17 tháng 12, 2013

Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?


 "Hiến pháp Mỹ là bản hiến pháp nổi tiếng nhất và lâu đời nhất với trên 200 năm lịch sử, trong khi các bản Hiến pháp hiện nay của Pháp, Đức, Nhật, Nga đều là những bản Hiến pháp mới mẻ và có thời gian tồn tại chưa lâu.Tôi muốn hiểu tại sao và do đâu nước Mỹ lại có được sự ổn định đó?” - Dịch giả Nguyễn Cảnh Bình.

Cùng với niềm say mê đặc biệt về hiến pháp của mình, dịch giả đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về sự ra đời của Hiến pháp Mỹ, như một lời lý giải cho rất nhiều người có cùng mối băn khoăn.
Vậy Hiến pháp Mỹ đã được làm ra như thế nào? Nó được làm ra trong những cuộc tranh luận nảy lửa tưởng như không có lối thoát và những mối bất đồng sâu sắc, bởi những bộ óc vĩ đại có một không hai trong lịch sử, và bằng một tinh thần mà người ta khó có thể tìm một tính từ nào thay thế ngoài cách gọi – “tinh thần Mỹ”.
Đó là sự tôn trọng đặc biệt lẫn nhau, thừa nhận những quan điểm hoàn toàn khác biệt, chấp nhận và cùng thỏa hiệp để đi tới lợi ích chung cuối cùng.
Tranh luận
Quá trình hình thành nên bản Hiến pháp là quá trình các đại biểu đề xuất phương án – mọi người đều có quyền bày tỏ tối đa chính kiến của mình, dù là hoàn toàn khác biệt – bỏ phiếu và đi đến thống nhất.
  Người đọc có thể tìm thấy trong cuốn sách những lập luận trái ngược nhau về “Phương án Virginia” và “Phương án New Jersey” – các mô hình nhà nước liên bang được đề cử, về sự bình đẳng của các tiểu bang tại Quốc hội, nguyên tắc của nền cộng hòa, bầu chọn, nhiệm kỳ và sự tái cử của Tổng thống...
Đọc qua những cuộc tranh luận này, cảm nhận được “tinh thần Mỹ” trong việc thể hiện quan điểm cá nhân và nguyên tắc đi đến đồng thuận, độc giả có thể tự kiến giải vì sao người Mỹ lại có thể đưa ra một mô hình nhà nước “ít khiếm khuyết nhất” vào giai đoạn lịch sử sống còn như vậy.
Lịch sử phải thừa nhận những bộ óc tham gia Hội nghị lập hiến là vĩ đại. Nhưng làm thế nào để những sự vĩ đại có thể “cộng lại” được với nhau? – Đó mới chính là điều làm nên sức mạnh và thành công của Hội nghị này.
“Những người con của thánh thần”
Hội nghị Lập hiến được triệu tập ngày 25 tháng 5, 1787, trong một bối cảnh những người dân Mỹ vừa trải qua một cuộc chiến tranh kéo dài, cam go và tàn phá, chỉ vừa mới bắt đầu giai đoạn phục hồi kinh tế từ đống đổ nát. Những kích động chính trị đã trở nên không thể kiểm soát được. Tư tưởng phe cánh, bè phái, chủ nghĩa địa phương… Trong tâm trí nhiều người, cuộc sống, sự tự do và thịnh vượng không hề được đảm bảo.
55 đại biểu có mặt tại cuộc họp là những nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước, những người thông minh, kiệt xuất và có uy tín lớn lao. Thomas Jefferson, người sau này là Tổng thống thứ ba với 2 nhiệm kỳ của nước Mỹ, đã viết: “Đó thực sự là cuộc quần tụ những người con của thánh thần”.
Tướng Tổng tư lệnh Washington làm chủ tọa Hội nghị, không hề có một bài tranh luận nào, nhưng chỉ riêng sự có mặt cùng với uy tín to lớn của ông cũng đủ để mang lại một không khí trang nghiêm và bảo đảm sự thành công trong Hội nghị.
Hầu hết các đại biểu đều là những cá nhân kiệt xuất – một thế hệ tài năng, quả cảm, thông minh và chính trực mà nhân dân Mỹ sau này gọi là những người cha lập quốc.
Rất nhiều người trong số họ còn rất trẻ, 20 người dưới tuổi 40. “Cha đẻ bản Hiến pháp” James Madison khi đó mới 36 tuổi.
Và những người từ chối kí …
Một trong những điều thú vị bậc nhất mà người đọc có thể tìm kiếm trong cuốn sách này, là ba chính khách xuất sắc Gerry, Randolph và Mason – những người có công lớn trong sự hình thành bản Hiến pháp này, lại từ chối kí.
Nhưng ngay cả trong hành động từ chối đó, cũng có lý do của một người có trách nhiệm cao cả đối với dân chúng và đất nước, thể hiện sự mong muốn về một chính quyền tốt đẹp hơn.
“Tôi khinh thường việc giấu giếm các lý do cho việc từ chối đặt chữ kí của tôi” – Edmund Randolph, người đưa ra những nét đầu tiên về chính quyền liên bang viết. Và đây là một trong những lí do khiến ông không đặt bút kí và văn kiện này:
“Nếu kí tên vào bản Hiến pháp này, tôi sẽ không thể đề nghị bất cứ điều sửa đổi nào”. Hay: “Tôi lo sợ về những sai sót trong văn bản này hơn mọi sai lầm lớn lao trong bất kỳ văn bản nào khác vì văn bản này quy định những lợi ích cơ bản nhất của chúng ta… Nếu kí tên vào văn bản này, tôi sẽ phản bội lại mọi điều tôi từng mong ước”.
Nhưng bản thân Hiến pháp không phải là quan trọng nhất
Ngày 17 tháng 9, 1787, cho đến tận giờ phút được thông qua, văn kiện này vẫn còn là nỗi băn khoăn giữa chính “những người cha đẻ”.
Bài phát biểu của Benjamin Franklin trong ngày ký kết bản Hiến pháp mở đầu bằng đoạn: “Tôi thừa nhận rằng lúc này, có nhiều điểm trong bản Hiến pháp này, tôi không thể chấp nhận. Nhưng tôi không chắc rằng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận nó. Tôi đã sống đủ lâu để hiểu rằng chúng ta không nên dựa quá nhiều vào sự phán xét của chính bản thân mình”.
Và: “Tôi đồng ý với bản Hiến pháp này với mọi lỗi lầm nếu có, bởi tôi nghĩ rằng chúng ta cần một chính quyền chung".
Nhưng cuối cùng, bản thân Hiến pháp Mỹ không phải là một điều quan trọng nhất. Điều quan trọng là, nước Mỹ đã vận hành nó trong “trạng thái kế thừa” trong suốt hơn 200 năm qua. Nó được gìn giữ không phải bởi vì nó toàn bích, mà bởi vì người Mỹ đã sử dụng nó với một tinh thần, mà ta khó lòng tìm được một từ tính từ nào thay thế - tinh thần Mỹ.
Tinh thần đó, độc giả có thể cảm nhận được bắt đầu từ cuốn sách này – “Hiến pháp Mỹ đã được làm ra như thế nào?”

Tên sách: HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO?

Dịch và giới thiệu: Nguyễn Cảnh Bình
Nguồn: Nxb Tri thức &
http://luatminhkhue.vn/hoi-dap/hien-phap-my-duoc-lam-ra-nhu-the-nao-.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét