Điểm đặc sắc trước tiên, hoạt động trong ngày lễ
Quốc khánh ở Mỹ không do chính phủ tổ chức để tuyên truyền cho chủ nghĩa nước
lớn, cho đảng cầm quyền, mà chủ yếu là do tổ chức đoàn thể của người dân và các
công ty tư nhân tổ chức. Giống như hoạt động bắn pháo hoa tại New York bao
nhiêu năm qua đều do Công ty Macys tổ chức (đến nay đã 39 năm). Hoạt động bắn
pháo hoa vô cùng đẹp mắt, nghe nói kinh phí đến mấy triệu đô. Còn pháo hoa ở
Thủ đô Washingtonvà hoạt động diễu hành chào mừng tại các nơi, tất cả đều
do các đoàn thể tư nhân tổ chức. Khác với các quốc gia chuyên chế, luôn là hoạt
động tuyên truyền cho sức mạnh quốc gia, do chính phủ lãnh đạo…
Điểm đặc sắc thứ hai là, tuy là ngày kỷ niệm thành lập nước,
nhưng hoạt động chủ yếu là ca ngợi quốc gia đã bảo đảm quyền tự do của mỗi con
người, cho con người có cơ hội phát triển, đây cũng là nguyên tắc được nêu ra
trong “Tuyên ngôn độc lập” khi thành lập nước. Người Mỹ không nói lễ Quốc khánh
mà gọi ngày 4 tháng 7 là “ngày độc lập”, đây không chỉ là kỷ niệm ngày thoát
khỏi ách thống trị của nước Anh để xây dựng một quốc gia mới, quan trọng hơn là
dương cao tinh thần lập quốc được xác lập trong “Tuyên ngôn độc lập”. Tinh thần
này nhấn mạnh quyền con người, gồm quyền tự do, quyền sống, và quyền mưu cầu
hạnh phúc. Cả ba quyền này đều nói đến cá nhân, không phải nói đến quốc gia hay
chính phủ. Lý do tồn tại của chính phủ là để bảo vệ cho ba quyền quan trọng này
của cá nhân, nếu vi phạm nguyên tắc này, nhân dân có quyền lật đổ chính phủ.
Ngày nay nước Mỹ trở thành siêu cường thế giới không
phải do diện tích lãnh thổ, nhân khẩu, và nguồn tài nguyên hàng đầu của nó, mà
chính là nhờ tinh thần bảo vệ cá nhân được xác lập trong “Tuyên ngôn độc lập”.
Khái quát về chính trị, lịch sử và văn hóa Mỹ, có một từ tiếng Anh thường được
nói đến là Individualism, dịch ra thành “chủ nghĩa cá nhân” là không hợp lý, vì
nó dễ gây hiểu lầm thành “chủ nghĩa cá nhân” tự tư tự lợi trong, đi ngược lại
nghĩa gốc của Individualism; vì thế phải dịch nó thành “chủ nghĩa cá thể” mới
chính xác. Bảo vệ “chủ nghĩa cá thể” chính là cái gốc trong tinh thần lập quốc
của nước Mỹ. Vì cho dù là chủ nghĩa Phát xít, hay chủ nghĩa Tập quyền, từ bản
chất đều là những sắc thái khác nhau “chủ nghĩa quần thể” (collectivism), cuối
cùng đều là lấy “danh nghĩa quần thể” để nô dịch cá nhân, tước đoạt tự do cá
nhân. Còn chủ nghĩa cá thể đối lập với chủ nghĩa quần thể, chống lại tập quyền,
cũng chính là bảo vệ quyền tự do và sự tôn nghiêm của con người.
Lịch sử nước Mỹ chính là lịch sử của sự giương cao
ngọn cờ chủ nghĩa cá thể, theo đuổi tự do cá nhân, chống lại chủ nghĩa quần thể
và cực quyền. Nước Mỹ có thể trở thành ngọn cờ đầu của thế giới tự do là vì nó
giương cao ngọn cờ vĩ đại của tự do cá nhân, quyền của mỗi con người cụ thể. Ví
dụ một việc nhỏ như viết thư, người Mỹ luôn viết tên người trước (tầm quan
trọng của cá nhân), sau đó là thành phố, cuối cùng mới là quốc gia.
Đêm trước ngày lễ Quốc khánh Mỹ, vị Giáo sư Chính
trị Đại học Ashland là Peter Schramm trong một bài viết có nói rằng, 50 năm
trước, khi đó ông chưa tới 10 tuổi, theo cha trốn khỏi Hungary. Hồi đó sau khi
nghe nói đến Mỹ, ông đã hỏi cha “Tại sao lại là Mỹ?” Cha ông trả
lời:“Bởi vì, con trai ạ, chúng ta là người Mỹ, nhưng sinh nhầm nơi.”
Schramm nói, ông đã mất bao nhiêu thời gian để
nghiềm ngẫm câu nói này, sau này ông mới thấu hiểu “cách nói của cha ông
nhằm nhấn mạnh, nơi họ hướng đến không chỉ là một địa phương mà quan trọng hơn
là một giá trị.” Schramm cho rằng, “trở thành công dân Mỹ không giống
công dân ở nhiều quốc gia khác, người Mỹ không lấy huyết thống hay lịch sử để
kết nối các công dân; ngược lại, họ liên kết mọi người bằng nguyên tắc chung
của cả cộng đồng. Đó chính là nguyên tắc trong ‘Tuyên ngôn độc lập’ Tổng thống Lincoln đã chỉ ra.”
___________________________________________________________________
Từ ý nghĩa như vậy, định nghĩa “người Mỹ” vượt quá
giới hạn là quốc gia, quốc dân cụ thể nào, nó là sự thể hiện bảo vệ và tin
tưởng vào ba quyền quan trọng của cá nhân: quyền tự do, quyền sống, quyền mưu
cầu hạnh phúc, đó chính là đại diện cho “con người tự do”!
___________________________________________________________________
Từ năm 1776 đến nay, nước Mỹ mới trải qua hơn hai
trăm năm. Một quốc gia có lịch sử ngắn như thế lại ảnh hưởng đến phương hướng
và diễn biến của toàn thế giới. Tòa tháp đôi tại New York bị quân khủng bố phá
hủy ngày 11 tháng 9 năm 2001, sau khi xây lại được đặt tên là “cao ốc tự do”
(Freedom Tower), độ cao 1776 thước Anh của tòa tháp mới chính là để kỷ niệm năm
nước Mỹ giành độc lập 1776, biểu hiện cho niềm tin kiên định vào tinh thần tự
do không kẻ nào có thể hủy hoại được.
Trong cuộc chiến giải phóng loài người, chống lại
chủ nghĩa Na-zi (một biến thể của chủ nghĩa Phát-xít tại Đức) và chủ nghĩa quân
phiệt Nhật, người Mỹ đã xung trận 1224 vạn lính, cuối cùng 40 vạn quân tử trận,
100 vạn bị thương tật. Nữ ký giả nổi tiếng người Ý là Fallaci từng nói, nước Mỹ
đã giải phóng cho cả châu Âu và châu Á nhưng không chiếm một tấc đất, thứ duy
nhất họ “chiếm đoạt” là nghĩa địa lính Mỹ tử trận, gồm cả vị danh tướng George
S. Patton trong thế chiến II bị chôn vùi ở Âu châu.
Sau này, chính sách đối ngoại can dự của Mỹ cũng chỉ
vì theo đuổi giá trị phổ quát của văn minh nhân loại (nhân quyền, dân chủ, tự
do). Như Tổng thống Bush nhấn mạnh, cần phải mở rộng “dân chủ toàn cầu”, không
thể để tái diễn lại “Yalta” [1], tức không thể đổi ổn định bằng cái
giá mất tự do của các nước nhỏ; không nên vì “duy trì hiện trạng” ở Trung Đông
mà dung thứ cho sự chuyên chế của Omar [2]. Nhấn mạnh người Mỹ cần có
trách nhiệm đạo đức truyền bá chủ nghĩa tự do, giải phóng áp bức nô lệ, không
ngừng giương cao ngọn cờ thời đệ nhị thế chiến để mang lại hy vọng cho những
người bị áp bức…
Nguyên tắc đạo đức dân chủ này xuyên suốt hành trình
lịch sử nước Mỹ. Sau khi nước Mỹ giành độc lập, ba vị Tổng thống đầu tiên gồm
Washington, Adams, Jefferson đều là những người xây nền đắp móng cho giá trị
này. Tổng thống Jefferson, người khởi thảo “Tuyên ngôn độc lập”, trong bức thư
cuối đời viết ngày 24 tháng 6 năm 1826, đã viết, do ông lâm trọng bệnh nên
không thể đi tham dự lễ kỷ niệm tròn 50 năm ngày Quốc khánh và ra đời “Tuyên
ngôn độc lập”, nhưng ông tin rằng giá trị tự do nhất định sẽ phổ biến trên toàn
thế giới, “có nơi đến sớm hơn một chút, có nơi đến muộn hơn một chút, nhưng
nhất định sẽ trở thành hiện thực trên toàn cầu”. Sau đó 10 ngày, ngày 4 tháng 7
là ngày kỷ niệm tròn 50 năm ngày nước Mỹ lập quốc, Jefferson trút hơi thở cuối
cùng, qua đời cùng ngày với ông khi đó còn có cả người tiền nhiệm, Tổng thống
Mỹ đời thứ 2 là Adams. Hai vị tổng thống Mỹ cùng ra đi trong ngày kỷ niệm tròn
50 năm lập quốc, đây không thể là sự trùng hợp mà có lẽ là ý trời, họ đã hoàn
thành sứ mệnh của trời.
Từ trái:Tổng thống thứ 2 của Hoa Kỳ John Adams và
Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ Thomas Jefferson
Từ ngày Jefferson và Adams qua đời đến nay,
chưa đến 200 năm, trong khoảng 200 quốc gia trên toàn cầu thì đã có 130 quốc
gia dân chủ, chiếm trên 60%: châu Âu có 44 nước, tất cả đều theo xu hướng dân
chủ, trở thành châu lục đầu tiên mà toàn bộ châu lục các chính phủ đều do dân
bầu ra. Châu Mỹ có 35 nước, trừCuba ,
tất cả các nước đều thực thi chế độ tuyển cử. Ở châu Phi, trong 48 nước thì có
44 nước thực hiện chế độ đa đảng. Ở châu Á thì Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Triều Tiên,
Philippin, Đài Loan, Indonexia, Afghanistan, đều theo hướng bỏ phiếu tuyển cử.
Bắt đầu từ Mỹ, cho đến nay mới qua 239 năm ngắn ngủi, chưa dài bằng lịch sử nhà
Thanh, thế mà thế giới đã có những thay đổi to lớn như thế. Tất cả điều này đều
liên quan đến năm 1776.
Sự tồn tại của nước Mỹ chính là niềm hy vọng của thế
giới, vì đây là nơi cầm ngọn cờ tự do cho toàn thế giới! Nước Mỹ chính là quê
hương cho những người có tâm hồn yêu chuộng tự do!
Tác giả: Cao Changqing
——————
[1] Tên hội nghị diễn ra tại thành phố Yalta, miền nam Ukraina. Sự kiện này dẫn đến việc hình thành
Trật tự hai cực, phân chia khu vực có ảnh hưởng giữa các nước lớn của phe đồng
minh tại Hội nghị.
[2] Thủ lĩnh Phong trào Taliban ở Afghanistan
(Những quan điểm
được bày tỏ trong bài viết này là ý kiến của riêng tác giả)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét