NỤ HÔN ĐẦU.
Tác giả:
Anh bộ đội (ảnh minh họa)
Thành được đơn vị cho về phép 3 ngày trước
khi chuyển đi nhận nhiệm vụ mới. Anh gò lưng đạp xe ngược gió trên đê sông Đuống,
nóng lòng về gặp mẹ và các em trong gian nhà một mái cũ kỹ trên đường Hàng Buồm.
Từ khi nhập ngũ anh sinh viên Bách Khoa lần đầu tiên được về thăm nhà, may mượn
được xe của đại đội phó đồng hương Hàng Buồm với anh.
Bỗng có tiếng thất thanh :
- Có người chết đuối !
Anh vứt xe lao ra bờ sông, thấy mái tóc con
gái đang nhấp nhô trong nước. Anh chạy vài chục mét xuôi dòng rồi mới nhảy xuống
sông đón lõng nạn nhân đã đuối sức.
Mươi phút sau anh bế được cô lên bờ, làm
đúng các động tác cứu người đuối nước đã được học. Anh làm hô hấp nhân tạo, hai
tay đè lên ngực cô rồi ghé môi thổi ngạt.
Mấy người làng nghe tiếng kịp chạy tới giúp
một tay. May quá cô gái đã tự thở được.
Đã có dân làng giải quyết, Thành vội lên xe
đạp về Hà Nội. Anh không ngờ cái đụng chạm thể xác đầu tiên, nụ hôn môi đầu
tiên với một cô gái lại xảy ra như vậy, không chút lãng mạn nào.
Ngày trả phép, anh lại đạp xe trên đê sông
Đuống. Đi qua đoạn anh từng dừng lại cứu cô gái, chân anh như đạp chậm lại. Anh
nhớ khuôn mặt tái nhợt nhưng vẫn xinh đẹp của cô và thấy có cái gì đó là lạ
trong lòng.
Đến một quán nước dưới gốc đa gần đó, anh rẽ
vào nghỉ chân. Mấy ông nông dân làm đồng về đang tán chuyện hút thuốc lào vặt.
Qua câu chuyện của họ anh biết cô tên Chanh
ở xóm Bãi hôm kia suýt chết nếu không được anh bộ đội cứu. Thành cúi mặt sợ nhỡ
có ai nhận ra mình chính là anh bộ đội hôm trước. Nhưng anh đã biết cô tên
Chanh, người xóm Bãi.
Câu chuyện trên xảy ra mùa hè năm 1972.
Ngay sau khi trả phép, Thành cùng đơn vị hành quân vào Nam, hoạt động ở miền
tây Thừa Thiên. Trong ba lô của anh không có bức ảnh cô gái nào nhưng trong
lòng anh là hình ảnh mơ hồ của cô Chanh bên bờ sông Đuống. Anh tưởng tượng nếu
cô cười thì sẽ ra sao và những đêm nằm trên võng nghe tiếng mưa rơi lên tấm
tăng, anh mơ về nụ cười đó.
Sau tháng 3 năm 1975, đơn vị anh làm nhiệm
vụ quân quản một thời gian rồi được chuyển ra Bắc. Thủ trưởng đại đội phó đồng
hương phố Hàng Buồm với anh giờ là tiểu đoàn trưởng, ông bảo bọn tao già rồi,
chúng mày còn trẻ phải đi học về xây dựng đất nước. Thế là Thành được quay lại
giảng đường đại học Bách Khoa.
Hình ảnh Chanh trong anh không phai mờ, nó
chỉ chìm xuống dưới bao nhiêu bộn bề lo âu. Mà cũng vô duyên, Chanh không hề biết
mặt anh, nếu có nhớ thì nhớ đến anh bộ đội Cụ Hồ chung chung đã cứu mạng mình.
Cô ấy đâu có tình cảm gì với anh.
Song cái cảm giác lần đầu đặt môi lên môi một
người con gái nó vẫn không quên anh.
Ra trường anh về một công ty xây lắp điện ở
tít Tây Nguyên, lấy vợ, sinh con lập nghiệp ở đó. Nhờ bạn bè hỏi giúp anh biết Chanh lấy một anh thương
binh người cùng làng, gia đình cũng giống mọi gia đình chồng thương binh vợ
chân quê khác, nghĩa là vất vả mọi bề.
Thành nhắn với anh bạn đồng môn giờ làm
Giám đốc Điện lực Bắc Ninh rằng Thành không xin nhưng nếu con cô Chanh xin vào
Điện lực thì bạn lưu ý giúp. Ông bạn kia làm vượt mức yêu cầu, cho người về tận
làng Chanh tuyển con cô ấy vào làm.
Lần thứ hai Chanh không hề biết người cứu
giúp mình là ai.
Thành về hưu gần chục năm nay. Anh con trai
Hàng Buồm định cư ở Buôn Mê Thuột, nơi có vườn cà phê và nấm mồ người vợ đã bỏ
anh đi xa vì bị ung thư.
Được biết chồng Chanh đã chết do sức khỏe
kém, anh muốn nhân ra Bắc thăm mẹ và các em thì tìm gặp Chanh một lần trong đời.
Anh mượn xe máy, chạy lại con đường đê năm xưa nay đã trải nhựa, về xóm Bãi. Gần
50 năm trôi qua, cảnh vật thay đổi nhiều quá, duy cây đa vẫn còn và quán nước
thì được xây gạch.
Thành ghé quán nước, gọi chén nước vối, mượn
cái điếu rít một hơi mà ông chưa từng hút lại từ thời giải ngũ.
Thuốc làm ông say, ông dựa lưng vào tường,
mắt phóng về dốc đê nơi ngày xưa ông cứu Chanh. Vạt cỏ nơi ông đặt nàng xuống
và làm hô hấp cho nàng.
Ông bỗng bắt chuyện với cô hàng nước:
⁃ Khoảng năm mươi năm trước tôi
có ngồi uống nước ở đây, không biết bà cụ bán nước ngày ấy giờ còn không?
⁃ Bà nội cháu đấy ông ạ, bà còn
sống nhưng mắt loà không nhìn thấy gì nữa rồi.
Có một điểm chung là bà cụ, câu chuyện dễ
dàng hơn, ông Thành mạnh dạn hỏi về bà Chanh.
⁃ Có phải bà Chanh vợ ông Đảnh
thương binh không?
⁃ Và có đứa con làm bên Điện lực.
⁃ Cháu biết, bà ấy bị hẹp van
tim sau đó phải về Hà Nội chữa hơn tuần nay rồi.
Thành ngồi nán một lúc rồi lên xe ra về. Quả
thực ông không biết là nếu bà Chanh không đi viện thì ông có dám vào nhà gặp bà
hay không. Ông quá già, bà cũng già và ốm yếu. Liệu có nên nhìn thấy bà ngày
nay làm hỏng mất hình ảnh bà ngày xưa đã bám chắc vào đáy trái tim ông?
Ông quyết định chạy về Từ Sơn, thăm ông bạn
Giám đốc Điện lực Bắc Ninh nay cũng đã về hưu.
Hai thằng cùng học Bách Khoa, cùng đi lính
rồi cùng về học lại Bách Khoa chẳng cần khách sáo. Bạn bảo vợ làm cơm rượu, hai
ông trò chuyện mày tao vui lắm.
Gần cuối chiều ông Thành mới hỏi bạn có nhớ
cái thằng ở xóm Bãi hai mấy năm trước ông nhận vào làm chứ?
⁃ Nhớ, thằng đó làm việc được.
⁃ Ông có thể liên lạc với nó
không?
⁃ Tôi nhờ anh em Văn phòng tìm
chắc ra.
⁃ Vậy tôi nhờ ông một việc. Mẹ
thằng đó đang nằm viện chữa tim, có thể phải đặt stent. Tôi nhờ ông chuyển cho
thằng con số tiền hỗ trợ mẹ nó chữa bệnh.
Ông bạn nhận lời, không thắc mắc quan hệ giữa
ông Thành với bà Chanh là như thế nào, đúng kiểu lính.
Ông Thành gửi phong bì 100 triệu, dặn nói với
con trai bà Chanh là tiền của anh bộ đội đã cứu bà bị đuối nước mùa hè năm
1972.
Ai cũng có nụ hôn đầu đời, ông Thành cũng
có vậy!