1 tháng 2, 2018

Các công chúa của vua Trần Thái Tông

Bùi Văn Tam
 


Thôn Tiền (cũng gọi là thôn Chiền) xã An Lạc huyện Thiên Bản (nay thuộc xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản) có đền thờ Trần Quốc Tuấn, quy mô thờ phụng y như đền Bảo Lộc. Theo lời cụ từ Nguyễn Văn Mỹ thì trước đây đền có lưu giữ nhiều sách chữ Hán khắc in bản gỗ về các bài kinh, văn chầu, văn tế, thơ văn ca tụng Đức Thánh Trần. Đặc biệt có bộ Trần triều hiển Thánh chính tập biên gồm 6 quyển, mỗi quyển khoảng 200 trang. Do chiến tranh, bộ sách này bị thất lạc, đền chỉ còn giữ có quyển 3 (Bính Tập). Quyển này không ghi niên đại, không có tên tác giả, nhưng có thể biết sách viết về đời Nguyễn (hoặc đến đời Nguyễn thì bổ sung thêm) vì có nói đến việc vua Minh Mạng phong sắc cho Phạm Ngũ Lão và thờ tại đền này. Trong quyển ba này có chép lại Ngọc phả hệ bảo tích nội dung ghi sự phát tích của vương triều Trần và ghi chép đầy đủ hệ phả của Trần Hưng Đạo và của vua Trần Thái Tông. Ngoài ra còn có phần phụ lục nói về các bộ tướng của Trần Hưng Đạo.
  Hệ phả họ Trần trong Ngọc phả hệ bảo tích này ghi rõ các vị liệt tổ từ thủy tổ Trần Kinh đến Trần Thừa, sau đó chia thành 2 hệ phả của An Sinh Vương Trần Liễu và hệ phả của vua Thái Tông Trần Cảnh. Ngọc phả ghi về vua Trần Thái Tông như sau:
+ Thái Tông húy là Bồ (tức Trần Cảnh).
+ Chính phi: Lý Thị (Thuận Thiên công chúa).
Sinh ra:
– Thái tử Hoảng là con trưởng – sau này là vua Trần Thánh Tông.
– Hoàng tử Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải.
– Trưởng công chúa Thái Đường.
+ Thứ phi: sinh hoàng tử Nhật Vĩnh.
+ Thứ phi: sinh:
– Hoàng tử Chiêu Đạo Vương Quang Xưởng.
– Hoàng tử Chiêu Quốc Vương Ích Tắc.
+ Thứ phi: Vũ Vương nương sinh:
– Hoàng tử Chiêu Văn Vương Nhật Duật.
+ Thứ phi: sinh Hoàng tử Minh Hiển.
+ Thứ phi: sinh hoàng tử Úy.
+ Thứ phi: sinh:
– Thị Thúy tức công chúa Thiều Dương.
– Công chúa Thụy Bảo.
+ Thứ phi Lý Thị: sinh công chúa An Tư.
+ Thứ phi sinh công chúa Hoa Dung.
Như vậy, theo Ngọc phả hệ bảo tích của vương triều Trần, thì vua Trần Thái Tông có 5 công chúa:
Đó là Trưởng công chúa Thái Đường do Hoàng hậu Lý Thuận Thiên sinh ra và 4 công chúa Thiều Dương, Thụy Bảo, An Tư, Hoa Dung do ba bà phi khác sinh ra. Qua đó, Thiên Thành công chúa, vợ của Trần Quốc Tuấn, không phải là công chúa con của Trần Cảnh, càng không phải là Trưởng công chúa của Trần Cảnh (Thái Tông) như một số bài viết gần đây hư tạo ra.
Về công chúa Hoa Dung, không thấy sử sách nào nói rõ hơn. Đại Việt sử ký toàn thư tập II có đoạn viết về công chúa Thiều Dương, thể hiện công chúa là người con rất có hiếu:
“Ngày thượng hoàng băng (1), công chúa Thiều Dương (con gái thứ của thượng hoàng tên là Thúy) đương ở cữ, chợt nghe tiếng chuông đánh liên hồi, nói rằng: “Có lẽ thượng hoàng mất chăng!”. Những người hầu cận nói dối, nhưng không nghe, công chúa cứ thương khóc kêu gào, mắt mờ đi rồi chết. Trước đây thượng hoàng không khỏe, công chúa bấy giờ đã lấy Thượng vị hầu Văn Hưng rồi, thường thường sai người đến thăm hỏi, những người hầu cận đều trả lời là thượng hoàng đã bình phục vô sự. Đến khi nghe tiếng chuông, thương khóc kêu gào mãi rồi chết. Người trong nước ai cũng thương”.
Công chúa An Tư là con gái thượng hoàng Thái Tông do Vương phi Lý thị sinh ra, là em gái vua Thánh Tông, cô ruột vua Nhân Tông.
Cuối năm Giáp Thân (1284) đầu năm Ất Dậu (1285) quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy ào ạt tấn công xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước thế giặc quá mạnh, vua tôi nhà Trần phải thực hiện sách lược tránh thế ban mai của giặc, bảo toàn lực lượng của ta để chờ thời cơ phản công địch, nên rời bỏ kinh thành Thăng Long, rút quân về vùng Thiên Trường. Giặc Nguyên chiếm được thành Thăng Long, tỏa quân đuổi theo quân Trần. Để làm dịu tình hình, hạn chế sự hung bạo của quân xâm lược, triều đình phải đem công chúa An Tư dâng cho Thoát Hoan. Đây là tình thế bất đắc dĩ, để cứu nạn nước, chứ thực lòng Thượng hoàng Thánh Tông cũng như hoàng đế Nhân Tông nào muốn làm vậy. Công chúa An Tư cũng biết thế giặc rất mạnh, sự tàn bạo của quân Thát Đát lại càng ghê gớm. Nhưng để giảm bớt tai họa cho đất nước, công chúa đành phải tuân lệnh, dứt mối tình riêng dấn thân vào nơi nguy hiểm. Đối với công chúa An Tư, nỗi nguy hiểm này không phải xông pha nơi gươm giáo, nhưng phải luôn luôn trực diện với kẻ thù hung bạo, lại còn thảm hại, ô nhục đến phẩm hạnh. Nhưng sự hy sinh của công chúa An Tư phần nào làm giảm bớt sự cuồng vọng hiếu chiến của bọn xâm lược, tạo thời cơ hòa hoãn dù rất ít để đại quân Trần có thời gian bố trí, sắp xếp lại lực lượng phản công địch. Và chỉ không đầy nửa năm sau, ngày mồng 6 tháng 6 năm Ất Dậu (1285), vua tôi nhà Trần trở lại kinh sư, nhưng nào thấy bóng dáng công chúa An Tư! Công chúa không còn, nhưng quốc gia Đại Việt vẫn mãi mãi trường tồn. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên lần thứ hai này có sự đóng góp của công chúa An Tư.
  Về công chúa Thái Đường, Ngọc phả hệ bảo tích ghi rõ là công chúa trưởng của vua Trần Thái Tông. Trưởng công chúa Thái Đường cùng mẹ là Thuận Thiên Hoàng hậu với hai anh là vua Trần Thánh Tông (sinh năm 1240) và Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải (sinh năm 1241). Sau khi sinh tiếp Thái Đường trưởng công chúa ít lâu thì Hoàng hậu Thuận Thiên qua đời (năm 1248) thọ 32 tuổi. Mẹ mất sớm, vua cha lại bận việc nước, nên Thái Đường trưởng công chúa chịu nhiều nỗi thiệt thòi. Lớn lên, vua Thái Tông gả Trưởng công chúa cho hầu tước Vũ Tỉnh ở Lục Ngạn xứ Kinh Bắc (nay thuộc Bắc Giang). Công chúa sinh một con trai là Vũ Thành. Hầu tước Vũ Tỉnh qua đời, Trưởng công chúa Thái Đường một mình nuôi con khôn lớn, ăn học thành tài, tập ấm cha cai quản miền Lục Ngạn. Theo sự dạy bảo của mẹ, Vũ Thành một mặt chiêu tập dân nghèo mở rộng thái ấp và đại điền trang vùng Lục Ngạn, mặt khác tổ chức đội dân binh, tích trữ lương thảo, luyện tập võ nghệ, bảo vệ an ninh vùng biên giới Đông Bắc. Dân binh của Vũ Thành giỏi đánh du kích đã lập công lớn ở trận Nội Bàng, chặn đường Thoát Hoan trốn chạy. Nhà vua đã phong Vũ Thành là Trung dũng hầu Thượng tướng quân. Ông hy sinh năm 1288 trong trận chiến đấu ngăn chặn giặc Nguyên xâm lược nước ta lần thứ ba tại Lục Ngạn(2). Khi chồng và con không còn nữa, Trưởng công chúa Thái Đường về trông coi thái ấp cho anh là Thái úy Trần Quang Khải. Thiên hạ thái bình, triều đình có lệnh cho các vương hầu công chúa đi khai hoang, bà đã về thôn Bắc Hà xã Đô Liệu (nay là thôn Thi Liệu xã Đại Thắng, Vụ Bản). Đền Miễn Hoàn ở Thi Liệu có bia đời Thành Thái chép phả ký sự tích của bà, có đoạn:
“Thần vốn là Trưởng công chúa Thái Đường con vua Trần Thái Tông, trông coi các cung phi ở trang Thái úy… Công chúa thấy vùng thôn Bắc Hà, xã Thi Liệu, đất đai phì nhiêu mà dân cư thưa thớt, nên cho gia nhân đến đó lập trại, một mặt khai khẩn ruộng đất, mặt khác chiêu tập dân cư. Chỉ trong mấy năm đã làm nên ruộng tốt trên trăm mẫu đất, làm tăng thêm dân số trên năm chục người. Khi công chúa mắc lỗi, nhà vua ra lệnh thu ruộng đất đó làm quan điền (ruộng nhà nước). Về sau lại có chiếu chỉ ra lệnh miễn tội hoàn đất. Công chúa bèn cho dân làm ruộng chung”. Đất này là trại Miễn Hoàn, dân đặt tên để kỷ niệm việc nhà vua “miễn tội, hoàn đất”. Thực chất là công chúa đã lập thành một đại điền trang, có khu dân cư, có trại Thủ (trại đầu làng), trại Vĩ (trại cuối làng), Soi Chợ (bãi chợ), bãi phơi lứa cá…
Khi bà mắc lỗi, vua thu hết ruộng đất, bà xuống tu ở chùa Viên Quang, làng Hộ Xá (sau đổi là Nghĩa Xá phía nam sông Ninh Cơ). Chùa này có tấm bia đời Lý (1122), nhưng mặt sau mới khắc thêm đời Lê (Quang Hưng, Hoằng Định đời Lê) ghi tiếp tục việc công đức vào đền. Đặc biệt, mặt bia này có ghi: “Ruộng triều Trần một khoảnh, các cháu của Thái (Đường) trưởng công chúa là Vũ Khắc Cần, Vũ Khắc Trị cúng ruộng, ao, tha ma gồm 30 mẫu ở xã Đồng Kỹ huyện Tây Chân (nay là làng Kia xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản)”. Điều này càng khẳng định chồng bà họ Vũ nên cháu (tôn điệt) của bà là người họ Vũ cúng ruộng vào chùa (3).
Đền Miễn Hoàn thờ Quốc Mẫu Thái Đường trưởng công chúa, có tượng của bà và 4 nữ tì hầu bà, có sắc phong từ đời Lê Cảnh Hưng thứ 44 (1783). Thần vị của bà ghi: “Trần triều Thái Tông hoàng đế Thái Đường trưởng công chúa Quý mỹ Tiết hạnh Dung quang Đại Vương thần vị”.
Công chúa Thụy Bảo là em cùng mẹ với công chúa Thiều Dương. Bà là vợ của Uy Văn Vương Trần Toại. Phò mã Trần Toại học giỏi, thông minh, nhưng không ham đường danh lợi, thích sống cuộc đời phóng khoáng. Phò mã khiêm tốn lễ độ, học vấn uyên bác, đối đáp nhanh nhẹn nên rất được thượng hoàng Thái Tông và vua anh là Thánh Tông quý mến. Trần Toại lấy hiệu là Sầm Lâu, có tập thơ Sầm Lâu tập được các danh sĩ đương thời đánh giá cao. Thơ của Trần Toại thể hiện phẩm cách cao đẹp của ông, như câu:
Pha lạp ngũ hồ vinh bội ấn
Tang ma tế dã thắng phong hầu.
Dịch:
Tơi nón năm hồ hơn giữ ấn
Dâu gai đầy nội vượt phong hầu.
  Vợ chồng công chúa rất mực thương yêu nhau. Không may, sau một cơn bạo bệnh, phò mã Trần Toại qua đời lúc mới tuổi 24, để lại bao nỗi thương đau cho công chúa. Cùng lúc, vị tướng trẻ Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng (vốn dòng dõi vua Lê Đại Hành, vì thân phụ có công lớn với nước, nên được vua Trần phong quốc tính) cũng đang gặp cảnh éo le, phu nhân sinh con chưa được bao lâu thì bị bệnh qua đời, để lại đứa con gái còn bế ẵm. Vua Thánh Tông vừa thương em gái Thụy Bảo góa bụa lúc tuổi đang xuân, lại vừa cám cảnh vị tướng quân trẻ tuổi Trần Bình Trọng phải gà trống nuôi con, nên đã tác hợp cho hai người thành duyên phận vợ chồng. Về với Trần Bình Trọng, công chúa Thụy Bảo thương yêu giúp đỡ chồng lo việc quân, việc nước, lại sớm khuya nuôi dạy quận chúa Chiêu Hiến còn trứng nước như con mình rứt ruột đẻ ra.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285), Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng được giao trọng trách kìm chân địch ở bến Thiên Mạc (Hưng Yên) để đại quân Trần và triều đình rút lui bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ phản công. Chiếm được kinh thành Thăng Long bỏ ngỏ, quân Nguyên ào ạt tiến về phía Nam, bị quân của Trần Bình Trọng chặn lại ở bãi Thiên Mạc. Trong trận chiến đấu không cân sức này, quân của Trần Bình Trọng chặn đánh địch đến cùng. Trần Bình Trọng bị địch bắt, không chịu hàng giặc, hy sinh bất khuất, để lại cho hậu thế câu nói bất hủ: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc”.
Lần thứ hai, công chúa Thụy Bảo lại góa chồng, một mình nuôi con dại. Công chúa nén mọi đau buồn, dốc hết tình thương nuôi dạy quận chúa nên người, vượt qua gian khổ của cuộc kháng chiến lần thứ ba. Quận chúa Chiêu Hiến ngày càng trưởng thành, khôn lớn, là một cô gái nết na, thuần hậu, xinh đẹp, hết mực thương yêu mẹ, phần nào an ủi nỗi đau của công chúa. Vua Trần Anh Tông lên ngôi, đã đưa quận chúa Chiêu Hiến vào cung làm thứ phi; năm 1300, ngày 21 tháng 8 Canh Tý, Chiêu Hiến sinh hoàng tử Mạnh (sau này lên làm vua là Trần Minh Tông; nên mẹ được phong là Chiêu Hiến hoàng thái hậu) (4).
Sau khi Chiêu Hiến sinh hoàng tử Mạnh, Thụy Bảo công chúa cảm thấy mình đã làm tròn nhiệm vụ với người anh hùng dân tộc Trần Bình Trọng. Bà muốn nương nhờ cửa Phật, tu hành giải thoát những phiền muộn của cuộc đời hai lần góa bụa. Công chúa về thôn Tiền ở phía Tây núi Hổ huyện Thiên Bản, khai khẩn đất hoang tạo thành khu vườn hoa tươi tốt, coi đây là nơi nghỉ ngơi yên vui cuối đời, nên đặt tên là Vườn hoa An Lạc (An Lạc hoa viên). Mươi năm sau, Huyền Trân công chúa ở Chiêm Thành về, cũng chọn núi Hổ làm nơi tu hành, lập chùa Nộn, lấy hiệu là ni sư Hương Tràng. Từ đấy hai bà cháu quấn quýt bên nhau, lúc bà lần bước lên chơi chùa Nộn; lúc thì cháu mang quả xuống chùa Tiền thăm bà. Hai công chúa giúp dân khai phá vùng bãi biển Côi Sơn (Côi Sơn hải khẩu) thành điền trang, vừa đem lại cảnh trù phù của làng quê, vừa bớt đi sự u tịch, cô quạnh của nhà chùa. Khi công chúa Thụy Bảo viên tịch, nhân dân xây bảo tháp ngay trong vườn An Lạc và chuyển chùa, lập đền thờ công chúa ngay giữa làng. Đền còn lưu giữ nhiều sắc phong, trong đó có sắc phong đời Lê Cảnh Hưng, đời Tây Sơn Cảnh Thịnh, có đoạn ghi: “Thụy Bảo uy đức thông minh duệ trí, ung dung khí tượng, anh linh hựu dân diệu tĩnh trinh thục thuần cảm Phương Phi công chúa”. Thần vị tại đền công chúa Thụy Bảo ghi: “Trần Triều tông thất phu nhân liệt tiết vương mẫu ni sư truy phong yểu điệu trinh thục Thụy Bảo công chúa vị tiền”. Đền còn phả ký viết trên bảng son có niên đại Khải Định thứ 4 (1920), có đoạn ghi công tích của bà:
“Bà có công nuôi ẵm và phò Nhân Tông lên ngôi… Bà vui vẻ trở về đi tu, đắc đạo thành tiên vậy. Chúa là con vua Trần Thái Tông, là cô của vua Trần Nhân Tông” (5).
Năm công chúa con vua Trần Thái Tông mở nghiệp vương triều Trần – trừ Hoa Dung công chúa chưa rõ sự tích – đều là những gương mặt phụ nữ Việt Nam đầy lòng hiếu nghĩa, trọn vẹn chữ trung yêu nước thương dân, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước vẻ vang trong buổi đầu của vương triều Trần.
_________________
(1) Tức vua Trần Thái Tông mất, ngày 1 tháng 4 năm Đinh Sửu (1277).
(2) Địa chí tỉnh Hà Bắc và Lịch Hội của Bộ Văn hóa Thông tin có ghi lễ hội đền làng Hả, Lục Ngạn, thờ Hầu tước phò mã Vũ Tỉnh và Trưởng công chúa Thái Đường cùng Trung Dũng Hầu Vũ Thành. Hàng năm làng vào hội đông vui.
(3) Hồ Đức Thọ – Vương phi, công chúa triều Trần. Nxb Văn hóa Thông tin, 2005.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư tập II.
(4) Hiện nay vẫn có nhà nghiên cứu lầm lẫn Thụy Bà (cô của Trần Hưng Đạo) là công chúa Thụy Bảo (cô của vua Trần Nhân Tông, em thúc bá của Hưng Đạo).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét