1 tháng 12, 2018

CỐ THÌN


Truyện của Khánh Hoàng

Cây Thị (Liễu Đô)- (ảnh Đinh Tiến Hùng)


Người cao tuổi nhất làng tôi là cố Thìn. Ngày xưa con trai sinh ra phải trình họ để ghi vào tộc phả. Trong tộc phả họ Nguyễn có ghi về cố Thìn như sau: “Nguyễn Văn Thìn, sinh năm Bính Thìn (1916)”. như vậy năm nay cố Thìn 102 tuổi. Có câu: “Bách niên giai lão” (tuổi trời cho con người là 100 năm), vượt giới hạn tuổi trời cho.
Thường người cao tuổi thì chân chậm mắt mờ, nhưng bước chân của cố Thìn vẫn nhanh và mắt vẫn tinh. Cố đi trên đường làng, một cành gai nhỏ rơi trên đường cố cũng nhìn thấy, cố nhặt lên và mang về nhà đốt đi để bọn học trò đến trường không bị gai đâm thủng lốp xe đạp. Sức nghe của người cao tuổi cũng hao mòn đi, nhưng tai cố Thìn vẫn thính. Có lần cố nói với tôi: “Sắp sang hè rồi con ạ. Đêm qua cố nghe tiếng chim đỗ quyên kêu ở đâu đó rất xa. Người già 60-70 tuổi là răng đã rụng gần hết rồi, vậy mà hàm răng hạt na của cố Thìn vẫn đen nháy và chưa mất cái nào. Cố nói: “Muốn bền răng thì mỗi ngày nên ăn 3 miếng trầu và không ăn thịt gà”.
Món ăn cố Thìn thích nhất là bắp bò luộc chín tới, chấm với nước mắm tỏi ớt, uống rượu tăm. Trong nhà cố cạnh gian thờ gia tiên có một gian thờ Phật, cố vẫn gõ mõ đọc kinh mỗi tối. Nhưng cố không ăn chay. Trí nhớ của cố Thìn không hề giảm qua thời gian. Cố có tới 128 con cháu chắt, chút chít và cố nhớ mặt, nhớ tên tất cả. Năm 1976 tôi về phép làm nhà mới, có nhờ cố Thìn chọn cho một mảnh đất. Cố chọn cho tôi mảnh đất dưới chân gò Hoàng Kê. “Con ở mảnh đất này thì không bao giờ phải lo thiếu đói, cũng không phải lo con cái không đỗ đạt và không trưởng thành”. Và đúng như cố Thìn nói. Nhà tôi chưa bao giờ bị thiếu đói và các con đều đỗ đạt, trưởng thành. Khi làm nhà còn thừa một ít gạch, tôi xây một cái chuồng gà. Cố thìn đến chơi và nói: “Con làm chuồng gà hướng này thì buổi tối gà không vào chuồng”. Quả đúng vậy, cuối ngày đàn gà nhà tôi đỗ hết trên nóc chuồng, không con nào chịu vào, cố Thìn bảo: “Con mở cửa chuồng gà theo hướng ngược lại”. Tôi làm theo lời cố và đàn gà mới chịu vào chuồng.
Ở làng tôi, ai làm việc gì lớn như làm nhà, xây mộ, tìm địa táng đều nhờ cố Thìn chỉ bảo cho. Đó là thời của bố mẹ tôi và thời của tôi, còn lớp trẻ bây giờ thì nhiều người không hỏi cố Thìn về những việc đó nữa.

Cố Thìn không phải là tiên là Phật, chỉ là con người bằng xương bằng thịt thôi nhưng cố có những phép màu rất lạ. Nghe người làng kêu rằng: “Lúa ngoài đồng năm nay bị chuột cắn nhiều quá cố ạ!”. Cố đi ra đồng đến từng thửa ruộng, nhặt mỗi thửa một cây lúa bị chuột cắn đem về, và từ đó chuột không cắn lúa nữa.
Một lần tôi về phép, cố Thìn đến thăm và hỏi tôi: “Con có bị hắc lào không?”. “Có ạ! Lính Trường Sơn chúng con đứa nào cũng bị hắc lào hết”. “Chiều mai có nắng quái. Con đến nhà cố, cứ đi thẳng vào lối cửa sau, gặp ai cũng đừng chào”. Nắng quái là những tia nắng cháy rực lên khi mặt trời sắp lặn. Nhưng không phải ngày nào cũng có nắng quái. Điều lạ là cố Thìn biết chiều mai có nắng quái. Chiều hôm sau tôi đến nhà cố. Tôi thấy cố bắc 3 ông đầu rau và đặt trên đó một cái nồi rang bằng đất nung, nắng quái chiếu đỏ rực vào cái nồi đó. Cố Thìn cầm đôi đũa vừa rang những tia nắng quái vừa lẩm nhẩm đọc những câu thần chú mà tôi không nghe rõ. Rồi cố bảo: “Con tụt quần ra”. Tôi làm theo và cố chấm đầu đũa vào những đám hắc lào của tôi rồi nói: “Giờ thì con buồn tiểu rồi, cứ tiểu thoải mái, ở đây chỉ có cố và con thôi”. Đúng là tôi đang buồn tiểu thật. Tôi tiểu xong, cố Thìn nói: “Đám hắc lào của con theo nước tiểu đi hết rồi”. Ngay hôm đó tôi khỏi hẳn hắc lào và miễn dịch với tất cả các loại nấm da. Mẹ tôi đau mắt, tôi đến hỏi cố nên uống lá gì. Cố bảo tôi ngồi đợi một lát. Khoảng 20 phút sau, cố cầm một nắm lá về cho vào cối đá giã nát, gói vào một mảnh lá chuối non và dặn tôi đem về buộc vào mu bàn tay phải của mẹ tôi, và mẹ tôi khỏi đau mắt.
Chuyện tôi không bao giờ quên được là phần mộ của bố tôi. Bố tôi mất, mẹ tôi nhờ cố chọn cho một mảnh đất để mai táng. Cố Thìn đặt mộ bố tôi ở bờ kênh nhà Lê, đầu hướng về núi Chân Tiên, chân hướng về dòng kênh. Cố đóng cọc chăng dây và dặn: “Các con đào sâu hai thước (thước ta tương đương 60cm). Thước trên cùng đào bằng đồ kim khí, thước thứ hai đào bằng tre gỗ, khi gặp một tảng đá bằng phẳng như cái phản lim thì dùng rượu trắng với nước gừng rửa sạch phiến đá đi rồi lấy vải trắng lau khô là được. Phần mộ này con cháu phát về ngành văn”. Tôi phục Cố sát đất, vì đào đến 1,2m thì gặp một phiến đá đúng như cố Thìn đã mô tả. Càng phục hơn khi các con tôi 2 đứa là luật sư và 1 đứa là tiến sĩ báo chí. Tôi cũng phát về văn, viết được vài 3 cuốn tiểu thuyết và mấy chục cái truyện ngắn, danh tiếng chẳng có gì nhưng cũng đủ dăm ba chữ để hầu chuyện bạn đọc cho đến hôm nay.

Làng tôi có một ngôi chùa cổ, gọi là Đại Bi Tự và một ngôi đền cổ gọi là đền Thần. Trong phong trào chống mê tín dị đoan cả đền Thần và Đại Bi Tự đều bị phá mất.
Năm 2015, người làng tôi đề nghị Mặt trận Tổ quốc tổ chức xây lại đền Thần, kinh phí do các doanh nghiệp tài trợ và dân làng đóng góp, còn công sức thì cả làng thay nhau làm. Các doanh nghiệp ủng hộ rất nhiệt tình. Về kinh phí như thế là xong. Nhưng phải xây dựng đền Thần như thế nào? Hiện không ai biết thiết kế của ngôi đền cổ ra sao. Đền bị phá nhưng nền đền thì vẫn còn, không ai dám động đến. Cái khó của ban kiến thiết là bản thiết kế ngôi đền. Ông Chủ tịch Mặt trận đến hỏi cố Thìn. Cố bê ra một cái hòm gỗ sơn ta màu đen và đưa cho ông Chủ tịch Mặt trận bản thiết kế chi tiết của ngôi đền và nói: “Trước khi cho máy xúc làm việc phải đào cái khánh cổ chôn dưới đất trong hậu cung lên, đừng làm hỏng mất”. Buổi sáng ngày khởi công xây dựng đền Thần, cố Thìn chống gậy đi ra và chọc đầu gậy vào một vị trí trên nền đền cổ. Mọi người đào đúng vị trí đó và tìm thấy cái khánh cổ. Có lẽ ngày xưa cố Thìn đã biết trước chuyện phá đền nên cố đã cùng ông Từ Đền chôn giấu cái khánh cổ và cố Thìn đem bản thiết kế đền về nhà cất giữ. Năm 2018 này, đền Thần đã sắp được khánh thành, hiện đang lợp mái. Có lẽ tết sắp tới, người làng tôi sẽ được thắp hương ở đền Thần.
Chùa Đại Bi ngày xưa rất rộng. Vườn chùa trồng toàn bưởi. Tuy chùa bị phá nhưng vườn bưởi vẫn còn và có người trông coi. Thuở học trò tôi hay ra vườn chùa lấy trộm bưởi về ăn. Nhưng rồi vườn bưởi cũng bị chặt hết, đào cả gốc để lấy đất trồng lạc. Anh Phú là bộ đội phục viên mua một phần vườn bưởi cũ để làm nhà. Cố Thìn đến tận nhà nói: “Con không nên làm nhà trên nền chùa. Chùa làng ta thiêng lắm. Ngày xưa một người lính ra trận rồi bỏ mạng trên chiến trường, không về nữa. Người vợ cứ ngồi ngoảnh mặt về phương Nam ngóng chồng và không ăn uống gì cả. Chị vợ gục xuống chết, mối đùn lên đắp một cái gò trên xác người vợ. Làng ta lập chùa để thờ người vợ đó nên gọi là Đại Bi Tự. Một ngôi chùa thiêng như thế lẽ ra không được xâm phạm, nhưng nó đã bị phá. Chùa bị phá nhưng khí thiêng của chùa vẫn còn, vì thế con không thể ở trên đất Phật”. Nhưng anh Phú cứ làm nhà, vì mảnh đất đó đẹp quá. Tường xây lên bị đổ 3 lần, đó là điều hiếm thấy. Nhà làm xong được vài tháng thì anh Phú bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường một thời gian rồi qua đời. Con gái đầu lòng của anh bị bệnh điên, suốt ngày đi lang thang khắp làng.
Cố Thìn nói với Trưởng thôn: “Trong nền chùa còn chôn giấu một cái chuông cổ. Tôi biết vị trí giấu chuông. Trưởng thôn nên báo cáo với cấp trên, khai quật cái chuông lên rồi cất giữ cẩn thận. Khi làng muốn xây lại chùa thì còn có chuông mà treo”. Và làng tôi đã tìm thấy cái chuông cổ. Cố Thìn là Bách khoa thư của làng tôi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét