Tướng Lưu Á Châu bàn về
văn hóa Trung Quốc
Nguồn: Nghiên cứu Quốc tế
Biên
dịch và chú thích: Nguyễn Hải Hoành
Ngày
nay Trung Quốc đang tiến những bước dài, đồng thời cũng để lộ ra không ít vấn
đề. Tất cả mọi vấn đề đều hướng về chế độ, mà mọi vấn đề về chế độ đều hướng về
văn hóa, song tất cả mọi vấn đề văn hóa đều hướng vào tôn giáo.
Tôn
giáo quyết định văn hóa mà văn hóa thì quyết định tính cách dân tộc; tính cách
dân tộc lại quyết định số phận dân tộc.
Xin
nêu thí dụ chống tham nhũng. Trừng trị tham nhũng không thể diệt được tận gốc
nạn tham nhũng. Có một biện pháp là hoàn thiện chế độ xã hội, mà phương pháp
căn bản là bắt tay từ văn hóa. Thí dụ biện pháp “Lương cao nuôi dưỡng sự liêm
khiết”. Ở Trung Quốc lương cao chưa chắc đã có thể nuôi dưỡng được sự liêm
khiết. Tại sao thế?
Văn
hóa Trung Quốc có màu sắc “văn hóa gia đình” rất nặng. Bất hiếu hữu tam,
vô hậu vi đại [Trong 3 điều bất hiếu, điều lớn nhất là không có con nối dõi].
Càng nhiều con cháu càng lắm phúc. Đời cha nhất định phải để dành tiền của cho
con cháu. Điều này khác hẳn văn hóa phương Tây. Những kẻ làm cha như chúng ta,
lương bổng bản thân có cao đến đâu cũng vẫn muốn để dành cho con, bởi thế người
ta vẫn cứ tham. Đây cũng là một nguyên nhân hình thành “văn hóa hối lộ” trong
quan trường Trung Quốc.
Sự
hình thành văn hóa Trung Quốc có 3 nhân tố chủ yếu: thứ nhất là hoàn cảnh sinh
tồn; thứ hai là tôn giáo; thứ ba là chính sách ngu dân.
1. Hoàn cảnh sinh tồn
Từ
xưa tới nay, số dân trên mảnh đất Trung Quốc này đều nhiều hơn châu Âu. Đàn bà
Trung Quốc bị “văn hóa gia đình” biến thành máy đẻ.
Châu
Âu có diện tích bình quân đất đai trên đầu người cao hơn Trung Quốc rất nhiều
thế mà họ vẫn cảm thấy chật hẹp, không thở hít được nữa, phải khai thác vùng
đất mới, bởi thế mà có việc khám phá các đại lục mới.
Người
Trung Quốc thì tranh đấu trong hoàn cảnh ác liệt này. Phép sinh tồn rất khắc
nghiệt. Nhưng khi nói về hình thành văn hóa mà chỉ nhấn mạnh hoàn cảnh là chưa
đủ. Hoàn cảnh xấu tạo nên một loại văn hóa không thành công; hoàn cảnh tốt cũng
vẫn có thể tạo dựng nên một loại văn hóa không thành công. Cần xem xét văn hóa
Trung Quốc từ hai mặt. Từ xưa Trung Quốc đã có thảm thực vật rất tốt, khắp nơi
là rừng. Vùng Sơn Tây có nhiều than đá như thế chứng tỏ thời cổ rừng ở đấy rất
tốt. Do có quá nhiều rừng nên người ta chẳng cần đi quá xa nơi ở cũng có thể
kiếm được gỗ, vì vậy người ta dùng gỗ để làm nhà, vừa đơn giản vừa đỡ mất công.
Lâu ngày kiến trúc Trung Quốc bèn trở thành kiến trúc có hình thức kết cấu thổ
mộc.
Khi
tiến sang thời đại văn minh, các dân tộc châu Âu có môi trường ác liệt hơn
Trung Quốc rất nhiều: ít rừng, lắm đá. Muốn làm nhà, họ chỉ có cách lấy đá trên
núi mà làm. Lâu ngày nền kiến trúc phương Tây trở thành kiến trúc gạch đá. Qua
nhiều nghìn năm, rừng của chúng ta bị đốn hết, các kiến trúc thổ mộc sụp đổ.
Kiến trúc kết cấu gạch đá của phương Tây thì giữ lại được, rừng của họ cũng giữ
được. Tại Ý, hiện nay vẫn thấy các kiến trúc có từ hai nghìn năm trước, tương
đương đời nhà Tần nhà Hán. Tại Trung Quốc hiện nay cả đến kiến trúc đời nhà
Minh cũng hiếm thấy.
2. Tôn giáo
Trung
Quốc có ba tôn giáo chính là Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo (tôi gọi Nho học
là một loại tôn giáo). Ba tôn giáo này có trách nhiệm không thể thoái thác đối
với với sự hình thành trạng thái tâm lý và đạo đức ngày nay của người Trung
Quốc. Lịch sử cho thấy ba tôn giáo trên căn bản không thể chấn hưng được dân
tộc Trung Hoa.
Xin
để tôi so sánh đối chiếu Ki Tô giáo với tôn giáo của Trung Quốc.
Văn
hóa Trung Quốc dạy chúng ta “Nhân chi sơ, tính bản thiện” [con người lúc mới ra
đời có bản tính lương thiện]. Tôn giáo của phương Tây thì ngược lại, cho rằng
con người sinh ra đã là xấu [nguyên văn chữ Hán: ác], bản tính con người cũng
xấu. Bởi vậy, tôn giáo phải hạn chế anh, bắt anh suy ngẫm về chính mình. Văn
hóa phương Tây cho rằng loài người có tội tổ tông [Sáng Thế Ký trong Cựu
ước chép chuyện thủy tổ đầu tiên của loài người là ông Adam và bà Eva
không nghe lời răn của Thượng Đế, đã ăn vụng trái cấm, tức đã phạm tội]. Lòng
người đen tối.
Trong
số các đồng chí có người đã trải qua “Cách mạng Văn hóa”, xin hỏi cái đen tối
nhất ở đâu? Cái đen tối nhất thì ở trong lòng người [Trong Cách mạng Văn hóa,
vì để chứng tỏ sự trung thành với “minh chủ”, nhiều người Trung Quốc đã phạm
những tội lỗi đạo đức khó có thể tưởng tượng, thí dụ bắn giết nhau, hành hạ thể
xác và tinh thần vô cùng dã man chính bạn bè, đồng chí, đồng đội, đồng sự của
mình; vợ từ bỏ chồng, con từ bỏ cha chỉ vì chồng, cha bị vu cáo là chống Đảng;
có Hồng Vệ Binh cắt họng đồng chí mình dám nói sự thật…]. Tâm hồn mỗi người đều
có mặt vô cùng bẩn thỉu. Văn hóa phương Tây mổ xẻ, hé lộ nó ra, trưng nó ra.
Phê phán nó, kiềm chế nó. Văn hóa phương Đông thì ôm ấp nó, nuôi dưỡng nó. Nhà
thờ ở phương Tây có phòng xưng tội [nguyên văn: sám hối]. Người ta vào nhà thờ
trình bày với thánh thần các thứ trong tâm hồn mình.
Nói
cho thần thánh nghe mọi cái xấu xa bẩn thỉu của mình thì người ta thấy nhẹ
nhõm. Tâm hồn người ta được rửa sạch. Hồi sang Mỹ tôi có vào nhà thờ ngồi hẳn một
ngày trời. Tôi phát hiện thấy một cảnh rất thú vị: mọi người ai nấy khi vào nhà
thờ thì mặt mày ủ ê, khi đi ra thì sắc mặt thư thái nhẹ nhõm. Về sau tôi mới
dần dà hiểu được bí quyết của chuyện ấy. Lâu ngày, người ta trở thành thành con
người lành mạnh, con người có tâm trạng và tâm hồn đặc biệt kiện toàn. Con
người ai cũng có ham muốn. Nhưng người ta phải kiềm chế ham muốn của mình, ai
nấy ắt phải tự mình (chứ không phải người khác) kiềm chế bản thân.
Người
Trung Quốc không biết kiềm chế mình, không biết tra khảo bản thân, thế là người
ta đi kiềm chế kẻ khác, tra khảo kẻ khác. Quất roi và tra khảo bản thân là
chuyện đau khổ. Chỉ khi nào trong lòng mình mãi mãi có tín ngưỡng, có tín
ngưỡng vĩnh hằng với thần thánh, thì mới có thể làm được như thế.
Rất
nhiều đồng chí đã đi thăm nhà thờ ở phương Tây. Ở đấy thánh thần xuất hiện với
hình ảnh đầm đìa máu, chịu khổ chịu nạn. Jesus bị đóng đinh trên giá chữ thập.
Đức Mẹ không đổ máu nhưng rơi lệ. Đấy thực sự là hóa thân của con người, là hóa
thân của sự khổ nạn và tư tưởng của con người. Thần thánh trong tôn giáo phương
Tây nhìn vào tựa như thần thánh, thực ra là con người. Cái chết của Jesus đã
hoàn tất việc ngài lột xác từ thánh thần thành con người. Chỉ con người mới
chết.
Nhưng
thánh thần trong các đền miếu của Trung Quốc thì mới là thánh thần. Bạn hãy xem
hình ảnh các vị thần thánh ấy: bụng chảy xệ, nét mặt chẳng lo nghĩ gì sất, nhăn
nhở cười cợt, thụ hưởng của thờ cúng. Vị nào vị ấy ăn đến béo rụt đầu rụt cổ.
Người
phương Tây đến nhà thờ là để sám hối. Chúng ta đi đền đi chùa là để hối lộ.
Chẳng phải thế hay sao? Vì muốn làm được một chuyện gì đây, chúng ta khấn vái
thần thánh, bỏ tiền mua mấy nén hương thắp lên hoặc bày lên mâm những thứ dân
gian thường ăn như trái cây gì gì đó, rồi im lặng cầu nguyện. Như thế chẳng
phải hối lộ thì là gì?
Người
phương Tây đến nhà thờ để giải thoát nỗi khổ về tinh thần. Chúng ta lên đền
chùa để giải quyết nỗi khổ trong đời sống thực tế. Thần thánh trong tôn giáo
phương Tây luôn luôn chịu khổ còn nhân dân thì không chịu khổ. Thần thánh trong
tôn giáo phương Đông thì hưởng thụ, còn dân chúng thì chịu khổ. Đây là khác
biệt lớn nhất giữa tôn giáo phương Đông với phương Tây.
Ở
nước ngoài, nhà thờ bao giờ cũng xây dựng tại trung tâm đô thị, gần gũi với
dân. Đền chùa Trung Quốc thì bao giờ cũng xây dựng trong rừng sâu núi cao, xa
rời dân. Tôi từng nói người Trung Quốc về cơ bản là một dân tộc không có tín
ngưỡng. Nói không có tín ngưỡng không phải là không có hình thức tín ngưỡng.
Ngược lại, những thứ người Trung Quốc tín ngưỡng thì phức tạp nhất, người ta
tin cả các đại sư khí công. Cái quái gì cũng tin lại chính là chẳng tin cái gì
hết. Trong lòng người Trung Quốc không có vị trí của một vị thần thánh vĩnh
hằng. Nói sâu một chút, tức là chẳng có sự mưu cầu theo đuổi tinh thần văn hóa có
tính tận cùng! Loại người đó không mở rộng phạm vi quan tâm của mình ra tới bên
ngoài gia đình, thậm chí cá nhân. Nếu mở rộng sự quan tâm ấy ra thì nhất định
sẽ là làm hại kẻ khác. Một dân tộc như vậy sao lại không “năm bè bảy mảng” kia
chứ?
Tại
phương Tây, khi trên đường có một chiếc xe hỏng thì hầu như tất cả các xe khác
đều dừng lại, người ta đến hỏi anh có cần giúp đỡ gì không. Tại Trung Quốc thì
hầu hết xe đều bỏ đi, khó khăn lắm mới có người dừng xe hỏi anh, có lẽ tôi còn
ngờ vực, anh làm gì thế? Anh có mục đích gì.
Phương
Tây đã thắng trong cuộc cạnh tranh với phương Đông cả nghìn năm nay. Tôn giáo
phương Tây đã thắng trong cuộc cạnh tranh với tôn giáo phương Đông. Thắng lợi
của tôn giáo là thắng lợi thế nào? Tôi cho rằng đó là một loại thắng lợi về
tinh thần. Không có tín ngưỡng thì không có sức mạnh tinh thần. Cái chúng ta
thiếu lại chính là cái người ta có.
Hãy
nói về chuyện xây đền chùa. Phương Tây khi xây đền chùa thường là bạt hẳn một
quả đồi. Đó là một kiểu khí thế, một kiểu dũng khí đấu tranh với thiên nhiên.
Người Trung Quốc xây đền chùa thường hay xây trong núi sâu. Xem ra là hòa nhập
cùng núi rừng thành một khối, trên thực tế là một kiểu đầu cơ. Có một bức tranh
cổ tên là Ngôi chùa cổ trong núi sâu, rất nổi tiếng, nhưng nhìn vào tranh
chẳng thấy một bức tường hay một viên ngói nào cả. Bức tranh vẽ gì vậy? Một lối
mòn chạy giữa hai quả núi, một nhà sư quẩy đôi thùng đi gánh nước. Rốt cuộc bức
họa có ý gì? Là nói ngôi chùa cổ trong núi sâu, chùa và núi hòa làm một với
nhau. Chúng ta khẳng định rằng ý của bức họa rất khôn khéo.
Người
Trung Quốc có tâm lý đầu cơ rất nặng, ai cũng chỉ muốn không làm mà hưởng. Ngày
nay, trong thời đại cải cách mở cửa, có biết bao nhiêu người lao vào biển
thương mại, ai nấy đều nghĩ “Ngày mai đến lượt mình [làm giàu] rồi”, Họ muốn
làm cái bộ phận “Để một số người giàu lên trước” ấy. Sau nhiều năm được giáo
dục “Vì nhân dân phục vụ” mà họ lại đều muốn trở thành đối tượng được phục vụ.
Người
Trung Quốc trước đời Tần thì không như thế. Sau đời Hán, đặc biệt sau khi Lưu
Triệt [tức Hán Vũ Đế, 156-87 trước CN] độc tôn Nho thuật [tức Nho học, Nho
giáo] thì người Trung Quốc đã thay đổi.
Tôi
rất thích đọc bộ Sử ký [của Tư Mã Thiên]. Đọc hết sách này mà chẳng
thấy có đoạn nào viết về những kẻ phản bội. Ngày nay chúng ta có biết bao nhiêu
kẻ phản bội! Thời xưa có rất ít kẻ cáo giác. Thời nay thì khắp nơi đều có!
Chính
ủy Đại học công trình không quân Vương Hồng Sinh đến thăm tôi. Hồi ở Ban chính
trị không quân, anh ấy và tôi là chiến hữu với nhau. Hai chúng tôi nhắc đến một
chuyện thế này: đơn vị Vương Hồng Sinh có một anh cán sự, là người được lãnh
đạo rất coi trọng. Một đồng sự của anh ta ngủ với gái; vị cán sự ấy bèn vác ghế
đến ngồi lỳ tận nửa đêm ngoài cửa nhà người đồng sự, cho tới lúc bắt được hai
người kia hủ hóa với nhau. Anh cán sự được biểu dương. Tôi than thở căm tức mãi
không thôi. Tôi bảo: sức mạnh nào đã chi phối anh ta ngồi trong bóng đêm lâu
đến thế? Tuyệt đối là một loại ý thức phạm tội.
Thời
xưa, Bảo Định, Dịch Thủy là nơi sinh ra những Kinh Kha, Cao Tiệm Ly, Điền
Quang, Phàn Ư Kỳ [bốn nhân vật anh hùng nổi tiếng trong vụ ám sát không thành
Tần Thủy Hoàng]. “Gió vù vù, hề, sông Dịch lạnh ghê, Tráng sĩ một đi, hề, không
trở về” [câu thơ Kinh Kha cảm tác khi qua sông Dịch trên đường đi mưu sát Tần
Thuỷ Hoàng]. Trong kháng chiến chống Nhật, phủ Bảo Định có nhiều Hán gian
[nguyên văn: Nhị cẩu tử, tên thời trước gọi cảnh sát] nhất. Hồi làm ở Hội Nhà
văn tôi có đến Bảo Định sưu tầm dân ca. Một ông nông dân hát cho tôi nghe một
bài ca ngày xưa: “Năm ấy giặc Nhật đến làng, chúng tôi vác súng đi lính…… ” Về
sau tôi mới biết ông ta đi lính gì. Lính ngụy.
Ở
nước ngoài không phải là không có kẻ phản bội, nhưng ít hơn nhiều so với Trung
Quốc. Sức mạnh nào đã tác động đến người ta? Sức mạnh tinh thần.
Năm
1986 tôi sang Mỹ. Đêm khuya ra đường, đèn tín hiệu giao thông bật đỏ, chẳng
thấy chiếc xe nào chạy cả, tất cả xe đều tự động dừng lại ở ngã tư. Tôi không
hiểu, bảo người Mỹ sao mà ngốc thế nhỉ. Về sau tôi mới biết đấy là sự tự kiềm
chế của họ. Kiềm chế bản thân là cứu vớt tâm hồn. Việc nhỏ đã thế, việc lớn lại
càng thế.
Người
Nhật nói, trận địa Trung Quốc rất dễ bị chọc thủng. Lê Minh [triết gia Trung
Quốc đương đại nổi tiếng là “khùng”, tác giả sách “Vì sao người TQ ngu thế?”]
nói rất hay: “Tôn giáo Trung Quốc biến dân chúng thành bầy cừu”.
Đều
là cố thủ trận địa, người phương Tây tuy cũng sợ nhưng họ có thể kiềm chế bản
thân. Chúng ta thì sao? Trước hết là mong người khác làm bia đỡ đạn. Thấy người
khác bỏ chạy thì nghĩ, vì sao mày chuồn? Tao cũng chuồn. Mày đi lính ngụy no nê
cơm rượu, tao cũng đi. Mày tham ô, tao cũng tham ô. Tao không chịu kém mày. Tại
các nước phương Tây không phải không có chuyện ăn hối lộ nhưng nhìn chung ít
hơn chúng ta. Khi nhận hối lộ, lương tâm và tinh thần người ta sẽ ràng buộc họ.
Phó
Chủ tịch Trì Hạo Điền [Thượng tướng, sinh 1929, thời gian 1998-2003 làm Phó Chủ
tịch Quân ủy Trung ương kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc] có kể một chuyện
để lại ấn tượng rất sâu sắc đối với tôi. Ông kể, trong thời kỳ chống Nhật vùng
căn cứ địa Giao Đông có bảy tám tên lính Nhật vác cờ mặt trời [tức quốc kỳ
Nhật] đi càn, ba bốn chục nghìn quân dân căn cứ địa bỏ chạy hết. Sói đuổi cừu
mà.
Trên
xe buýt một cô gái bị cướp, xe đầy ắp người mà chẳng ai ho he. Cô gái xúc động
thốt lên: “Cha tôi kể năm xưa một tên giặc Nhật cai quản cả một huyện của chúng
ta. Ngày ấy tôi không tin, bây giờ thì tin rồi”.
Hồi
“Cách mạng văn hóa”, ga xe lửa lúc nào cũng đông nghịt. Khi tàu đến, người ta
chen nhau ùa vào ga lên tàu. Một cô nhân viên soát vé nói: Các ông bà người
đông thế này, một đứa con gái như tôi không thể nào giữ được ai, mà tôi cũng
chẳng muốn làm thế. Bắt giữ ai nào? Giữ người đầu tiên chen vào. Thế là ai nấy
ngoan ngoãn xếp hàng.
3.
Kẻ thống trị các thời kỳ trước kia thực hành chính sách ngu dân
Tôn
giáo Trung Quốc có mấy loại, tuy khác nhau về tư tưởng nhưng trên mặt chủ nghĩa
chống hiểu biết hoặc chủ trương ngu dân thì đều như nhau. Chính vì thế mà tôn
giáo mới được tầng lớp thống trị coi trọng. Dưới sự giáp công của văn hóa tôn
giáo và chính sách ngu dân của bọn thống trị, người Trung Quốc hình thành quần
thể như ngày nay. Người Trung Quốc giỏi nhất về chuyện ca tụng công đức, thứ
nhì là tố giác, thứ ba là giở thủ đoạn, cuối cùng là khôn ngoan bo bo giữ mình
[nguyên văn: minh triết bảo thân].
Người
Mãn Thanh thống trị Trung Quốc thành công nhất. Họ hiểu rõ đặc tính quan trường
của người Trung Quốc: dốc lòng trung thành với cá nhân, không trung thành với
nhà nước. Ai có vú thì người ấy là mẹ [Ai có sữa cho bú thì nhận người ấy làm
mẹ. Ý nói vì tham lợi mà vong ân bội nghĩa, ai cho mình quyền lợi thì theo
người đó].
Trong
việc thống trị ba dân tộc Hán, Mông, Tạng ở Trung Quốc, người Mãn Châu nhằm vào
các đặc điểm khác nhau của ba dân tộc này để sử dụng những mánh khóe khác nhau.
Người Tây Tạng tin Phật Giáo, triều đình nhà Thanh cho dựng ngay tại Thừa Đức
[1 trong 10 địa điểm danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhất Trung Quốc, cách Bắc
Kinh 180 km] một ngôi chùa phỏng theo kiểu chùa Tây Tạng, đón Lạt Ma về kinh đô
làm ông lớn. Người Mông Cổ nhanh nhẹn dũng mãnh thì dùng thủ đoạn hôn nhân, gả
con gái hoàng tộc cho vương công Mông Cổ. Mày đẻ ra con trai thì nó là cháu
ngoại tao. Đối với người Hán thì dùng khoa cử. Người Hán có tật thích làm quan.
Chỉ cần cho mày làm quan, tựa như quẳng khúc xương cho con chó, là mày cúi đầu
cụp tai ngoan ngoãn nghe theo.
Hồi
tôi sang Mỹ, thầy hướng dẫn tôi là người chuyên nghiên cứu về Mao Trạch Đông.
Ông ấy cho rằng trong đời mình, Mao Trạch Đông tổng cộng làm được 31 việc:
1-
Năm 1921 vào Đảng; 2- Năm 1925 chuyển sang theo nông dân; 3- Năm 1923-1927 vào
Quốc dân đảng; 4- Năm 1928 xây dựng căn cứ địa ở nông thôn; 5- Xây dựng Khu
Xô-viết Giang Tô; 6- Sự kiện Phú Điền [sự kiện nội bộ đảng CSTQ thanh trừng
giết nhầm nhiều cán bộ của đảng năm 1930 tại căn cứ địa Phú Điền tỉnh Giang
Tô]; 7- Năm 1925 đi Trường chinh; 8- Hội nghị Tuân Nghĩa [hội nghị mở rộng Bộ
chính trị ĐCSTQ họp tháng 1/1935 tại Tuân Nghĩa tỉnh Quý Châu, xác lập quyền
lãnh đạo của Mao Trạch Đông; được coi là bước ngoặt của cách mạng Trung Quốc];
9- Tranh giành quyền lãnh đạo Đảng CSTQ với Trương Quốc Đào; 10- Năm 1937 hợp
tác với Quốc dân đảng; 11- Kết hôn với Giang Thanh; 12- Chỉnh phong ở Diên An;
13- Đại hội VII xác lập tư tưởng Mao Trạch Đông; 14- Giành chính quyền trên cả
nước; 15- Tiến hành cải cách ruộng đất; 16- Năm 1950 tham gia cuộc chiến tranh
Triều Tiên; 17- Sự kiện Cao Cương [nguyên Phó Chủ tịch nước CHND Trung Hoa; năm
1954 bị kết tội chia rẽ đảng, bị kỷ luật, tự tử chết 1954]; 18- Tam phản ngũ
phản [hai phong trào trong thời gian cuối 1951 đến 10/1952. Tam phản: chống
tham ô, lãng phí và quan liêu; Ngũ phản: trong ngành công thương nghiệp tư
doanh chống hối lộ, trốn thuế và lậu thuế, lấy cắp tài sản nhà nước, làm ăn
gian dối, đánh cắp tình báo kinh tế]; 19- Công tư hợp doanh và hợp tác xã nông
nghiệp; 20- Chống phái hữu; 21- Đại Nhảy vọt; 22- Hội nghị Lư Sơn [hội nghị mở
rộng Bộ chính trị và hội nghị lần 8 trung ương ĐCSTQ, cách chức Bộ trưởng Quốc
phòng của Bành Đức Hoài]; 23- Cắt đứt quan hệ với Liên Xô; 24- Chuẩn bị đánh đổ
Lưu Thiếu Kỳ; 25- Phát động cách mạng văn hóa; 26- Giúp Việt Nam chống Mỹ; 27-
Xác định Lâm Bưu là người kế vị; 28- Tan băng quan hệ với Mỹ; 29- Nâng đỡ Nhóm
Bốn Tên; 30- Đánh đổ Đặng Tiểu Bình; 31- Bố trí Hoa Quốc Phong làm người kế vị.
Tôi
nghiên cứu kỹ 31 sự việc này, phát hiện thấy trong đó có 20 sự việc liên quan
tới hủy hoại tinh thần và đạo đức con người. Đến năm 1966, cuối cùng Mao Trạch
Đông phát động cuộc Cách mạng Văn hóa chưa từng có trong lịch sử, làm cho kinh
tế Trung Quốc đi tới bờ vực sụp đổ, càng làm cho phẩm chất đạo đức của nhân dân
toàn quốc hạ thấp xuống tới mức đáng sợ, nhà nước mấy lần sa vào tình cảnh muôn
đời không phục hồi được.
Tinh
thần là cái gốc lập mệnh của mỗi con người, là cái gốc lớn mạnh của một dân
tộc, cái gốc sinh tồn của một quốc gia. Cái gì cũng có thể không có nhưng tinh
thần thì không thể không có.
Cách
đây ít lâu khi xuống sư đoàn 33 Không quân, tôi có đến thăm trại tập trung Tra
Tử Động. Nhiều liệt sĩ như Chị Giang [tên thân mật gọi Giang Trúc Quân, nữ liệt
sĩ cách mạng Trung Quốc, 1920-1949] đã hy sinh tại đây. Hồi ấy nước Cộng hòa
nhân dân Trung Hoa đã thành lập. Chị Giang đang ở trong tù mà vẫn thêu một lá
cờ đỏ năm sao. Chị chưa biết mẫu của cờ đỏ năm sao như thế nào, cho nên đã thêu
ngôi sao lớn nhất vào chính giữa lá cờ, 4 ngôi sao nhỏ ở 4 góc. Khi bọn Quốc
dân đảng chuẩn bị làm cuộc đại tàn sát tù nhân thì Quân Giải phóng đã tiến tới
gần Bạch Thị Dịch. Đội du kích Hoa Doanh Sơn bắt được liên lạc với Quân đoàn
47. Đội du kích nói: Các đồng chí mau tiến quân đi, trại tập trung Tra Tử Động
sắp hành quyết các chính trị phạm. Nhưng Quân Giải phóng cho rằng đội viên du
kích Hoa Doanh Sơn là tên lừa đảo, có thể là bẫy kẻ địch cài, cho nên họ không
hành động. Kết quả là cuộc tàn sát bắt đầu. Các liệt sĩ hiên ngang đi tới chỗ
chết.
Có
người nói, thật đáng tiếc, các liệt sĩ ấy đã không nhìn thấy nước Trung Quốc
Mới. Mục tiêu phấn đấu mà họ theo đuổi sắp được thực hiện thế mà họ lại không
được nhìn thấy.
Tôi
bảo anh nhầm rồi. Nói thực lòng, họ vô cùng hạnh phúc. Tín ngưỡng trong lòng họ
sắp được thực hiện, chết vào lúc đó không phải là nỗi đau mà là một niềm hạnh
phúc. Những người còn sống sót mới thực sự đau khổ. Họ nhìn thấy nước Cộng hòa
nhân dân được thành lập, sau đó là các phong trào chống phái hữu, tam phản ngũ
phản, “Cách mạng Văn hóa”, những người bị cái đảng mà mình hiến dâng tính mạng
hành hạ mình chết đi sống lại ấy mới là những người đau khổ nhất. Chết, chết
không được. Sống, sống không thành. Cuối cùng để mất niềm tin và tín ngưỡng,
chẳng khác gì cái thây ma biết đi.
Đảng
viên cộng sản mất tín ngưỡng thì là cái gì? Hãy nhìn bọn quan tham nhũng hiện
nay thì khắc rõ. Bọn chúng tên nào cũng sợ chết, quan càng to càng sợ chết. Thứ
trưởng Bộ Công an Lý Kỷ Châu khi bị bắt còn hung hăng lắm. Hắn nói: “Nếu tôi có
vấn đề thì phải đem chém đầu một nửa Bộ Chính trị !” Đến lúc chuẩn bị đưa đi xử
bắn, hắn quỳ xuống van xin: “Xin cho tôi một con đường sống”. ./.
Nguyễn
Hải Hoành lược dịch và ghi chú trong ngoặc [ ].
Tác
giả Lưu Á Châu: Liu Ya Zhou, 1952-, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản TQ khóa
XVIII, Thượng tướng (từ 2012), Chính ủy trường Đại học Quốc phòng TQ từ
12/2009.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét