16 tháng 10, 2018

CHUYỆN BÀ HỒ XUÂN HƯƠNG


Anh Khoa ơi, bài thơ “Đánh đu” bấy lâu nay được coi là của Hồ Xuân Hương, hóa ra lại của Lê Thánh Tông. Trong văn bản của Lê Thánh Tông, hiện có ở Viện Hán Nôm chỉ khác vài chữ. Nguyên văn như thế này:

"Bốn cột khen ai khéo trồng
 Anh lên đánh, ả còn ngong
Cúng thổ địa khom khom cật
Vái Hoàng thiên ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Đôi hàng chân ngọc duỗi song song
Du xuân mới biết xuân chăng tá
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không"



Bài thơ này chỉ khác mấy chữ so với bài cùng tên tương truyền của Hồ Xuân Hương. Chỗ tôi, không ít người mê Hồ Xuân Hương rất tâm đắc với ý kiến của ông Trần Nhuận Minh và họ cho rằng thơ Hồ Xuân Hương bấy lâu ta truyền tụng là thơ dân gian, do các nhà nho bất đắc trí làm rồi gán cho bà. Cái giọng ngang tàng ấy, khó có thể là giọng của một bà vợ lẽ ở thời đại phong kiến rất khắc nghiệt. Bài “Thiếu nữ ngủ ngày” lại mang đầy chất nhục dục. Đó là cái nhìn của đàn ông. Phụ nữ nhìn phụ nữ khỏa thân như nhìn một bức tượng thánh, nghĩa là rất siêu thoát, chứ không đượm mùi xác thịt. Anh nghĩ thế nào về điều này? Anh có thông tin gì thêm về Hồ Xuân Hương không?


NGUYỄN TIẾN ĐÀM
Cựu bác sĩ Khoa Nội. Bệnh viện 5-8 Thủy Nguyên Hải Phòng.


TRẦN ĐĂNG KHOA
Thực ra, thông tin về bà Hồ Xuân Hương thì nhà thơ Trần Nhuận Minh có rất nhiều tư liệu đáng tin cậy và có sức thuyết phục hơn tôi. Bấy lâu nay chúng ta vẫn coi bà là một hiện tượng độc đáo của văn học thế giới chứ không riêng Việt Nam. Nhưng độc đáo lại ở phần truyền tụng, là cái phần như bác nói, là mảng văn học dân gian gán cho bà. Để đánh giá chính xác về bà, cần căn cứ vào những tư liệu có tính khoa học chính xác chứ không thể nói theo cảm tính. Bài thơ "Đánh đu", thì đúng là của Lê Thánh Tông rồi. Quá rõ rồi. Ta không bàn đến nữa. Còn với "Thiếu nữ ngủ ngày" nếu chỉ căn cứ vào cái nhìn nhuốm màu nhục dục mà khẳng định không phải thơ phụ nữ thì cũng chưa thuyết phục lắm đâu. Bởi vẫn có những người “cãi lại”. Nếu cứ nghĩ văn sao người vậy có khi lại nhầm to đấy. Hồ Xuân Hương cách xa chúng ta quá. Hãy cứ xem ngay người ở gần ta hơn, là nhà văn Vũ Trọng Phụng chẳng hạn. Trước đây, đọc Vũ Trọng Phụng, nhiều người nghĩ ông là kẻ trác táng và không ít người đã nhìn ông bằng con mắt dị nghị. Sự thực ở ngoài đời, Vũ Trọng Phụng sống rất chỉn chu và mực thước như một nhà nho. Hồ Xuân Hương cũng vậy. Bà rất chỉn chu và mực thước. Đấy là người ở cùng thời với bà nói vậy. Người ấy là ông Tốn Phong. Bà đâu có ngắm thiếu nữ ngủ ngày mà chàng quân tử ngắm đấy chứ. Quân tử dùng dằng, đi chẳng dứt. Đàn ông ngắm đàn bà khỏa thân nên cái nhìn nhuốm màu xác thịt là đúng quá rồi. Có thể xem đó như một thành công trong sự hóa thân của nữ thi sĩ. Chỉ có điều, bài thơ này không có trong văn bản chính thức của bà mà chúng ta đã có ở viện Hán Nôm. Những bài thơ chính thức của bà là tập Lưu Hương ký, chính bà nói với ông Tốn Phong là cả đời bà chỉ có mấy bài thơ ấy. Đấy là bằng chứng chuẩn nhất, khoa học nhất. Còn việc băn khoăn về những bài thơ tuyệt vời độc đáo bấy lâu nay chúng ta truyền tụng không phải của bà thì đâu phải chỉ có bè bạn bác, không ít nhà nghiên cứu cũng có sự băn khoăn như vậy. Sở dĩ có chuyện đó là vì họ căn cứ vào thi pháp của tập Lưu Hương Ký, một thi pháp và phong cách hoàn toàn khác. Đấy lại là văn bản chính thức của thơ Hồ Xuân Hương. Trong đó tuyệt không có một bài nào mà mảng thơ truyền tụng. 
Cứ như quan niệm của nhiều nhà nghiên cứu thì cuộc đời và thơ văn Hồ Xuân Hương luôn là đề tài tranh luận và nhiều điều sẽ được thời gian làm sáng tỏ. Theo nhà thơ Trần Nhuận Minh thì qua một số tư liệu đã xuất bản thành sách, trong đó có Gia phả Họ Hồ, có cơ sở để có thể tin cậy được, thì Hồ Xuân Hương là con gái ông Hồ Sĩ Danh. Ông Danh sinh năm 1704 ở làng Hoàn Hậu, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, đỗ Giám sinh năm 1732. Năm 1739, ông có con trai đầu là Hồ Sĩ Đống, sau này đỗ Hoàng Giáp, làm quan đến chức Tham Tụng (Tể Tướng), điều hành Chính phủ thời Chúa Trịnh, có tư dinh ở cạnh Hồ Giám. Năm 1740, ông Danh đi thăm đền Kiếp Bạc và gặp bà họ Hà (Sinh năm 1724). Ông theo bà về quê bà ở làng Hoạch, tỉnh Hải Dương, dạy học rồi cưới bà làm vợ. Bà vợ trước vẫn ở Quỳnh Đôi. Năm 1743, bà họ Hà sinh một con trai. Năm 1750, con trai bà chết vì bệnh đậu mùa. Năm 1753, ông Danh đưa bà về Khán Xuân (Hà Nội) cạnh Hồ Tây. Mùa xuân năm Canh Dần 1770, con gái của bà là Hồ Xuân Hương ra đời. Năm đó ông Danh đã 66 tuổi và bà họ Hà cũng đã 46 tuổi. Bà Hồ Xuân Hương đã từng yêu ông Nguyễn Du, đại thi hào, tác giả Truyện Kiều, Văn chiêu hồn, có anh ruột là Nguyễn Khản cùng làm Tham Tụng (Tể Tướng) thời Chúa Trịnh, tư dinh ở gần Hồ Tây. Năm 1803, bà lấy ông Nguyễn Công Hòa, quê xã Sơn Dương huyện Phong Châu (Phú Thọ). Sau ông Hòa chết. Năm 1813 bà gặp ông Trần Phúc Hiển. Ông Hiển là con ông Trần Phúc Nhân. Ông Nhân từng làm tham mưu trong quân đội Nguyễn Ánh, giúp Nguyễn Ánh đánh chiếm được kinh đô Phú Xuân (Huế) của vua Quang Toản, triều Tây Sơn rồi tử trận ở đó. Do vậy ông Hiển được vua Gia Long đặc ân, năm 1808 cho làm Tri Phủ Tam Đới (Phú Thọ). Năm 1813, vợ ông Hiển chết. Cũng năm ấy, ông được thăng Tham hiệp Trấn Yên Quảng (là tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Chức ông tương đương chức Chủ tịch tỉnh bây giờ) và về nhậm chức. Năm 1814, bà Hồ Xuân Hương theo ông Hiển về thăm Quảng Ninh bằng đường thủy, có qua Bạch Đằng, Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, và bà có 7 bài thơ viết về vùng đất này hiện có trong tập "Lưu hương ký". Đầu năm 1815, ông Hiển cưới bà làm vợ. Bà ở với chồng tại Yên Quảng và được chồng cho dự vào việc quan. Năm 1818 ông Hiển bị tố giác là ăn hối lộ bảy trăm quan tiền trong việc đất ruộng ở Tiên Yên, và theo phép nước phải chịu xử chém. Bà xin ân xá cho chồng nhưng vẫn phải chịu án tự xử. Mới hay thời xưa, phép nước rất nghiêm. Ông Hiển đã phải tự tử trong trại giam ở Cửa Ông mùa thu năm 1819. Sau khi chồng chết, bà Hồ Xuân Hương đi tu ở chùa Yên Tử. Hết tang, bà cũng tự tử, chết theo chồng ở khu vực chùa Giải Oan Yên Tử vào mùa hè năm Nhâm Ngọ 1822. Trước ngày chết, có một người đến thăm bà ở Yên Tử là ông Phạm Quý Thích, bạn của Đại thi hào Nguyễn Du.
Cuộc đời Hồ Xuân Hương là thế. Hóa ra bà sống rất chỉn chu, có lễ nghiã và hết mực yêu chồng, thủy chung với chồng. Về thơ, bà chỉ có một tập thơ duy nhất là tập “Lưu Hương Ký”, hoàn thành tháng 2 năm 1814, nhờ ông Nham Giác Phu Tốn Phong Thị đề tựa. "Đây là tất cả thơ văn của cuộc đời tôi từ trước đến nay, nhờ ông viết cho một bài tựa". Tốn Phong đã ghi câu nói ấy của bà ngay trong đầu bài Tựa và nhận xét thơ bà "Có thể xuất phát từ cảm hứng nhưng biết dừng lại ở lễ nghĩa. Vui mà không đến nỗi buông tuồng. Buồn mà không đến nỗi đau thương”. Chính như thế. Cổ Nguyệt Đường Xuân Hương học rộng mà thuần thục, dùng ít chữ mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép mà văn hoa, thực là một bậc tài nữ. Cô là em gái ông lớn Họ Hồ, đậu Hoàng Giáp, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu..." Tập “Lưu Hương Ký” của Hồ Xuân Hương được tìm thấy năm 1964 và được công bố rộng rãi. Trong tập thơ được coi là văn bản chính thức của bà, là thơ văn của cả cuộc đời bà, như tôi nói, tuyệt không có bài thơ nào như thơ được coi là của bà mà ta đã truyền tụng, cũng không có bài nào viết theo phong cách thơ được coi là thơ của bà. Sau đó các nhà nghiên cứu lục trong kho sách cũ, còn tìm được thêm mười hai tư liệu khác, cơ bản đều thống nhất với nhau về tiểu sử, gia thế và thơ văn của bà như đã nói trên. Do đó, một số nhà nghiên cứu trong đó có Hoàng Xuân Hãn, Trần Thanh Mại, Trần Nhuận Minh, Đào Thái Tôn đã đề nghị khoanh phần thơ Hồ Xuân Hương được truyền tụng trong dân gian là thơ khuyết danh hoặc thơ dân gian, và yêu cầu các nhà xuất bản không in bổ sung những bài thơ được truyền tụng là của Hồ Xuân Hương nữa, vì mỗi lần in, số bài lại tăng lên, trong đó có cả bài "Đánh đu" mà bác vừa đề cập. Nhà thơ lớn và nhà phê bình thơ đặc sắc Xuân Diệu, người gọi Hồ Xuân Hương là "Bà chúa thơ Nôm", đã có lần nói với nhà thơ Trần Nhuận Minh: "Đừng nên đặt vấn đề đó ra nữa. Cái gì đã ổn định đến 50 năm là bất tử rồi, không thay đổi được đâu. Mà thay đổi như thế để làm gì?. Có một Hồ Xuân Hương giả để thằng Tây nó sợ thật còn hơn là chẳng có gì". Về tình cảm thì tôi rất cảm thông với Xuân Diệu, nhưng về khoa học thì lại phải rành mạch rõ ràng. Không thể để cho “thằng Tây” nó sợ, nhưng lại là giá trị giả. Bà Hồ Xuân Hương cũng không cần mảng thơ ấy, vì chỉ tập “Lưu Hương Ký” cũng đã đủ là một giá trị rồi. Thơ truyền tụng là mảng thơ độc đáo. Nhưng là thơ dân gian, vẫn là của Việt Nam chứ có mất đi đâu. Cũng như rất nhiều kiệt tác ca dao dân gian mà Đại thi hào Nguyễn Du còn phải học và đưa vào Truyện Kiều, như câu ca dao:

“Vầng trăng ai xẻ làm hai
Nửa in đáy nước nửa cài trên không”

thành câu thơ Nguyễn Du:
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”.

 Hay câu ca dao:
“Ai đi trăm núi ngàn sông
Để ai chứa chất sầu đong vơi đầy”.

Nguyễn Du vận dụng thành câu thơ cũng rất hay:
“Sầu đong càng lắc càng đầy
 Ba thu dồn lại một ngày dài ghê”.

Bây giờ các công trình xuất bản có tính khoa học, ít chạy theo thị hiếu tầm thường để kinh doanh, đều in thơ Hồ Xuân Hương có hai phần riêng. Phần Lưu Hương Ký và phần thơ được truyền tụng là của Hồ Xuân Hương. Làm như vậy là rất khoa học và cũng rất đúng đắn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét