19 tháng 5, 2020

HAI NGƯỜI ĐÀN BÀ (3)


II- NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐƠN THÂN

Đinh Tiến Hùng
-     Phần 2

" Năm 1979 vừa tròn 19 tuổi, em tốt nghiệp sư phạm cấp 1 của tỉnh lên huyện mình công tác. Tuy phải xa nhà, xa mẹ hơi buồn nhưng tuổi trẻ hừng hực sức sống nhiệt huyết "chân bước đi đầu không ngoảnh lại". Em được phân công về xã Nậm Roong dạy. Nậm Roong tuy là xã sát quốc lộ nhưng trung tâm xã lại cách đường 5 km. Đường vào xã là đường dân sinh, xe ô tô không vào được, từ trung tâm xã đến các thôn bản chỉ đi bộ. Dân số ít, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở rải rác chia thành 10 thôn. Từ chỗ em ra đường lớn mất 5 km, ra huyện đi 30 km nữa. Từ khi em nhận công tác đến khi em chuyển vùng em chỉ đến huyện 2 lần. Lần đầu nhận công tác, lần 2 làm thủ tục chuyển vùng. 3 năm học đầu em dạy ở điểm trường chính, đến năm học thứ tư trường chuyển em vào điểm trường lẻ theo quy định luân phiên. Điểm trường lẻ cách trung tâm 3 km. Câu chuyện "tày đình" xảy ra ở năm học này, anh ạ.
9 đứa con gái chúng em cùng lên huyện mình dạy học thì 8 đứa dạy ở các trường có các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn. Nên đến năm thứ ba chúng nó có chồng hết. Chỉ còn mình em...Cùng lúc đó hạt kiểm lâm huyện điều một anh bộ đội vừa ra quân đến xã em lập trạm. Trạm là căn nhà đất vách nứa đơn sơ. Trạm của anh ngay cửa rừng cách lớp em 20m. Hàng ngày hàng xóm của em đi kiểm tra rừng, đến 2 xã bên cạnh hoặc làm việc ngoài Ủy ban xã. Qua anh nói chuyện em biết anh có vợ và 2 con, chiều thứ bảy là anh nhờ em trông giúp cái trạm của anh. Trạm có gì đâu phải trông hả anh: một cái tủ 3 ngăn không cánh xã cho, 1 cái giường tre ọp ẹp, 1 cái ấm đun nước, 1 cái nồi nấu cơm, 1 cái xoong nấu thức ăn.
Mấy ngày đầu mới đến trạm anh tự nấu ăn, sau em bảo anh để em nấu ăn chung.
. Anh đưa gạo, đưa tiền ăn cho em. Như anh biết đấy, lúc đó nhà nước quản lý lương thực, thực phẩm; đất nước khó khăn, mọi nhà đều nghèo, đều thiếu thốn. Em bảo anh ấy chỉ đưa đủ lượng lương thực những bữa em nấu, còn tiền thì em không nhận vì rau em trồng được. Bữa ăn toàn rau với canh rau, thi thoảng vào bản mua được con gà, con vịt mổ thì hôm ấy là cỗ. Anh sống mực thước, chăm chỉ, hiền lành. Anh là người yêu vợ thương con, nhiệt tình công tác và có trách nhiệm trong công việc.
  Con gái ngoài 20 tuổi sống nơi heo hút thui thủi, chỉ buổi sáng cùng đám học sinh nhí nhảy là vui. Ngày lại ngày công việc lặp đi lặp lại. Các anh giáo viên trường em đều có gia đình cả, trai bản đi bộ đội hoặc đi công tác, chỉ có mấy cậu choai choai không việc làm. Anh ạ, có ngày chủ nhật em không nhìn thấy người nào qua trường. Có đợt em nghe nói xe chở bộ đội lên biên giới nhiều lắm. Em đi bộ ra quốc lộ thấy từng đoàn xe chở bộ đội lên phía bắc. Em vẫy các anh, các anh vẫy lại, trêu đùa em, em thấy vui. Thương các anh quá, lên biên giới là gian khổ, là trận mạc, thương vong. Đoàn xe đi hết em thui thủi về trường nằm trên giường khóc. Các anh bộ đội chịu bao gian khổ nhưng có đồng đội bên cạnh. Em chỉ có một mình. Em lại nhớ mẹ, nhớ nhà. Em chỉ mong có một phép màu nào đó có một đơn vị bộ đội đóng ở xã em đang dạy học.

Em cần một chỗ dựa, một bờ vai, em khao khát yêu đương, em khao khát vòng tay người đàn ông ôm em thật chặt.
Em không có người yêu ngóng đợi mong chờ; em không có những cánh thư mang thông điệp yêu đương; em không có những lời nói yêu thương ngọt ngào đôi lứa; em không có những nụ hôn cháy bỏng đầu đời;... Chỉ có mùi mồ hôi anh ấy làm em mê mẩn.

  Một buổi tối em và anh ngồi chơi ở sân lớp rì rầm nói chuyện. Xung quanh là rừng. Vầng trăng hạ huyền toả ánh sáng xuyên qua màn sương rừng mờ ảo. Thỉnh thoảng con chim rừng cất tiếng “Bắt cô trói cột...năm trâu sáu cọc”. Không gian tĩnh mịch trong khung cảnh rừng núi…càng tĩnh mịch, cô tịch hơn.
Không gian như im ắng, em và anh như cùng theo đuổi ý nghĩ riêng. Em ước gì anh chưa có gia đình, chúng em sẽ xây tổ ấm dù cuộc sống có vất vả nhưng yêu nhau là sẽ có động lực vượt lên tất cả. Chúng em có nhà riêng ở quê anh, chúng em sẽ có hai đứa con, một gái một trai, hàng ngày chúng đến lớp, về đến nhà hai đứa bi bô chào bố mẹ… Mùi mồ hôi của anh làm em quen mất rồi.

 Bỗng cơn mưa rừng kéo đến, trăng đang sáng mờ ảo đã chuyển đêm rừng, sấm chớp ầm ầm. Em và anh chỉ kịp chạy vào phòng em. Gió thổi cây rừng rào rào, thổi tắt ngọn đèn dầu, gió đập vào phên lứa, kéo giật cánh cửa. Anh nhanh tay gài chặt cánh cửa. Ngoài trời mưa, sấm, chớp cứ ào ào…
Cái khát khao đàn ông trong em trỗi dậy. Em ôm chặt lấy anh, càng ôm càng chặt, em ghì anh ấy vào em. Em chỉ nghe thấy tiếng mình: “Anh…anh…”.

Sáng hôm sau anh đi sớm, anh đi ba ngày mới quay về trạm. Chúng em nhìn nhau ngượng ngịu. Em nấu cơm cho anh. Em biết anh đang dằn vặt mình…
Còn em đang nghe cơ thể mình…lo lắng…
Anh trầm đi, ít nói, ít cười. Trước kia anh hay cười, hay nói lắm, hay kể chuyện bộ đội, kể chuyện hài.
Một hôm anh hỏi em: “Có à”
Em gật đầu. Như đã chuẩn bị sẵn, anh không tỏ ra hốt hoảng. Nằm bên anh, em nghe rõ tiếng thở dài của anh, tiếng thở bần thần, lo lắng; tiếng cựa mình cố đi vào giấc ngủ của anh. Em ôm anh, nước mắt em trào ra, mình thương lấy mình.

Bẵng đi gần một tháng anh không có mặt ở trạm, sau có một anh khác đến thay anh. Em biết được anh đã thôi việc. Một buổi chiều anh đạp xe đến gặp em.
Anh nói: Anh có lỗi với em, anh không thể đi cùng em vì anh còn gia đình, còn các con anh.
Anh nói: Chúng ta đã sai, nhất là anh.
Anh nói: Sau này em sẽ sinh con, nó không được sinh ra từ tình yêu của bố mẹ nhưng nó sẽ được hưởng tình yêu thương nhân hậu của mẹ.
Anh nói: Em một mình nuôi con vất vả lại chịu điều nọ tiếng kia; em hãy cố gắng, anh mong em cố gắng…
Anh nói nhiều lắm…em chỉ nghe được vậy. Mắt em nhòa đi, em ôm anh khóc…
Em ngừng cơn khóc, lau nước mắt, em giục anh về.
Anh để lại ba tháng lương của anh trong phong bì đặt dưới gối của em.

Anh là người mẫu mực, sống mực thước, chăm chỉ, hiền lành; anh là người anh hùng của trận mạc, của đời chinh chiến. Đời là vậy… “anh hùng khó qua ải mỹ nhân”.

Ngay trong cuộc họp hội đồng nhà trường tháng đó em đã báo cáo trước hội đồng là em có thai. Em nhận lỗi vì không giữ được sự vẹn tròn nhân cách một cô giáo, nhưng em mong mọi người thông cảm tha lỗi cho em; em sẽ chịu hình thức kỉ luật đối với em, nhưng em mong ngành đừng bắt em bỏ nghề dạy học.
Cả phòng họp lặng đi, không phải vì các anh, các chị bây giờ mới biết mà do em mạnh dạn, thắng thắn trước hội đồng. Anh hiệu trưởng động viên em cứ yên tâm công tác, anh sẽ báo cáo việc này lên phòng Giáo dục và có hướng giải quyết.  

Em viết thư về cho mẹ, con cần mẹ, chỉ mình mẹ thôi, mẹ hãy lên với con. Linh cảm có điều gì với em, mẹ em lên ngay. Nhìn thấy em là mẹ khóc.                                                                                                                             Nước mắt em trào ra cố nói: Mẹ! Mẹ đường khóc.
Mẹ ôm em, em ôm mẹ; mẹ khóc, em khóc. Hai mẹ con ôm nhau khóc.
Nằm bên em mẹ hỏi: Người đó ở đâu?                                                   Em nói: Mẹ đừng hỏi.                                                                                   Mẹ hỏi tiếp: Người đó có gia đình rồi phải không?                        Em: Vâng.                                                                             Lặng đi hồi lâu, mẹ lên tiếng: Mình làm mình chịu con nhá, không làm ảnh hưởng đến gia đình người ta.                                   Em: Vâng.
Một buổi chị Chủ tịch Công đoàn gọi em lên họp, có các anh trong BGH, các anh chị BCH Công đoàn, đoàn TN, các tổ trưởng. Anh hiệu trưởng nói: Trong cuộc họp Hội đồng trường vừa qua đồng chí Hường đã báo cáo sự việc đồng chí có thai. Chúng tôi đã họp và báo cáo lên cấp trên. Hôm nay chúng tôi thông báo với đồng chí là đồng chí vẫn dạy học, vẫn công tác bình thường, đó là việc cá nhân của đồng chí, đồng chí không bị kỷ luật.      
Em nấc lên, khóc tu tu…Mọi người lặng im…động viên em cố gắng công tác.
Năm học sau phòng Giáo dục điều chuyển em đến trường khác, trường mới gần đường, không có điểm trường lẻ, về phía hạ huyện tức là em về với mẹ sẽ gần hơn.
Việc em chuyển trường là do thầy Trưởng phòng khi biết hoàn cảnh của  em, rất cảm thông với em một mẹ một con, sẽ rất khó khăn trong cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho em. Chuyện này em biết được do chị Chủ tịch Công đoàn ngành nói cho em biết. Em sinh cháu được mấy tháng, chiều hôm đó một chiếc xe Jeep vào trường, đó là đoàn công tác của phòng Giáo dục đi họp ở Ty Giáo dục về rẽ vào thăm em. Em nhận được lời động viên và quà riêng của thầy Trưởng phòng, của chị Chủ tịch CĐ ngành và một số các anh, các chị cùng đi.
Mấy chị nói vui: Bọn tao đẻ chẳng được ai cho quà, tỵ với mày đấy.
Một chị nói: Vì bọn tao đẻ có chồng bên cạnh còn mày có một mình.
Mọi người đều cười.
Cuối năm 84 em sinh, cháu trai bụ bẫm khỏe mạnh, dễ nuôi, lớn nhanh như thổi. Năm nay (2019-người viết) cháu 35 tuổi, hết lớp 12 cháu thi đỗ học viện Quân y học ở Hà Đông, bây giờ cháu công tác ở bệnh viện 108. Em dạy học ở trên đó 10 năm, đầu năm 90 em xin chuyển về thị xã. Việc em chuyển vùng cũng do may mắn. Em có ông cậu họ, mẹ em và cậu là con già con dì, cậu em bạn với ông trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh (bây giờ là sở Nội vụ- người viết) nên việc em chuyển  vùng rất thuận lợi.
   Em dạy học ở thị xã, bây giờ là thành phố đến khi nghỉ hưu. Những năm sau này có vài ba người đến với em, người thì ly hôn, người thì vợ chết.
Nhưng em còn con, em phải nuôi con trưởng thành, có nghề nghiệp, lấy vợ cho nó. Các anh đều muốn tiến xa nhưng em chỉ hẹn hò…
Năm 2015 em nghỉ hưu, em về quê bố em. Em xây căn nhà trên mảnh đất ông bà em để lại, có vườn rau, vườn hoa, ao cá đủ cả như anh thấy.
Ba năm trước chồng em bây giờ đến với em, vợ anh mất cách nay 8 năm. Anh có 2 người con một trai một gái có việc làm, có nhà riêng. Chúng em thống nhất với nhau kết bạn quãng đời còn lại không ràng buộc gì. Chúng em tôn trọng nhau. Hôm nay anh ấy “có việc” không ở nhà để em có thể “bộc bạch” với anh thoải mái.
….
Câu chuyện của em như vậy anh ạ...”

19/5/2020
                               


18 tháng 5, 2020

HAI NGƯỜI ĐÀN BÀ (2)



II- NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐƠN THÂN

Đinh Tiến Hùng

Đọc  I- NGƯỜI ĐÀN BÀ NHẪN

-     Phần 1.
Tháng 10 năm 2018 tôi đăng chuyện NGƯỜI ĐÀN BÀ NHẪN lên fb, nhiều bạn hỏi: thế cô Hường thế nào?
Thú thật thời điểm đó (lúc đăng bài) tôi chưa gặp cô Hường và không biết cuộc sống, hoàn cảnh, công việc cô Hường thế nào.
Sau này có việc ra thành phố vài lần tình cờ gặp lại các đồng nghiệp cũ, trong câu chuyện tôi biết cô Hường giáo viên tiểu học một mẹ một con đã nghỉ hưu chuyển về quê Vĩnh Phúc, nghe đâu cô ấy đã lấy chồng. Bạn tôi giới thiệu tôi đến gặp người bà con của cô Hường ngay thành phố. Và tôi đã xin được số điện thoại của cô Hường.
Tôi gọi cho cô Hường, giới thiệu tên, nghề nghiệp, địa danh nơi tôi ở trước khi tôi nghỉ hưu và câu chuyện NGƯỜI ĐÀN BÀ NHẪN tôi đã viết, đăng lên fb. Tôi xin phép cô được tìm hiểu về phần cuộc sống, công tác của cô và cháu để viết tiếp phần câu chuyện tôi đã viết.
Cô vui vẻ nhận lời sẽ kể tôi nghe về cô và mời tôi về nhà cô chơi.

***
Chuyến xe khách đưa tôi qua ngoại ô thành phố Vĩnh Yên, tôi xuống xe ngay cổng nhà cô Hường. Cô Hường đón tôi ở sân:
- Em chào anh! Mời anh vào nhà.
Căn nhà xây theo kiểu nhà vườn, trước nhà khoảnh sân rộng, bên phải là vườn rau, các luống rau được ngăn bằng lối nhỏ xây gạch pa panh. Tôi thấy có rau muống, dền tím, dền gai, mùng tơi, cà giòn, cà tím, luống đậu đũa, giàn mướp, mấy cây ớt, khoảnh hành củ, có cả hành lá, ngải cứu.
Bên trái mấy luống hoa đã ra hoa đủ màu sắc, có loài đang chờ vụ hoa.
Hường pha trà, bộ khay chén sáng loáng như vừa được đánh rửa, cô tráng ấm bằng nước sôi đủ thời gian làm nóng ấm, cho chè rồi pha nước.
Tôi đang định giới thiệu và nhắc lại chuyện tôi đã gọi điện thoại cho cô, thì cô đã nói:
- Anh không khác mấy chỉ có trông anh mập hơn xưa.
Tôi ngạc nhiên:
- Ơ...thế chúng ta đã gặp nhau?
Cô nói:
- Anh không nhớ em chứ em vẫn nhớ anh. Hồi anh ở phòng Giáo dục, năm 1986 đoàn công tác của phòng Giáo dục sang trường em kiếm tra chuyên môn khối cấp 2. Anh là tổ trưởng dự giờ, kiểm tra hồ sơ môn toán-lý. Cô Ngần giáo viên trẻ về trường được ba năm nói với em: Anh dự giờ và kiểm tra hồ sơ của nó và đánh giá loại giỏi. Trước đó tổ chuyên môn và trường đánh giá chuyên môn của nó chỉ loại trung bình.
Năm sau nó được chuyển trường và làm tổ trưởng, mấy năm sau lên hiệu trưởng. Nó bảo có thể anh đã giúp nó.
Tôi nhớ lại chuyện đó và nói với Hường:
Tôi chưa bao giờ làm ở phòng Giáo dục, hàng năm phòng Giáo dục tổ chức các đoàn công tác đến trường đều lấy giáo viên các trường khác tham gia. Còn việc của cô Ngần tôi không giúp, tôi chỉ phản ánh năng lực chuyên môn của cô ấy bằng hồ sơ chuyến công tác và phát biểu trong cuộc họp tổng kết đợt công tác.
Tôi đề cập đến việc viết tiếp câu chuyện liên quan đến câu chuyện NGƯỜI ĐÀN BÀ NHẪN.
Cô Hường mời tôi uống nước và cô cũng nhấp ngụm trà, nhìn cách cô nhấp trà tôi biết cô là người hiểu trà.

Cô bắt đầu kể: "Năm 1979 vừa tròn 19 tuổi, em tốt nghiệp sư phạm cấp 1 của tỉnh ..."
Cô kể xong, nét mặt như trầm xuống ưu tư suy ngẫm...một lúc sau:
“Câu chuyện của em như vậy anh ạ...”

Tôi để cho không khí xung quanh im ắng một lúc.
Tôi cảm ơn cô đã kể cho tôi nghe về cuộc sống và quá trình công tác của cô từ khi khi vào ngành, có cháu, nuôi cháu trưởng thành đến khi nghỉ hưu.
Tôi hỏi cô có nhắn gì người quen nơi cũ không?
Cô bảo cuộc sống thế rồi cứ để như thế, những gì xảy ra chỉ là kỉ niệm, có kỉ niệm buồn, kỉ niệm vui. Em thấy như bây giờ em hạnh phúc và mãn nguyện lắm: con trưởng thành, có nghề nghiệp, vợ chồng cháu hoà thuận, cháu nội em ngoan ngoãn. Em có một gia đình nhỏ, vợ chồng già bên nhau.

Bạn đọc thân yêu của tôi!
Câu chuyện cô Hường kể được tôi thu âm, việc của tôi bây giờ là chuyển từ kênh âm thanh thành văn bản để phục vụ các bạn. Trong quá trình chuyển đổi tôi giữ nguyên tinh thần nội dung câu chuyện, chỉ lược bớt những câu chữ từ ngôn ngữ nói thành ngôn ngữ viết cho phù hợp.

18/5/2020
(còn tiếp)


17 tháng 5, 2020

ĐỪNG XEN VÀO VIỆC CỦA NGƯỜI KHÁC


ĐỪNG XEN VÀO VIỆC CỦA NGƯỜI KHÁC

Đinh Tiến Hùng

Hôm nay gia đình anh chị Cường Thịnh dỡ căn nhà cũ, thuê máy san gạt đất giải phóng mặt bằng để giao cho chủ thầu xây dựng căn nhà 2 tầng một xép mà anh chị đã lên kế hoạch tích lũy tài chính hơn 10 năm nay.
Hai vợ chồng anh đang thu dọn thì mấy ông hàng xóm đến xem khu đất. Ở nông thôn đâu cũng vậy, nhà nào làm gì, có việc gì đố thoát khỏi con mắt tò mò, sự bàn tán của xóm giềng.
Anh chị nhanh miệng:
- Cháu chào các ông, mời các ông đến chơi. Hôm nay gia đình cháu thu xếp mặt bằng để hôm này khởi công ạ.
Ông Ngàn hỏi:
- Anh chị định xây mấy tầng?
- Dạ. Cháu xây 2 tầng và một gác xép ạ.
Ông Bách:
- Làm thế trông không đẹp, mất cân đối.
Ông Thiên nói:
- Các phòng bố trí thế nào anh?
- Dạ. Cửa vào là phòng khách sâu 7 mét ạ, tiếp là bếp và phòng ăn, toilet, trong cùng là phòng ngủ 1 ạ; tầng xép gồm sảnh rồi phòng ngủ 2 khép kín; tầng 2 thứ tự phòng thờ, phòng ngủ 3, toilet, phòng ngủ 4, sân phơi ạ.
Ông Thiên:
- 4 phòng ngủ, 3 toilet nhiều quá, tốn kém.

                                     ***
Trên đời này có 3 việc :
Việc của bản thân
Việc của người khác
Việc của ông trời.

Chúng ta thường buồn phiền là do: quên mất việc bản thân, thích xen vào việc người khác và lo lắng về việc của ông trời.

Muốn vui vẻ rất đơn giản, chỉ cần: Làm tốt việc của bản thân, đừng xen vào việc người khác và đừng nghĩ về việc của ông trời.

15.5.2020