ĐỜI TRẦN QUỐC TOẢN

Trần Quốc Toản, vị anh hùng trẻ tuổi mà chúng ta được học trong các bài học lịch sử khi còn nhỏ, là một tấm gương sáng cho bao thế hệ trẻ Việt Nam suốt hơn 700 năm qua. Tuy nhiên có nhiều điều về vị anh hùng trẻ tuổi này mà chúng ta chưa biết, nhất là về cái chết của ông. Có phải ông đã mất năm 1285 trong cuộc kháng chiến chông quân Mông - Nguyên lần thứ hai như sử sách đã ghi? Vì sao ông lập được nhiều chiến công nhưng không được phong tước vương mà chỉ được phong tước hầu?


Bài học lịch sử thuở nào

Chúng ta đã từng được học về Trần Quốc Toản trong các bài học lịch sử ở bậc Tiểu học như sau: Năm 1282 vua Trần Nhân Tông tổ chức hội nghị Bình Than họp mặt các vương hầu để bàn cách chống giặc Mông-Nguyên. Được tin, Hoài Văn hầu (1) Trần Quốc Toản cùng với Hoài 
Nhân vương Kiện cưỡi ngựa đến Bình Than tham dự. Nhưng đội quân thánh dực của vua Trần Nhân Tông ngăn lại không cho vào vì Quốc Toản còn nhỏ, chưa đủ tuổi bàn việc nước.
Quốc Toản tức lắm, tay cầm trái cam bóp nát đi lúc nào không biết.  

Sau đó chàng về tập hợp người thân và gia nhân của mình, mua vũ khí sắm chiến thuyền và luyện tập võ nghệ chờ ngày đánh giặc. Chàng cho may một lá cờ thêu sáu chữ vàng "Phá cường địch báo hoàng ân", nghĩa là "Phá giặc mạnh báo ơn vua" để làm cờ hiệu riêng cho đội quân mình. Đội quân của chàng đã giúp tướng Trần Nhật Duật (2) đánh lui quân giặc trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai và chàng cũng đã tử trận trong trận chiến này.

Cuộc đời Trần Quốc Toản

Theo như kết quả những nghiên cứu gần đây, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản là con của Vũ Uy vương Trần Nhật Duy (3) và vương phi Trần Ý Ninh (4). Trần Nhật Duy là con trai vua Trần Thái Tông nên Trần Quốc Toản là cháu nội của vua Trần Thái Tông, vị vua Trần đầu tiên của nước ta.

Khi quân Mông Cổ xâm chiếm Đại Việt lần thứ nhất (1257-1258), Trần Nhật Duy đang làm Tổng trấn biên giới phía Bắc. Sau chiến thắng quân Mông Cổ lần thứ nhất năm 1258, vua Trần Thánh Tông (5) cử Trần Nhật Duy và vợ là Trần Ý Ninh cùng một số tướng lãnh sang giúp nhà Tống, vì nghĩ rằng nếu Mông Cổ tiêu diệt nhà Tống thì quân Mông Cổ sẽ kéo quân sang đánh Đại Việt lần nữa.

Trần Quốc Toản được mẹ sinh ra ở đất Tống vào năm 1267. Ông có nhiều bạn bè là con cháu trong hoàng tộc nhà Tống. Năm 1279, sau khi nhà Tống bị nhà Nguyên tiêu diệt hoàn toàn, một số người Tống kéo sang Đại Việt lánh nạn và giúp nhà Trần đánh giặc Mông - Nguyên. Một đội quân do hoàng tử Tống tên là Triệu Trung cầm đầu chiến đấu dưới sự chỉ huy của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Em của hoàng tử Triệu Trung là công chúa Triêu Ngọc Hoa cùng chiến đấu trong đội quân này. Trần Quốc Toản cũng cầm đầu một đội quân khác chiến đấu dưới sự chỉ huy của tướng Trần Nhật Duật. Sau đó Trần Quốc Toản và Triệu 
Ngọc Hoa cảm mến, yêu thương nhau và hai người thành vợ chồng.

Vì lấy vợ Tống, cho nên mặc dù trung nghĩa và lập được nhiều chiến công nhưng Trần Quốc Toản chỉ được phong tước hầu (Hoài Văn hầu) chứ không được phong tước vương (6).

Nghi vấn về cái chết của Trần Quốc Toản năm 1285

Về cái chết của ông, theo chính sử Việt Nam ghi lại thì ông mất năm 1285 nhưng không nói rõ ông mất ở đâu, trong trận nào (7). Riêng các quyển sử của nhà Nguyên viết rằng ông chết trong trận đánh ở sông Như Nguyệt (8). Nhưng theo gia phả của hậu duệ Trần Ích Tắc (chú Trần Quốc Toản) để lại thì Trần Quốc Toản cùng vợ trở về Trung Quốc khởi binh khôi phục triều Tống (9). Riêng gia phả của hậu duệ Trần Quốc Toản mang tên "Viêm phương Trần tộc 
Lưu phả" và mộ chí ở Trung Quốc (10) vừa tìm thấy được có nói về người vợ Tống của ông là vị công chúa cuối đời Tống tên Triệu Ngọc Hoa. Trong gia phả và mộ chí này có nói rằng Trần Quốc Toản sống rất thọ và mất ở Tống chứ không phải chết trong trận đánh với quân Nguyên năm 1285 như chúng ta đã biết.

Cali ngày 25-07-08
Đinh Ngọc Thu


______________________
Ghi chú:

(1) Hoài Văn hầu: Hoài Văn là tước hiệu, hầu là tước hầu. Dưới thời nhà Trần, những người thuộc bà con dòng họ của vua thường được phong tước vương và hầu. Tước vương chính là tước công, tước cao nhất trong 5 tước quan đại thần mà triều đình ngày xưa đặt ra: công, hầu, bá, tử, nam.  

(2) Trần Nhật Duật: là con của vua Trần Thái Tông với một người vợ thứ của vua. Trần Nhật Duật có tước là Chiêu Văn vương

(3) Trần Nhật Duy: có tước hiệu là Vũ Uy vương. Ông là con trai lớn tuổi nhất của vua Trần Thái Tông nhưng vì ông là con của một bà vợ thứ của vua nên không phải là con trưởng. 
(Dưới thời vua Lý Thái Tổ, có một người anh của vua cũng được phong tước Vũ Uy vương)

(4) Trần Ý Ninh: Theo GS Trần Đại Sĩ thì bà là em gái của Trần Tử Đức. Hai người là con của ông Trần Hiến và bà Lê Thị Đạt. Khi Trần Thủ Độ ép Trần Liễu nhường vợ của mình là công chúa Thuận Thiên cho vua Trần Thái Tông - Trần Cảnh, Trần Liễu nổi loạn đem quân tấn công triều đình. Trần Hiến chỉ huy binh lính của Trần Liễu tấn công phủ của Thái sư Trần Thủ Độ. Sau khi Trần Liễu đầu hàng, toàn bộ binh lính dưới quyền của ông bị sát hại trong đó có vợ chồng Trần Hiến.  

(5) Trần Thánh Tông: là vua thứ hai dưới thời nhà Trần. Trên thực tế ông không phải là con trai lớn hay con trưởng của vua Trần Thái Tông nhưng ông là con trai đầu của vua Trần Thái Tông với bà hoàng hậu Thuận Thiên nên được nối nghiệp cha. Con lớn tuổi nhất của vua Trần Thái Tông là Trần Nhật Duy nhưng vì ông là con của bà vợ thứ nên không phải là con trưởng. Về danh nghĩa, con trưởng của vua là Trần Quốc Khang nhưng thật ra Trần Quốc Khang là con ruột của Trần Liễu với bà hoàng hậu Thuận Thiên nên không được nối ngôi.

(6) Theo GS Trần Đại Sĩ: “Hoài Văn trung nghĩa, đại công nhi bất vương do thú ư ngoại nhân", Nghĩa là: Hoài Văn hầu mặc dù trung nghĩa và lập được đại công, nhưng không được phong tước vương vì lấy vợ nước ngoài.

(7) Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên viết dựa theo quyển Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu và Đại Việt Sử Ký Tục Biên của Phan Phu Tiên nói về đoạn cuối cuộc đời của Trần Quốc Toản như sau: “Sau này, khi đối trận với giặc, tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không dám đối địch. Đến khi mất, vua rất thương tiếc, thân làm văn tế”.

(8) Theo An Nam truyện của Nguyên sử có ghi: "Quan quân đến sông Như Nguyệt, thì Nhật Huyên sai Hoài Văn hầu đến đánh... Theo Kinh Thế Đại Điển Tự Lục trong Nguyên sử có viết :"...Đến sông Như Nguyệt, Nhật Huyên sai Hoài Văn Hầu đến đuổi thì bị giết".

(9) Gia phả này do GS Trần Đại Sĩ tìm đọc của hậu duệ Trần Ích Tắc hiện còn sống bên Trung Quốc.

(10) Hai tài liệu này do cô Vũ Khánh Ngọc, du học sinh tại tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc tìm giúp GS Trần Đại Sĩ.

 1) Năm trang gia phả mang tên Viêm phương Trần tộc Lưu phả của hậu duệ Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản.

2) Ảnh chụp mộ chí nội dung nói về một vị công chúa 
cuối đời Tống kết hôn với Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản.

  (Tài liệu không có 2 ảnh nói trên)                

(11)    Độc  giả nên cẩn thận suy xét khi đọc quyển sử này vì khi viết Lê Tắc là phiên thần nhà Nguyên, mặc dù trước đó ông là con dân Đại Việt. Lê Tắc là gia thuộc của Trần Kiện. 

Khi Trần Kiện đem cả nhà đầu hàng Toa Đô, Trần Kiện bị gia tướng của Trần Hưng Đạo là Nguyễn Địa Lô (có sách nói Nguyễn Thế Lộc) giết chết, Lê Tắc cướp được xác Trần Kiện. 
Sau đó Lê Tắc trốn sang Trung nguyên và viết bộ sử này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét