30 tháng 5, 2015

Thi học sinh giỏi ở Mỹ và luyện 'gà chọi' ở... VN


Từ cách chuẩn bị cho đến cách thi và lựa chọn học sinh giỏi của Mỹ thật khác xa cách làm ở VN hiện nay.
Con trai tôi du học ở Mỹ theo học bổng. Sau một năm học lớp 10 tại một trường trung học danh tiếng có 107 năm truyền thống của tiểu bang Georgia, cháu may mắn luôn giữ vị trí số 1 và được thày cô khen ngợi. Khi còn ở Việt Nam, cháu cũng là học sinh giỏi Anh Văn, học sinh giỏi Tin học, từng ở trong đội tuyển của quận, của TPHCM. Vì vậy tôi cũng muốn tìm hiểu thi học sinh giỏi ở Mỹ sẽ như thế nào.

Một buổi thi Olympic Toán quốc tế. Ảnh: Vnmath.com



Ai thích thì... tự đăng ký thi
Đầu tiên tôi xem xét ở trường. Hóa ra các trường phổ thông ở Mỹ không tổ chức thi học sinh giỏi theo kiểu đồng loạt và đại trà như ở Việt Nam, nghĩa là thi đậu vào đội tuyển của trường, sau đó thi cấp quận, huyện, rồi chọn ra những em đứng đầu vào đội tuyển thi thành phố. Và cứ thế lên đến cấp quốc gia và sau chót là quốc tế. Tương tự, các trường phổ thông ở Mỹ cũng không thấy có các đội tuyển học sinh giỏi để "luyện gà chọi".
Tôi tiếp tục tìm hiểu trên mạng Internet. Hóa ra ở Mỹ, có rất nhiều cuộc thi Toán dành cho học sinh giỏi cấp trung học phổ thông hàng năm được tổ chức. Có khoảng 24 cuộc thi tầm cỡ quốc gia hay khu vực lớn tổ chức hàng năm. Ngoài ra, còn các cuộc thi của từng tiểu bang và của những khu vực nhỏ hơn. Sơ sơ cũng cả trăm cuộc thi mỗi năm.
Nhưng thử xem cuộc thi lớn nhất là kỳ thi Toán học Mỹ (American Mathematic Competition - AMC) do Hiệp hội Toán học (HHTH) Mỹ tổ chức. Theo HHTH Mỹ, cuộc thi này đã có từ 60 năm nay. Hàng năm có 350.000 học sinh từ 6.000 trường trung học Mỹ tham gia kỳ thi này để giải các bài toán khó và trui rèn đam mê môn Toán. Cuộc thi này tổ chức cho các học sinh theo từng cấp lớp và sẽ có nhiều cấp độ khác nhau. Cấp độ cuối cùng, tất nhiên là sẽ vào Olympic Toán Quốc tế với 6 học sinh xuất sắc nhất.
Vậy làm thế nào để tham gia cấp độ đầu tiên của Kỳ thi này? Câu trả lời từ HHTH Mỹ rất đơn giản là ai cũng có thể tham gia. Bạn chỉ cần đăng ký một khoản lệ phí trực tuyến từ 50 - 60 USD (tùy cấp lớp), sau đó chọn ngày nào phù hợp theo lịch trình và địa điểm thi nào gần nhất trong tiểu bang bạn sống. Khi thi xong, nếu điểm tốt, bạn sẽ tiếp tục thi vào các kỳ cao hơn.

Không có "lò", tự luyện thi
Vậy ai luyện thi cho bạn? Câu trả lời là chính bạn. Khi đăng ký kỳ thi AMC đầu tiên, bạn sẽ nhận được khá nhiều giá trị cộng thêm từ khoản lệ phí thi đã nộp. Theo đó bạn và thày giáo dạy Toán của bạn ở trường sẽ nhận được các Tạp chí Toán học, bản tin điện tử về Toán, giảm giá các loại sách, video về Toán của HHTH Mỹ bán ở hiệu sách, tham gia các khóa học trực tuyến, giảm giá cho vé tham dự các cuộc họp và hội thảo về Toán hàng năm... Đây là những tài liệu và hoạt động đa dạng của HHTH Mỹ giúp bạn học Toán và chia sẻ những vấn đề băn khoăn với cộng đồng Toán học toàn nước Mỹ. Còn lại thì bạn tha hồ tự "luyện chưởng".
Để giúp thêm học sinh, HHTH Mỹ cho ra những lời khuyên. Theo đó, cách tốt nhất để học giỏi Toán và thi lọt các vòng là liên tục làm Toán, thực hành không ngừng nghỉ. Với các bài viết trong phần giải Toán thì phải làm sao trình bày cho rõ ràng, khúc chiết. Nên tìm nhiều cách tốt nhất để giải một bài Toán, vì chẳng có bài Toán nào chỉ có một cách duy nhất.  Muốn học giỏi Toán thì nên học từ bạn bè, cũng như liên tục học hỏi từ những bậc thầy bằng cách đọc các sách Toán họ viết hoặc liên lạc bằng mọi cách nếu có thể.
Quan điểm GD Mỹ cho rằng, một học sinh giỏi Toán thì nên học hỏi từ quá khứ, nên liên hệ những vấn đề mới từ những vấn đề cũ để học hỏi thêm về sự tương đồng hay sự khác biệt. Và ngay cả khi kỳ thi đã kết thúc, mỗi học sinh cần tiếp tục suy nghĩ về những bài toán mà cuộc thi đặt ra và thảo luận với người khác. Cuối cùng, họ khuyên học sinh nên kiên nhẫn học Toán.
Như vậy, khác hẳn với các học sinh giỏi ở Việt Nam, sau khi đi qua kỳ thi tuyển chọn đầu tiên bắt đầu lọt dần vào các đội tuyển và được luyện như luyện gà chọi, học sinh Mỹ phải tự học là chính. Và trong quá trình này, các học sinh Việt Nam có thể được trường  "đặc cách" cho nghỉ bớt môn phụ, thậm chí bỏ học các môn khác vài tháng, về học bù sau mà chỉ tập trung vào học môn mình sẽ tham gia thi học sinh giỏi. Trong khi đó, học sinh Mỹ vì tự học môn nào là do ưa thích và đam mê, tự đi thi vì nỗ lực muốn chứng minh bản thân có khả năng vượt qua thử thách, nên ở trường vẫn học tất cả các môn học không có gì thay đổi.
Hơn nữa, các kỳ thi học sinh giỏi tại Mỹ chỉ là một phần thước đo giá trị của học sinh. Tại trường phổ thông Mỹ, một học sinh được coi là xuất sắc phải "văn võ song toàn". Tức là đương nhiên có thành tích học tập tốt, nhưng ngoài ra em này còn là người có năng khiếu và thành tích trong thể thao hay nghệ thuật. Chưa hết, em này còn có khả năng tham gia các hoạt động cộng đồng, có thành tích lãnh đạo, các kỹ năng mềm trong đời sống đều xuất sắc.
Vì vậy, các học sinh giỏi Toán cũng vẫn có thể vẽ đẹp, chơi thể thao cừ và hoạt động từ thiện tích cực. Hình ảnh của một học sinh giỏi như vậy tràn đầy sức sống và rất gần gũi với những gì xã hội cần. Nó khác hẳn hình ảnh những học sinh giỏi theo kiểu "gà chọi" của ta, chỉ biết một môn mà mình giỏi, mắt cận thị vì học nhiều quá và thân thể không cường tráng cho lắm vì không có thời gian tập thể thao. Đó là chưa kể nhiều em chuyên học Toán, Lý, Hóa giỏi thì giao tiếp và hoạt động xã hội rất yếu.

Ba ngày và vài năm
Dù sao tôi vẫn còn một điểm tò mò. Cho dù là học sinh Mỹ tự học thế nào, vậy vẫn còn kỳ thi Olympic quốc tế, không lẽ lại không chuẩn bị cho các em. Vì kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 đến gần, tôi vào website của American Chemical Society, Hiệp hội Hóa học Mỹ xem thử.
Thông tin ở đây cho hay, các học sinh trung học Mỹ, sau khi trải qua các kỳ thi học sinh giỏi Hóa (cách thức tương tự thi Toán) sẽ chọn ra 20 thành viên xuất sắc nhất. Các em này sẽ được mời đi cắm trại 3 ngày trước kỳ thi. Sau 3 ngày, từ 20 em sẽ chọn ra 4 em xuất sắc nhất để tham dự kỳ thi cuối cùng... Chỉ vẹn vẹn ba ngày so với hàng nhiều năm luyện trong lò của học sinh ta.
Như vậy, từ cách chuẩn bị cho đến cách thi và lựa chọn học sinh giỏi của Mỹ thật khác xa cách làm ở VN hiện nay, và từ đó cho ra những "sản phẩm" học sinh giỏi cũng rất khác nhau. Một bên là những học sinh giỏi do thực sự đam mê, yêu thích và có khả năng tự học và kiên trì, chịu cạnh tranh cao độ, dưỡng sức để có thể trở thành một nhân tài có thể cống hiến lâu dài cho xã hội. Một bên là tạo ra những học sinh giỏi ban đầu từ đam mê, yêu thích, sau biến thành gà chọi trong lò luyện, chỉ biết một mục tiêu duy nhất đi thi đoạt giải và có thể có nhiều hệ lụy đi kèm.
Học sinh giỏi Việt Nam rất thông minh, kiên nhẫn, đam mê. Nhưng muốn những nhân tài này hữu dụng hơn cho xã hội mai này, có lẽ  chúng ta cần sớm thay đổi cách dạy, cách học, các thi, cách khuyến khích tài năng cho phù hợp.

Nguyễn Anh Thi



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét