27 tháng 8, 2016

5 huyệt vị chữa đau đầu hiệu quả bạn nên ghi nhớ

Lê Hiếu (theo Epoch Times)

Trong y học cổ truyền, có một biện pháp đơn giản, dễ làm, không có tác dụng phụ nhưng lại trị đau đầu hiệu quả chính là day bấm huyệt vị. Dưới đây là 5 huyệt vị nếu day bấm khi đau đầu thì bạn sẽ thấy dễ chịu ngay. 

1. Huyệt Phong Trì
Huyệt được coi là ao (trì) chứa gió (phong) từ ngoài xâm nhập vào, vì vậy gọi là Phong Trì.
Vị trí:  huyệt Phong Trì nằm ngay sau gáy, ở chỗ lõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ. Cách xác định huyệt phong trì rất dễ dàng: lần bên dưới đáy hộp sọ có 2 hõm, đó chính là huyệt phong trì.
Khi bạn bị đau đầu, hai tay ôm đầu đặt hai ngón tay cái lên huyệt Phong Trì rồi nhấn day nhẹ sẽ làm giảm nặng đầu, choáng váng.


2. Huyệt Hợp Cốc
Huyệt ở vùng hổ khẩu, có hình dạng giống như chỗ gặp nhau (hợp) của miệng hang (cốc), vì vậy gọi là Hợp Cốc hoặc Hổ Khẩu.
Có 3 cách xác định huyệt Hợp Cốc:
Ở bờ ngoài, giữa xương bàn ngón 2.
Khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.
Ngón tay cái và ngón tay trỏ xòe rộng, lấy nếp gấp giữa đốt 1 và đốt 2 của ngón tay cái bên kia để vào chỗ da nối ngón trỏ và ngón cái (hổ khẩu tay này, đặt áp đầu ngón cái lên mu bàn tay giữa 2 xương bàn 1 và 2), đầu ngón tay ở đâu, nơi đó là huyệt, ấn vào có cảm giác ê tức.
Nhấn vào huyệt hợp cốc sẽ giúp cho cho khí huyết toàn thân thông thuận, có tác dụng chủ yếu trị đau, và đặc biệt hiểu quả đối với vùng trán.

3. Huyệt Nghinh Hương
Huyệt có tác dụng làm mũi được thông, đón nhận (nghinh) được mùi thơm (hương), vì vậy gọi là Nghinh Hương hoặc Xung Dương.
Vị trí: Là giao điểm giữa đường ngang chân mũi và rãnh mũi miệng.
Day nhẹ huyệt Nghinh Hương có thể thông nghẹt mũi, thông thường nghẹt mũi thường đi kèm với đau đầu, nên khi mũi thông thì cũng có tác dụng giảm đau đầu.
4. Huyệt thần môn
Theo y học cổ truyền, Tâm tàng Thần, huyệt này là huyệt Nguyên, nơi kinh khí mạnh nhất của Tâm, châm huyệt này ảnh hưởng (coi như cửa = môn) đến Tâm và Thần, vì vậy gọi là Thần Môn (Trung Y Cương Mục).
Vị trí: Ở phía xương trụ cẳng tay, nằm trên lằn chỉ cổ tay, nơi chỗ lõm sát bờ ngoài gân cơ trụ trước và góc ngoài bờ trên xương trụ.
Nhấn vào huyệt này có dụng trấn tĩnh buông lỏng.

5. Huyệt Bách Hội
Huyệt này là nơi các (nhiều = bách) đường kinh Dương họp lại (hội) vì vậy gọi là Bách Hội. Huyệt này còn có những tên gọi khác là Duy Hội, Điên Thượng, Nê Hoàn Cung, Qủy Môn, Tam Dương, Tam Dương Ngũ Hội, Thiên Mãn, Thiên Sơn.

Vị trí: Gấp 2 vành tai về phía trước, huyệt ở điểm gặp nhau của đường thẳng dọc giữa đầu và đường ngang qua đỉnh vành tai, sờ vào đó thấy 1 khe xương lõm xuống.
Nhấn vào huyệt bách hội giúp khí huyết toàn thân thông thuận, làm cơn đau đầu giảm đi rất nhiều.
Chú ý: Chỉ sử dụng phương pháp bấm huyệt cho những đau đầu thông thường do ốm nhẹ hoặc căng thăng, còn đối với chứng đau đầu do bị các bệnh nặng như u não,… thì không áp dụng cách thức này.

  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét