6 tháng 5, 2014

" Nguyễn Đức Cần - Nhà văn hóa tâm linh " _ Thân thế và cuộc đời - Phần 5

" Nguyễn Đức Cần - Nhà văn hóa tâm linh "
__________________________

Thân thế và cuộc đời - Phần 5

Không biết có bao tháng ngày thầy trò họ sống cách biệt ở trên núi , nhưng đến một hôm , vị Thầy bảo cậu : Thôi thế là đủ , đã đến ngày Thầy trò ta xuống núi.

Họ ngược sông Đà để đến vùng Thác Bờ , Hòa Bình . Sông Đà bắt nguồn từ Vân Nam chảy qua Lai Châu , qua rất nhiều thác ghềnh , đến Sơn La thì sông uốn khúc , rồi lại chạy thẳng xuống Hòa Bình , đến đây lòng sông đã mở rộng và đỡ hung dữ hơn.
Hai thầy trò dừng chân ở vùng Chợ Bờ , Hòa Bình . Nơi đây có rất nhiều hang động sâu, nhiều tầng, thạch nhũ muôn hình lung linh soi bóng nước. Họ sống trên sông cùng những người đánh cá . Ở đây cậu học cách chèo thuyền , chống mảng làm quen với cuộc đời sông nước.
Đúng là : 
Xa quê, thân phận lênh đênh
Cưỡi bè vượt mọi thác ghềnh bao la
Dốc lòng tu đạo phương xa
Quyết tâm chẳng ngại nề hà khó khăn
Đêm đêm , Thầy truyền cho cậu phép hấp thụ Tuệ quang . Thầy dạy : Trên trời có mặt trời, mặt trăng và muôn vàn tinh tú gọi là Văn. Dưới đất có núi , sông, gò , hốc gọi là Lý . Do vậy địa lý ứng với thiên văn
Cứ như thế , vào những đêm trời quang , thầy trò nằm kiểm đếm các vì sao . Thầy dạy : có bẩy vị sao thất chính là Thái dương , Thái âm , sao Thủy , hỏa, mộc , kim , thổ , lại còn có nhị thập bát tú định vị ở bốn phương . Phương đông là chòm sao Thanh Long có bẩy vị : Giác , Cang , Đê , Phòng , Tâm , Vĩ , Cơ . Phương nam là Chu Tước có bẩy vị : Tỉnh , Quỷ, Liễu , Tinh ,Trương ,Dực, Chẩn . Phương Tây là Bạch Hổ cũng có bẩy vị :Sâm, Chủy , Tất , Mão ,Vị, Lâu, Khuê . Phương bắc là Huyền Vũ có bẩy vị : Đẩu ,Ngưu ,Nữ , Hư, Nguy , Bích , Thất .
Xem dải Ngân Hà , khi thấy có ngôi sao nào qua sông, ngôi sao nào mới mọc lên, ngôi nào sắp mất , thì ứng với điều gì ở chốn nhân gian.
Được Thầy tận lòng giảng giải như vậy , cậu càng thấy vũ trụ thật bao la và tâm trí cậu cảm thấy như được bay bổng cùng với trời mây.
Một hôm , thầy lại bảo cậu rằng : Chúng ta lại lên đường thôi.
Đứng ở phía chợ Bờ , nhìn về miền Tây bắc , cậu không ngờ rằng trên đỉnh của những dãy núi xa kia lại có những vùng bằng phẳng , những cao nguyên rộng lớn. Họ đi qua suối Rút , từ giã bản cuối cùng của Hòa Bình rồi leo đèo để lên cao nguyên Mộc Châu , ngày ấy toàn thấy một vùng cỏ tranh hoang vu , nhưng khí trời nơi đây thật mát mẻ , dễ chịu 
.Năm 1895 tỉnh Vạn Bú được thành lập, tỉnh lỵ đặt tại Pá Giang bên bờ sông Đà. Đến năm 1904, người Pháp chuyển tỉnh lỵ về Sơn La và đổi tên tỉnh Vạn Bú thành tỉnh Sơn La. Đến Sơn La , thầy trò lại vượt đèo Pha Đin để sang Lai Châu .Có đến đây mới thấy cảnh núi non hùng vĩ , núi cao ngất trời , trùng trùng điệp điệp , các bản chiềng trở nên thưa thớt , xa xa thấp thoáng những nếp nhà sàn, cả ngày họ chẳng gặp một bóng người, ven đường những cây hoa trạng nguyên nở đầy hoa đỏ rực ,những bông hoa lau màu trắng bạc đung đưa như đang reo trong gió núi, mây ngàn in lên nền trời xanh thẳm, vẽ lên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp .
Thật là:
Núi cao hùng vĩ ngất trời
Sườn non hoa nở đẹp tươi muôn phần

Thầy trò họ cứ đi mãi , đi mãi và sang đến vùng thượng Lào
Sau này, cụ Nguyễn Đức Cần kể lại : Ngày ấy sang bên thượng Lào,trong rừng sâu , cụ có gặp một ngôi đền thiêng thờ Đức Lê Sơn thánh mẫu và cụ đã ở lại nơi đó tu một thời gian.
Không ai biết Thầy trò họ đã còn đi những nơi đâu ,và đã trải qua bao nhiêu mùa hoa Ban, hoa Mận.
Đến một ngày kia , vị Thầy bảo cậu rằng : Đã đến lúc con phải trở về nhà, mẹ con đang mong nhớ từng ngày.
Cuộc chia tay thật là bịn rịn. Thầy dặn rằng: Nay con đã đủ sức tự lập , nhưng lúc nào khó khăn , ta vẫn ở bên con.
 
Qua sông Đà

Sau những tháng năm gian khổ, cùng người Thầy đi rất nhiều nơi và sống ở những vùng núi cao rừng thẳm, chàng trai Nguyễn Đức Cần đã từ biệt người Thầy của mình để trở về quê nhà. Ngày nào năm xưa, khi ra đi còn là một cậu bé, nay trở về đã là một chàng trai khôi ngô tuấn tú. Cuộc chia tay thật là bịn rịn, Thầy dặn rằng :
-Nay con đã đủ sức tự lập, nhưng lúc nào khó khăn, ta vẫn ở bên con.
Cậu thưa hỏi : Thầy sẽ đi đâu. Người Thầy nói rằng : Ta là người tự do như gió trời, đâu có duyên lành là ta sẽ đến.
Con đường trở về cố hương dường như thấy gần hơn. Một tối, cậu đã đến bên này sông Đà và ngủ tạm qua đêm trong túp lều cá ven sông để chờ thuyền sang chợ Bờ.
Theo sử sách ghi lại, tỉnh Hoà Bình được thành lập ngày 22 tháng 6 năm 1886 theo nghị định của Kinh lược Bắc Kỳ với tên gọi là tỉnh Mường. Tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Chợ Bờ, thuộc châu Đà Bắc, nên cũng gọi là tỉnh Chợ Bờ.
Sau chuyển về Phương Lâm rồi chuyển tên thành tỉnh Phương Lâm. Đến tháng 3 năm 1891, lại đổi tên tỉnh Phương Lâm thành tỉnh Hoà Bình. Chợ Bờ (hay còn gọi là phố Bờ) nằm ở hạ lưu của Thác Bờ, trên một triền đồi đã trở thành huyện lỵ của huyện Đà Bắc.
Chợ Bờ là nơi đã ghi dấu chân vị vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi). Sau khi đem quân lên chinh phạt giặc cỏ Đèo Cát Hãn trở về năm 1432, cảm hứng trước thế núi, dáng sông người anh hùng đã rút gươm phạt đá đề thơ ngay bên ghềnh đá Thác Bờ. Năm 1982, khối đá khắc ghi bài thơ này đã được chuyển về lưu giữ tại Bảo tàng Hoà Bình trước khi Thác Bờ ngập chìm sâu dưới hàng trăm mét nước. Xưa kia sông Đà vô cùng hung dữ và nguy hiểm như một chú ngựa bất kham với nhiều thác nhiều ghềnh đá. Từ Thác Bờ trở về xuôi thì hết ghềnh, hết thác.
Đây là nơi thuỷ phận cuối cùng của thác đá sông Đà, cảnh núi non sông nước nơi đây với những khối đá nhọn hoắt nhấp nhô giữa dòng sông chảy xiết bọt tung trắng xóa, và những dãy núi trập trùng chạy tít về phía xa mờ, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên thật hùng vĩ.
Có câu ca rằng :
Non xanh ngắt trăng lồng ánh khúc
Nước sông Đà bến ngọc lung linh

Ngày xưa chợ Bờ chỉ họp theo phiên, một tuần họp một buổi, phiên chợ họp lênh đênh dưới dòng sông Đà, trên bờ chỉ lèo tèo vài quán hàng với những dãy phố nhỏ. Thời gian chợ họp cũng rất ngắn ngủi. Bắt đầu từ lúc 6 giờ sáng, đến khoảng 9 - 10 giờ sáng thì chợ tan.
Sáng sớm hôm sau, khi cậu trở dậy ra bến sông, thì trời vẫn còn chưa sáng rõ. Bấy giờ đã là độ thu sang, khí trời hơi se lạnh, bến sông thật đìu hiu vắng vẻ, chẳng có tiếng gà gáy, chó sủa như những miền sông quê vùng đồng bằng, chỉ nghe thấy tiếng lũ vượn hót trên những dãy núi cao mờ xa vọng lại.
Chờ một lúc thì có thuyền đến, mọi người lục tục mang hàng lên thuyền, thì ra hôm nay là phiên chợ họp. Mấy người đàn bà người Dao, người Mèo gùi những thổ sản của vùng Vầy Nưa, Hiền Lương, Vạn Yên, Phù Yên, Châu Mộc... họ mang những sản vật của địa phương như chuối, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, mật ong, lợn Mường, lợn Mán và gánh thuốc rừng lên con thuyền độc mộc, để mang đến phiên chợ Bờ. Nước sông Đà trong xanh và mát lạnh, ngồi trên thuyền hình ảnh quê hương yêu dấu cứ hiện dần ra trong tâm trí cậu, con đường làng chạy từ cổng nhà cậu đến ngôi đình làng đã in bao dấu chân, hình ảnh người mẹ lúc tiễn đưa cậu ra đi nơi cổng làng năm nào, khi mẹ quay đi lén đưa vạt áo khẽ chùi giọt nước mắt. Cậu thầm nghĩ : Mẹ ơi! Con muốn làm đôi cánh chim để bay về ngay với mẹ…..
Chợt, cậu thấy chiếc thuyền bỗng dừng lại. Gã lái thuyền bỏ chiếc nón rách đội trên đầu xuống, lúc bấy giờ trời đã sáng rõ, cậu trông thấy bộ mặt gã lái đò thật gớm ghiếc với đôi mắt hung dữ sắc lạnh. Gã chống sào giữa sông rồi dở giọng đòi tiền đò. Mấy người đàn bà lao xao nói rằng, tiền đã thu ngay lúc xuống thuyền rồi, sao còn đòi gì nữa. Gã lái trâng tráo nói : Lúc nãy là tiền xuống thuyền, bây giờ là tiền qua sông. Mấy người trên thuyền lại lao nhao nói, lạ đời làm gì lại có chuyện đi thuyền phải trả hai lần tiền như thế. Gã lái đò, phanh áo ngực, vớ lấy chai rượu tu một hơi, giọng lè nhè : Thế thì đến trưa ông mới qua sông. Đến trưa mới qua sông thật à, thế thì còn bán hàng cho ai, vì chỉ 10 giờ sáng thì chợ đã tan phiên rồi. Mấy ngườì trên thuyền đành bảo nhau mau đưa tiền cho hắn để còn kịp phiên chợ. Thật là chẳng may hôm nay gặp phải quân cướp ngày. Gã lái đắc ý lần lượt thu tiền từng người. Cậu thấy thương cho những con người lam lũ kia quá, cậu muốn đứng lên tóm cổ tên lái thuyền kia mà quẳng xuống sông, nhưng bây giờ thuyền còn đang ở giữa dòng, mà trên thuyền toàn là đàn bà con trẻ, nếu đắm thuyền thì làm sao đây...
Thế rồi, con thuyền chở mọi người cũng cập bến chợ, những người trên thuyền tất tả mang hàng lên bờ. Gã lái kéo mũi con thuyền độc mộc ghếch lên bờ, rồi đi lên dốc chợ. Cậu tiến đến bảo hắn ta : Ông mau trả lại tiền đò thu thêm lại đi. Gã lái thuyền trợn đôi mắt nhìn tròng trọc vào chàng trai, hắn bảo : Mày là thằng Mán, Mường ở đâu ra, ông không trả thì mày làm gì.
Chẳng để đợi lâu, cậu tiến đến chiếc thuyền và nói : Hãy xem đây. Không hiểu với sức mạnh nào mà chàng thanh niên ấy, hai tay bỗng nâng bổng chiếc thuyền lên và nghe rầm một tiếng, chiếc thuyền đã vỡ tan thành mấy mảnh. Tên lái thuyền sau phút sững sờ, nhưng với bản tính hung ác, hắn chạy đến chỗ mấy người đang bán mía, giằng lấy con dao chặt mía đuổi theo chàng trai. Lúc này, cả chợ vừa chứng kiến sự việc vừa xảy ra, khi thấy tên hung đồ kia vác dao đuổi theo, thì mọi người đều lo sợ án mạng sẽ xảy ra, có tiếng người nào hét lên bảo cậu mau chạy đi, nhưng chàng trai vần thản nhiên đều bước như không có chuyện gì. Tên lái thuyền đã đuổi kịp chàng trai. Người ta nhìn thấy hắn vung dao đến nhoáng một cái và một người ngã gục xuống. Nhưng khi mọi người định thần nhìn lại thì hóa ra người nằm dưới đất lại là gã lái thuyền, còn con dao thì văng một quãng xa.
Vừa lúc đó có chuyến xe ngựa đến đón khách về xuôi. Cậu bước lên xe và lúc đó đã đông người, người chủ xe liền đánh ngựa rời bến. Ngồi trên xe, khi quay người nhìn lại, cậu thấy gã lái kia đang lồm cồm bò dậy, nhưng cánh tay mà hắn cầm dao lúc trước thì buông thõng như chiếc tàu lá chuối khô. Hắn đã trở thành một kẻ tật nguyền suốt đời.
Sau này, khi nhắc lại câu chuyện phi đạo phạt kẻ ác lúc trẻ này, cụ Nguyễn Đức Cần nói : Khi tôi xuống núi, thầy tôi có dạy, không được thù ghét ai, nếu thù ghét thì nguy hại lắm, lúc trẻ tôi có phi đạo phạt một hai trường hợp, họ bị hại ghê gớm lắm, mà tôi đã phi đạo phạt họ thì không cứu được nữa, cho nên mình phải chịu nhục mới cứu đời được.
Đó là bài học cuộc đời mà cụ tự răn mình như vậy.

Nguyễn Tài Đức 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét