6 tháng 8, 2020

CHUYỆN CƯỜI DÂN GIAN


Xưa có một ông nhà giàu sinh được hai người con gái, cô chị gả cho người làm ruộng, cô em gả cho một người học trò.

Một hôm thong thả, bố vợ cùng hai con rể đi chơi. Ông bố vợ nghe ngỗng kêu mới hỏi:

- Làm sao tiếng nó to thế?

Người học trò nói chữ:

- Trường cổ tắc đại thanh (Cổ dài tất to tiếng).

Người làm ruộng nói:

- Trời sinh ra thế!

Đi được một quãng, thấy mấy con vịt đang bơi dưới ao, ông bố lại hỏi:

- Tại sao nó nổi?

Anh học trò lại nói chữ:

- Đa mao thiểu nhục tắc phù (nhiều lông ít thịt tất nổi).

Người làm ruộng trả lời:

- Trời sinh ra thế!

Đi được khoảng nữa, thấy hòn đá nứt đôi, ông bố lại hỏi:

- Sao đá bị nứt thế?

Người học trò lại nói:

- Phi nhân đả tắc thiên đả (Chẳng người đập cũng trời đánh).

Người làm ruộng vẫn nói:

- Trời sinh ra thế!

 

Đến lúc về nhà ba bố con ngồi uống rượu. Ông bố khen anh rể học trò hay chữ và chê con rể làm ruộng dốt. Người con rể làm ruộng mới tức mình hỏi người học trò:

- Tôi thì dốt thật, nhờ chú cắt nghĩa "trường cổ tắc đại thanh" lại nghe coi.

Người học trò đáp:

- Cổ dài thì to tiếng.

Người làm ruộng bẻ lại:

- Thế con ếch, con ễnh ương cổ đâu dài mà tiếng cũng to?

Người nông dân nói tiếp:

-Chú nói "đa mao thiểu nhục tất phù" (nhiều lông ít thịt thì nổi). Thế con thuyền lông đâu thịt đâu mà cũng nổi?

Người học trò lại cứng họng lần nữa. Người làm ruộng đắc thắng, tiếp tục hỏi:

- Còn tảng đá, chú nói “Phi nhân đả tất thiên đả” là gì?

Người học trò ngập ngừng giải thích:

- Nghĩa là nếu không do người đánh nứt thì cũng do sét đánh.

Người làm ruộng bẻ lại:

- Thế chứ cái… ấy của các cô, các bà, của mẹ cậu, có ai “đả” không mà nó cũng nứt?

 

Lúc đó ông bố vợ mới gật gù nói:

- Ừ, dốt đặc còn hơn là chữ lỏng!

 

 


19 tháng 5, 2020

HAI NGƯỜI ĐÀN BÀ (3)


II- NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐƠN THÂN

Đinh Tiến Hùng
-     Phần 2

" Năm 1979 vừa tròn 19 tuổi, em tốt nghiệp sư phạm cấp 1 của tỉnh lên huyện mình công tác. Tuy phải xa nhà, xa mẹ hơi buồn nhưng tuổi trẻ hừng hực sức sống nhiệt huyết "chân bước đi đầu không ngoảnh lại". Em được phân công về xã Nậm Roong dạy. Nậm Roong tuy là xã sát quốc lộ nhưng trung tâm xã lại cách đường 5 km. Đường vào xã là đường dân sinh, xe ô tô không vào được, từ trung tâm xã đến các thôn bản chỉ đi bộ. Dân số ít, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở rải rác chia thành 10 thôn. Từ chỗ em ra đường lớn mất 5 km, ra huyện đi 30 km nữa. Từ khi em nhận công tác đến khi em chuyển vùng em chỉ đến huyện 2 lần. Lần đầu nhận công tác, lần 2 làm thủ tục chuyển vùng. 3 năm học đầu em dạy ở điểm trường chính, đến năm học thứ tư trường chuyển em vào điểm trường lẻ theo quy định luân phiên. Điểm trường lẻ cách trung tâm 3 km. Câu chuyện "tày đình" xảy ra ở năm học này, anh ạ.
9 đứa con gái chúng em cùng lên huyện mình dạy học thì 8 đứa dạy ở các trường có các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn. Nên đến năm thứ ba chúng nó có chồng hết. Chỉ còn mình em...Cùng lúc đó hạt kiểm lâm huyện điều một anh bộ đội vừa ra quân đến xã em lập trạm. Trạm là căn nhà đất vách nứa đơn sơ. Trạm của anh ngay cửa rừng cách lớp em 20m. Hàng ngày hàng xóm của em đi kiểm tra rừng, đến 2 xã bên cạnh hoặc làm việc ngoài Ủy ban xã. Qua anh nói chuyện em biết anh có vợ và 2 con, chiều thứ bảy là anh nhờ em trông giúp cái trạm của anh. Trạm có gì đâu phải trông hả anh: một cái tủ 3 ngăn không cánh xã cho, 1 cái giường tre ọp ẹp, 1 cái ấm đun nước, 1 cái nồi nấu cơm, 1 cái xoong nấu thức ăn.
Mấy ngày đầu mới đến trạm anh tự nấu ăn, sau em bảo anh để em nấu ăn chung.
. Anh đưa gạo, đưa tiền ăn cho em. Như anh biết đấy, lúc đó nhà nước quản lý lương thực, thực phẩm; đất nước khó khăn, mọi nhà đều nghèo, đều thiếu thốn. Em bảo anh ấy chỉ đưa đủ lượng lương thực những bữa em nấu, còn tiền thì em không nhận vì rau em trồng được. Bữa ăn toàn rau với canh rau, thi thoảng vào bản mua được con gà, con vịt mổ thì hôm ấy là cỗ. Anh sống mực thước, chăm chỉ, hiền lành. Anh là người yêu vợ thương con, nhiệt tình công tác và có trách nhiệm trong công việc.
  Con gái ngoài 20 tuổi sống nơi heo hút thui thủi, chỉ buổi sáng cùng đám học sinh nhí nhảy là vui. Ngày lại ngày công việc lặp đi lặp lại. Các anh giáo viên trường em đều có gia đình cả, trai bản đi bộ đội hoặc đi công tác, chỉ có mấy cậu choai choai không việc làm. Anh ạ, có ngày chủ nhật em không nhìn thấy người nào qua trường. Có đợt em nghe nói xe chở bộ đội lên biên giới nhiều lắm. Em đi bộ ra quốc lộ thấy từng đoàn xe chở bộ đội lên phía bắc. Em vẫy các anh, các anh vẫy lại, trêu đùa em, em thấy vui. Thương các anh quá, lên biên giới là gian khổ, là trận mạc, thương vong. Đoàn xe đi hết em thui thủi về trường nằm trên giường khóc. Các anh bộ đội chịu bao gian khổ nhưng có đồng đội bên cạnh. Em chỉ có một mình. Em lại nhớ mẹ, nhớ nhà. Em chỉ mong có một phép màu nào đó có một đơn vị bộ đội đóng ở xã em đang dạy học.

Em cần một chỗ dựa, một bờ vai, em khao khát yêu đương, em khao khát vòng tay người đàn ông ôm em thật chặt.
Em không có người yêu ngóng đợi mong chờ; em không có những cánh thư mang thông điệp yêu đương; em không có những lời nói yêu thương ngọt ngào đôi lứa; em không có những nụ hôn cháy bỏng đầu đời;... Chỉ có mùi mồ hôi anh ấy làm em mê mẩn.

  Một buổi tối em và anh ngồi chơi ở sân lớp rì rầm nói chuyện. Xung quanh là rừng. Vầng trăng hạ huyền toả ánh sáng xuyên qua màn sương rừng mờ ảo. Thỉnh thoảng con chim rừng cất tiếng “Bắt cô trói cột...năm trâu sáu cọc”. Không gian tĩnh mịch trong khung cảnh rừng núi…càng tĩnh mịch, cô tịch hơn.
Không gian như im ắng, em và anh như cùng theo đuổi ý nghĩ riêng. Em ước gì anh chưa có gia đình, chúng em sẽ xây tổ ấm dù cuộc sống có vất vả nhưng yêu nhau là sẽ có động lực vượt lên tất cả. Chúng em có nhà riêng ở quê anh, chúng em sẽ có hai đứa con, một gái một trai, hàng ngày chúng đến lớp, về đến nhà hai đứa bi bô chào bố mẹ… Mùi mồ hôi của anh làm em quen mất rồi.

 Bỗng cơn mưa rừng kéo đến, trăng đang sáng mờ ảo đã chuyển đêm rừng, sấm chớp ầm ầm. Em và anh chỉ kịp chạy vào phòng em. Gió thổi cây rừng rào rào, thổi tắt ngọn đèn dầu, gió đập vào phên lứa, kéo giật cánh cửa. Anh nhanh tay gài chặt cánh cửa. Ngoài trời mưa, sấm, chớp cứ ào ào…
Cái khát khao đàn ông trong em trỗi dậy. Em ôm chặt lấy anh, càng ôm càng chặt, em ghì anh ấy vào em. Em chỉ nghe thấy tiếng mình: “Anh…anh…”.

Sáng hôm sau anh đi sớm, anh đi ba ngày mới quay về trạm. Chúng em nhìn nhau ngượng ngịu. Em nấu cơm cho anh. Em biết anh đang dằn vặt mình…
Còn em đang nghe cơ thể mình…lo lắng…
Anh trầm đi, ít nói, ít cười. Trước kia anh hay cười, hay nói lắm, hay kể chuyện bộ đội, kể chuyện hài.
Một hôm anh hỏi em: “Có à”
Em gật đầu. Như đã chuẩn bị sẵn, anh không tỏ ra hốt hoảng. Nằm bên anh, em nghe rõ tiếng thở dài của anh, tiếng thở bần thần, lo lắng; tiếng cựa mình cố đi vào giấc ngủ của anh. Em ôm anh, nước mắt em trào ra, mình thương lấy mình.

Bẵng đi gần một tháng anh không có mặt ở trạm, sau có một anh khác đến thay anh. Em biết được anh đã thôi việc. Một buổi chiều anh đạp xe đến gặp em.
Anh nói: Anh có lỗi với em, anh không thể đi cùng em vì anh còn gia đình, còn các con anh.
Anh nói: Chúng ta đã sai, nhất là anh.
Anh nói: Sau này em sẽ sinh con, nó không được sinh ra từ tình yêu của bố mẹ nhưng nó sẽ được hưởng tình yêu thương nhân hậu của mẹ.
Anh nói: Em một mình nuôi con vất vả lại chịu điều nọ tiếng kia; em hãy cố gắng, anh mong em cố gắng…
Anh nói nhiều lắm…em chỉ nghe được vậy. Mắt em nhòa đi, em ôm anh khóc…
Em ngừng cơn khóc, lau nước mắt, em giục anh về.
Anh để lại ba tháng lương của anh trong phong bì đặt dưới gối của em.

Anh là người mẫu mực, sống mực thước, chăm chỉ, hiền lành; anh là người anh hùng của trận mạc, của đời chinh chiến. Đời là vậy… “anh hùng khó qua ải mỹ nhân”.

Ngay trong cuộc họp hội đồng nhà trường tháng đó em đã báo cáo trước hội đồng là em có thai. Em nhận lỗi vì không giữ được sự vẹn tròn nhân cách một cô giáo, nhưng em mong mọi người thông cảm tha lỗi cho em; em sẽ chịu hình thức kỉ luật đối với em, nhưng em mong ngành đừng bắt em bỏ nghề dạy học.
Cả phòng họp lặng đi, không phải vì các anh, các chị bây giờ mới biết mà do em mạnh dạn, thắng thắn trước hội đồng. Anh hiệu trưởng động viên em cứ yên tâm công tác, anh sẽ báo cáo việc này lên phòng Giáo dục và có hướng giải quyết.  

Em viết thư về cho mẹ, con cần mẹ, chỉ mình mẹ thôi, mẹ hãy lên với con. Linh cảm có điều gì với em, mẹ em lên ngay. Nhìn thấy em là mẹ khóc.                                                                                                                             Nước mắt em trào ra cố nói: Mẹ! Mẹ đường khóc.
Mẹ ôm em, em ôm mẹ; mẹ khóc, em khóc. Hai mẹ con ôm nhau khóc.
Nằm bên em mẹ hỏi: Người đó ở đâu?                                                   Em nói: Mẹ đừng hỏi.                                                                                   Mẹ hỏi tiếp: Người đó có gia đình rồi phải không?                        Em: Vâng.                                                                             Lặng đi hồi lâu, mẹ lên tiếng: Mình làm mình chịu con nhá, không làm ảnh hưởng đến gia đình người ta.                                   Em: Vâng.
Một buổi chị Chủ tịch Công đoàn gọi em lên họp, có các anh trong BGH, các anh chị BCH Công đoàn, đoàn TN, các tổ trưởng. Anh hiệu trưởng nói: Trong cuộc họp Hội đồng trường vừa qua đồng chí Hường đã báo cáo sự việc đồng chí có thai. Chúng tôi đã họp và báo cáo lên cấp trên. Hôm nay chúng tôi thông báo với đồng chí là đồng chí vẫn dạy học, vẫn công tác bình thường, đó là việc cá nhân của đồng chí, đồng chí không bị kỷ luật.      
Em nấc lên, khóc tu tu…Mọi người lặng im…động viên em cố gắng công tác.
Năm học sau phòng Giáo dục điều chuyển em đến trường khác, trường mới gần đường, không có điểm trường lẻ, về phía hạ huyện tức là em về với mẹ sẽ gần hơn.
Việc em chuyển trường là do thầy Trưởng phòng khi biết hoàn cảnh của  em, rất cảm thông với em một mẹ một con, sẽ rất khó khăn trong cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho em. Chuyện này em biết được do chị Chủ tịch Công đoàn ngành nói cho em biết. Em sinh cháu được mấy tháng, chiều hôm đó một chiếc xe Jeep vào trường, đó là đoàn công tác của phòng Giáo dục đi họp ở Ty Giáo dục về rẽ vào thăm em. Em nhận được lời động viên và quà riêng của thầy Trưởng phòng, của chị Chủ tịch CĐ ngành và một số các anh, các chị cùng đi.
Mấy chị nói vui: Bọn tao đẻ chẳng được ai cho quà, tỵ với mày đấy.
Một chị nói: Vì bọn tao đẻ có chồng bên cạnh còn mày có một mình.
Mọi người đều cười.
Cuối năm 84 em sinh, cháu trai bụ bẫm khỏe mạnh, dễ nuôi, lớn nhanh như thổi. Năm nay (2019-người viết) cháu 35 tuổi, hết lớp 12 cháu thi đỗ học viện Quân y học ở Hà Đông, bây giờ cháu công tác ở bệnh viện 108. Em dạy học ở trên đó 10 năm, đầu năm 90 em xin chuyển về thị xã. Việc em chuyển vùng cũng do may mắn. Em có ông cậu họ, mẹ em và cậu là con già con dì, cậu em bạn với ông trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh (bây giờ là sở Nội vụ- người viết) nên việc em chuyển  vùng rất thuận lợi.
   Em dạy học ở thị xã, bây giờ là thành phố đến khi nghỉ hưu. Những năm sau này có vài ba người đến với em, người thì ly hôn, người thì vợ chết.
Nhưng em còn con, em phải nuôi con trưởng thành, có nghề nghiệp, lấy vợ cho nó. Các anh đều muốn tiến xa nhưng em chỉ hẹn hò…
Năm 2015 em nghỉ hưu, em về quê bố em. Em xây căn nhà trên mảnh đất ông bà em để lại, có vườn rau, vườn hoa, ao cá đủ cả như anh thấy.
Ba năm trước chồng em bây giờ đến với em, vợ anh mất cách nay 8 năm. Anh có 2 người con một trai một gái có việc làm, có nhà riêng. Chúng em thống nhất với nhau kết bạn quãng đời còn lại không ràng buộc gì. Chúng em tôn trọng nhau. Hôm nay anh ấy “có việc” không ở nhà để em có thể “bộc bạch” với anh thoải mái.
….
Câu chuyện của em như vậy anh ạ...”

19/5/2020
                               


18 tháng 5, 2020

HAI NGƯỜI ĐÀN BÀ (2)



II- NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐƠN THÂN

Đinh Tiến Hùng

Đọc  I- NGƯỜI ĐÀN BÀ NHẪN

-     Phần 1.
Tháng 10 năm 2018 tôi đăng chuyện NGƯỜI ĐÀN BÀ NHẪN lên fb, nhiều bạn hỏi: thế cô Hường thế nào?
Thú thật thời điểm đó (lúc đăng bài) tôi chưa gặp cô Hường và không biết cuộc sống, hoàn cảnh, công việc cô Hường thế nào.
Sau này có việc ra thành phố vài lần tình cờ gặp lại các đồng nghiệp cũ, trong câu chuyện tôi biết cô Hường giáo viên tiểu học một mẹ một con đã nghỉ hưu chuyển về quê Vĩnh Phúc, nghe đâu cô ấy đã lấy chồng. Bạn tôi giới thiệu tôi đến gặp người bà con của cô Hường ngay thành phố. Và tôi đã xin được số điện thoại của cô Hường.
Tôi gọi cho cô Hường, giới thiệu tên, nghề nghiệp, địa danh nơi tôi ở trước khi tôi nghỉ hưu và câu chuyện NGƯỜI ĐÀN BÀ NHẪN tôi đã viết, đăng lên fb. Tôi xin phép cô được tìm hiểu về phần cuộc sống, công tác của cô và cháu để viết tiếp phần câu chuyện tôi đã viết.
Cô vui vẻ nhận lời sẽ kể tôi nghe về cô và mời tôi về nhà cô chơi.

***
Chuyến xe khách đưa tôi qua ngoại ô thành phố Vĩnh Yên, tôi xuống xe ngay cổng nhà cô Hường. Cô Hường đón tôi ở sân:
- Em chào anh! Mời anh vào nhà.
Căn nhà xây theo kiểu nhà vườn, trước nhà khoảnh sân rộng, bên phải là vườn rau, các luống rau được ngăn bằng lối nhỏ xây gạch pa panh. Tôi thấy có rau muống, dền tím, dền gai, mùng tơi, cà giòn, cà tím, luống đậu đũa, giàn mướp, mấy cây ớt, khoảnh hành củ, có cả hành lá, ngải cứu.
Bên trái mấy luống hoa đã ra hoa đủ màu sắc, có loài đang chờ vụ hoa.
Hường pha trà, bộ khay chén sáng loáng như vừa được đánh rửa, cô tráng ấm bằng nước sôi đủ thời gian làm nóng ấm, cho chè rồi pha nước.
Tôi đang định giới thiệu và nhắc lại chuyện tôi đã gọi điện thoại cho cô, thì cô đã nói:
- Anh không khác mấy chỉ có trông anh mập hơn xưa.
Tôi ngạc nhiên:
- Ơ...thế chúng ta đã gặp nhau?
Cô nói:
- Anh không nhớ em chứ em vẫn nhớ anh. Hồi anh ở phòng Giáo dục, năm 1986 đoàn công tác của phòng Giáo dục sang trường em kiếm tra chuyên môn khối cấp 2. Anh là tổ trưởng dự giờ, kiểm tra hồ sơ môn toán-lý. Cô Ngần giáo viên trẻ về trường được ba năm nói với em: Anh dự giờ và kiểm tra hồ sơ của nó và đánh giá loại giỏi. Trước đó tổ chuyên môn và trường đánh giá chuyên môn của nó chỉ loại trung bình.
Năm sau nó được chuyển trường và làm tổ trưởng, mấy năm sau lên hiệu trưởng. Nó bảo có thể anh đã giúp nó.
Tôi nhớ lại chuyện đó và nói với Hường:
Tôi chưa bao giờ làm ở phòng Giáo dục, hàng năm phòng Giáo dục tổ chức các đoàn công tác đến trường đều lấy giáo viên các trường khác tham gia. Còn việc của cô Ngần tôi không giúp, tôi chỉ phản ánh năng lực chuyên môn của cô ấy bằng hồ sơ chuyến công tác và phát biểu trong cuộc họp tổng kết đợt công tác.
Tôi đề cập đến việc viết tiếp câu chuyện liên quan đến câu chuyện NGƯỜI ĐÀN BÀ NHẪN.
Cô Hường mời tôi uống nước và cô cũng nhấp ngụm trà, nhìn cách cô nhấp trà tôi biết cô là người hiểu trà.

Cô bắt đầu kể: "Năm 1979 vừa tròn 19 tuổi, em tốt nghiệp sư phạm cấp 1 của tỉnh ..."
Cô kể xong, nét mặt như trầm xuống ưu tư suy ngẫm...một lúc sau:
“Câu chuyện của em như vậy anh ạ...”

Tôi để cho không khí xung quanh im ắng một lúc.
Tôi cảm ơn cô đã kể cho tôi nghe về cuộc sống và quá trình công tác của cô từ khi khi vào ngành, có cháu, nuôi cháu trưởng thành đến khi nghỉ hưu.
Tôi hỏi cô có nhắn gì người quen nơi cũ không?
Cô bảo cuộc sống thế rồi cứ để như thế, những gì xảy ra chỉ là kỉ niệm, có kỉ niệm buồn, kỉ niệm vui. Em thấy như bây giờ em hạnh phúc và mãn nguyện lắm: con trưởng thành, có nghề nghiệp, vợ chồng cháu hoà thuận, cháu nội em ngoan ngoãn. Em có một gia đình nhỏ, vợ chồng già bên nhau.

Bạn đọc thân yêu của tôi!
Câu chuyện cô Hường kể được tôi thu âm, việc của tôi bây giờ là chuyển từ kênh âm thanh thành văn bản để phục vụ các bạn. Trong quá trình chuyển đổi tôi giữ nguyên tinh thần nội dung câu chuyện, chỉ lược bớt những câu chữ từ ngôn ngữ nói thành ngôn ngữ viết cho phù hợp.

18/5/2020
(còn tiếp)


17 tháng 5, 2020

ĐỪNG XEN VÀO VIỆC CỦA NGƯỜI KHÁC


ĐỪNG XEN VÀO VIỆC CỦA NGƯỜI KHÁC

Đinh Tiến Hùng

Hôm nay gia đình anh chị Cường Thịnh dỡ căn nhà cũ, thuê máy san gạt đất giải phóng mặt bằng để giao cho chủ thầu xây dựng căn nhà 2 tầng một xép mà anh chị đã lên kế hoạch tích lũy tài chính hơn 10 năm nay.
Hai vợ chồng anh đang thu dọn thì mấy ông hàng xóm đến xem khu đất. Ở nông thôn đâu cũng vậy, nhà nào làm gì, có việc gì đố thoát khỏi con mắt tò mò, sự bàn tán của xóm giềng.
Anh chị nhanh miệng:
- Cháu chào các ông, mời các ông đến chơi. Hôm nay gia đình cháu thu xếp mặt bằng để hôm này khởi công ạ.
Ông Ngàn hỏi:
- Anh chị định xây mấy tầng?
- Dạ. Cháu xây 2 tầng và một gác xép ạ.
Ông Bách:
- Làm thế trông không đẹp, mất cân đối.
Ông Thiên nói:
- Các phòng bố trí thế nào anh?
- Dạ. Cửa vào là phòng khách sâu 7 mét ạ, tiếp là bếp và phòng ăn, toilet, trong cùng là phòng ngủ 1 ạ; tầng xép gồm sảnh rồi phòng ngủ 2 khép kín; tầng 2 thứ tự phòng thờ, phòng ngủ 3, toilet, phòng ngủ 4, sân phơi ạ.
Ông Thiên:
- 4 phòng ngủ, 3 toilet nhiều quá, tốn kém.

                                     ***
Trên đời này có 3 việc :
Việc của bản thân
Việc của người khác
Việc của ông trời.

Chúng ta thường buồn phiền là do: quên mất việc bản thân, thích xen vào việc người khác và lo lắng về việc của ông trời.

Muốn vui vẻ rất đơn giản, chỉ cần: Làm tốt việc của bản thân, đừng xen vào việc người khác và đừng nghĩ về việc của ông trời.

15.5.2020


24 tháng 4, 2020

BA BÀI THƠ NHỎ


BA BÀI THƠ NHỎ

Đỗ Thu Hằng



1.
Bụi trần đầy rẫy
Thế sự đổi thay
Nhiều lúc ngắm cây
Học điều lặng lẽ.

2.
Sen trắng thanh tịnh
Giữa lòng nhân gian
Một chút tĩnh mịch
Quên đời gian nan.

3. 
Yêu màu hoa cũ
Thương đài sen nâu
Thiền tâm đêm lạnh
Trôi đi âu sầu .



23 tháng 4, 2020

Bản đồ cổ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa


Bản đồ cổ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa

Các bản đồ từ cổ đại cho đến thời Dân quốc do chính Trung Quốc phát hành đều thể hiện rõ lãnh thổ phía nam nước này chỉ tới đảo Hải Nam.


Bản đồ Hoa Di đồ có nguồn gốc từ năm 1136, 
Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH SCMP

Trong khi hệ thống bản đồ cổ thể hiện chủ quyền xuyên suốt của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì bản đồ Trung Quốc do chính nước này ấn hành trước giai đoạn1947 – 1948 (thời điểm “đường lưỡi bò” phi lý chính thức xuất hiện) đều dừng ở đảo Hải Nam. Đây là minh chứng hùng hồn cho chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, đồng thời phủ nhận luận điệu “Trung Quốc phát hiện và làm chủ các quần đảo ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) từ thời Tần, Hán”.

“Sự lừa đảo lịch sử”
Theo tờ South China Morning Post, nhiều bản đồ cổ của Trung Quốc đã được các nhà nghiên cứu chụp ảnh và lưu trữ ở Thư viện Quốc hội Mỹ và ai cũng có thể xem được. Trong đó có tấm Hoa Di đồ là bản rập lại từ một bản đồ khắc trên đá năm 1136, thời nhà Tống, ở Phúc Xương (nay thuộc tỉnh Hà Nam) cho thấy từ đảo Hải Nam trở xuống Biển Đông không có khu vực nào là thuộc Trung Quốc. Tương tự, các bản đồ thời nhà Minh (1368 – 1644), đơn cử như tấm Đại Minh hỗn nhất đồ, vẫn cho rằng đảo Hải Nam là “chân trời” phía nam của Trung Quốc. Dưới triều vua Gia Tĩnh (1521 – 1566), Trung Quốc từng phát hành cuốn sách Quảng Đông lịch sử địa đồ tập, một lần nữa xác định biên giới phía nam của Trung Quốc kết thúc ở Quỳnh Châu thuộc Hải Nam. Cũng có những bản đồ hoặc thư tịch vẽ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng có ghi rõ các đảo này “thuộc phiên quốc”, theo các tài liệu của Tạp chí Phương Đông thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông (trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam).


Bản đồ Đại Minh hỗn nhất đồ 
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH SCMP

Sang thời Nhà Thanh (1644 – 1911), các giáo sĩ dòng Tên được triều đình phê chuẩn tiến hành khảo sát, đo đạc và vẽ một loạt bản đồ. Trong số này có thể kể đến Cổ Kim đồ thư tập thành, Hoàng dư toàn lãm phân tỉnh đồ, Quảng Đông toàn đồ và Đại Thanh đế quốc toàn đồ, tất cả đều không thể hiện cái gọi là Tây Sa và Nam Sa (tên gọi ngụy xưng của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa). Chưa hết, tháng 7.2012, tiến sĩ Mai Hồng, nguyên Trưởng phòng Tư liệu – Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, đã tặng trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia tấm bản đồ xuất bản năm 1904 của Trung Quốc mang tên Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, xác định rõ ràng đảo Hải Nam là biên cương cực nam của Trung Quốc. Từ tháng 8 – 11.2012, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức trưng bày bản đồ này cho đông đảo khách tham quan trong nước lẫn quốc tế.
Năm 1842, bộ sách Hải quốc đồ chí xuất bản ở Trung Quốc do tác giả Ngụy Nguyên biên soạn cũng không thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Bộ sách ban đầu gồm 50 quyển, trước khi được bổ sung lên đến 100 quyển, mô tả các nước khắp năm châu bốn biển. Trong quyển 9, Ngụy Nguyên vẽ Đông Nam Dương các quốc diên cách đồ về các nước Đông Nam Á. Trong đó, ngoài khơi Việt Nam có ghi rõ “Đông Dương Đại Hải” cùng những chấm nhỏ li ti mang tên Vạn Lý Trường Sa (tức Hoàng Sa) và Thiên Lý Thạch Đường (tức Trường Sa). Theo cách thể hiện trên, 2 quần đảo hoàn toàn nằm trong Đông Dương Đại Hải (tức Biển Đông) thuộc chủ quyền Việt Nam. Bên cạnh đó, bản đồ tỉnh Quảng Đông mang tên Quảng Đông dư địa tổng đồ được vẽ theo kỹ thuật phương Tây có giới hạn tọa độ là vĩ tuyến 18 độ 5 bắc, trong khi quần đảo Hoàng Sa nằm xa hơn về phía nam, ở vĩ tuyến 16 độ 30 bắc. Ngoài ra còn có tờ bản đồ quân sự Quảng Đông thủy sư doanh quan binh trú phong đồ vẽ năm 1866 ghi chú chi tiết về vùng biển Giao Chỉ nhưng không hề thấy có “Tây Sa” và “Nam Sa”, theo Tạp chí Phương Đông. Những bằng chứng nói trên cho thấy Trung Quốc không có một cơ sở lịch sử nào để tuyên bố yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Vì thế, South China Morning Post dẫn lời Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio gọi “đường lưỡi bò” là một “sự lừa đảo lịch sử khổng lồ” của Trung Quốc.


Bản đồ Trung Quốc năm 1933 công nhận 
cương giới phía nam nước này là đảo Hải Nam. 
ẢNH: TẠP CHÍ PHƯƠNG ĐÔNG

Đường lưỡi bò ở đâu ra ?
Theo Tạp chí Phương Đông, đến năm 1933 dưới thời Trung Hoa dân quốc (1912 – 1949), bản đồ Trung Quốc do Tân Địa học xã Vũ Xương xuất bản vẫn công nhận cương giới phía nam là đảo Hải Nam. Tuy nhiên, đây cũng chính là giai đoạn yêu sách đường lưỡi bò được “sáng tác”. Trong bài viết đăng trên website của Viện Hải quân Úc, chuyên gia Bill Hayton chỉ ra rằng vào năm 1935, Ủy ban Thẩm tra bản đồ của chính quyền Trung Hoa dân quốc tiến hành nghiên cứu và dịch lại các bản đồ khu vực dựa trên bản đồ do phương Tây xuất bản. Trong đó, đa số tên của các thực thể địa lý trên biển đều chỉ là phiên âm từ tiếng nước ngoài chứ không phải tên riêng do Trung Quốc đặt, còn các thuật ngữ như “đảo”, “đá”, “bãi cạn”, “bãi ngầm”… đều bị dịch sai. Năm 1936, ông Bạch Mi Sơ, nhà sáng lập Hội Địa lý Trung Quốc, tiếp tục dựa theo thông tin và cách dịch sai lầm của ủy ban nói trên để cho ra tập atlas Trung Hoa kiến thiết tân đồ, đồng thời tự ý vẽ thêm đường lưỡi bò ôm gần trọn Biển Đông mà không dựa trên bất kỳ căn cứ nào. “Đây là lần đầu tiên đường chữ U xuất hiện trên bản đồ Trung Quốc nhưng đó không phải là văn bản nhà nước mà chỉ là một công trình cá nhân”, học giả Hayton viết.Tai hại hơn, sau Thế chiến 2, Bộ Nội vụ Trung Hoa dân quốc bổ nhiệm 2 học trò của Bạch Mi Sơ là Phó Giác Kim và Trịnh Tư Ước vào các chức vụ liên quan đến địa lý và lãnh thổ. Trong giai đoạn 1947 – 1948, những người này tiếp tục dựa trên tập atlas sai trái của thầy mình để “sáng tác” ra những cái tên mới áp đặt cho những thực thể ở Biển Đông, đồng thời xuất bản nhiều bản đồ chứa đường lưỡi bò. Như vậy có thể kết luận, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông mãi đến đầu thế kỷ 20 mới bắt đầu xuất hiện dựa trên sai lầm và cả ý đồ bành trướng của giới quan chức và học giả nước này.

Theo  THANH NIÊN




14 tháng 3, 2020

Nữ hoàng hải tặc bất bại, hoàn lương chỉ vì một câu nói


Nữ hoàng hải tặc bất bại, hoàn lương chỉ vì một câu nói

Trần Hưng

 Trịnh Nhất Tẩu (Tranh qua Kknews.cc)

Trịnh Nhất Tẩu tên thật là Thạch Dương, còn được gọi là Trịnh Thạch Thị, được xem là nữ hoàng trên biển cả. Bà được xem là một trong những nhân vật có quyền lực nhất trong lịch sử hải tặc thế giới.

 Xuất thân người dân tộc Đản Gia, Thạch Dương là người có nhan sắc và phải làm kỹ nữ trên tàu ở vùng biển Quảng Châu. Thời đấy nạn cướp biển hoành hoành khắp nơi, mạnh nhất là Hồng Kỳ bang của Trịnh Nhất. Năm 1801, tình cờ Trịnh Nhất gặp mặt Thạch Dương và đem lòng yêu mến, quyết phải lấy làm vợ.

Có nguồn sử liệu cho rằng Trịnh Nhất đã lệnh cho thuộc hạ cướp phá nhà thổ và đưa người con gái mà mình thích về; cũng có nguồn sử liệu cho rằng Thạch Dương đồng ý theo Trịnh Nhất với điều kiện phải trao một nửa chiến lợi phẩm cho cô ta và đồng thời được tham gia vào nhóm chỉ huy của Hồng Kỳ bang. Và vậy là Thạch Dương trở thành Trịnh Nhất Tẩu (Tẩu: tiếng xưng hô kính trọng dành cho một người phụ nữ).

Hải tặc hoành hành
Sau khi thành vợ chồng, cả hai cùng lãnh đạo Hồng Kỳ bang. Trịnh Nhất vốn là một chiến tướng quả cảm, nay lại có vợ phụ giúp cố vấn thêm nên Hồng Kỳ bang ngày càng mạnh. Hai vợ chồng Trịnh Nhất xây dựng nên đế chế hải tặc hùng mạnh trên vùng biển kéo dài từ Trung Quốc đến tận Malaysia.

 Nhiều nhóm hải tặc của Trịnh Thất (anh họ Trịnh Nhất) cùng với Mạc Quan Phù, Vương Quý Lợi và Ô Thạch Nhị đi theo quân Tây Sơn của Đại Việt nên được trợ giúp nhiều, có địa bàn hoạt động mạnh ở vùng biển của Đại Việt.

 Sau khi quân Tây Sơn bị quân Nguyễn đánh bại, vua Gia Long cương quyết đem quân trấn áp hải tặc. Qua các trận đánh, căn cứ hải tặc lớn nhất tại đảo Giang Bình bị đánh tan, thủ lĩnh Trịnh Thất bị tiêu diệt, các nhóm hải tặc phải chạy về hoạt động tại Trung Quốc.
Trở về Trung Quốc, các nhóm hải tặc có cuộc tranh giành lẫn nhau, từ 12 bang cuối cùng chỉ còn lại 6 bang. 6 bang này cùng ký hiệp ước liên minh để hoạt động, trong đó mạnh nhất là Hồng Kỳ bang của Trịnh Nhất, ông ta được tôn là “minh chủ”. Hồng Kỳ bang lúc này có 600 đến 1.000 thuyền lớn, từ 2 đến 4 vạn hải tặc.

Cũng vào thời điểm đó, năm 1807, Trịnh Nhất bị chết tại vùng biển của của Đại Việt. Có nguồn sử liệu cho rằng thuyền của Trịnh Nhất bị bão lớn đánh chìm xuống đáy biển, không một ai sống sót. Còn cuốn “Tĩnh Hải phân ký” thì cho rằng tàu của Trịnh Nhất bị tàu nhà Nguyễn dùng đại pháo bắn hạ.

 “Minh chủ” bị chết, liên minh các bang hải tặc đứng trước nguy cơ bị gãy đổ, các bang hải tặc khác nhân cơ hội này tìm cách thôn tính Hồng Kỳ bang. Trước tình thế đó Trịnh Nhất Tẩu thay chồng làm thủ lĩnh Hồng Kỳ bang. Năm ấy Trịnh Nhất Tẩu 32 tuổi. Trịnh nhất Tẩu trao việc đánh cướp cho phó tướng của mình là Trương Bảo Tử, còn bản thân thì ra điều lệ xây dựng lực lượng và lo việc kinh doanh.

Dưới sự lãnh đạo của Trịnh Nhất Tẩu, Hồng Kỳ bang ngày càng lớn mạnh, còn mạnh hơn cả thời Trịnh Nhất làm “minh chủ”. Có nguồn cho rằng Hồng Kỳ bang có 200 chiến hạm rất mạnh, mỗi chiến hạm trang bị 20 đến 30 khẩu thần công, 800 tàu chiến loại trung, 1.000 thuyền nhỏ và 4 vạn chiến binh thường trực, lúc đông nhất có đến 10 vạn thuộc hạ. Các nhà sử học đánh giá Hồng Kỳ bang rất mạnh, còn mạnh hơn cả hải quân các quốc gia khác, ví như hải quân Mỹ lúc bấy giờ cũng chỉ có 5 ngàn quân.

Trịnh Nhất Tẩu trở thành thủ lĩnh hải tặc quyền lực và mạnh nhất trong lịch sử, trở thành nữ hoàng hải tặc. Bà còn liên minh với các địa chủ và các địa phương nhằm đảm bảo nguồn cấp lương thực cho mình. Đại bản doanh của Trịnh Nhất Tẩu đặt ở Đại Nhĩ Sơn, hòn đảo lớn nhất ở Hồng Kông, án ngữ Châu Giang Khẩu. Ở đó, có cả xưởng đóng tàu hiện đại của Hồng Kỳ.
Có vũ khí hiện đại nên Hồng Kỳ không hề e ngại quân triều đình, thậm chí nhiều trận tấn công và đánh bại các tàu của phương Tây. Các tàu của Hồng Kỳ bang tung hoàng từ vùng biển Triều Tiên đến Malaysia, thu tiền bảo kê các thuyền cũng như tàu vãng lai, khiến triều đình nhà Thanh cũng như các thương nhân quốc tế bị thiệt hại nghiêm trọng, nhưng quân triều đình không thể làm gì.

Đánh bại liên quân Mãn Thanh, Anh, Bồ Đào Nha
Mùa thu năm 1809, triều đình nhà Thanh chi ra 80.000 lạng bạc liên minh cùng Anh và Bồ Đào Nha thành lập hạm đội liên quân hùng hậu tấn công vào sào huyệt của Hồng Kỳ bang ở Đại Nhĩ Sơn.

Nhận được tin báo, Trịnh Nhất Tẩu điềm nhiên ở bản doanh chỉ huy quân phòng thủ. Bà cùng phó tướng Trương Bảo Tử ra kế sách. Theo kế này Trương Bảo Tử dẫn quân chủ lực đánh thành Quảng Châu, quân hải tặc đánh thẳng một hơi chiếm luôn trọng địa Hổ Môn trấn (nay là thành phố Đông Hoàn tỉnh Quảng Đông). Được tin cấp báo, liên quân phải rút về cứu Quảng Châu. Quân Hồng Kỳ đã tính trước nên chuẩn bị mai phục sẵn. Liên quân vừa bị mai phục phía trước vừa bị truy kích phía sau, hai đầu thọ địch, tiến thoái lưỡng nan.

Trận đánh kéo dài đến 9 ngày đêm thì liên quân hoàn toàn bị đánh tan tác, chỉ vài chiến thuyền may mắn chạy thoát về Quảng Châu, phía Hồng Kỳ bang chỉ có 40 binh sĩ tử trận.
Thất bại này khiến triều đình Mãn Thanh tức giận liên tục phái quân cùng quân phương Tây tiến đánh Đại Nhĩ Sơn. Anh và Tây Ban Nha cũng liên tục gửi thêm quân tiếp viện đến. Hồng Kỳ bang cùng 5 bang phái hải tặc khác cùng hợp sức chống lại, lần lượt đẩy lui các cuộc tấn công của liên quân triều đình và phương Tây.

Trên biển Triết Giang, Trương Bảo Tử bắn chết Thủy sư Đề đốc Từ Đình Hùng; ở Hồng Kông, Nhất Tẩu chỉ huy đại quân tiêu diệt hơn 20 chiến thuyền Đại Thanh cùng 300 thần công hỏa pháo, bắt sống Thủy sư Đề đốc Quảng Đông Tôn Toàn Mưu.

Trong một chiến dịch quy mô lớn, thủy quân Bồ Đào Nha và triều đình hợp lực bao vây Đại Nhĩ Sơn. Thế nhưng liên quân bị các bang hội cướp biển phong tỏa. Trận đánh ác liệt diễn ra suốt 8 ngày đêm. Kết quả liên quân lại bị đánh bại, bị đánh chìm 300 tàu chiến cùng 1.500 hỏa pháo, mất hơn 2.000 binh tướng.

Nữ hoàng hải tặc hoàn lương vì một câu nói
Năm 1810, thủ lĩnh bang cướp biển lớn thứ hai sau Hồng Kỳ là Hắc bang ngỏ ý muốn cầu hôn với Trịnh Nhất Tẩu. Tuy nhiên lúc này Trịnh Nhất Tẩu cùng phó tướng là Trương Bảo Tử đã gắn bó với nhau nên bà ta từ chối.

Triều đình nhà Thanh đánh lần nào cũng thua lần đó nên tìm cách chiêu an, Hắc Kỳ ra hàng trước, khiến liên minh các bang hội cướp biển bị sứt mẻ.

Còn đối với Trịnh Nhất Tẩu, Hoàng Đế nhà Thanh lúc đó là Gia Khánh lại có một cách chiêu an đặc biệt, trong thư có viết: “Nếu có trái tim của một người phụ nữ thì ngày nào đó ngươi sẽ muốn yên bình và nghĩ đến việc sinh con đẻ cái. Bây giờ đã đến lúc đó chưa?”

Câu nói này đánh thẳng vào trái tim của người phụ nữ khiến Trịnh Nhất Tẩu dao động. Nữ hoàng hải tặc nắm trong tay không biết bao nhiêu là vàng bạc châu báu, xây dựng đế chế vững chắc với thuộc hạ hàng vạn người, điều đó khiến Trịnh Nhất Tẩu quên mất mình cũng là một phụ nữ. Mà một phụ nữ thì cũng cần phải một mái nhà, một gia đình yên ấm. Trịnh Nhất Tẩu thực sự muốn nghe theo lời chiêu an của triều đình.
Thế nhưng trong quy định chiêu an bắt buộc kẻ ra hàng phải quỳ xuống chịu tội, mà các hảo hán trong Hồng Kỳ bang xưa nay đều xem thường quan quân nhà Thanh, giờ bảo họ quỳ xuống thì đó là điều không thể. Vì thế Trịnh Nhất Tẩu một mình mạo hiểm gặp tổng đốc Lưỡng Quảng là Bá Linh để đàm phán. Cuối cùng cuộc đàm phán thành công, việc quỳ lạy cũng đã có cách giải quyết.

Hoàng Đế Gia Khánh ra chiếu thư đồng ý để Trịnh Nhất Tẩu và Trương Bảo Tử thành hôn với nhau. Trong lễ cưới Trịnh Nhất Tẩu cùng Trương Bảo Tử quỳ xuống nhận chiếu thành hôn, đồng thời với chiếu chiêu an.

Theo chiếu chiêu an thì toàn bộ của cải của Hồng Kỳ bang có được đều được giữ lại mà không phải nộp cho triều đình, trong 8 vạn cướp biển thì chỉ 126 tên bị hành quyết và 250 tên bị phạt tù vì những tội ác nghiêm trọng, còn lại đều được tha, xóa hết tội mà không bị truy cứu.

Thế là chỉ vì một câu nói của Hoàng đế, nữ hoàng hải tặc Trịnh Nhất Tẩu đã hoàn lương, cưới chồng và hết lòng lo cho mái ấm của gia đình mình. Trương Bảo Tử được phong tam phẩm, sau làm nhị phẩm, nhận chức phó tướng huyện Bành Hồ.

Trong Chiến tranh Nha phiến (1839-1842), Trịnh Nhất Tẩu tham gia tích cực, bà làm tham mưu lên kế sách cho Lâm Tắc Từ đối phó thủy quân Anh.

Năm 1844, Trịnh Nhất Tẩu qua đời, thọ 69 tuổi.

10 tháng 3, 2020

SỨC KHỎE & ĐỜI SỐNG


SỨC KHỎE & ĐỜI SỐNG  
(Nhấn vào từng dòng)