Mai Hồng Vân
Khi
những nụ đào phai he hé sắc hồng. Khi những chồi lộc biếc khẽ lách mình qua kẽ
vỏ những nhánh cây khô gầy. Khi luống mùi đơm những bông hoa trăng trắng li ti
kết trái những quả tròn tròn nhỏ xíu bà ngắt về nấu nước gội đầu cho cháu cảm
nhận mùi thơm đặc biệt đến tận bây giờ vẫn không thể quên... Đó là vị tết đã
đến bên hiên nhà.
Tôi
thích hít hà mùi hương bài thoang thoảng pha lẫn hương thơm của những đoá hồng
chúm chím trong vườn. Hoa hồng ngày xưa chỉ nở rộ và đẹp nhất vào mùa xuân. Ông
tôi trồng cả một vườn trước cửa các loại thược dược, đồng tiền, cúc, hồng...
đua nhau khoe sắc thắm đón những hạt mưa xuân lất phất bay trong cái se se
lạnh. Bà múc những gầu nước mưa trong vắt bằng gáo dừa đổ vào cái thau đồng để
ngâm gạo nếp chuẩn bị gói bánh chưng. Nếp tháng 10 vừa gặt thơm nức, trắng
phau. Ông dùng cái chai 65 xiết những hạt đỗ xanh vỡ làm đôi rồi bà đem ngâm
cho dóc vỏ. Bên sân giếng bà ngồi cầm chiếc khăn xô lau rửa từng chiếc lá dong
xanh mướt vừa cắt ở góc vườn. Quê tôi ngày xưa nhà nào cũng vậy, cứ trồng một
bụi lá dong ở góc vườn tốt um để cuối năm cắt về gói bánh. Lá dong ngày đấy
thuần tuý nên khi gói xong bóc bánh ra bánh cứ xanh mướt và thoảng vị thơm của
lá rất tự nhiên. Ông cắt khúc tre cật đốt dài để chẻ lạt buộc. Cái thú vị nhất
của bánh chưng xưa là buộc bằng lạt tre cật mềm mà dai, khi ăn lột lớp lá rồi
đặt lạt chia thành các phần, sau đó úp cái đĩa lên lật lại bóc nốt phần kia và
kéo từng chiếc lạt cắt. Những miếng thịt ba chỉ hồng hồng tung lên cùng đỗ xanh
vàng ươm hấp dẫn biết chừng nào. Như gói gọn cả hương vị tinh tuý của làng quê
trong đó.
Tôi
thích xem giết lợn. Hò reo, lợn kêu eng éc, rồi các thanh niên chuẩn bị sẵn
chày cối. Khi thịt vừa lọc ra còn nóng hôi hổi thì nhanh tay bỏ ngay vào cối
đá, cứ hai tay hai chày giã đều cho đến khi quánh mịn nêm nước mắm nguyên chất
thơm lừng rồi dùng lá chuối trong vườn gói thành những cuộn giò đều tăm tắp.
Bọn trẻ con chúng tôi hồi đó đứa nào cũng thích được gói cho những chiếc giò và
những cái bánh chưng bé xíu. Khi luộc thì đặt ở trên vớt ra sớm hơn mà đứa nào
cũng để dành đến tết hẳn mới ăn cơ.
Chập
tối là ông xếp những viên gạch thành cái bếp rồi xếp củi luộc bánh. Cả nhà ngồi
quây quần xung quanh cùng nướng khoai sắn thơm phức vừa thổi xì xụp vừa ăn sao
mà vui đến thế.
Ngày đó bọn trẻ con đứa nào cũng vậy, chỉ chờ có dịp khai trường và tết mới
được mua quần áo mới. Sáng sớm mẹ dắt chị em tôi đi chợ, gia đình nhà tôi có
nghề phụ là may vá nên mẹ thường cho tôi chọn vải rồi về mẹ tranh thủ may một
loáng là xong. Chợ tết ở quê đông vui náo nhiệt, đa dạng mà toàn là các thứ đồ
của vườn nhà đem bán: hoa quả, cây cối, gà vịt mọi người cứ tíu tít mời gọi
nhau. Ở quê cả làng cả xã đều quen biết nhau hết nên gặp nhau chào hỏi vui lắm.
Đúng là vui như tết luôn. Lúc đó tôi còn rất bé nhưng cho đến bây giờ vẫn cảm
nhận và nhớ như in cái cảm giác háo hức ngày ấy. Thứ mùi vị đặc biệt không lẫn
vào đâu được và cũng không thể phai nhoà theo năm tháng phôi pha!
Bố
thường đi chùa hái lộc đến đúng giao thừa thì về đốt pháo xông nhà. Mẹ ở nhà
làm cơm cúng tất niên. Chị em tôi thường đi ngủ cho đến khi tiếng pháo đì đùng
chuẩn bị cho giây phút đón chào năm mới đến thì mẹ gọi dậy. Cả nhà quây quần
bên mâm cơm sao mà ấm áp thân thương đến lạ thường!
Năm
tháng qua đi, chúng tôi trưởng thành nhưng cái vị tết đầy yêu thương ấy luôn là
hành trang bên tôi chẳng bao giờ thay đổi. Năm nào cũng háo hức chờ ngày về quê
để thưởng thức dư vị ngọt ngào đặc biệt ấy chẳng thể lẫn đi đâu được.
Vị tết quê - vị yêu thương đong đầy...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét