11 tháng 8, 2017

THIỀN VÀ KHÍ CÔNG


Thông thường, hễ nói đến Thiền là chúng ta nghĩ ngay đến pháp môn tu của Phật giáo. Thật ra không hẳn vậy. Ngày nay khoa học đã xem Thiền như một phương pháp khoa học được áp dụng rộng rãi để trị bệnh, nhất là thiền được vận dụng song song với khí công để trị liệu một số bệnh thuộc lục phủ ngũ tạng và bệnh lý thần kinh…

Vai trò Thiền học trong Khí công


THIỀN HỌC
Thiền (còn gọi là Thiền na), theo Phật giáo định nghĩa là tư duy hay tĩnh lự. Tư duy có nghĩa là tu tập bằng phương pháp suy nghiệm, nghiên tầm và suy cứu về những đối tượng của tâm thức. Tĩnh lự có nghĩa là dùng tâm thể vắng lặng để thẩm sát đối tượng (các pháp). Một tên gọi khác là Thiền định hay Tam-muội, được phiên âm từ chữ samadhi trong tiếng Phạn, có nghĩa là tập trung tâm ý vào một đối tượng duy nhất, không để cho tâm ý tán loạn. 
 Tu thiền theo Phật giáo là giữ cho tâm vô vi, chánh niệm, không tạo nghiệp trong kiếp này để kiếp sau thoát được vòng luân hồi sanh tử. Phương pháp ngồi là kiết già phu tọa theo thế hoa sen, giữ chánh niệm tỉnh giác ngay trước mặt bằng cách đếm số hoặc theo dõi hơi thở, tức nhất tâm bất loạn. Cao hơn là vô vi trí não, không để tạp niệm xen vào đầu óc. Trong lúc ngồi thiền, hành giả thở bình thường, không vận khí, không tưởng tượng bất cứ gì khác. Nghĩa là nội tâm và ngoài cảnh đều ở trạng thái tĩnh. Lối tu này giống với phương pháp của y khoa hiện đại, nó có tác dụng rửa não, trị và phòng ngừa được một số bệnh về tâm lý, đặc biệt là bệnh thần kinh. Tuy nhiên, để trị được bệnh của cả tâm và sinh lý một cách có hiệu quả, hành giả cần phải thực hành song song với khí công như vừa nói ở trên.

KHÍ CÔNG

Khí trong khí công là một dạng vật chất vi năng lượng, sinh tồn theo các kinh mạch để nuôi cơ thể. Nó là một chất vô hình không thấy, không sờ mó được, không màu, không vị mà cho tới bây giờ khoa học vẫn chưa xác định được, ta chỉ nhận biết được qua hiện tượng và kết quả vận động của nó mà thôi. Khí ở khắp nơi trong vũ trụ và ở trong cơ thể ta, thiếu nó thì cơ thể ta sẽ không tồn tại. Nhưng cũng đừng hiểu lầm rằng khí là oxy hay không khí, vì oxy hay không khí thì ta có thể sờ mó và cảm nhận được, thậm chí có thể thấy được. Khí theo oxy vào phổi và từ đó vào máu, tụ tại đan điền để biến thành chân khí. Mũi, hậu môn, hai lòng bàn tay (huyệt lao cung), hai lòng bàn chân (huyệt dũng tuyền) và da là những nơi thu hút khí.
Nguồn gốc của khí có hai loại là Tiên thiên khí và Hậu thiên khí. Tiên thiên khí bao gồm nguyên khí và tông khí. Nguyên khí trong mỗi cơ thể được truyền lại bởi tinh cha huyết mẹ từ lúc còn trong bào thai. Nơi chứa của nó là huyệt mệnh môn (nằm ở sau lưng, đối diện với rốn, thuộc long hỏa, tức con rồng lửa, đóng vai trò quan trọng cho sự trường thọ của con người) và nó sẽ bị suy giảm nếu cơ thể bị yếu, bị bệnh mãn tính lâu ngày, hoặc do trác táng, không bế tinh. Vì vậy cần thực tập thở thận và thở mệnh môn để tăng cường nguyên khí. Tông khí tuy là khí tiên thiên nhưng do mẹ truyền cho con từ trong bào thai, nếu cơ thể của mẹ yếu thì tông khí ở người con cũng yếu.
Hậu thiên khí cũng có hai loại là Thiên địa khí và Thuỷ cốc khí. Thiên địa khí gồm thiên khí thu vào từ khí trời qua bốn ngõ tự nhiên: mũi, hậu môn, hai lòng bàn tay và khí ở mặt đất được hút vào ở hai lòng bàn chân. Cơ quan phân phối của nó là phổi và nơi chứa là huyệt thần khuyết (rốn). Thủy cốc khí thì do ăn uống hằng ngày mà tạo nên, cơ quan phân phối là tỳ vị và nơi chứa là thần khuyết.
Nói theo thuyết Âm dương thì khí có hai loại là âm khí và dương khí. Nói theo thuyết Ngũ hành thì khí bao gồm năm loại: kim khí, mộc khí, thủy khí, hỏa khí, thổ khí, đại diện cho ngũ tạng.
Tính chất của hai khí này lại được chia làm hai là chân khí và tà khí. Chân khí do thức ăn, thức uống (hoặc do tiên thiên khí và hậu thiên khí) tạo thành. Muốn luyện chân khí thì phải tập dưỡng sinh khí công, tức vận khí. Khi luyện tập, chân khí ở đan điền biến thành ngũ hành khí, phân phối cho các tạng: can, tâm, thận, tỳ, phế. Tà khí gồm có lục khí: Hàn, táo, hỏa (hại can, phế, tâm), thử, phong, thấp (hại thận, tâm bào tam tiêu, tỳ). Ba khí đầu thuộc dương và ba khí sau thuộc âm. Tà khí có tác dụng gây bệnh tật cho cơ thể.
Khí cũng có hai chức năng là vinh khí và vệ khí. Vinh khí do ăn uống mà thành: ăn uống quá độ sẽ làm loãng vinh khí, ngược lại, ăn uống thiếu thì làm giảm vinh khí. Nơi chứa khí này là huyệt thần khuyết ở rốn.
Vinh khí là chân khí, là tinh khí của thức ăn thuộc âm nên nó đi trong lòng mạch (những bài khí công luyện vinh khí hoặc nguyên khí như Thái cực quyền, hồi xuân công, bát đoạn cẩm, tẩy tủy kinh v.v…)
Ngược lại, vệ khí do thức ăn uống thuộc dương tạo thành, nó đi ngoài lòng mạch máu ở gân, cân, cơ, các khoang ngực bụng. Vì thuộc dương nên bên trong thì sưởi ấm tạng phủ, bên ngoài nó bảo vệ gân, cân cơ, lỗ chân lông chống lại với ngoại tà khí và gia tăng hệ miễn dịch cho cơ thể. Vệ khí được tăng cường trong quá trình luyện tập võ thuật, động công, ngoại công, tức trong những môn tập cơ bắp như luyện Dịch cân kinh, Thiết bố sam (chỉ có vệ khí), Thái dương công (vừa vinh khí vừa vệ khí).
Tóm lại, nguyên khí, tông khí, chân khí, âm khí, dương khí, ngũ hành khí, vinh khí chỉ là một loại, nó ở trong lòng mạch để nuôi cơ thể. Khi chân khí của ta cạn kiệt thì phải nhờ nguyên khí tiên thiên và hậu thiên dự trữ chống đỡ, nếu bị tiêu hao nữa thì cơ thể không sống được. Vệ khí cũng là khí trong cơ thể nhưng ở ngoài lòng mạch máu, nó có nhiệm vụ bảo vệ. Tà khí là khí độc ở ngoài cơ thể quanh ta, xâm nhập vào để gây bệnh và có loại lại ở trong cơ thể do chuyển hóa mà thành như: CO2, và các chất oxy hóa khác……
Khí công giúp cho việc luyện tinh hóa khí, khí hóa thần, đả thông kinh mạch, từ đó được vô bệnh, trường thọ. Nó có thể phòng và trị được những bệnh mãn tính của lục phủ ngũ tạng và thần kinh. Phương pháp luyện tập khí công đa dạng nhưng không ra ngoài hai loại chính là khí công động và khí công tĩnh. Khi luyện khí công tĩnh thì kỹ thuật cũng giống như thiền, có nghĩa là tĩnh tọa theo thế hoa sen nhưng ở đây có vận khí, thở bụng dưới (đan điền) theo tiết luật và tưởng tượng đường khí đi vào các kinh mạch. Như thế là ngoài tĩnh mà trong động. Với khí công tĩnh phải xóa bỏ tạp niệm, nhập tĩnh tối đa, do đó rất dễ bị tẩu hỏa nhập ma nếu nhập tĩnh không tốt và bị tạp niệm xen vào, hoặc tưởng tượng sai đường đi vào các kinh mạch. Luyện khí công động theo với động tác thì an toàn hơn, vì không có sự tưởng tượng, chỉ cần tập trung tư tưởng là đủ.

THIỀN VÀ KHÍ CÔNG
Từ hai mục tiêu khác nhau ở trên, ta thấy Thiền không gây tẩu hỏa nhập ma vì không có vận khí tưởng tượng gì cả, còn khí công tĩnh thì dễ gây tẩu hỏa nhập ma. Phần đông chúng ta đều lầm khí công tĩnh là thiền nên đưa đến ngộ nhận là hành thiền dễ gây tẩu hỏa nhập ma. Sở dĩ có sự lầm lẫn đó là do ở phương pháp thực hành mà thiền và khí công đều có hình thức bên ngoài giống nhau.

Vậy Thiền giúp gì cho khí công?
Trong khí công, khi vận khí, nếu tâm không an định thì sẽ bị bế tắc, không nhập tĩnh, không thư giãn, thả lỏng được, từ đó khí sẽ không thể lưu thông và cũng không bao giờ đạt được cảnh giới cao nhất là hòa đồng vũ trụ để đạt đến thần hoàn hư, đi đến thần hoàn đạo. Như vậy, muốn tâm an định trong khi vận khí thì phải cần đến thiền. Hay nói cách khác, khí công phải lấy thiền để hỗ trợ cho sự nhập tĩnh cao nhất và điều khí đi toàn bộ cơ thể, tiến đến tâm-ý-khí-hình hợp nhất. Nếu không có thiền thì khí công chỉ luẩn quẩn trên đường xiên của cái hình tháp, trèo lên rồi trụt xuống, không bao giờ lên được đỉnh cao chót vót của hình tháp, để cuối cùng chỉ đạt được cái hình như thể dục mà thôi, uổng phí công phu tu luyện.
Hầu hết các bài khí công tĩnh cũng như động của trường phái Trung Quốc đều căn cứ vào thuyết Dịch lý. Nghĩa là lấy việc vô cực sinh thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh 64 quẻ rồi từ đó có con người.
Khi luyện tập khí công, muốn khí chạy là phải đi từ vô cực; mà muốn có vô cực thì phải nhờ đến thiền. Nghĩa là trước tiên phải làm động tác ngồi hoặc đứng yên, nhắm mắt thiền định vài phút để giữ cho trí não vô vi, tâm an định và cơ thể thư giãn, thả lỏng, giữ chánh niệm ở hơi thở ra vô bình thường, không vận khí, như thế là ta sẽ có vô cực. Rồi tiếp đến tập bài khí công thì khí sẽ lưu thông, tuần tự đi vào thái cực trơn tru theo dịch lý Trung hoa như vừa nói. Ở động công thì gọi là thiền động, như bài Thái cực quyền chẳng hạn. Đặc biệt ở khí công tĩnh, thiền rất cần cho việc nhập tĩnh tốt để đi đến mức cao siêu là thần hoàn hư và hòa đồng vũ trụ như các đạo gia tu tiên trên núi ở Trung Quốc ngày xưa. Thiếu thiền thì không thể luyện thành khí công ở mức độ cao như tam điền qui nguyên và tam hoa tụ đỉnh và ở giai đoạn thượng thừa như luyện tử kim hoàn (mở huyệt bách hội ở đỉnh đầu và huyệt ấn đường ở giữa hai mắt) và thần hoàn hư (thần trở nên vô vi trống không, vỏ não bị ức chế toàn bộ đưa đến hoà đồng với đại vũ trụ bên ngoài)
Sau khi tập bài khí công xong, ta thực hiện thiền để cho thần kinh trí não trở về bình thường và cơ thể lại được thư giãn, tránh tác dụng phụ không mong muốn khi ngưng tập.
Tóm lại áp dụng thiền để đi vào khí công là điều thiết yếu không thể thiếu được cho những ai luyện khí công, thiếu nó ta sẽ khó thành công.
Một khi vận dụng thiền vào khí công, ta sẽ có được cái thần rất cao siêu, thông minh hơn, bớt nóng nảy hơn, tâm hồn bằng an hơn; nếu luyện khí đạt đến mức cao thì ta có thể biết trước được thời điểm chết một cách bình tĩnh và không sợ hãi.
Muốn có được quán tính nhập tĩnh tốt trong khí công ta phải tập thiền trước đã. Tối thiểu mỗi ngày phải ngồi thiền ít nhất là 30 phút. Các đạo gia Trung Quốc thường song song luyện khí công họ đều tu thiền Phật giáo, như vậy rất dễ đạt đến đỉnh cao trong tu luyện khí công.
Nếu thiền đã giúp cho việc vận khí được dễ dàng thì ngược lại, khí công giúp cho việc tham thiền nhập định cũng không ít. Bởi như đã nói, mục tiêu của khí công là đạt đến sự vô bệnh trường thọ. Trong cuộc đời hữu hạn của vòng tuần hoàn sinh lão bệnh tử, trừ các Thiền sư đã chứng ngộ, phần lớn người tu hành rất khó tránh khỏi bệnh tật của xác thân. Nhất là tu thiền chưa được bao lăm, chưa "minh tâm kiến tánh" thì đã ngã bệnh, chuyển qua đời sống khác, uổng công kiếp sau phải tu nữa. Do đó, hành giả áp dụng khí công để giảm thiểu tối đa các bệnh tật là điều hết sức cần thiết.
Thiền và Khí công đều bổ túc cho nhau. Nếu đem so sánh về phạm trù tâm linh thì thiền cao hơn khí công một bậc. Nhờ thiền mà khí công có thể đạt đến đỉnh cao và tư duy sáng suốt hơn để có thể sáng tạo ra khí công. Như vậy có thể nói thiền đẻ ra khí công cũng không sai theo như một số trường phái Phật gia đã xác định.

BS. Lê Văn Vĩnh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét