Bác sĩ Nguyễn
Văn Đức
Tôi
có tất cả 12 người bệnh ung thư ruột già. Vài vị đã qua đời.Một vị trên 50
tuổi nhiều năm lần lữa không đi soi ruột già, đến khi đi cầu ra máu, tôi gửi đi
soi, ra ung thư ruột già, phải mổ cắt rộng chỗ ung thư, đoạn ruột già trên chỗ
ung thư không nối lại với khúc dưới được, vị này nay phải đeo bọc phân ở bụng,
săn sóc bọc phân mỗi ngày. Rồi ung thư chuyển di đến phổi, lại mổ phổi, chuyển
di đến gan, lại mổ gan. Hiện vị này còn đang trị liệu với hóa chất.
Một vị khác nghe lời bạn bè, "Chị không có triệu chứng gì, đi soi ruột già
làm chi", cứ nhất định từ chối lời khuyên soi ruột già của tôi, đến khi
thử phân, ba mẫu phân đều thấy có máu, lúc đó vị này mới chịu đi soi, ra ung
thư ruột già, phải mổ, mổ xong tắc ruột, lại vào nhà thương lần nữa chữa tắc
ruột. Con cái phải nghỉ việc nhiều ngày trông coi mẹ trong bệnh viện, rồi khi
ra viện, chở đi bác sĩ ung thư và thông dịch.
Mỗi năm, có 11 triệu trường hợp ung thư ruột già mới xảy ra trên toàn thế
giới.
- Bác trên 50, nên đi soi ruột già. Bác để trễ chuyện này 16 năm rồi.
- Không bác sĩ ạ, tôi không đi soi, tôi muốn tiết kiệm tiền.
- Nếu muốn tiết kiệm tiền, bác càng nên đi soi sớm. Vì chữa ung thư ruột già
rất tốn kém trường hợp nó nặng, kể từ lúc khám phá ra ung thư ruột già, đến khi
bác qua đời vì căn bệnh, phải bỏ ra mấy trăm triệu đồng. Tiền mổ, có khi nhiều
lần, tiền chữa bằng hóa chất, tiền săn sóc bọc phân đeo ở bụng. Khổ cho bác,
cho con cái bác, mà cho cả gia đình.
Một trong những việc quan trọng là nhắc
nhở các vị cao niên đi soi ruột già để truy tìm ung thư ruột đúng hạn kỳ,
bắt đầu từ tuổi 50, dù người bệnh không có triệu chứng gì cả.
Ba phương pháp truy tìm ung thư ruột già cho người bệnh 50 tuổi trở lên là: soi
toàn ruột già 10 năm một lần, hoặc soi đoạn cuối của ruột già 5 năm một lần,
hoặc thử phân hàng năm.
- Soi toàn ruột già
Tốt nhất, chúng ta nên soi toàn ruột già mỗi 10 năm để truy tìm và ngừa ung thư ruột
già.
Soi toàn ruột già giúp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nhìn trực tiếp niêm mạc lót
lòng của toàn thể ruột già, khám phá hầu hết các bướu thịt và ung thư nếu có.
Chiều hôm trước khi soi, người bệnh ăn, uống thuốc xổ để xúc sạch ruột. Khi
soi, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa cho người bệnh ngủ, và đưa một ống soi vào hậu
môn người bệnh, đẩy dần lên để coi, cho đến khi đi hết ruột già từ trái sang
phải. Thấy có chỗ nào trông bất thường, qua ống soi bác sĩ có thể cắt đi đem
thử thịt.
Soi toàn ruột già có thể gây chảy máu hoặc làm rách lòng ruột già với tỉ lệ
1/1000. Vì được cho ngủ, hôm đi soi, người bệnh cần có người chở về, và không
thể đi làm trong cùng ngày.
- Soi đoạn cuối của ruột già (phần ruột già
bên trái) gần về phía hậu môn (ống soi chỉ vào sâu 60 cm), và nếu bình thường,
sẽ làm lại mỗi 5 năm.
Chiều trước ngày soi, người bệnh ăn thức ăn lỏng, và chỉ cần được bơm thuốc vào
hậu môn để đi cầu cho sạch hết phân ngày hôm sau trước khi soi. Thường khi soi,
người bệnh không phải ngủ và có thể trở lại làm việc trong ngày.
Soi có thể khám phá các bướu thịt hoặc ung thư trong phạm vi các vùng được soi.
Việc soi rất ít nguy hiểm, hiếm khi xảy ra chảy máu hoặc rách lòng ruột già.
Soi đoạn cuối của ruột già rẻ hơn soi toàn ruột già , ít nguy hiểm hơn, song
điểm bất lợi nhất của nó là không tìm
được những bướu thịt hoặc ung thư ở phía bên phải của ruột già. Ngoài ra, khi
tìm thấy bướu thịt hoặc ung thư tại những vùng soi, sau đó cũng sẽ phải soi toàn ruột già, vì bướu thịt hoặc ung thư
có thể xuất hiện luôn tại cả những vùng ruột già bên phải.
- Thử phân
Ung thư ruột già hay gây chảy máu ít một, mắt chúng ta thường không nhìn thấy,
song thử phân có thể khám phá thấy máu trong phân.
Vị nào không thích truy tìm ung thư ruột già bằng hai phương pháp kể trên, có
thể thử tìm máu trong phân hàng năm. Thử thấy có máu trong phân, cần soi toàn
ruột già tìm ung thư.
Tuy nhiên, phương pháp truy tìm bằng thử phân kém nhất, không mấy chính xác, do
các bướu thịt trong lòng ruột già hiếm khi chảy máu nên trắc nghiệm hay ra âm
tính (không thấy có máu), ngược lại, nhiều trường hợp trắc nghiệm dương tính
(thấy có máu), nhưng thực ra vì những nguyên nhân khác không phải ung thư,
chẳng hạn như trĩ.
Trên là ba phương pháp truy tìm ung thư ruột già từ tuổi 50 cho người bình
thường, không có triệu chứng, thực hiện trong các tổ hợp y tế. Với các vị có
những yếu tố quan trọng dễ đưa đến ung thư ruột già (có người thân trong gia
đình bị ung thư ruột già, bệnh viêm ruột, …) tùy trường hợp, bác sĩ sẽ đề nghị
truy tìm sớm hơn so với người thường.
Soi
ruột già vừa cứu mạng chúng ta, vừa tiết kiệm tiền cho hệ thống y tế chúng ta
đang hưởng. Mà cũng chẳng phải tiền gì của hệ thống y tế, nhưng chính tiền của
những người công dân cần cù đi làm đóng
thuế.
Cũng xin nhớ, trong lãnh vực sức khỏe, một lời khuyên vô ý thức có thể gây hại,
thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người thân chúng ta. Chớ nên khuyên người
kiểu, "Chị không có triệu chứng gì, đi soi ruột già làm chi, bác sĩ chỉ vẽ
chuyện", song nên khuyên, “Chuyện sức khỏe, chị hỏi ý kiến bác sĩ, còn chị
hỏi chuyện bếp núc, làm vườn, mua hột xoàn, tui chỉ chị”. Lời nói chúng ta nên
thận trọng, nhất là trong những địa hạt chuyên môn mình không rành.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét