9 tháng 8, 2016

Thật ra, cuộc sống chỉ gói gọn trong một chữ “độ”

Tác giả: Theo NTDTV 
 Dịch giả: Minh Nữ



Tục ngữ có câu: “Tể tướng đỗ lý năng xanh thuyền, đại đỗ năng dung thiên hạ nan dung chi sự.” Nghĩa là: bụng ông Tể tướng có thể chống được thuyền, cái bụng lớn có thể dung chứa được những điều mà thiên hạ không thể dung chứa. Ý muốn nói, làm người phải có tấm lòng rộng lớn, biết khoan dung độ lượng.

“Sơn bất ngôn tự cao, thủy bất ngôn tự thâm”, (Núi không nói mình cao, nước không nói mình sâu). Dù là sự việc gì cũng không cần tính toán chi li, lùi một bước biển rộng trời cao. Cũng chẳng nên so đo được mất cá nhân, hãy rộng lượng đối đãi với những người hay những việc đã từng làm tổn thương bạn.


Nói năng có mức độ

Có người cho rằng, làm người là phải Chân (chân thật) cho nên nói chuyện cốt yếu phải Trực (bộc trực). Thực ra đó là sai lầm lớn.

Chữ “Chân” () trong tiếng Hán gồm chữ “Trực” () ở trên, bên dưới thêm hai nét chấm. Nói cách khác, những lời chân thật, thẳng thắn cũng phải giữ lại hai nét chấm. Nói thẳng nói thật là Chân, nhưng nói thẳng nói hết lại chính là Xuẩn (ngu xuẩn).

Hiểu rõ người khác là trí tuệ, hiểu rõ chính mình mới thực là cao minh. Khi dần dần có thể khắc chế, mộc mạc giản dị, “không oán – không hỏi – không nhớ”, chính là lúc bạn thể hội được sự vĩ đại của sinh mệnh.

Đọc sách có độ sâu

Đọc sách cần có độ sâu, độ sâu ở đây không chỉ là độ dày của sách mà còn là chất lượng nội dung của cuốn sách đó.
Nếu như bạn phát hiện rằng đã rất lâu rồi mình không đọc sách, thì bạn nên biết rằng bạn đang tụt hậu rồi! Không phải nói rằng sách vốn có nhiều tác dụng như thế nào, mà là để nói rằng, bạn đọc sách có nghĩa là bạn chưa hoàn toàn chấp nhận hiện thực, bạn vẫn còn truy cầu, vẫn còn phấn đấu, vẫn còn tìm kiếm những điều có thể khác.

Tầm nhìn có độ rộng

Đứng trên cao mới có thể nhìn xa. Nghĩ quá nhiều, nhìn không thể xa được. Cái gọi là tầm nhìn ấy, chính là góc nhìn của bạn phải là một cánh đồng rộng lớn mênh mông; bất kể là với người hay với việc, đều phải biết nhìn xa trông rộng, không thể chỉ nhìn vào một điểm mà phải nhìn trên cả diện.

Cuộc sống nhất định chứa đựng nhiều ủy khuất. Mà một người thành công thì ủy khuất lại càng nhiều hơn. Muốn khiến bản thân mình được coi trọng và vinh quang, bạn phải học được cách nhìn xa trông rộng, học làm trí giả, học làm người.

Lý luận có độ sâu

Lý luận, chính là nói năng, phải có độ sâu mới có thể “trượng nghĩa chấp ngôn”, bênh vực lẽ phải.
Hiểu chút ít về “Đạo đức kinh”, “Binh pháp Tôn Tử”, “Kinh dịch”, biết một chút “Thủ thế, minh Đạo, ưu thuật”, lại một chút “Biến dịch, giản dịch, bất dịch”. Trí tuệ của các bậc hiền triết sẽ làm cho bạn có chiều sâu hơn.

Làm việc có lực độ

Trong công tác nhất định phải có nỗ lực, mạnh dạn phát triển, mở rộng hợp tác. Mọi người đều có mục tiêu, dù lớn hay nhỏ, nếu muốn đạt được mục tiêu thì bạn phải làm việc, nỗ lực làm việc càng lớn thì thành tích càng cao, như thế mới có thể hiện thực hóa mục tiêu của mình.

Sự nghiệp có cao độ

Người ta ai ai cũng hy vọng có được thành tựu trong đời, có được đỉnh cao sự nghiệp.
Sinh mệnh trong khi tiến về phía trước sẽ tỉnh ngộ, trải qua năm tháng tích lũy lâu dài sẽ đâm chồi nảy lộc. Bất kể là loại sự nghiệp gì cũng đều phải có thời gian tích lũy, công việc bình thường cũng phải nỗ lực thực hiện, mỗi ngày không ngừng đề cao.

Thọ mệnh có trường độ

Chúng ta không có quyền lựa chọn số phận, nhưng chúng ta có thể lựa chọn phương thức mà sinh mệnh sẽ đi qua.
Làm người cần lựa chọn khoan dung hậu đức, giữ cho mình đôi chút thanh tao, gió mát hay mưa phùn chẳng phải đều ẩn chứa ý thơ ý vị? Làm việc nên có chút ung dung, nhất cử nhất động đều an nhiên tự tại.
Không lao tâm khổ tứ, cũng chẳng cần ngụy tạo giả dối, hãy cảm thụ những mộc mạc giản đơn của năm tháng cuộc đời, có thể dưỡng sinh, và sau cùng là thản nhiên trước hết thảy được mất thiệt hơn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét