6 tháng 9, 2014

Lọc thông tin



Thời buổi thông tin lan truyền nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Chỉ một tin thôi, hàng loạt kiểu đưa tin và muôn vàn bình luận. Đọc tới đọc lui cũng chỉ có nhiêu đó thông tin. Đứng ở góc độ này ta thấy thế này, đứng ở góc ngược lại, ta sẽ thấy khác. Nhận thức ở mức này ta thấy vậy, nhận thức khác ta thấy không phải vậy.
Những người có công việc liên quan đến truyền thông, thì người ta viết gì, nói gì, cũng là nghề của họ. Họ được trả lương để làm việc đó. Những người có đạo đức nghề nghiệp, họ sẽ đưa ra những thông tin có giá trị và có trách nhiệm. Ok.
Những người khác, những người kinh doanh, họ vừa biết tận dụng, khai thác thông tin và thu được lợi nhuận từ thông tin, hợp pháp mà vẫn nghĩ đến trách nhiệm với xã hội. Cũng tốt.
Còn những người phó thường dân chúng ta thì sao?
Trong một thế giới mà từ lúc mở mắt tới khi khép mắt lại trong suốt một ngày, chúng ta có thể tiếp nhận ti tỉ thông tin từ vô số các nguồn, các phương tiện rất dễ dàng. Việc chúng ta đọc gì, nghĩ gì, chính kiến của chúng ta là gì mới là cái cần nói.
Đọc thì cứ đọc. Đọc để nắm bắt thông tin, tình hình thời sự, kinh tế, chính trị, xã hội, để áp dụng, điều chỉnh cho cuộc sống của bản thân và gia đình mình… Tốt quá.
Đọc để mở mang kiến thức, có cái nhìn sâu rộng, đa chiều về cuộc sống, để học hỏi từ những người có chuyên môn, kinh nghiệm, có tâm hồn phong phú, để áp dụng và thực hành rèn luyện những thói quen tốt, những kỹ năng sống thực tế của bản thân… Trên cả tuyệt vời.
Nhưng đọc để chìm sâu trong tranh luận vô bổ, sa đà mất thời gian, không chọn lọc những thông tin khách quan, nhiều chiều, gợi suy ngẫm mà để mình bị dẫn dắt theo những thông tin khác lề, bị cuốn vào lối suy nghĩ của số đông, quên cả chính kiến và nguy nhất là quên rằng khoảng thời gian mình bỏ ra cho một sự kiện hot này là quá nhiều. Nồi cơm nhà bạn có thể chưa bị ảnh hưởng, nhưng chắc chắn, công lực của bạn thì sẽ bị phân tâm ít nhiều. Những sự kiện như vậy nhan nhản hàng ngày, đó là nghệ thuật của truyền thông, họ đang làm việc và được trả lương. Gì chứ đưa một sự kiện nào ‘lên đĩa’ hay ‘xuống cống’ là nghề của họ. Cãi nhau, tranh luận phỏng có ích gì?
Với những sự kiện, câu chuyện, chủ đề ta quan tâm, ta dành cho chúng nhiều thời gian hơn để đọc và suy ngẫm. Cái không thuộc phạm vi, thói quen, sở thích của mình, đơn giản là lướt qua hoặc bỏ qua. Chứ nếu đã không thích lại còn hăm hở xông vào đọc, rồi thấy trái chiều hay thấy mình đứng trong đội hình số đông ngược với quan điểm đọc được là la toáng lên, phán xét, dùng những lời lẽ cay nghiệt để bôi nhọ, chỉ trích, hạ bệ… thì quả là một trò chơi “hại não” của chính mình. Sử dụng những nơ-ron thần kinh của mình hoang phí, vô bổ quá. Có một điều tôi nghiệm được rất hay và chưa bao giờ chứng kiến nó sai là: “Đừng bao giờ phán xét người khác, nhất là khi bạn chưa trải nghiệm thực tế đó, vì bạn chưa bao giờ biết tại sao họ lại có thể làm như thế.”
Kinh Phật cũng dạy rằng: ” Hãy nhìn sự việc đúng với bản chất của nó, không thêm bất kỳ định kiến nào vào.” Ai cũng biết mà làm được thì khá khó, bởi vì chúng ta thường có xu hướng làm theo những gì dễ dàng, làm những gì bản năng mách bảo. Mà bản năng chúng ta, nếu hiểu rõ nó, ta biết chắc chắn rằng nó có đôi lúc phản chủ, là những khi nó nuông chiều theo cái tôi to lớn, vuốt ve những hư danh, ảo vọng, vị kỷ, hiếu thắng … khiến ta quên đi rằng đó hoàn toàn chỉ là cảm xúc nhất thời và chỉ đẹp đẽ như một lâu đài xây trên bờ cát.
Trở lại về chuyện lọc thông tin. Nếu chúng ta, mỗi ngày trôi qua, chỉ để tâm sức vào việc của người khác, thương vay khóc mướn chuyện của ông Trời… thì chúng ta tự đánh mất khoảng thời gian quý báu của mình lẽ ra làm được những việc hay ho hơn nhiều. Nhưng ngay cả tôi đôi khi cũng vậy. Khi đưa ra những điều này, tôi cũng mất 15-20 phút để gõ. Cũng vô bổ không kém J.
Nên tôi thích nói KHÔNG với những gì không thuộc về thế giới của mình để tập trung cho những việc tôi muốn làm, mà luôn cảm thấy không đủ thời gian.
Không chính trị, không tôn giáo!
Vâng. Tôi chẳng làm gì thay đổi được thế giới, tôi chỉ có thể chấp nhận thế giới như nó vốn có. Tôi thay đổi mình, để thích nghi, tồn tại và nhất là cố gắng sống một đời đáng sống.


Julia Le

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét