28 tháng 10, 2015

CHA TÔI DẠY

Đinh Tiến Hùng

Khi tôi 8, 9 tuổi, bố tôi có một quyển sổ tay nhỏ màu gạch. Trong sổ ông ghi địa chỉ người thân, họ hàng ở quê; một số trang ông ghi về công việc làm của ông; một trang ông ghi:

“Phương châm xử thế” của Hồ Chủ Tịch


1. Suy nghĩ trước khi nói
2. Cương quyết khi hành động
3. Cẩn thận khi cầm bút
4. Bình tĩnh sáng suốt khi nguy nan
5. Nhẫn nại, ôn hòa khi tức giận
6. Thẳng thắn quá hay mất lòng
7. Nguyên tắc quá hay lỡ việc
8. Linh động khéo léo từng trường hợp
9. Gác tình riêng mưu sự nghiệp
10. Bỏ óc đa sầu, đa cảm
11. Đời tươi vui là liều thuốc sống


● Tôi đọc, chẳng hiểu gì, hỏi:
-        Thầy ơi! Cái này là gì ạ?
Ông bảo đọc ông nghe. Tôi đọc: “Phương châm xử thế của Hồ Chủ Tịch”
Ông bảo: “Dừng lại”, rồi nói: “Phương châm” hiểu là quy định, quy ước cá nhân của bác Hồ về gặp việc này thì ứng xử như thế nào, gặp việc kia thì ứng xử ra sao. Ví dụ: Con đang đi gặp người quen thì phải chào, đó là “xử thế.

● Ông bảo: Đọc tiếp.
Tôi đọc tiếp: “Suy nghĩ trước khi nói”
Ông giảng: Để nói ra một câu cần phải suy nghĩ, để cho câu mình nói ra đúng sự thật, không làm mất lòng người nói chuyện với mình, có lợi cho công việc, cho mối quan hệ với người đó. Dân gian có câu:
“ Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
Cũng là ý này.

● Tôi lại đọc: “Cương quyết khi hành động ”
Ông giảng: suy nghĩ kỹ rồi thì bắt tay vào việc là “hành động” tức là “việc làm” phải kiên quyết làm bằng được, không làm nửa chừng, làm nửa chừng người ta gọi là “đẽo cày giữa đường”.

● Tiếp: “Cẩn thận khi cầm bút ”
Câu này giống câu “Suy nghĩ trước khi nói”, khi cầm bút viết điều gì đó thì phải suy nghĩ kỹ, viết về cái gì ? viết cho ai? rồi mới viết.

● “Bình tĩnh sáng suốt khi nguy nan”
Khi gặp trở ngại, nguy hiểm phải bình tĩnh, không lo sợ, phải sáng suốt tìm cách vượt qua nguy hiểm. Ví dụ khi qua suối, gặp nước lũ từ thượng nguồn chảy về rất nhanh thì bình tĩnh nhanh chóng rời khỏi dòng suối ngay.

● “Nhẫn nại, ôn hòa khi tức giận”
Khi hai người có mâu thuẫn, tức giận, có thể nói nhau mất lòng thì một trong hai người (cả hai càng tốt) hãy bình tĩnh nén giận, tránh ra chỗ khác để lúc nguôi giận sẽ gặp người kia nói chuyện nhẹ nhàng giải quyết sự việc. Người xưa có câu “cả giận mất khôn” là lẽ này, khi tức giận phải nhẫn lại, ôn hòa.

● “Thẳng thắn quá hay mất lòng”
Thẳng thắn là một đức tính tốt, nhưng lúc nào cũng thẳng thắn lại không nên, nói thẳng là tốt nhưng phải khéo léo, có trường hợp phải im lặng. Trung Quốc có câu “ trung ngôn nghịch nhĩ” nghĩa là: lời nói thẳng hay trái tai.

● “Nguyên tắc quá hay lỡ việc”
Những nguyên tắc do con người nghĩ ra, quy định. Mọi việc phải tuân theo nguyên tắc, nhưng việc gì cũng theo nguyên tắc thì có thể làm chậm công việc, hỏng việc. Nên phải linh hoạt tùy trường hợp như câu tiếp:

●“Linh động khéo léo từng trường hợp”

●“Gác tình riêng mưu sự nghiệp”
Cá nhân Bác Hồ không lấy vợ, không có con, tất cả để tranh đấu giành Độc lập cho Việt Nam.

●”Bỏ óc đa sầu, đa cảm”
“Đa” là “nhiều”, “sầu” tức là “buồn”, “đa sầu” hiểu là buồn nhiều. Cả câu muốn nói: Đầu óc con người ta không nên buồn đau nhiều, hãy để sự buồn đau thoáng qua, không nên đa sầu, đa cảm ảnh hưởng tới cuộc sống, tới công việc.

●“Đời tươi vui là liều thuốc sống”
Câu này tiếp nối câu trên, cuộc đời con người lúc buồn, lúc vui. Hãy rèn bản thân khi có việc buồn hãy sắp xếp công việc, gác chuyện buồn lại, thời gian qua đi sẽ giúp bản thân cân bằng tâm trí, coi niềm vui như liều thuốc cho bản  thân.

Bài học đầu tiên cha tôi dạy từ phương châm xử thế của Hồ Chí Minh. Bài học tôi thấy có tác dụng, ảnh hưởng tới tôi trong cuộc sống của mình, một bài học về kĩ năng sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét