30 tháng 3, 2017

THỜI DĨ VÃNG

Đinh Tiến Hùng





Đó là thời chúng ta bây giờ gọi là “thời bao cấp”, tức là “thị trường” lúc đó chỉ có nhà nước điều hành, tham gia. Thời đó lý luận chỉ thừa nhận có hai hình thức sở hữu (hai thành phần kinh tế) là “sở hữu NHÀ NƯỚC và sở hữu TẬP THỂ” (sở hữu tập thể với dạng Hợp tác xã - HTX).

  Mọi mặt hàng thiết yếu người dân cần hàng ngày như gạo, thịt, chất đốt (dầu hoả), mắm tôm, nước chấm,…đều do nhà nước quản lý và điều hành. Hệ thống cửa hàng Mậu dịch Quốc doanh của nhà nước, cửa hàng HTX mua bán bán ra các mặt hàng phục vụ cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước và nhân dân rất nghèo về chủng loại và ít về số lượng.
  Cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước có “ sổ gạo” dùng để mua gạo do cửa hàng Lương thực bán, người lớn trung bình được tiêu chuẩn mua 13kg gạo/tháng, tiêu chuẩn gạo trẻ con tuỳ theo độ tuổi; Các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác thì có “tem, phiếu Thực phẩm” dùng mua hàng ở cửa hàng Mậu dịch Quốc doanh. Quần áo mặc của cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước và nhân dân thì thì có “phiếu vải”, mỗi năm trung bình mỗi người được mua 2 mét vải may quần áo. Người dân hàng năm được ăn thịt lợn một lần vào dịp Tết. Nhà nước quy định mỗi gia đình được mổ một con lợn vào dịp Tết Nguyên đán, vì vậy các gia đình cả năm cố gắng nuôi một con lợn mổ Tết, lợn nuôi lúc đó chỉ nuôi lớn khoảng 80kg là to rồi, thường là 40, 50kg. Gia đình nào không nuôi được lợn thì chung mổ lợn với gia đình khác gọi là “đụng lợn”. Nhưng để được mổ lợn Tết thì phải có lợn bán “nghĩa vụ” cho nhà nước, mỗi hộ gia đình phải bán lợn nghĩa vụ 25kg/năm thịt lợn hơi.
  
   Mấy ông thợ cắt tóc dạo, cắt tóc tại gia; mấy ông bà thợ may tại nhà, trước năm 1960 được gom lại thành “HTX May - Cắt tóc”. Năm 1959 - 1960 “phong trào HTX nông nghiệp” được phát động. Người nông dân “tự nguyện đóng góp” ruộng vườn của mình vào HTX nông nghiệp. Đi làm ruộng có “kẻng” điều hành giờ đi làm, giờ nghỉ của nông dân. Mô hình HTX này bắt chước từ mô hình NÔNG TRANG của Liên Xô, mô hình CÔNG XÃ của Trung Quốc. 7 giờ 30 sáng nông dân nghe kẻng báo đi làm thì vác cào cỏ ra đồng, ngồi bờ ruộng 30 phút tào lao, xuống ruộng làm cỏ 45 phút, nghỉ giải lao 20 phút, làm tiếp 30 phút rồi về. Năng suất lao động thấp, sản phẩm thu được tương ứng với công sức lao động. Vì sao? Vì làm việc “cho tập thể”, không phải làm việc cho MÌNH. Sản phẩm nông nghiệp phần lớn đóng thuế cho nhà nước, phần còn lại chia theo “công điểm”, cuối cùng người nông dân chỉ thu về gia đình được phần nhỏ lương thực trong cái phần sản phẩm thấp từ HTX, kết quả đói (nhưng không ai chết đói như ở Trung Quốc).
Tình cảnh người nông dân đói quanh năm suốt những năm (20 năm) tồn tại HTX nông nghiệp.

  Đến năm 1981 với Chỉ thị 100 "CẢI TIẾN CÔNG TÁC KHOÁN, MỞ RỘNG “KHOÁN SẢN PHẨM ĐẾN NHÓM LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG” TRONG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP" cho nông dân tự sản xuất lương thực, hoa màu trên đất ruộng của HTX mà thực chất đó là ruộng của nông dân tuân theo chính sách họ “tự nguyện đóng góp” vào HTX.
 Năm 1988 với Nghị quyết 10 “VỀ ĐỔI MỚI QUẢN LÝ KINH TẾ NÔNG NGHIỆP” đã giải phóng người nông dân khỏi những ràng buộc.

 Từ đây người nông dân được tự do cày trên mảnh ruộng của nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét