Hè 1980(*) Bát Xát - Hoàng Liên Sơn
Đinh Tiến Hùng
Đinh Tiến Hùng
Tôi đến Mường Vi vào một
buổi chiều mùa hè mưa tầm tã. Chúng tôi cuốc bộ từ km 3 Bát Xát lúc 12 giờ.
Quãng đường 12 km chẳng đáng bao, nhưng lúc này cảm thấy thật vất vả vì trời
đang nắng bỗng đổ mưa. Hơn nữa, chúng tôi mất ngủ một đêm trên tàu nên sức khỏe
giảm sút. Chúng tôi động viên nhau đi đến nơi rồi nghỉ. Tất cả mội người đều
khoác ba lô, tay xách dép bì bõm trên đoạn đường lầy lội. Bốn bề vang lên âm
thanh ầm ầm của nước: nước từ trên các đỉnh núi dội xuống, nước từ thượng nguồn
đổ về, nước xối ra đường như như thác. Nước từ trên đỉnh núi dội xuống, uốn éo
tung bọt trắng xóa tựa như giải lụa trắng bay trước gió. Hết đoạn đường lầy lội
đến đoạn đường đá nhấp nhô, nước chảy dọc đường như suối. Bốn giờ chiều đến
phòng Giáo dục - Văn hóa huyện Bát Xát, mọi người ăn cơm xong đi nghỉ.
Hôm sau trời hửng nắng, mây mù vội tản đi
lưng chừng núi. Ở đây mỗi ngọn núi đều có một cái tên được gọi lên bởi hình
dáng của nó: Núi Cô Tiên, núi Con Chó, núi đầu Hổ,…Từ đây nhìn thấy rõ bản của
đồng bào dân tộc Nhắng, nhà san sát tạo thành một bản đông vui. Ruộng bậc thang
ôm lấy thân đồi tụt dần xuống. Mường Vi là trung tâm huyện(thời kì sau cuộc
chiến biên giới phía Bắc 17/2/1979) nhưng chỉ có các cơ quan ở trong phạm vi
nhỏ hẹp nửa cây số vuông. Huyện có đầy đủ cửa hàng Bông vải sợi, điện máy, hiệu
thuốc,…Chợ họp chủ nhật trên đoạn đường ngay trước cửa hàng. Có thể thấy ở đây
đại diện của các dân tộc Kinh, Mán (Dao), Mèo (Mông), Hà Nhì,…Hàng hóa mua bán
ở chợ là những thứ của núi rừng biên giới: song, mây, ổi, bưởi,…
Con người và cuộc sống ở đây vẫn bình thường.
Là một huyện miền núi biên giới nên cơ sở vật chất còn nghèo, dân cư thưa thớt
chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Cuộc chiến tranh xâm lược của bọn Đại Hán đã
gây cho dân Việt bao đau thương tang tóc, gian khổ khó khăn. Nhưng một năm qua
con người ở đây đã vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống của mình, và đang
cảnh giác làm nhiệm vụ của người lính biên cương. Người ta nghĩ biên giới là
núi rừng. Đúng. Biên giới là núi rừng, là sông suối, là con người và cuộc sống.
Là màu áo xanh của người lính hòa lẫn màu xanh của đất rời biên giới.
Bát xát 7/1980
Lá
Xanh
________________________
(*)Bài viết 7/1980 khi lên Bát Xát 23/7/1980,
mới tìm thấy, gõ lại 13/12/2013 đưa lưu trữ blog.
mới tìm thấy, gõ lại 13/12/2013 đưa lưu trữ blog.
Đọc lại những dòng lưu bút của anh tôi lại cảm thấy nao nao nhớ về những kỉ niệm thật là đẹp của thời thanh niên sôi nổi.
Trả lờiXóa