30 tháng 5, 2017

Có một tình yêu bất chấp ngục tù

Thiếu soái Trương Học Lương lúc mới 29 tuổi


Mặc dù là một vị danh tướng của Quốc dân đảng (Trung Quốc) song Trương Học Lương chỉ thực sự được người đời ghi nhận công tích bởi "Sự biến Tây An" (1936): Nửa đêm bắt cóc Tưởng Giới Thạch, buộc Tưởng Giới Thạch phải ra tuyên bố kháng Nhật. Và cũng vì hành động quả cảm này mà sau khi Tưởng Giới Thạch giành lại thế chủ động, nắm chắc được binh quyền thì Trương Học Lương liên tiếp bị họ Tưởng lưu đày hết ở nhà tù này đến trại giam khác.
Tính cả thời gian bị quản chế thì những năm tháng mất tự do của Trương Học Lương có thể đến hơn 50 năm. Tuy nhiên, bù lại, chính qua gian khổ mà Trương Học Lương càng thêm thấu hiểu lòng người, càng thêm thấm thía nghĩa tình mà người vợ yêu Triệu Khởi Hà dành cho mình. Không phải đơn giản mà trên tạp chí "Văn trích ngày nay" của Trung Quốc, đã có ý kiến mạnh dạn xếp Triệu Khởi Hà vào hàng ngũ những "nàng Juliet" của thế kỷ XX.
Triệu Khởi Hà xuất thân trong một gia đình danh giá. Bố cô - ông Triệu Khánh Hòa từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Giao thông Trung Hoa dân quốc. Khi còn là nữ sinh trung học, Triệu Khởi Hà rất mê khiêu vũ, bởi vậy mà cô thường theo chị gái tới vũ trường. Và tại đây, vào một đêm tháng 5/1927, số phận như thể đã xếp đặt khi cô được giới thiệu với Trương Học Lương, bấy giờ đã là một sĩ quan danh giá. Rất lịch sự, Trương Học Lương mời Triệu Khởi Hà tham gia một điệu nhảy. Triệu Khởi Hà e thẹn đồng ý và cô biết, từ đây cuộc đời cô đã sang một trang khác.
Tình cảm giữa đôi bạn trẻ được đẩy tới đỉnh điểm khi vào ngày 3 tháng 6 năm 1928, thân phụ của Trương Học Lương là Trương Tác Lâm bị tử nạn trên chuyến tàu hỏa từ Bắc Kinh đi Phụng Thiên. Nguyên do chuyến tàu bị quân Quan Đông của Nhật dùng mìn phá hủy. Nhìn cảnh người yêu đau xót bên thi thể người cha, Triệu Khởi Hà không sao cầm được nước mắt. Bất ngờ, cô ôm chầm lấy Trương Học Lương, như muốn dùng đôi cánh tay nhỏ bé của mình giữ chặt lấy người yêu, giúp anh khỏi bị đốn quỵ bởi nỗi đau  tang tóc. Hành động của Triệu Khởi Hà như một thông điệp: Cô quyết định gắn chặt cuộc đời mình với người đàn ông cương trực và hiếu dũng đó.
Tuy nhiên, cuộc đời nhiều khi cũng "rắc rối lắm mối tơ vò". Từ năm 1916, Trương Học Lương mặc dù còn rất ít tuổi, đã lập gia đình với một phụ nữ tên là Vu Phượng Chí, lớn hơn Trương vài ba tuổi. Bởi vậy, khi Triệu Khởi Hà bất chấp tất cả để đến với Trương Học Lương, cô đã nhận được sự phản đối dữ dội từ phía gia đình mình. Thậm chí, quá bất lực trước sự "ương ngạnh" của cô con gái (năm đó Triệu Khởi Hà mới 19 tuổi), bố cô - ông Triệu Khánh Hòa đã cho đăng trên "Tân văn báo" rằng cô là một đứa con hư hỏng, bất hiếu, làm nhục gia đình, và cả nhà quyết định cắt đứt mọi quan hệ với cô. Riêng ông Triệu Khánh Hòa thì tự thấy ê chề và tuyên bố "treo ấn từ quan". Sự việc ra vậy không thể không làm cho Triệu Khởi Hà đau khổ. Song dứt khoát cô không cảm thấy ân hận bởi con đường mình đã chọn.
Chịu thân phận là người "nâng khăn sửa túi" (tuy không có giấy hôn thú) của Trương Học Lương, Triệu Khởi Hà luôn tỏ ra biết điều, đặc biệt cô có cách ứng xử khéo léo khiến cho "chị cả" Vu Phượng Chí cũng không thể tìm cớ gây gổ với cô được, chưa kể - cùng với thời gian, Vu Phượng Chí còn đâm ra quyến luyến, coi Triệu Khởi Hà như em gái mình. Triệu Khởi Hà có được thành công này là bởi cô thực sự là người có tâm, luôn lấy sự hòa thuận trong nhà làm điều trọng. Và quan trọng nhất là bởi cô rất yêu Trương Học Lương, không muốn vì mình mà Trương rơi vào tình trạng khó xử hoặc có điều phải băn khoăn suy nghĩ.
Về phía Trương Học Lương, từ ngày Triệu Khởi Hà bước vào cuộc đời ông, ông cảm thấy mình đã tìm được một điểm tựa vững chắc, một nơi có thể để ông chia sẻ tình cảm và cả những dự định. Thậm chí, sự tin yêu đã khiến viên tướng họ Trương còn đem cả việc quân cơ ra cùng với Triệu Khởi Hà bàn định. Có nhiều bằng chứng cho thấy khi Trương ra tay làm nên "sự biến Tây An", ông đã cùng Triệu Khởi Hà tính toán mọi đường mọi nhẽ.
Về "sự biến Tây An", lịch sử đã ghi lại như sau: Trong vòng chưa đầy 4 năm (từ tháng 9/1931 đến mùa hè 1935), phát xít Nhật gần như hoàn toàn làm chủ được vùng Đông Bắc của Trung Quốc, buộc chính quyền của Tưởng Giới Thạch phải liên tiếp nhượng bộ. Tới năm 1936 thì đã có tới hàng triệu lính Nhật có mặt và mặc sức làm mưa làm gió ở nhiều nơi trên đất Trung Hoa. 
Đảng Cộng sản Trung Quốc trước tình thế nghiêm trọng vậy đã chủ trương kêu gọi Quốc dân đảng chấm dứt nội chiến, cùng chung sức chung lòng xây dựng mặt trận toàn dân thống nhất kháng Nhật. Lời kêu gọi của Đảng Cộng sản đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Bản thân một số tướng lĩnh trong chính quyền Tưởng Giới Thạch như Trương Học Lương và Dương Hổ Thành cũng ngầm tán thành biện pháp cấp bách này. Ngày 4/12/1936, trong khi nhận lệnh của Tưởng Giới Thạch tấn công cơ quan đầu não của Đảng Cộng sản ở Diên An, ngoài việc tìm cách trì hoãn cuộc tấn công, cả Trương Học Lương và Dương Hổ Thành đã tranh thủ buổi yết kiến Tưởng Giới Thạch tại Hoa Thanh Trì để thỉnh cầu Tưởng cho dừng nội chiến, cùng Đảng Cộng sản chiến đấu chống ngoại xâm. Tuy nhiên, lời thỉnh cầu này đã ngay lập tức bị Tưởng bác bỏ.   
Vậy là, vào đêm 12/12/1936, Trương Học Lương và Dương Hổ Thành huy động binh sĩ bất ngờ bao vây Hoa Thanh Trì. Sau khi vô hiệu hóa toàn bộ số lính cảnh vệ của Tưởng Giới Thạch, đội quân thân tín của hai tướng Trương, Dương đã xông thẳng vào buồng ngủ của Tưởng, song lúc này, Tưởng đã nhanh chân trốn vào một cái hang ở núi Lệ Sơn (cũng vẫn trong khuôn viên Hoa Thanh Trì). Phải đến sáng hôm sau, quân nổi dậy mới phát hiện ra và sau đó, Tưởng Giới Thạch đã được đưa về Tây An, chịu phận giam cầm cùng hơn chục thuộc hạ.
Ngay sau khi bắt được Tưởng Giới Thạch, một Ủy ban Quân sự lâm thời Liên quân Tây Bắc kháng Nhật được lập ra, do Trương Học Lương làm chủ tịch, Dương Hổ Thành làm phó chủ tịch. Những thủ lĩnh của cuộc binh biến cũng đã gửi điện thông báo sự việc này tới lãnh đạo Đảng Cộng sản, đồng thời gửi kiến nghị tới Chính phủ Trung ương của Quốc dân đảng (bấy giờ đóng ở Nam Kinh), yêu cầu họ phải cải tổ bộ máy lãnh đạo, đình chỉ nội chiến và đoàn kết cùng nhau kháng Nhật. Yêu cầu này đã bị chính phủ Quốc dân đảng ở Nam Kinh bác bỏ. Họ hạ lệnh "thảo phạt Trương, Dương, giải cứu Tưởng ủy viên trưởng".
Sau khi Tưởng Giới Thạch lật ngược được tình thế (Tưởng được thả bởi đã chấp thuận đình chiến và "liên Cộng kháng Nhật" theo tinh thần hòa giải của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Ân Lai. Chu Ân Lai đã đến tận Tây An để bàn thảo với hai tướng Trương, Dương và họ đã đồng ý trả tự do cho Tưởng), Trương Học Lương từ một vị võ tướng đầy quyền uy đã bị Tưởng tráo trở biến thành một nhân vật bị quản chế, thậm chí phải nếm trải cảnh tù đày. Vì sợ Trương Học Lương có thể bất thần tự sát nên Tưởng đã phải tính đến việc cho một trong hai người vợ của Trương đến chung sống và chăm sóc Trương. Việc này, Trương Học Lương được quyền chọn lựa.
Ý của Trương Học Lương là muốn chọn Triệu Khởi Hà, nhưng vì thương cô còn ít tuổi, cuộc đời chưa nếm trải được mấy hạnh phúc mà đã phải theo chồng vào chốn lao tù , nên ông chuyển hướng sang chọn Vu Phượng Chí. Bản thân Vu Phượng Chí cũng tán thành cách thức này. Vì là "đàn em" nên đương nhiên Triệu Khởi Hà đành phải vâng lời.
Tháng 11/1941, khi Trương Học Lương được điều chuyển từ nhà ngục ở Hồ Nam đến nhà ngục ở Quý Châu thì cũng là lúc Vu Phượng Chí mắc bệnh ung thư vú phải sang Mỹ chữa trị. Trước tình hình đó, Triệu Khởi Hà đã được chính quyền Tưởng Giới Thạch "hỏi ý kiến" và cô rất vui vẻ nhận lời được thế chân Vu Phượng Chí để chăm sóc chồng. Từ đây, Triệu Khởi Hà gắn bó với Trương Học Lương cho tới ngày từ giã cõi đời (bà mất ngày 23/6/2000, trước Trương Học Lương một năm).
Ở đây, cũng cần kể thêm: Sau khi Trương Học Lương và Đương Hổ Thành bị giam cầm, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn theo dõi sát sao số phận của họ. Tháng 1/1946, tại một Hội nghị hiệp thương ở Trùng Khánh, đích thân Mao Trạch Đông đã đề nghị Tưởng Giới Thạch trả tự do cho hai vị thủ lĩnh của "Sự biến Tây An", song Tưởng kiên quyết cự tuyệt.
Năm 1961, khi ấy Trương Học Lương và Triệu Khởi Hà đang sống cuộc sống của những người bị giam lỏng tại Đài Loan, Trương đã đưa cho con gái Lư Anh mang bức thư ly hôn trao cho Vu Phượng Chí bấy giờ đang lưu trú tại Mỹ. Sau nhiều ngày cân nhắc, cuối cũng Vu Phượng Chí đồng ý. Vậy là, vào ngày 4/7/1964, Trương Học Lương và Triệu Khởi Hà chính thức cử hành hôn lễ tại Đài Bắc. Với Triệu Khởi Hà, đây là lễ cưới đầu tiên của cuộc đời bà, dù rằng giữa bà với Trương Học Lương đã có nhiều năm gắn bó, và khi ấy, bà đã ở tuổi ngoài năm mươi.
Qua sự kiện trên, ta có thể hiểu thực chất mối quan hệ của Triệu Khởi Hà và Trương Học Lương. Không thể dùng cách nói nào khác ngoài việc khẳng định đó là một tình yêu đích thực.


Hoàng Ngọc Thọ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét