10 tháng 11, 2017

ĐOÀN LÊ



Chị Lê lúc 32 tuổi đóng tron phim QUYỂN VỞ SANG TRANG. 

Ảnh tư liệu và chú thích ảnh: Đoàn Tảo.

BÓI HOA
Đoàn Thị Lê


Ngày xưa em ngây thơ
Ngồi bói bông hồng nở
Đoán tình yêu sau này
Vẹn tròn hay giang dở

Nụ hoa như e ấp
Giấu kín điều em mong
Ý hẳn tình chưa đẹp
Hoa chưa tươi cánh hồng?

Nhưng tình như hương nhẹ
Đến lúc nào không hay
Hoa tình yêu chợt nở
Hương tình yêu say say...

Gió ơi giùm nói nhỏ
Tới vạn nụ hoa hồng
- Nở đi hoa có biết
Tình yêu đến rồi không?


_____________________________

KÍNH VIẾNG 

Nữ sĩ ĐOÀN THỊ LÊ tác giả bài thơ BÓI HOA
Cúc Hoa
 

Nhớ cái thời tuổi trẻ
Mê bài thơ BÓI HOA
Vẫn nhớ về tác giả
Vương vấn thời xưa xa

Thời gian như nước chảy
Tình yêu đã tròn đầy
Người BÓI HOA đi mãi
Hương cuộc đời vẫn bay

Ngày sinh trời nổi gió
Để cho người làm thơ
Ngày ra đi lặng gió
Cho cuộc đời ngẩn ngơ

Thôi trách chi tạo hóa
Tiếc một đời tài hoa
Vần thơ thay lời viếng
Tỏ nỗi niềm xót xa./.

7/11/2017

_____________________________

ĐIẾU VĂN TIỄN BIỆT NỮ SĨ 
ĐOÀN LÊ 
RỜI CÕI TẠM



Tang lễ Nữ sĩ Đoàn Lê

12h hôm nay (10-11-2017) tang lễ Nữ sĩ Đoàn Lê đã được cử hành trang trọng tại Nhà tang lễ TP Hà Nội. Đông đảo bà con họ hàng; bạn bè và thân hữu đã có mặt đông đảo để tiễn Nữ sĩ Đoàn Lê về cõi vĩnh hằng, dứt hết mọi đau khổ trần gian. Các nhà văn: Phạm Toàn, Nguyễn Xuân Khánh, Dương Tường, Hoàng Quốc Hải và phu nhân - nhà thơ Nguyễn Thị Hồng, Trần Nhương, Phạm Xuân Nguyên, Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Thị Mai, Trần Nguyên Vấn...; các đạo diễn, diễn viên: Đức Lưu, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Nguyễn Thanh Vân, Trần Quốc Trọng....; và nhiều bạn bè văn chương, điện ảnh và hội họa đã có mặt từ sớm. Một số độc giả ngưỡng mộ Đoàn Lê cũng đã có mặt để tiễn biệt Nữ sĩ rời cõi tạm về nơi vĩnh hằng. 

Lãnh đạo các nhà xuất bản Thế Giới, Phụ Nữ cũng đã đến viếng và chia buồn cùng tang quyến.

Sau lễ viếng, là lễ truy điệu. Nhà thơ, Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch thường trực Hội Điện Ảnh Việt Nam đọc điếu văn, điểm lại quá trình cống hiến của Đoàn Lê đối với nền văn học và điện ảnh nước nhà.Thay mặt gia đình, TS Trần Đoàn Lâm đáp từ cảm ơn mọi người. 

.
Dưới đây là Điếu văn, do Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát đọc:

ĐIẾU VĂN TIỄN BIỆT NỮ SĨ ĐOÀN LÊ

Kính thưa tang quyến! 

Kính thưa ……………………………………………….
Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để nói lời tiễn biệt một nữ sĩ tài hoa, đạo diễn, biên kịch, họa sĩ, nhà văn Đoàn Lê trước lúc  chị lên đường vào cõi vĩnh hằng. Chúng tôi, những đồng nghiệp của nghệ sĩ từ Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam và của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, bạn bè và người thân xin gửi tới tang quyến lời chia buồn sâu sắc nhất.
Đối với một con người tài hoa như vậy, dường như thời gian trở thành bất lực trước năng lực sống và tuổi tác của họ. Vì vậy, cho phép chúng tôi xin được gọi nữ sĩ Đoàn Lê là “Chị” - một người chị thân yêu của tất cả chúng ta.
Người em gái ruột, đồng thời là một người bạn tri kỷ về văn chương - nghệ thuật gần gũi nhất của Đoàn Lê là thi sĩ Đoàn Tảo - cũng đang có mặt tại lễ tang này - cách đây gần nửa thế kỷ  đã viết nên những dòng thơ đầy dự cảm về người chị của mình:
“Thế là chị ơi!
Rụng bông hoa gạo
Ô hay trời không nín gió
Cho ngày chị sinh.”

Đúng là nữ sĩ Đoàn Lê đã sinh ra vào tháng 3 âm lịch năm Quý Mùi (tức là tháng 4-1943) vào mùa hoa gạo rụng đỏ đường làng.  Chị sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho – Y, có tới 12 người con được nuôi dạy nghiêm cẩn theo lối xưa. Nữ sĩ Đoàn Lê chính là một trong những người con gái họ Đoàn của gia đình, được thừa hưởng cả “tài” và lẫn “sắc” từ cha mẹ.
 Từ rất sớm, sâu thẳm trong tâm hồn nhạy cảm của cô thiếu nữ Đoàn Lê đã khẽ rung lên những nốt nhạc tình yêu đầu đời với văn chương nghệ thuật. Thế nên ngay từ khi còn học lớp 9 trường cấp III Phan Chu Trinh, chị đã thầm sáng tác những thi phẩm đầu tiên . Một trong những bài thơ đó của thời thiếu nữ ngọt ngào ấy là bài “Bói hoa” mà nhiều người thuộc thế hệ trước có khi nhầm tưởng là thơ của Henrich Hainơ - thi hào nước Đức.
Bị cuốn hút bởi đam mê nghệ thuật mãnh liệt - hay nói đúng hơn, một khả năng làm nghệ thuật trời phú - Đoàn Lê đã dám kiên quyết bứt phá khỏi nút thắt trói buộc khắc nghiệt trong quan niệm truyền thống Nho giáo ngay từ gia đình, để lên Hà Nội, thi tuyển và nhập học khóa 1 ngành điện ảnh (1959-1963) tại Trường Điện ảnh.
Đoàn Lê  đã đóng vai chính - vai cô giáo Hồng Vân - trong bộ phim “Quyển vở sang trang” của đạo diễn Nguyễn Ngọc Trung. Nhưng dường như nghiệp diễn không phải là đích đến của nữ sĩ. Và rồi chị được điều sang bộ phận Thiết kế Mỹ thuật của xưởng phim Truyện.  Với năng khiếu hội họa bẩm sinh và lòng đam mê  nên Đoàn Lê đã đến xin làm học trò của hai họa sĩ bậc thầy là họa sỹ là Bùi Xuân Phái và Dương Bích Liên.
Bằng tài năng và công sức của mình, Đoàn Lê đã tham gia thiết kế mỹ thuật cho hàng chục bộ phim của Xưởng phim Truyện Việt Nam, đóng góp vào thành công của chúng. Ngoài ra, khi có thời gian rảnh rỗi, chị lại sáng tác cho riêng mình như một thú vui để thỏa mãn niềm thôi thúc tìm về cái đẹp. Tranh của Đoàn Lê hiện đang có mặt ở một số bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước.
Rồi Đoàn Lê vửa thử sức lại đồng thời vừa chọn cho mình hướng đi mới có thể khai thác được tối đa các kiến thức đã học, đã đọc về sân khấu - điện ảnh. Chị bắt tay vào trực tiếp viết kịch bản và có khi lại kiêm luôn cả đạo diễn. Lịch sử nền điện ảnh hiện đại của Việt Nam chắc không thể bỏ qua những bộ phim của Đoàn Lê như: “Bình minh xôn xao”, “Cha và con”, “Hồ Xuân Hương”, “Con Vá” (được giải thưởng Bông Sen Bạc Liên hoang Phim Toàn quốc). Đặc biệt bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” là một thử nghiệm trong lối xây dựng kịch bản táo bạo của Đoàn Lê, muốn vẽ lại cảnh xã hội làng quê Việt Nam thời phong kiến với các nhân vật điển hình được “thâu tóm” từ các tác phẩm của Nam Cao. Những “Thị Nở”, “Chí Phèo”, “Lão Hạc”, “Giáo Thứ” đã trở thành bất tử không chỉ trên trang viết của Nam Cao mà còn trên những khuôn hình dữ dội của bộ phim. Không những thế, giờ đây và mai sau, người xem sẽ rưng rưng mỗi khi nhìn thấy trên phim một Nguyễn Tuân, một Kim Lân sống động - những nhà văn lừng danh và khả kính này, lúc sinh thời, thường coi Đoàn Lê như là học trò, hay nói đúng hơn, một người bạn vong niên.
 Nếu nghiệp đạo diễn kết thúc ở buổi xế chiều trong cuộc đời Đoàn Lê thì nghiệp văn chương còn đeo đẳng chị đến tận ngày cuối cùng nơi cõi Tạm. Phải nói đó là “nghiệp” vì dường như nó “ theo đuổi “, “gặm nhấm”, “thúc giục” tâm hồn chị từ khi viết những bài thơ tình đầu tiên, khiến chị không thể dừng cây viết, bởi lẽ DỪNG đã đồng nghĩa là CHẤM HẾT hay VÔ NGHĨA. Ở tuổi ngây thơ, Đoàn Lê viết những bài thơ rung động đầu tiên về tình yêu. Đến năm 1963, các truyện ngắn như “Đôi mắt hoa nhài”, “Trương Viên”, “Cây Xoan non”,v.v… lần lượt xuất hiện trên tờ báo danh tiếng là Văn Nghệ và một số tờ khác. Đoàn Lê đã lấy chất liệu từ đời sống để viết ra những cuốn tiểu thuyết và những tập truyện ngắn để đời như: “Cuốn gia phả để lại” được giải A của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1988), “Thành hoàng làng sổ xố”,v.v… Đặc biệt là một loạt truyện ngắn được gom lại dưới những cái tít sách cùng chia sẻ một cái tên riêng là Xóm Chùa, như “Trinh tiết Xóm Chùa” (giải thưởng Báo Văn nghệ và Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam), “Đêm Ngàn năm…” (của Tạp chí Sông Hương), “Nghĩa địa Xóm Chùa”, “Giừơng đôi Xóm Chùa”, “Người đẹp Xóm Chùa”,  và nhiều truyện khác. Sau này, khi  dời về nhà vườn thanh bình, yên ả  ở Đồ Sơn quê hương Hải Phòng để tĩnh dưỡng, Đoàn Lê vẫn tiếp tục đóng góp cho hoạt động văn học nghệ thuật ở địa phương. Chị trở thành Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật Hải Phòng. Cũng tại nơi đây, Đoàn Lê cho ra đời một loạt tiểu thuyết và truyện ngắn như “Tiền Định”, “Oan hồn ngõ đá dốc”,v.v… Một số tác phẩm đã được đối tác nước ngoài dịch ra tiếng Anh, hay tiếng Pháp để phát hành trên thế giới. Gần đây nhất, sau khi xem xét kỹ càng, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam lựa chọn cuốn Nghĩa địa Xóm Chùa để xuất bản bằng tiếng Pháp để phát hành trong cộng đồng các nước nói tiếng Pháp, nhằm giới thiệu với bạn đọc quốc tế một trong những cây bút nữ tiêu biểu viết về làng quê Việt Nam thời chuyển mình. Tổ chức Consortium Distributors (Công-xoóc-ti-um Dix-tri-biu-tơ) nhận xét: “Đoàn Lê được ghi nhận ở phong cách đa dạng và sức sáng tạo tươi mới.”
Với học giả, những truyện ngắn này cho một cái nhìn vào trong văn học Việt Nam sau đổi mới. Với người đọc nói chung, đây là những tác phẩm bao quát và đầy nhân văn về những đề tài như lòng tham, hôn nhân, ly dị, tuổi già,v.v… Đó là những tác phẩm về quyền con người,… khảo sát tất cả những gì bí ẩn tinh tế của trái tim con người.”
Quả vậy, ngòi bút lúc thì dịu dàng, đôn hậu, ấm áp, đầy nữ tính, khi thì quyết liệt, dữ dội, góc cạnh của Đoàn Lê đã cho ra đời những Lão Guột, lão Huyếch, Sĩ Duệ, con Khờ, con Mơ, cu Sữa, cu Bơ,v.v… khiến người đọc có thể mỉm cười  chua chát ngay đấy, nhưng sau nghĩ lại mới thấy xót xa  pha chút cay đắng với nỗi buồn sau thẳm vì cảm thương cho những thân phận và mảnh đời như họ. Văn của Đoàn Lê giúp người đọc nhận ra những thói hư, tật xấu, cái ác vẫn gặp đâu đấy để hướng người đọc tới cuộc sống nhân văn hơn, nhân ái hơn.
Sau 75 năm trên chặng đường đời không ngừng nghỉ sáng tạo, Đoàn Lê mãi vấn vương với “Sợi tơ trời; Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan”. So với cái hữu hạn của đời người thì 75 năm không phải là quá ngắn, nhưng so với cái vô hạn của vũ trụ thì quãng thời gian ấy chỉ là một sát-na, một hơi thở. Nhưng Đoàn Lê thực sự sống, sống hết mình, sống cháy bỏng. Con tim tinh tế của chị đã trải qua đủ các cung bậc cảm xúc khác nhau. Đó  có thể là từ  ánh hào quang của thành công, của danh tiếng, hạnh phúc gia đình; nhưng bên cạnh đó cũng là những mảnh tối của thất vọng, đổ vỡ, mất mát, chia lìa. Nhưng Đoàn Lê đã vượt qua tất cả bằng nghị lực phi thường của mình để sống và sáng tạo. Và giờ đây, bước chân mòn gót đường đời ấy đã chững nhịp. Chị dừng lại để chuẩn bị chia tay với cõi Tạm trần gian.
       Dù là ở đâu, Đoàn Lê cũng đã luôn là tâm điểm, là viên nam châm đem lại cho bạn bè, khách khứa, người thân ấn tượng về người phụ nữ Việt tài sắc, dịu dàng, ấm áp, đôn hậu, thông minh, dí dỏm, luôn quan tâm đến người khác.
Giờ đây, ở ngoài đường biên cõi Tạm, chắc chắn chị vẫn đang ấp ủ những dự án, những ý tưởng của mình. Ngày chị sinh trời không “nín” gió thì ngày chị ra đi, trời đất cũng ảm đạm cùng chia sẻ với gia đình nỗi mất mát, trống vắng này. Nhưng thôi, chị Đoàn Lê ơi! Chị hãy yên tâm vì giây phút cuối, chị lên đường trong vòng tay thân thương của những người thân, bạn bè và đồng nghiệp, những người đang tâm sự với chị đây. Chị hãy an lòng và tự hào vì đã thực hiện trọn vẹn bổn phận làm người của một kiếp người – bổn phận người con, người vợ, người mẹ, người bà, người dì, người bác , người cô, người em hay người chị - và bổn phận  của một nghệ sĩ, một công dân. Ở miền viễn du xa thẳm ấy, chị sẽ được đoàn tụ với ông bà, với cha mẹ, và với cả những anh chị em đã ra đi từ  đại gia đình họ Đoàn.
 Thân tứ đại giả huyễn này sẽ tan biến thành mây khói trong chốc lát, nhưng hồn cốt của chị vẫn còn tồn tại. Nó hiện hữu trong từng tế bào của hai cô con gái và cháu, chắt nội ngoại; nó hiện hữu ở trong tâm tưởng, ký ức của người thân, họ hàng, bạn bè đồng nghiệp; ở trong những tác phẩm phim ảnh, hội họa, văn học chị để lại cho hậu thế.
Và trên tất cả, vốn ít nhiều thấm nhuần  các triết lý Phật giáo về Sinh - Tử, Đoàn Lê chắc chắn ngộ ra  rằng, Ra đi là để chuẩn bị cho sự Trở về trong một hình thái tươi mới khác.
Vì vậy, thay cho đau thương, than khóc bi lụy, và thay phải nói lời “Vĩnh Biệt”, chúng ta hãy bình tâm, đốt một nén Tâm hương để chúc cho nữ sĩ an lạc trên hành trình tiếp theo của mình về miền  viễn du.

 Xin Bái biệt chị!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét