30 tháng 11, 2016

GHI LẠI CẢM XÚC



Lật giở cuốn sổ ghi chép cũ đã bao năm không cầm đến, tôi bắt gặp mảnh giấy rời ra. Nhìn nét chữ, đọc nội dung tôi lại nhớ tới hình ảnh cha tôi. Ông gầy cao đến mét bảy ba, bảy tư; mặt xương, dáng thẳng, tóc bạc trắng. 17 tuổi ông rời quê ra Hòn Gai, Cẩm Phả làm phu than và ở vùng than đến 8 năm mới trở về quê. Khi 4, 5 tuổi tôi đã nhận biết bố mình hay đọc sách báo. Có lẽ tôi đã được ông “di truyền” cho thói quen đọc và yêu thích sách báo. Nét chữ này thân quen với tôi lắm. Khi các cháu nội ông còn nhỏ, tôi bảo các con tôi: “ Các con khó bắt chước nét chữ ông lắm vì đây là chữ TÂY HỌC”.
 Cha tôi kể: làng quê mình nghèo lắm, chỉ có lớp học chữ Hán của mấy ông thầy đồ, thầy (tôi gọi cha tôi là thầy) được ông nội con cho theo học chữ Hán hơn một năm, đến năm thầy 11 tuổi thì người Pháp mở lớp dạy chữ Quốc ngữ ở làng, họ khuyến khích con em người dân đi học. Ông nội con cho thầy đi học được 4 năm. Hai vợ chồng ông bà giáo người Pháp dạy cả chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Học xong 4 năm muốn học lên nữa thì phải lên huyện học.

Thế là sự học của cha tôi dừng lại. Ông có thói quen đọc và ghi lại những điều cần thiết. Hình ảnh trên là tờ giấy cha tôi ghi lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét