6 tháng 5, 2014

" Nguyễn Đức Cần - Nhà văn hóa tâm linh " _ Thân thế và cuộc đời - Phần 13

" Nguyễn Đức Cần - Nhà văn hóa tâm linh "
__________________________

Thân thế và cuộc đời - Phần 13


Cụ Nguyễn Đức Cần từng nói : Đời tôi sống hơn 70 năm trời chịu bao nhiêu đau khổ , cay đắng, mà tôi vẫn chịu được để làm việc cứu đời .
Thời kỳ những năm 1955 – 1956 là những năm cụ và gia đình gặp phải những nạn lớn.

Sau khi, cụ có đứa cháu nội đầu tiên được ít ngày thì người con trai trưởng của cụ là ông Nguyễn Đức Mẫn gặp nạn đột ngột qua đời, cũng trong thời gian đó ở miền bắc tiến hành cải cách ruộng đất. Cụ bị mang ra đình làng đấu tố, lúc đầu cụ bị quy kết là địa chủ, nhưng ruộng đất nhà cụ không có nhiều, lại không bóc lột, thuê mướn ai, vì chính cụ lao động hai nắng một sương ,cày cuốc chăm lo vườn tược rau màu .Sau họ lại chuyển sang quy cụ là phản động thân Pháp , nhưng cụ không tham gia tổ chức phản động nào, ngoại trừ lúc tham gia cách mạng tháng 8, nhưng cụ cũng không khai báo thành tích lúc kháng chiến và những đồng chí cùng hoạt động lúc đó , người thì hy sinh, người thì bận công tác ở xa.
Bà Nguyễn Thị Chuyên, con gái lớn của cụ kể : Ngày địch tạm chiếm Hà Nội, thầy tôi vẫn hoạt động bí mật trong thành . Một hôm lính Pháp vây bắt, mấy người Việt Minh chạy trốn vào nhà tôi, thầy tôi chỉ cho họ nấp sau vườn nhà và sai tôi đứng canh ở cửa bếp , còn ông cụ đứng ở cửa nhà trên. Khi tốp quân Pháp sộc vào nhà , cụ mời họ vào uống rượu và nói chuyện . Trong toán lính Âu Phi đó có viên chỉ huy biết cụ , vì cụ đã chữa khỏi bệnh cho vợ anh ta. Toán lính uống rượu xong thì đi ra , không lục soát gì hết, thế là mấy người cán bộ kia thoát chết. Thế mà khi cải cách, chính họ lại đứng ra tố cáo cụ là phản động thân Pháp . Thật là làm ơn mắc oán.Cụ bị kết án bẩy năm tù và bị đưa đi lao động tại trại Đá Bàn, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Bà Chuyên kể lại : Khi ông cụ bị đi trại, tôi mới 18 tuổi, tôi cùng đi với hai bà vợ địa chủ lên thăm . Chúng tôi đi xe hỏa đến Yên Bái, rồi phải đi xe ngựa mất một ngày mới đến trại . Hai bà đi cùng, đến thì được gặp ngay người nhà , còn tôi phải chờ, vì ông cụ phải đi lao động mãi tận trong rừng sâu.
Được hai ngày , thì hai bà kia đòi về, vì thấy ở lại đây buồn quá, người chết , người khóc vì tù đày rừng thiêng nước độc . Tôi phải chắp tay xin , nói với họ chờ thêm một ngày nữa. Đến ngày thứ ba, mãi đến hai giờ chiều thì hai bố con mới được gặp nhau . Khi tôi được gặp ông cụ, cả hai bố con đều khóc . Tôi thương ông cụ quá , người gầy và đen lắm , họ chỉ cho gặp 15 phút, thấy tôi mang theo nón cụ bảo : Cho thầy chiếc nón để đội đi lao động .Đồ tiếp tế thì có gì đâu, chỉ có vài cái bánh mỳ và một ít muối vừng thôi .Ông cụ chỉ hỏi qua vài câu, tôi thì nghĩ vẩn vơ, cụ bị tù bẩy năm chắc gì còn sống mà trở về với gia đình , bao nhiêu người trẻ khỏe mới lên, mà đã chết ở nơi rừng thiêng nước độc này.
Sau này vào năm Canh Thân 1980 , có một gia đình bệnh nhân mang lên biếu cụ năm con khỉ vàng đang chắp tay lễ, bằng sứ, bé bằng ngón tay út , cụ cho gắn lên hòn non bộ trong sân nhà và cụ kể lại câu chuyện : Hồi ở trại , lúc cụ ngồi ăn bánh mỳ ở bên một dòng suối trong rừng vắng thì có một lũ khỉ đứng chầu ở trước mặt, cụ dành một mẩu bánh mỳ bẻ cho chúng, kỳ lạ thay , trước khi nhận mẩu bánh , lũ khỉ đó lại biết chắp tay lễ cụ . Cụ bảo : À , con vật mà lại biết chắp tay là vậy .

Nguyễn Đức Tài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét