30 tháng 5, 2015

Chuyện khác người của các ông vua nhà Trần

Trong lịch sử vương quyền Việt Nam, nhà Trần hẳn nhiên là một triều đại lẫy lừng. Về võ công, đây là vương triều đã thống lĩnh quân dân Đại Việt ba lần chặn đứng vó ngựa cuồng phong của đạo binh viễn chinh Mông Cổ bách chiến bách thắng. Về văn hiến, đây là vương triều đã nhen lên ngọn lửa khai phóng, tập thành một trào lưu tư tưởng Thiền học vừa cởi mở vừa sâu sắc, mà đỉnh cao là sự xuất hiện của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

 Lăng mộ các vua nhà Trần


Trong cả hai thành tựu lớn lao này, nếu phải nói đến sự đóng góp của những cá nhân xuất sắc, tất không thể bỏ qua các (không phải tất cả) hoàng đế của vương triều Trần, những con người mang chân dung kép: Là anh hùng chống ngoại xâm, đồng thời là Thiền giả uyên áo, hành sự không câu chấp.
Đó là những nhân cách có kích thước vượt trội, có tầm vóc ngoại cỡ. Không cần phải tìm sự thể hiện điều đó ở những "thời điểm mạnh" của lịch sử: Ngay khi lần giở trở lại các trang sử biên niên và bắt gặp các vua Trần trong những tình huống đời thường, đôi lúc chúng ta không khỏi ngạc nhiên và thú vị bởi ứng xử của những ông vua (có thể nói là) rất... khác người!
Trước hết là ứng xử của các vua Trần trong chuyện luyến ái hôn nhân. Trần Thái Tông (Trần Cảnh) giành được thiên hạ về tay họ Trần là nhờ vào cuộc hôn nhân (do Trần Thủ Độ dàn xếp) với công chúa Chiêu Hoàng nhà Lý. Món hồi môn ấy của Lý Chiêu Hoàng thật không hề nhỏ chút nào!
Cứ ngỡ rằng "gái có công chồng chẳng phụ", vậy mà khi Trần Thái Tông lấy - đúng ra là cướp - vợ của anh trai là An Sinh Vương Trần Liễu (cũng lại do Trần Thủ Độ chủ xướng), bà vợ cũ lập tức bị truất ngôi Hoàng hậu. Chưa hết, để thưởng công cứu giá của Lê Phụ Trần, ngoài chức Ngự sử đại phu, nhà vua còn "hào phóng" gả luôn Chiêu Hoàng cho người đã liều chết che tên cho mình. Nghĩa là, xem ra, với ông vua khai mở vương triều Trần này, vợ là "một cái gì đó" có thể lấy về hoặc cho đi một cách khá... thoải mái!
Chưa hết, khi Trần Quốc Tuấn (con trai của An Sinh Vương Trần Liễu) lẻn vào tư thông với Công chúa Thiên Thành ngay trước ngày cưới của Công chúa - và ngay tại tư gia của vị tân lang là Trung Thành Vương - bị phát hiện, nhà vua đã "bất đắc dĩ" (chữ trong sử) đem Thiên Thành công chúa gả cho Trần Quốc Tuấn rồi cho Trung Thành Vương hai ngàn khoảnh ruộng. Sự thiên vị quả là khá lộ liễu! Có lẽ trong trường hợp này Trần Thái Tông muốn chuộc lại phần nào cái lỗi đã cướp vợ của anh trai chăng?
Nói sao mặc lòng, cái quyết định "bất đắc dĩ" của nhà vua đã tạo nên một cảnh huống khá rắc rối trong quan hệ thân tộc của họ Trần: Trần Quốc Tuấn sẽ vừa là con trai vừa là em rể của Trần Liễu, vì Công chúa Thiên Thành chính là em gái của Trần Liễu và Trần Thái Tông!
Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về tinh thần "cởi mở" trong quan hệ nội hôn của vương triều Trần: Họ không lấy đó làm điều. Chẳng trách được khi về sau, cứ mỗi lần viết về việc hôn nhân của tôn thất nhà Trần, các Nho gia nghiêm cẩn như Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên hay Dực Tông hoàng đế Tự Đức đều... đay nghiến: "dâm loạn", "buông tuồng"!
Trong cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất, khi vua tôi nhà Trần phải chạy giặc trên sông Hoàng Giang, gặp thuyền của một tên tiểu nhân hiệu là Cự Đà chèo ngược lại, người trên thuyền của Thái tử hỏi: "Quân Mông Cổ bây giờ ở đâu?". Cự Đà - vốn trước kia nhà vua ban quả muỗm cho những người hầu mà quên không ban cho hắn, nên sinh bụng oán - trả lời: "Tôi không biết, các anh đi hỏi những người nào được ăn muỗm ấy".
Giặc tan, Thái tử xin vua Trần Thái Tông trị tội Cự Đà thật nặng để răn bảo người làm tôi bất trung, không ngờ nhà vua trả lời: "Cái tội Cự Đà là lỗi ở quả nhân", rồi tha cho Cự Đà. Nói rằng nhà vua là vị Hoàng đế có lòng nhân? Không sai. Nhưng cũng cần phải nói thêm: Đây là vị Hoàng đế có lối suy nghĩ và hành xử lịch lãm, rất cận nhân tình.
Không như những ông vua ở các triều đại sau luôn đòi hỏi thần dân lòng trung thành tuyệt đối và vô điều kiện, Trần Thái Tông hiểu rằng trung thành ở con người là một thứ tình cảm duy lý và bị điều kiện hóa. Không thể có lòng trung thành khi không có những yếu tố thuận lợi làm nảy sinh và những biện pháp khả dĩ nuôi dưỡng lòng trung thành.
Một quả muỗm, tuy là nhỏ, song nó lại là cái cho kẻ thần tử cân nhắc xem có "đáng" đánh đổi lòng trung thành với bậc đế vương hay không; và nó cũng là cái khiến nhà vua phải phản tư, rằng mình có "đáng" được nhận lòng trung thành của bề tôi hay không! Nội chi tiết này cũng đủ thấy: Để một con người "bé tí" dám "giận lây" và "trả đũa" vua nhân danh một sự công bằng trừu tượng nào đó, hẳn là cái phong thái sinh hoạt của xã hội Đại Việt thời Trần rất khoáng đạt, khoảng cách giữa hoàng đế và các thần dân chưa hề là một "khoảng cách sử thi" giống như ở các triều đại sau.
Đến giai đoạn trị vì của Pháp Thiên Ngự Cực Anh Liệt Vũ Thánh Minh Nhân Hoàng Đế, tức vua Trần Nhân Tông, người về sau sẽ lưu danh trong lịch sử tư tưởng Việt Nam bằng pháp hiệu Trúc Lâm đại đầu đà, có một câu chuyện nhỏ đã xảy ra.
Số là, sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ ba, vua Trần Nhân Tông ban chiếu đại xá cho thiên hạ. Theo chế độ cũ, mỗi khi có chiếu đại xá thì viên trung quan (tức quan hoạn) giữ chức Hành khiển sẽ tuyên đọc chiếu thư, còn việc soạn chiếu thư sẽ do Viện Hàn lâm phụ trách. Thường thì sau khi soạn chiếu thư xong, Viện Hàn lâm phải đưa cho quan Hành khiển xem trước, để đến lúc tuyên đọc cho đúng.
Lúc bấy giờ, Lê Tòng Giáo giữ chức Hành khiển, cùng với người soạn chiếu thư của Viện Hàn lâm là Đinh Củng Viên vốn không hoà hợp. Soạn xong chiếu thư rồi, nhưng Đinh Củng Viên cố tình không đưa bản thảo cho Lê Tòng Giáo xem trước, đến ngày tuyên chiếu mới đưa cho, vì thế Lê Tòng Giáo tuyên đọc không thông. Nhà vua phải bảo Đinh Củng Viên đứng bên nhắc. Được lời như cởi tấm lòng, tiếng nhắc của Củng Viên ngày càng to dần, át cả tiếng đọc của Tòng Giáo!
Sự việc xảy ra giữa hai viên chức phục vụ trong triều đình của Trần Nhân Tông, thực ra không có gì lạ đối với chúng ta, những con người của ngày hôm nay. Điều đáng nói ở câu chuyện giữa Tòng Giáo và Củng Viên là sự tham gia của Nhân Tông hoàng đế.
Sau lễ tuyên chiếu, nhà vua cho triệu Tòng Giáo đến, bảo: "Củng Viên là văn quan, nhà ngươi là trung quan, có việc gì mà không hoà hợp với nhau đến thế? Nhà ngươi làm lưu thủ ở Thiên Trường, rươi có, quýt có, đi lại tặng biếu cho nhau thì có hại gì?". Tuyệt không phải là việc nhà vua phân định ai đúng ai sai, "theo nguyên tắc". Chỉ là lời "tư vấn" mà thôi. Và cũng chẳng hề có chút nào hơi hướng quan phương trong nội dung "tư vấn" của Trần Nhân Tông.
Nhà vua giúp Lê Tòng Giáo giải quyết xích mích với Đinh Củng Viên không bằng tư cách của một vị Hoàng đế, mà là bằng tư cách của một người lão thực về nhân tình thế thái.
"Con rươi, quả quýt", món quà biếu quá vặt để bị xem là của hối lộ (sự đảm bảo về danh dự cá nhân), ấy thế nhưng là thổ sản của một vùng quê, nó có thể chuyển tải sự thành tâm của người biếu tới người được biếu, nhờ đó làm cho quan hệ giữa hai người trở nên tốt đẹp hơn (sự đảm bảo về mục đích), vậy hà cớ gì không làm? Trước câu "mách nước" thấu tình đạt lý ấy, ông vua khó tính đến như Tự Đức cũng phải tâm đắc mà phê rằng: "Ông vua này có thể gọi là thiên tử hoà giải"!
Cũng là ông "thiên tử hoà giải" này, khi cần, sẽ trở nên rất sắt đá. Sử chép rằng, trận thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng, quân ta bắt được các tướng Nguyên là Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ Ngọc và Phàn Tiếp. Với Cơ Ngọc, nhà vua sai tòng nghĩa lang là Nguyễn Thịnh đưa trước về Trung Quốc. Phàn Tiếp bị bệnh chết, nhà vua hoả táng rồi cấp cho vợ con hắn đôi ngựa sai chở hài cốt mang về. Còn với Ô Mã Nhi, Trần Nhân Tông cấp thuyền cho hắn về cố quốc. Trên đường đi, thuyền bị đắm khiến Ô Mã Nhi chết đuối.
Sau đấy, nhà Nguyên có thư chất vấn và “hỏi tội” vua nước Nam về cái chết của Ô Mã Nhi, thì được Nhân Tông hoàng đế trả lời như sau: "Vì thuyền rỉ nước bị đắm, quan tham chính sức vóc to lớn, không sao cứu vớt được, thành ra chết đuối". Đó là lối ứng xử hợp với lẽ phải thông thường, nhất là trong hoàn cảnh của một đất nước vô cớ bị ngoại bang giày xéo và lăng nhục tới lần thứ ba.
Nhưng, với tư cách chủ thể quốc gia, nhà vua vẫn có thừa thận trọng để tỏ thái độ trước Hoàng đế nhà Nguyên. Nói khác đi trong bức phúc thư là một cách nói khôn khéo, không làm tổn thương đến lòng tự ái của thiên triều. Và có thể cho rằng, nó cũng chính là ứng xử mang những nét rất đặc trưng trong quan hệ với đế quốc Trung Hoa của tất cả các vị vua sáng trong lịch sử Việt Nam.
Đến đời Trần Minh Tông, sử quan đã kịp ghi lại một "xen" đối thoại khá thú vị, qua đó hậu thế khả dĩ nắm được phần nào con người tinh thần của ông vua mà Phan Phu Tiên từng cho rằng "có tư chất nhân hậu".
Khi có người dâng sớ nói rằng hiện dân gian có nhiều kẻ du thủ du thực, đến tuổi già vẫn không có tên trong sổ bộ, mà lại không đóng góp phu thuế và sưu dịch, thì vua trả lời: "Nếu không như thế thì sao gọi là cảnh đời thái bình? Nhà ngươi lại muốn ta bắt chúng nó làm nên trò trống gì nữa?". Một cách nghĩ không thể "hiện đại" hơn được nữa!
Trong sự hình dung của vua Trần Minh Tông, "cảnh đời thái bình" - một xã hội không chiến tranh, có trật tự, kỷ cương - không phải là một xã hội mà tất thảy mọi thứ đều nằm trong khuôn phép, đều được "mã hóa" nhất nhất theo một nguyên tắc có sẵn. "Cảnh đời thái bình" chỉ thực sự là cảnh đời thái bình khi trong đó tồn tại những mảnh vụn bị văng ra và không chịu lực hút của quỹ đạo hướng tâm (tất nhiên, với điều kiện là những mảnh vụn ấy không trở thành những phản lực).
Những kẻ du thủ du thực nói trên, trong cách nghĩ của Trần Minh Tông, chính là những "vật trang sức" cho chế độ: Nó cho thấy sự bao dung của nhà cầm quyền trong việc chấp nhận sự tồn tại của cái ngoài khuôn khổ, nó chứng minh khả năng chung sống của cái chính thống với cái dị kỷ.
Và, đây mới thực là điều quan trọng: "cảnh đời thái bình" phải được/ bị điều kiện hóa bởi những "lỗ thông hơi" cho phép con người sống trong đó có thể (đôi lúc) hô hấp bằng những luồng không khí khác. Xem ra, cách nghĩ của Minh Tông hoàng đế cũng không khác là mấy với cách nghĩ của con người sống trong các xã hội dân chủ hiện đại, dù ông là người của hơn 600 năm trước!
Trên phương diện lịch sử, cho đến hết thời Trần, Nho giáo vẫn hoàn toàn chưa được xác nhận và chưa được triển khai trong đời sống như một hệ tư tưởng chính thống. Bản thân các vua Trần - nhất là một số vị như đã kể trên - về tư tưởng, chính là những Thiền giả. Bởi thế mà khi vận hành phương châm trị nước gồm bốn chữ "Khoan, Giản, An, Lạc", các vua Trần đã hiện diện xuyên qua lịch sử như là những nhà cầm quyền với lối suy nghĩ và cách hành xử đầy cởi mở, phóng khoáng, không câu nệ, không định kiến, và đặc biệt là gần dân.
Phong thái đế vương kiểu này không hẳn đã nhận được sự tán thành của lớp sử gia - Nho thần đời sau, những người luôn bị ràng buộc bởi các khái niệm "chính", "danh", "lễ" v.v... Nhưng nó gần với chúng ta, những con người của thế giới hiện đại, và vì thế mà phải chăng có thể nói rằng, triều Trần với những ông vua "khác người" hình như chưa bao giờ là cũ?

Theo AN NINH THẾ GIỚI


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét