5 tháng 5, 2014

" Nguyễn Đức Cần - Nhà văn hóa tâm linh " _ Thân thế và cuộc đời – Phần 2

" Nguyễn Đức Cần - Nhà văn hóa tâm linh "
__________________________

Thân thế và cuộc đời – Phần 2

Cụ Nguyễn Đức Nhuận đẹp duyên cùng cụ Hoàng Thị Khế là một người con gái thứ ba của một gia đình mang dòng họ Hoàng Văn ở làng Đại Yên – Hà Nội. Cụ sinh năm Ất Dậu , đời vua Hàm Nghi năm thứ 2 ( 1885) và mất ngày 8 tháng 6 năm 1945 tức ngày 28 tháng 4 năm Ất Dậu đời vua Bảo Đại năm thứ 20.

Làng Đại Yên xưa là một trại trồng cây thuốc nam và cũng trồng rất nhiều loại hoa hồng bạch ở phía tây thành cũ Hà Nội. Đây là nơi sinh sống của nhiều dòng họ. Riêng họ Hoàng lại có hai dòng là họ Hoàng Văn và họ Hoàng Hữu. Nhưng có lẽ dòng họ Hoàng Văn là dòng họ to nhất làng, chiếm non nửa số dân đinh trong làng.Ngôi nhà thờ tổ họ Hoàng Văn, nay vẫn còn ở tại số nhà 89 làng Đại Yên. Trong đó bức hoành phi có ghi bốn chữ đại tự “Tiên tổ họ Hoàng” và người trong họ Hoàng Văn vẫn tự hào là còn lưu giữ được bức chân dung của cụ tổ bằng khảm trai đã có từ hàng trăm năm, nay vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp.
Ngay từ thuở nhỏ, người con gái làng hoa ấy đã làm quen với công việc vườn tược, đồng áng. Ngày đó quanh vùng thập tam trại hãy còn những ruộng lúa xanh rì bát ngát, những vườn tược mênh mông gió thổi, những ao hồ uốn lượn nước trong xanh. Khi đến tuổi trăng tròn, trên đôi vai bà đã tòng teng đôi quang gánh, những gánh hàng thuốc nam, cái nghề truyền thống lâu đời của dân làng, có từ khi vua Lý mở mang kinh thành.
Hai cụ sinh hạ được năm người con. Người con gái đầu, là cô Nhuần hay còn gọi là cô Chín, vì cô mất lúc mới được chín tuổi. Dân làng kể rằng cô rất xinh đẹp và nết na.Sau cô Chín là ba đốt con trai, nhưng các cậu đều bỏ đi từ sớm.
Đêm 30 Tết Kỷ Dậu (1909), niên hiệu Duy Tân thứ 3, Cụ Hoàng Thị Khế sinh lần thứ năm là con trai, đặt tên là Nguyễn Đức Cần.
Các cụ già trong làng kể lại rằng : Khi bà cụ Khế sinh người con trai thứ năm này vào đêm 30 Tết , thì đêm hôm ấy trời bỗng sáng trưng như có trăng rằm. Phải chăng đó là một điềm lành báo rằng , có một bậc kỳ tài xuất thế để ra giúp đời.
Ngày bà về làm dâu nhà họ Nguyễn, tuy cùng là cảnh nghèo nhưng cũng được tiếng thơm là con dâu nhà cụ đồ.Bà một lòng một dạ gánh vác giang sơn nhà chồng, để chồng chí thú làm ăn.Đến khi người chồng công đã thành, danh đã toại, ngày đêm xe ngựa dập dìu nơi kinh thành phồn hoa, bà vẫn mặc lòng ở lại làng xưa. Dù nghèo đói một mẹ một con dưa muối nuôi nhau.
Suốt cả cuộc đời , bà đã tận tụy làm việc lao đông, hy sinh vì con và cũng chính bà đã khơi nguồn cho con đường đi sau này của người con trai mà bà hằng yêu dấu.
Sử xưa thường nói nhiều về những danh nhân, những vị tướng oai hùng …, mà đôi khi lãng quên đi những người mẹ vĩ đại của họ.
Người Mẹ Việt chân chất, giản dị như hạt lúa, củ khoai, như làn gió mát trưa hè, như ánh lửa ấm nồng trong đêm đông giá lạnh…Mẹ đã nuôi ta bao tháng ngày đắng cay vất vả.
Thật đúng là ;
Mẹ ta lòng thành thực
Thương con chẳng chút ngơi
Nhả ngọt nào có tiếc
Ăn đắng nói cùng ai
Yêu dấu như vàng ngọc
Nâng niu tay chẳng rời
Những mong con no ấm
Mẹ đói rách cũng vui
Bà cụ Khế cũng giống như bao bà mẹ nơi thôn quê đất Việt
Lòng mẹ thương con như nước nguồn chảy mãi.


Nguyễn Tài Đức
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét