22 tháng 10, 2015

XUÂN QUỲNH trong ký ức con trai và người chồng đầu tiên



Thạc sĩ Lưu Tuấn Anh nói về người mẹ nổi tiếng: “Mỗi khi có gì sai mẹ luôn nhẹ nhàng nhắc nhở và khéo léo để gợi ý cho chúng tôi nên chúng tôi luôn thấy mình sai chỗ nào và tự sửa chữa để không bao giờ lặp lại lỗi lầm ấy nữa. Trẻ con cũng cần được tôn trọng và hỏi ý kiến, mẹ tôi luôn nghĩ như thế và bà thường dạy con những điều quan trọng ngay khi con còn bé tí và chưa chắc đã hiểu được những gì bà nói. Ví dụ, tôi vẫn nhớ, khi tôi mới chỉ là cậu bé 10 tuổi, mẹ tôi đã căn dặn: Cuộc sống của con người muốn có giá trị thì phải có niềm đam mê một thứ gì đó, phải có cảm hứng với cuộc sống, nếu không sẽ như một cái cây khô, vô hồn và buồn tẻ. Với linh cảm của một người mẹ và sự nhạy cảm của một nhà thơ, mẹ cũng có những suy nghĩ rất hợp thời. Khi tôi lớp 7, mẹ khuyên nên chịu khó học tiếng Anh, vì tiếng Anh mới là ngôn ngữ của thế giới. Đấy, ngay cả trong thời kỳ mà tiếng Pháp và tiếng Nga đang thịnh hành thì mẹ đã nghĩ ra việc cho con học tiếng Anh!”



Hình ảnh nữ sĩ Xuân Quỳnh đã gắn chặt với biểu tượng tình yêu của bà và nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Hình ảnh của hai con người tài hoa bạc mệnh đã khắc ghi vào bầu trời văn chương một ánh hào quang chói rạng. Tuy nhiên, có một khoảng đời trước đó, khi bà có một gia đình riêng với người chồng cũ, nghệ sĩ Violon Lưu Tuấn và con trai Lưu Tuấn Anh lại ít khi được nhắc đến. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng hai cha con họ.

Thạc sĩ Lưu Tuấn Anh 

Thưa anh Lưu Tuấn Anh, trong mỗi chúng ta, mẹ là tất cả, và nói về mẹ thì dường như chẳng bao giờ đủ. Tuy nhiên, nữ sĩ Xuân Quỳnh tài hoa bạc mệnh và sự ra đi vội vàng của bà cùng chồng, nhà thơ Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với những người ở lại. Bản thân anh, mỗi lần nhớ về mẹ, anh nhớ nhất điều gì?

Lưu Tuấn Anh: Những gì thuộc về mẹ luôn còn trong ký ức của tôi. Từ dáng hình, nụ cười, giọng nói, cách dạy dỗ, bảo ban, chăm sóc. Mỗi lần nhắc đến mẹ tôi thường không cầm được nước mắt. Tôi buồn và nhớ mẹ nhiều. Lúc nào tôi cũng ước ao rằng mẹ còn sống để trả ơn bà. Bà là một người phụ nữ luôn nhận phần hy sinh, thiệt thòi về mình. Con cái, đối với bà là thứ quan trọng nhất trên đời này và bà luôn khiến chúng tôi vui vẻ, yêu thương nhau. Tôi, Lưu Minh Vũ và Lưu Quỳnh Thơ (tên ở nhà là Mí) luôn coi nhau là anh em một nhà. Tấm lòng hiền từ, nhân ái của mẹ đã khiến những thằng con trai nghịch ngợm như chúng tôi, quậy phá như chúng tôi trở thành những đứa con ngoan, tử tế, biết sống vì người khác.

Nhiều người vẫn thường nghĩ rằng những nữ thi sĩ luôn lãng mạn, bay bổng và chính vì thế, trách nhiệm làm mẹ, làm vợ đôi khi bị sao nhãng… Nữ sĩ Xuân Quỳnh là người mẹ thế nào trong con mắt của anh?

Lưu Tuấn Anh: Mẹ tôi là một người hài hước và yêu thương con vô bờ bến. Ở nhà với mẹ tôi, luôn đầy ắp nụ cười. Mẹ dạy chúng tôi trong cả những câu chuyện đầy hài hước của mẹ. Bà không bao giờ nghiêm trọng hóa vấn đề cũng chẳng bao giờ đánh đập con, rất ít khi phải mắng mỏ, vậy mà anh em chúng tôi đứa nào cũng vâng nghe lời. Mỗi khi có gì sai mẹ luôn nhẹ nhàng nhắc nhở và khéo léo để gợi ý cho chúng tôi nên chúng tôi luôn thấy mình sai chỗ nào và tự sửa chữa để không bao giờ lặp lại lỗi lầm ấy nữa. Trẻ con cũng cần được tôn trọng và hỏi ý kiến, mẹ tôi luôn nghĩ như thế và bà thường dạy con những điều quan trọng ngay khi con còn bé tí và chưa chắc đã hiểu được những gì bà nói. Ví dụ, tôi vẫn nhớ, khi tôi mới chỉ là cậu bé 10 tuổi, mẹ tôi đã căn dặn: Cuộc sống của con người muốn có giá trị thì phải có niềm đam mê một thứ gì đó, phải có cảm hứng với cuộc sống, nếu không sẽ như một cái cây khô, vô hồn và buồn tẻ. Với linh cảm của một người mẹ và sự nhạy cảm của một nhà thơ, mẹ cũng có những suy nghĩ rất hợp thời. Khi tôi lớp 7, mẹ khuyên nên chịu khó học tiếng Anh, vì tiếng Anh mới là ngôn ngữ của thế giới. Đấy, ngay cả trong thời kỳ mà tiếng Pháp và tiếng Nga đang thịnh hành thì mẹ đã nghĩ ra việc cho con học tiếng Anh. Mẹ tôi gửi tôi và Lưu Minh Vũ đến nhà thầy giáo rất giỏi Bùi Ý. Thầy là một người có kiến thức sư phạm tuyệt vời vì đã truyền niềm cảm hứng cho tôi, khiến tôi yêu môn tiếng Anh và có phương pháp học tốt. Hết cấp III tôi đã thi đỗ vào trường Đại học Ngoại ngữ (Nay là ĐH Hà Nội). Tốt nghiệp Đại học, mẹ lại tiếp tục định hướng để tôi vào làm trong môi trường báo chí là Thông tấn xã ViệtNam (Ban đối ngoại). Làm được ở đấy 3 năm thì tai nạn xẩy ra với mẹ. Từ đó mọi thứ đối với tôi thực sự không còn bình thường nữa, dù những gì mẹ dạy tôi đều khắc ghi, nhưng không có mẹ, cuộc đời của đứa con non nớt, lớn chậm hơn so với chúng bạn, ít giao du với thế giới bên ngoài như tôi, thực sự bị hoảng loạn. Phải mất rất nhiều năm sau đó, cuộc sống của tôi mới có thể bình thường trở lại…

Được biết, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh còn viết cho riêng anh một cuốn nhật ký rất chi tiết về thời thơ ấu. Anh có thể chia sẻ về cảm nhận của mình khi đọc lại cuốn nhật ký mẹ viết cho mình?

Lưu Tuấn Anh: Tôi thậm chí còn chưa đọc hết cuốn nhật ký ấy, vì mỗi lần nhìn thấy nó tôi buồn lắm, nhớ và thương mẹ. Mẹ tôi là người sống thế nào thì viết thế ấy, giản dị lắm. Mẹ viết về tôi thì cũng kể về những chuyện về tôi ngày bé thế nào, ăn ngủ, ốm đau ra sao, mẹ lo lắng cho tôi như thế nào… Nó như một thước phim về thời thơ bé của tôi, tôi trân trọng và cất giữ nó như một vật báu của riêng mình.

Nữ sĩ Xuân Quỳnh làm nhiều thơ cho trẻ em, chắc hẳn anh còn giữ nhiều bài thơ bà viết cho riêng anh?

Lưu Tuấn Anh: Rất nhiều là đằng khác. Những kỷ niệm về mẹ đã là một bài thơ đẹp đối với tôi. Ngày bé tôi không ý thức việc mẹ là một nhà thơ nổi tiếng, chỉ thấy mẹ là một người mẹ tuyệt vời, một người bạn có thể chia sẻ nhiều chuyện. Tất nhiên, với con nào thì mẹ mình chả tuyệt vời, nhưng mẹ, đối với tôi là cả một thế giới đủ đầy và trọn vẹn. Tôi thấy mình bị ảnh hưởng bởi tính cách của mẹ nhiều lắm, vì gần như mẹ là một hình mẫu lý tưởng. Và đôi khi tôi chỉ có một ước ao là mẹ còn sống, để có thể trả ơn mẹ, trước khi mẹ mất, tôi chưa làm được điều gì cho mẹ vui cả.

Bố mẹ anh chia tay khi anh còn quá bé. Vậy có bao giờ, trong thời gian trưởng thành rồi, anh hỏi mẹ: vì sao?

Lưu Tuấn Anh: Không bao giờ cả. Vì tôi quá hiểu mẹ tôi. Trong câu chuyện này, là một người con, tôi không trách ai cả. Vì bố tôi và mẹ tôi là hai thế giới khác nhau. Hai người tính cách không hợp nhau thì chia tay nhau. Còn hơn, cứ cố ở với nhau mà tạo nên những ấn tượng xấu cũng không phải là phương án tối ưu dành cho con cái. Điều quan trọng nhất là sau khi họ chia tay, họ vẫn giữ được một mối quan hệ rất tốt. Mẹ tôi và bác gái tôi, Đông Mai luôn nỗ lực để đi tìm cho bố tôi một người vợ. Còn bố tôi thì yêu em Lưu Quỳnh Thơ có khi còn hơn cả yêu tôi. Bố tôi suốt ngày sửa dây đàn cho em ấy. Ngày em ấy mất, bố tôi khóc ròng mấy ngày liền. Dù bố mẹ tôi chia tay nhưng chưa một ngày nào mẹ tôi để tôi cảm thấy mình bị thiệt thòi tình cảm. Tôi vẫn nhớ, hồi tôi học đại học năm thứ 3, mẹ tôi cho tôi mấy đồng để tiêu hoặc đi chơi với bạn gái. Một hôm mẹ tôi giặt quần bò cho tôi vẫn thấy tiền trong túi quần, bà lo lắm, đi hỏi khắp bạn bè tôi: “Thằng cu nhà cô có vấn đề gì không mà không thấy tiêu tiền, không thấy có bạn gái!”. Thời ấy, tôi ngố lắm, chỉ thích đi bắn chim, câu cá trộm (cười) chứ biết yêu đương gì. Tiền mẹ cho thì không tiêu, nhưng hôm thèm ăn dưa hấu, tôi và Minh Vũ đi mua một quả dưa hấu, hai thằng ăn hết vèo. Ăn xong không đi nổi vì no quá… Đấy, mẹ tôi luôn trăn trở cho con những cái nhỏ nhặt thế. Đôi khi tôi nghĩ, mẹ tôi yêu con và hy sinh cho con nhiều quá. Mẹ tôi gần như không có thời gian để nghỉ ngơi. Có lần tôi đi học về, thấy mẹ đang xách nước từ tầng 1 lên tầng 3, đến giữa chừng phải dừng lại ở cầu thang thở vì mệt. Tôi đã dành lấy mà xách đỡ cho mẹ. Nhưng tính mẹ thế, thương con và dành thời gian cho con học nên một mình mẹ làm hết. Tay mẹ chai đi vì xách nước. Dù làm cho con tất cả nhưng không bao giờ mẹ kể công, hồi bé thế này thế kia. Hồi ấy ai chả nghèo, chả khổ, nhưng chưa bao giờ tôi thấy mẹ than nghèo, kể khổ. Bà có cách giải quyết riêng của mình để các con yên tâm, thoải mái nhất khi ở gần bà.

Anh thường xuyên tiếp xúc với Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, anh thấy ông là người thế nào?

Lưu Tuấn Anh: Chú ấy là người sống rất có trách nhiệm với gia đình. Hồi mẹ tôi chưa sinh em Mí thì thỉnh thoảng khi chú ấy lĩnh được nhuận bút chú ấy, mẹ tôi, tôi và Minh Vũ đạp xe đi chơi dã ngoại. Chúng tôi là trẻ con, cứ được đi chơi là thích lắm. Tôi cũng thích thơ của Lưu Quang Vũ, đặc biệt là hai bài: “Tiếng hát ấy vẫn còn dang dở” và bài “Mây trắng của đời tôi”. Thơ chú ấy đầy chất triết lý, sâu sắc.

Người ta nói rằng, có một người mẹ lý tưởng quá khiến cho con trai… khó kiếm vợ! Anh có phải là một trường hợp như thế?

Lưu Tuấn Anh: Tôi cũng từng đặt ra cho mình những tiêu chí, nhưng điều đấy là không thể. Vì mẹ tôi là một người đặc biệt và không thể có người thứ hai như thế. Vợ tôi bây giờ cũng là một người phụ nữ của gia đình và yêu thương chồng con. Rất tình cờ là khi tốt nghiệp đại học, cô ấy đã làm luận văn về Xuân Quỳnh.

Vâng, xin cảm ơn anh!

_____________________________________________

                                           
  
 Lưu Tuấn Anh và bố- nghệ sĩ Lưu Tuấn!

Nghệ sĩ Violon Lưu Tuấn (chồng cũ của nữ sĩ Xuân Quỳnh) tâm sự:

“Quỳnh là người phụ nữ thông minh, hóm hỉnh. Đối với tôi, cô ấy là người tài sắc vẹn toàn. Trước khi là vợ chồng, chúng tôi là đồng nghiệp, cô ấy là diễn viên múa, còn tôi là nhạc công kéo Violon. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm đẹp ở Nhà hát ca múa nhạc, cùng có những chuyến lưu diễn ở trong nước, nước ngoài. Việc hai người không ở được với nhau cũng là duyên số. Tôi biết một phần lỗi do mình, tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Thời còn sống, tôi là người chỉ mải chăm lo cho gia đình để cô ấy tập trung viết văn. Một phần vì tôi thích được chăm sóc người khác, chăm vợ con mình chứ chăm ai mà thiệt, một phần là công việc của tôi cũng chỉ có thế, không đi làm thêm được. Vì thế, tôi vẫn nhớ, hồi đó, gặp Xuân Quỳnh không ai hỏi: “Quỳnh ơi đong gạo chưa?” mà thể nào cũng hỏi: “Quỳnh ơi có bài thơ mới nào chưa?”. Chính tôi cũng đã động viên cô ấy đi học trường Viết văn Nguyễn Du để sự nghiệp sáng sủa hơn. Và rõ ràng, cuộc đời cô ấy đã sang trang khi cô ấy bỏ nghề múa để đến với nghiệp văn chương. Cô ấy có lần cũng bảo tôi nên chăm chỉ đọc sách rồi học thêm, nhưng tôi không có hứng thú với việc học. Cũng có người hỏi tôi vì sao bỏ Xuân Quỳnh khi còn trẻ thế mà không đi bước nữa. Cô Quỳnh và người chị cũng đã đi tìm cho tôi y sĩ cao cấp, rồi một cô giáo chủ nhiệm lớp 10 rất xinh đẹp. Tôi thiết nghĩ, 2 vợ chồng vừa bỏ nhau, nỗi đau vẫn đang đè nặng lên, chẳng có tâm trí đâu, chỉ nghĩ đến tương lai trước mắt, nghĩ đến đứa con trai chưa vào lớp 1. Nuôi con từ lớp 1 cho đến đại học ngoại ngữ, một mình tôi làm tất cả, đi chợ, cơm nước. Đến khi con tốt nghiệp đại học, cầm tờ giấy đi làm công chức, lúc ấy mới gọi là tạm yên. Bởi vì trong đoàn ca múa rất nhiều đôi bỏ nhau, con cái “dở ông dở thằng”, tôi nghĩ: “Mình là một người bố mà để cho con không nên người, mình mà lấy người khác mai kia tương lai không có gì thì mình xấu hổ lắm. Tuy chúng tôi chia tay, nhưng vẫn ở cùng một tòa nhà ở phố Huế nên Xuân Quỳnh vẫn chăm sóc tốt cho Tuấn Anh. Trong việc này, tôi phải thừa nhận rằng, Quỳnh là một người mẹ rất tốt, cô ấy bỏ chồng nhưng không bỏ con. Nhờ cô ấy chăm chút mà Tuấn Anh cũng không bị hụt hẫng. Tôi thì cạn nghĩ hơn, bởi thế, có thể làm cho con đủ thứ đồ chơi, tỉ mỉ chi tiết, nhưng quan tâm đến tâm lý, tính cách, đường hướng công việc thì Xuân Quỳnh lo hết. Chính nhờ tình cảm mà cảm hóa được Lưu Minh Vũ từ lạnh nhạt phải cất lên gọi “má Quỳnh”, làm cho 3 đứa con gắn bó với nhau không có sự phân biệt, quần áo mặc thừa đứa nọ đứa kia vá đầu vá đít. Lưu Quang Vũ cũng là người đàng hoàng. Tôi là diễn viên tháng được mấy cân đường, mây cân thịt, mấy hộp sữa về con có cái bồi dưỡng, cô Quỳnh thỉnh thoảng mang lên chục trứng, hôm thì hộp sữa, hôm thì lạng thịt quay… Cuộc đời nhiều bí ẩn lắm, cuối cùng thì định mệnh đã cướp đi cô ấy. Tôi giờ cũng đã gần 80 rồi, nhìn lại cuộc đời trôi nhanh quá, giờ mình sống cho con cho cháu. Tôi vẫn nghĩ, cô ấy luôn dõi theo từng bước chân của chúng tôi trên chặng hành trình này…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét